Bị viêm nha chu có phải nhổ răng không là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Bởi theo số liệu thống kê, bệnh lý này được xem là nguyên nhân gây mất răng hàng đầu ở người trưởng thành. Tham khảo ngay thông tin hữu ích trong bài viết để được giải đáp thắc mắc và tìm hiểu về cách chăm sóc, điều trị để giảm thiểu nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
Viêm nha chu có phải nhổ răng?
Viêm nha chu là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng vĩnh viễn ở người trưởng thành. Bệnh lý này thường phát triển từ viêm nướu răng (viêm lợi) không được thăm khám và điều trị sớm. Ban đầu, vi khuẩn chỉ tồn tại một số lượng nhất định bên trong mảng bám và cao răng. Tuy nhiên nếu không loại bỏ cao răng sớm, lượng cao răng tích tụ nhiều có thể làm tăng số lượng hại khuẩn trong mô nướu dẫn đến viêm lợi.
Viêm lợi không được khắc phục sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, xâm nhập và tấn công vào các cơ quan bao xung quanh răng (nha chu) bao gồm dây chằng nha chu, cement, xương ổ răng và mô nướu. Các cơ quan có vai trò nâng đỡ và cố định răng trên cung hàm. Khi tổ chức nha chu bị hư hại nặng, răng bắt đầu lung lay, lỏng lẻo và dẫn đến gãy, rụng.
Bị viêm nha chu có phải nhổ răng không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Bởi nhổ răng đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn các chức năng vốn có như ăn nhai, thẩm mỹ, hỗ trợ trong việc phát âm,.. Hơn nữa, nhổ bỏ răng còn gây tiêu xương hàm, sai lệch khớp cắn và tác động không nhỏ đến hoạt động của các răng khác trên cung hàm.
Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, có khá nhiều phương pháp điều trị viêm nha chu. Trong đó, nhổ bỏ răng là lựa chọn cuối cùng. Phương pháp này chỉ được xem xét thực hiện trong một số ít trường hợp. Những trường hợp còn lại sẽ được ưu tiên điều trị bằng các phương pháp bảo tồn.
1. Trường hợp phải nhổ bỏ răng
Như đã đề cập, nhổ bỏ răng đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn chức năng sinh lý và thẩm mỹ. Do đó, trong điều trị các bệnh nha khoa nói chung và viêm nha chu nói riêng, nhổ răng là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả.
Các trường hợp viêm nha chu được chỉ định nhổ bỏ răng:
- Viêm nha chu dẫn đến tình trạng tiêu xương hàm khiến chân răng lung lay, lỏng lẻo và hư hại nặng
- Viêm nha chu gây biến chứng viêm tủy răng, áp xe răng nhưng không được điều trị khiến chân răng bị phá hủy và tổn thương trầm trọng.
- Viêm nha chu tiến triển gây ra các biến chứng tại chỗ như viêm tổ chức liên kết, viêm xương, viêm xoang,…
- Viêm nha chu gây ra ổ nhiễm khuẩn dẫn đến các biến chứng xa như viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm thận,…
- Các trường hợp viêm nha chu có mức độ nặng và không thuyên giảm khi áp dụng các phương pháp điều trị thông thường
Viêm nha chu thường gây tổn thương hệ thống các cơ quan nâng đỡ răng. Chính vì vậy, số lượng răng phải nhổ bỏ có thể nhiều hơn một. Để phục hồi hình dáng và chức năng ăn nhai của răng, bác sĩ sẽ tư vấn một số biện pháp phục hình sau khi răng bị nhổ bỏ.
2. Các trường hợp không cần nhổ bỏ răng
Nhổ bỏ răng chỉ được khi viêm nha chu đã chuyển biến nặng, chân răng bị hư tổn nhiều và không còn khả năng hồi phục. Phương pháp này thường không được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Viêm nha chu nhẹ chưa có dấu hiệu tiêu xương hàm, tụt lợi
- Các trường hợp viêm nha chu chưa tiến triển quá nặng, cấu trúc răng không bị ảnh hưởng nhiều sẽ được điều trị bằng các phương pháp thông thường thay vì nhổ bỏ răng
- Trường hợp viêm nha chu ở những bệnh nhân đã điều trị tia X ở vùng hàm mặt hoặc bệnh nhân bị ung thư bạch cầu đều không được nhổ bỏ răng dù ở mức độ nào.
Các biện pháp giảm nguy cơ nhổ răng khi bị viêm nha chu
Có thể thấy, nhổ răng là biện pháp cuối cùng khi điều trị viêm nha chu. Với những trường hợp viêm nha chu có mức độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ thường chỉ định các phương pháp điều trị với mục đích bảo tồn răng. Nhổ răng đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn các chức năng vốn có. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể giảm nguy cơ phải nhổ răng khi bị viêm nha chu bằng cách thăm khám và điều trị ngay từ giai đoạn bệnh mới phát.
Dựa vào giai đoạn bệnh và mức độ tổn thương của tổ chức bao xung quanh răng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các phương pháp như:
- Chỉnh sửa, thay thế miếng trám: Miếng trám không đúng kỹ thuật, miếng trám cũ bị hở, bong có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm và tổn thương tổ chức nha chu. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành chỉnh sửa hoặc thay thế miếng trám mới để ngăn viêm nha chu tiến triển nặng.
- Cố định răng: Trong trường hợp răng bị lung lay, bác sĩ sẽ chỉ định cố định răng nhằm tăng độ chắc chắn của răng trên cung hàm. Phương pháp này giúp giảm áp lực trong quá trình ăn uống lên răng, qua đó bảo tồn răng và hạn chế nguy cơ phải nhổ bỏ răng vĩnh viễn.
- Nạo túi nha chu: Túi nha chu hình thành giữa mô nướu và răng là nguyên nhân khiến chân răng trở nên lỏng lẻo, lung lay. Để bảo tồn răng và tạo điều kiện cho tổ chức nha chu phục hồi, bác sĩ sẽ tiến hành nạo túi nha chu. Sau khi túi nha chu được loại bỏ, mô nướu sẽ dần hồi phục và bám chắc vào chân răng nhằm củng cố độ chắc chắn của răng trên cung hàm.
- Phẫu thuật ghép nướu: Phẫu thuật ghép nướu được chỉ định khi viêm nha chu gây tụt lợi làm hở chân răng, răng lung lay, ê buốt và đau nhức khi ăn uống. Mô lợi sẽ được lấy ở vùng nướu gần răng cần ghép nướu hoặc sử dụng mô vòm miệng để ghép vào phần cổ, chân răng bị lộ ra bên ngoài. Phương pháp này giúp bảo vệ chân răng, giảm ê buốt và phục hồi phần nào tổ chức nha chu.
- Phẫu thuật ghép xương: Phẫu thuật ghép xương sử dụng xương nhân tạo hoặc tự thân để ghép vào xương ổ răng nhằm kích thích xương ổ răng tái tạo. Phương pháp này được thực hiện khi viêm nha chu tiến triển nặng gây tiêu xương hàm.
Thăm khám và can thiệp sớm các phương pháp điều trị trên có thể bảo tồn răng, phục hồi phần nào tổ chức nha chu, qua đó hạn chế nguy cơ phải nhổ bỏ răng đáng kể. Ngoài những phương pháp y tế, bạn nên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng và ăn uống hợp lý để hỗ trợ quá trình điều trị.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị viêm nha chu có phải nhổ răng không?” và gợi ý một số phương pháp giúp kiểm soát viêm nha chu từ sớm, giảm thiểu nguy cơ phải nhổ bỏ răng. Để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp, bạn nên tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy răng miệng xuất hiện các biểu hiện bất thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bà Bầu Bị Viêm Nha Chu: Nguyên nhân và cách chữa trị an toàn
Phẫu thuật nha chu: Phương pháp, quy trình và chi phí cụ thể
Các giai đoạn tiến triển của bệnh viêm nha chu
Mối Liên Hệ Giữa Bệnh Viêm Nha Chu Và Nguy Cơ Sinh Non
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!