Trám răng xong bị đau nhức nguyên nhân do đâu?

Trám răng xong bị đau nhức là phản ứng thường gặp do nướu, răng chưa kịp thời thích nghi với vật liệu hàn trám. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cơn đau có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng miếng trám bị dư thừa, hở, bong bật do sai sót khi hàn trám và chăm sóc không đúng cách.

đau nhức sau khi trám răng
Đau nhức sau khi trám răng là tình trạng khá phổ biến có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

Đau nhức sau khi trám răng – Nguyên nhân do đâu?

Hàn răng (trám răng) là thủ thuật nha khoa được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như sâu răng, viêm tủy răng, răng nứt, mẻ, răng thưa, chân răng ngắn hơn so với các răng còn lại,… Phương pháp này sử dụng vật liệu chuyên dụng để phục hồi hình dáng và màu sắc vốn có của răng.

Trám răng vừa có tác dụng điều trị vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Chính vì vậy, thủ thuật này được áp dụng rất phổ biến cho cả trẻ em và người trưởng thành. Ngoài ra trong một số trường hợp cần thiết, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng có thể hàn trám răng trong trường hợp cần thiết.

So với các phục hình khác như dán sứ Veneer, bọc răng sứ và cấy ghép Implant, trám răng có quy trình đơn giản và chỉ mất từ 1 – 2 buổi hẹn. Vì không mài răng thật và không xâm lấn mô nướu nên sau khi hàn trám, bạn không phải kiêng cữ quá mức khi ăn uống và sinh hoạt. Mặc dù vậy, răng có thể bị ê buốt và đau nhức nhẹ sau khi trám răng.

Tình trạng trám răng xong bị đau nhức có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

1. Do răng, mô nướu chưa kịp thích nghi

Trám răng sử dụng vật liệu chuyên dụng để bù lấp và phục hồi các mô răng bị phá hủy, hư tổn. Chính vì vậy, răng và nướu thường có hiện tượng đau nhức, ê buốt nhẹ trong khoảng vài ngày do chưa kịp thời thích nghi.

đau nhức sau khi trám răng
Hàn trám sử dụng vật liệu nhân tạo để phục hồi các mô răng bị khiếm khuyết nên răng, nướu cần một thời gian để thích nghi hoàn toàn

Tuy nhiên, mức độ đau sau khi hàn trám răng thường không đáng kể. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau 1 – 2 ngày. Ngoài đau nhức, răng cũng có thể bị ê buốt trong quá trình ăn uống – nhất là khi dùng thức ăn nóng, lạnh và chua.

2. Trám răng xong bị đau nhức do sai sót của bác sĩ

Trong một số trường hợp, răng có thể bị đau nhức sau khi hàn trám do các sai sót của bác sĩ trong quá trình thực hiện. Các sai sót có thể gặp phải khi hàn trám răng:

  • Không điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa: Hàn trám răng thường được chỉ định trong trường hợp sâu răng và viêm tủy răng. Tuy nhiên trước khi trám, bác sĩ sẽ nạo bỏ phần men răng, ngà răng bị sâu và lấy tủy răng trong trường hợp cần thiết. Nếu không điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa trước khi hàn trám, răng có thể bị đau nhức sau khi thực hiện. Mức độ đau sẽ tăng dần lên theo thời gian nếu không tiến hành các biện pháp khắc phục.
  • Miếng trám chênh, cộm: Tình trạng trám răng xong bị đau nhức cũng có thể xảy ra do miếng trám bị chênh, cộm (thường do bác sĩ mài miếng trám không đúng kỹ thuật). Phần trám răng bị cộm sẽ tạo ra ma sát với niêm mạc miệng dẫn đến cảm giác đau rát. Ngoài ra, miếng trám bị cộm còn gây ra khó khăn trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.
  • Chế tác miếng trám quá lớn: Trong trường hợp trám răng Inlay/ Onlay, miếng trám sẽ được chế tác ở bên ngoài, sau đó mới tiến hành gắn vào phần mô răng bị hư hại, tổn thương. Tuy nhiên nếu chế tác miếng trám quá lớn, răng có thể bị đau nhức và ê buốt khi ăn uống. Tương tự như tình trạng miếng trám chênh cộm, miếng trám quá lớn cần được xử lý sớm để tránh cảm giác khó chịu khi ăn uống và sinh hoạt.

Những sai sót xảy ra trong quá trình hàn răng cần phải được xử lý sớm để tránh biến chứng. Bên cạnh cảm giác đau nhức và ê buốt, tình trạng miếng trám chênh, hở còn là nguyên nhân gây viêm tủy răng và gia tăng nguy cơ gặp phải nhiều bệnh lý nha khoa khác.

3. Do chăm sóc răng miệng không đúng cách

Chăm sóc răng miệng không đúng cách cũng là nguyên nhân gây đau nhức sau khi hàn trám. Miếng trám cần khoảng vài ngày để ổn định hoàn toàn. Do đó sau khi mới trám răng, bạn nên chú ý chăm sóc răng miệng đúng cách để tránh xê dịch và bong bật miếng trám.

Nếu không chăm sóc đúng cách, miếng trám có thể bị chênh, cộm và hở. Về lâu dài, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong kẽ hở gây tổn thương ngà răng và tủy răng. Tình trạng trám răng xong bị đau nhức thường bắt nguồn từ những thói quen sau:

đau nhức sau khi trám răng
Chải răng quá mạnh có thể khiến miếng trám bị hở, bong dẫn đến tình trạng đau nhức và ê buốt sau khi hàn trám
  • Ăn uống ngay sau khi hàn trám có thể khiến miếng trám bị xê dịch và chênh, cộm. Thông thường, bạn cần tránh ăn uống sau khi trám khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ để miếng trám được cố định hoàn toàn.
  • Tình trạng đau nhức răng sau khi hàn trám cũng có thể xảy ra do dùng thức ăn cứng, khô, món ăn quá nóng, quá lạnh và chứa nhiều gia vị. Các thói quen ăn uống thiếu khoa học đều ảnh hưởng đến chất liệu keo dính, đồng thời khiến miếng trám giòn, dễ nứt, vỡ và có tuổi thọ kém hơn bình thường.
  • Thói quen dùng răng xé bao bì và cắn những vật cứng cũng là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đau nhức sau khi hàn trám. Ngoài ra, thói quen này còn gia tăng nguy cơ mòn men răng, răng sứt mẻ và suy yếu.
  • Rất nhiều trường hợp đau nhức sau khi hàn trám răng do thói quen nghiến răng khi ngủ. Áp lực trong quá trình nghiến sẽ tạo ma sát lên miếng trám khiến miếng trám lệch và cộm. Ngoài ra, tình trạng này kéo dài còn gây ê buốt do mòn men răng và tăng nguy cơ bị rối loạn khớp thái dương hàm.
  • Đau nhức răng sau khi hàn trám cũng bắt nguồn từ thói quen chải răng theo chiều ngang và đánh răng quá mạnh tay. Tác động từ quá trình chải răng sẽ làm giảm độ bám giữa răng và miếng trám dẫn đến tình trạng trám răng xong bị đau nhức và bị cộm.

4. Dị ứng với chất liệu trám

Trường hợp răng đau nhức sau khi hàn trám cũng có thể xảy ra do dị ứng với chất liệu trám, thường là amalgam. Amalgam là vật liệu trám răng truyền thống bao gồm hỗn hợp thủy ngân, thiếc, bạc, đồng,… Vì chứa hàm lượng thủy ngân cao nên vật liệu này có khả năng dị ứng và nhiễm độc sau một thời gian.

Nếu đau nhức răng có mức độ nặng, kéo dài và đi kèm với một số biểu hiện như răng ê buốt, nướu sưng đỏ, phù nề và chảy máu, bạn nên xem xét về khả năng này. Tình trạng dị ứng với chất liệu trám gặp nhiều ở người có cơ địa nhạy cảm. Do nguy cơ cao nên hiện nay, amalgam ít được sử dụng cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

Trám răng xong bị đau nhức có ảnh hưởng gì không?

Đau nhức là phản ứng thông thường sau khi thực hiện một số thủ thuật nha khoa như hàn trám, nhổ răng, cạo vôi răng,… Tình trạng trám răng xong bị đau nhức thường có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh chỉ sau 2 – 3 ngày mà không cần điều trị.

Tuy nhiên nếu miếng trám bị chênh, cộm và hở, cơn đau có thể kéo dài trong nhiều ngày và thậm chí là tăng dần về mức độ, tần suất. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa những tình huống rủi ro.

Thực tế, chênh, cộm và bung bật miếng trám không chỉ gây đau nhức và ê buốt khi ăn uống mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Cụ thể, tình trạng này làm gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm tủy răng, áp xe răng và nhiều vấn đề nha khoa khác. Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp răng hư hại nặng do bong bật miếng trám không được xử lý kịp thời.

Cách khắc phục tình trạng đau nhức sau khi trám răng

Đau nhức là tình trạng thường gặp sau khi hàn trám. Dù xảy ra do nguyên nhân nào, tình trạng này cũng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và ăn uống. Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bạn có thể xem xét và áp dụng một số phương pháp khắc phục sau:

1. Áp dụng mẹo giảm đau tại nhà

Trong trường hợp răng đau nhức gây khó chịu, bạn có thể áp dụng một số mẹo giảm đau nhanh tại nhà. Các mẹo giảm đau này chủ yếu tận dụng nguyên liệu tự nhiên để làm dịu cơn đau và một số triệu chứng đi kèm nên tương đối an toàn.

trám răng xong bị đau nhức
Có thể cải thiện tình trạng trám răng xong bị đau nhức bằng cách súc miệng với tinh dầu đinh hương pha loãng

Các mẹo giảm đau tại nhà giúp cải thiện tình trạng đau nhức sau khi hàn trám:

  • Ngậm nước muối: Nước muối pha loãng có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn và sát trùng. Vì vậy, bạn có thể ngậm nước muối ấm từ 3 – 5 phút để làm dịu cảm giác đau nhức và ê buốt sau khi hàn trám răng. Bên cạnh đó, thói quen ngậm nước muối còn giúp làm sạch hại khuẩn và loại bỏ mùi hôi có trong khoang miệng.
  • Súc miệng với tinh dầu đinh hương: Tinh dầu đinh hương có vị cay, tê và mùi thơm đặc trưng. Từ lâu, đinh hương đã được sử dụng để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi nhờ hàm lượng tinh dầu cao. Ngoài ra, thảo dược này còn chứa Eugenol có đặc tính sát trùng, gây tê và giảm đau. Để giảm tình trạng đau nhức sau khi hàn trám, bạn nên pha loãng tinh dầu đinh hương với nước ấm. Sau đó, dùng để súc miệng nhiều lần trong ngày nhằm giảm cơn đau cùng với một số triệu chứng đi kèm.
  • Sử dụng thuốc gây tê tại chỗ: Các loại thuốc gây tê tại chỗ chứa Lidocaine và Benzocaine có thể giảm tình trạng đau nhức sau khi hàn trám răng. Nếu có nền răng yếu, răng đau nhức và ê buốt nhiều sau khi trám, bạn có thể sử dụng thuốc từ 2 – 3 lần/ ngày để cải thiện cơn đau.

2. Chăm sóc đúng cách

Sau khi hàn trám, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để miếng trám bám chắc vào răng thật và ổn định hoàn toàn. Ngoài ra, chăm sóc hợp lý còn giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và kéo dài tuổi thọ của miếng trám.

Cách chăm sóc răng sau khi hàn trám răng:

  • Tránh ăn uống từ 2 – 3 giờ sau khi hàn trám răng. Sau thời gian này có thể ăn uống như bình thường nhưng cần tránh dùng thức ăn cứng, khô và dai.
  • Hạn chế đồ uống và thức ăn chứa nhiều axit, cồn, thức ăn quá nóng và quá lạnh. Nhiệt độ, cồn và axit có thể làm giảm độ bền của miếng trám, tăng nguy cơ gặp phải tình trạng miếng trám bị cộm, hở và bung bật sau một thời gian ngắn.
  • Uống nhiều nước và bổ sung rau xanh, trái cây để ngăn ngừa hình thành mảng bám.
  • Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng và dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên, cần chú ý chải răng nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến miếng trám.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluor như nước súc miệng, kem đánh răng,… để tăng độ bám dính của miếng trám và răng thật. Ngoài ra, fuor còn giúp cải thiện độ cứng chắc của men răng và hỗ trợ ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.

3. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết

Trong một số trường hợp, đau nhức sau khi trám răng có thể xảy ra do sai sót trong quá trình thực hiện. Những sai sót này cần được xử lý sớm để giảm ê buốt, đau nhức và phòng ngừa các hệ lụy nghiêm trọng. Vì vậy nếu nhận thấy răng đau nhức nhiều, kéo dài và đi kèm với các triệu chứng bất thường, bạn nên thăm khám sớm.

Nếu nghi ngờ nguyên nhân do tay nghề của bác sĩ, nên lựa chọn bệnh viện/ phòng khám uy tín để được thăm khám và khắc phục đúng cách. Trở lại phòng khám đã thực hiện trước đây có thể gây ra nhiều sai sót khác do bác sĩ không có đủ chuyên môn, tay nghề kém và thiếu kinh nghiệm.

trám răng xong bị đau nhức
Nếu cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ để được khắc phục tình trạng trám răng xong bị đau nhức một cách triệt để

Tùy theo tình trạng của miếng trám, bác sĩ có thể chỉnh sửa miếng trám bằng cách mài và chỉnh lại vị trí. Tuy nhiên nếu miếng trám bị hư hại nặng, dị ứng với chất liệu trám và không tương thích với mô răng bị hư tổn, khiếm khuyết, bác sĩ sẽ xem xét thay thế miếng trám mới.

Đối với những trường hợp răng đau nhức do chưa điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa, bác sĩ sẽ tháo miếng trám, làm sạch tủy răng và phần ngà răng bị sâu. Sau đó, vô khuẩn xoang trám và tiến hành hàn trám lại.

Phòng ngừa tình trạng trám răng xong bị đau nhức

Răng bị đau nhức sau khi trám thường xảy ra do tay nghề của bác sĩ và chăm sóc không đúng cách. Vì vậy, bạn có thể phòng ngừa tình trạng bằng cách:

  • Lựa chọn phòng khám uy tín là cách đơn giản nhất để đảm bảo quy trình trám răng diễn đúng khép kín, đúng tiêu chuẩn của Bộ y tế. Qua đó có thể phòng tránh tình trạng đau nhức, ê buốt răng sau khi hàn trám. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị đau nhức nhẹ do nướu, răng chưa kịp thời thích nghi với vật liệu trám.
  • Nếu có cơ địa nhạy cảm, bạn nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn vật liệu trám phù hợp nhất. Ngoài ra, nên tìm hiểu kỹ ưu điểm, hạn chế của những vật liệu hàn trám để lựa chọn được vật liệu an toàn.
  • Chăm sóc răng miệng và ăn uống, sinh hoạt đúng cách để tránh tình trạng miếng trám bị cộm, bong bật, nứt và hở.
  • Ngay cả khi miếng trám đã ổn định, bạn vẫn cần duy trì chế độ chăm sóc hợp lý để tăng độ bền của miếng trám và phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp.
  • Miếng trám chỉ có tuổi thọ từ 2 – 10 năm tùy theo chất liệu và chế độ chăm sóc. Vì vậy, bạn nên khám nha khoa định kỳ 2 lần/ năm để nha sĩ đánh giá tình trạng miếng trám và thay thế khi cần thiết. Miếng trám quá cũ rất dễ bị nứt, bong tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây ra tình trạng đau nhức và ê buốt.

Trám răng xong bị đau nhức là tình trạng khá phổ biến và có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau khoảng vài ngày. Nếu nhận thấy cơn đau có mức độ nặng và kéo dài, nên thăm khám để xác định được nguyên nhân và áp dụng cách khắc phục phù hợp nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!