Viêm nha chu gây sưng, tụt lợi phải làm sao?

Viêm nha chu có thể gây sưng lợi, tụt lợi nếu không được phát hiện và điều trị sớm trong giai đoạn mới phát. Tình trạng này gây ra không ít phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt. Hơn nữa nếu không khắc phục kịp thời, chân răng có thể bị lộ ra nhiều và làm tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn.

viêm nha chu sưng lợi
Viêm nha chu có thể gây sưng lợi, tụt lợi nếu không được thăm khám và kiểm soát sớm

Vì sao viêm nha chu gây sưng, tụt lợi?

Viêm nha chu (bệnh nha chu) là vấn đề nha khoa thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh lý này xảy ra khi toàn bộ tổ chức nâng đỡ răng bao gồm mô nướu, xương ổ răng, cement và dây chằng nha chu bị viêm nhiễm mãn tính, kéo dài. Viêm nha chu thường tiến triển từ bệnh viêm nướu răng (viêm lợi) không được điều trị sớm.

Tổ chức nâng đỡ răng (nha chu) có chức năng chính là cố định răng và bảo vệ phần cổ, chân răng khỏi tác động cơ học, độc tố và vi khuẩn. Khi các cơ quan này bị tổn thương, vùng lợi bao xung quanh răng sẽ xuất hiện các biểu hiện bất thường.

Sự gia tăng của số lượng hại khuẩn trong tổ chức nâng đỡ răng khiến nướu bị sưng viêm, phù nề và dễ chảy máu. Nếu không điều trị sớm, mô lợi có xu hướng co và dịch chuyển về phía chóp răng (chân răng) dẫn đến tình trạng tụt lợi. Tụt lợi khiến cổ, chân răng lộ ra, răng dài hơn bình thường đi kèm với cảm giác ê buốt và đau nhức trong quá trình ăn uống.

Sưng lợi, tụt lợi là những ảnh hưởng ban đầu của bệnh viêm nha chu. Tuy nhiên, các triệu chứng này diễn tiến khá chậm và mờ nhạt nên ít khi được chú ý ngay từ giai đoạn mới phát. Đa phần các trường hợp đều chỉ phát hiện khi bệnh đã chuyển biến nặng, lợi bị tụt nghiêm trọng khiến chân răng lỏng lẻo, lung lay, gây ra nhiều phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.

Sưng lợi, tụt lợi do viêm nha chu có nguy hiểm không?

Sưng lợi, tụt lợi là các triệu chứng điển hình của các bệnh viêm nha chu. Các triệu chứng này có đặc điểm diễn tiến chậm, mờ nhạt và khó nhận biết. Về lâu dài, triệu chứng có thể nặng dần lên khiến răng lung lay, khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt.

viêm nha chu sưng lợi
Tình trạng sưng lợi, tụt lợi do viêm nha chu có thể tiến triển nặng dẫn đến tiêu xương hàm và mất răng vĩnh viễn

Ngoài ra nếu không điều trị sớm, vi khuẩn có thể tiếp tục phát triển và tấn công vào các mô nha chu như xương ổ răng, dây chằng nha chu, cement,… Khi tổ chức nâng đỡ răng bị hư hại nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu xương hàm và mất răng. Theo số liệu thống kê, bệnh nha chu được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất răng ở người trưởng thành.

Ngoài ra, sưng lợi và tụt lợi do viêm nha chu không được điều trị còn gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Các triệu chứng của bệnh lý này khiến hoạt động ăn uống và giao tiếp bị ảnh hưởng. Hơn nữa, tụt lợi nặng còn khiến răng ê buốt khi hít thở không khí lạnh và đau nhức tự phát vào ban đêm dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ và tác động gián tiếp đến sức khỏe.

Cách khắc phục viêm nha chu gây sưng, tụt lợi

Sưng lợi, tụt lợi do viêm nha chu ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sức khỏe. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp đầu tiên được áp dụng trong trường hợp viêm nha chu gây sưng lợi, tụt lợi. Thuốc có tác dụng giảm sưng đau, ê buốt và kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm ở mô nha chu. Sau khi sử dụng thuốc từ 5 – 7 ngày, bạn cần quay trở lại phòng khám để can thiệp các phương pháp chuyên sâu.

viêm nha chu tụt lợi
Để giảm nhanh tình trạng sưng lợi, tụt lợi do viêm nha chu, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị sưng lợi, tụt lợi do viêm nha chu gây ra:

  • Dung dịch súc miệng sát khuẩn: Các loại nước súc miệng sát khuẩn (Hydrogen peroxide, Chlorhexidine, Hexetidine,…) được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm nha chu và các bệnh nha khoa thường gặp khác. Với hiệu quả sát trùng và kháng khuẩn, các sản phẩm này có thể làm sạch khoang miệng, giảm viêm, phù nề và đau nhức nướu răng đáng kể.
  • Thuốc kháng sinh dạng bôi, uống: Các loại thuốc kháng sinh dạng bôi, uống được sử dụng trong khoảng 5 – 7 ngày để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm mô nướu. Thông thường, bác sĩ sẽ ưu tiên dùng thuốc dạng bôi. Tuy nhiên nếu viêm nha chu đang trong giai đoạn cấp, thuốc kháng sinh đường uống sẽ được sử dụng để kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm và dự phòng vi khuẩn lây lan gây ra nhiều biến chứng.
  • Thuốc giảm đau uống, bôi; Tùy theo mức độ cơn đau, bác sĩ có thể chỉ định dùng Paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau tại chỗ chứa hoạt chất gây tê như Benzocaine và Lidocaine. Nhóm thuốc này có thể giảm nhanh các triệu chứng đau nhức, khó chịu do bệnh viêm nha chu gây ra.
  • Thuốc chống viêm: Trong trường hợp mô lợi sưng đau và phù nề nhiều, bạn sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc chống viêm. Các loại thuốc chống viêm được sử dụng trong điều trị viêm nha chu thường là Dexamthasone, Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac,… Thuốc chống viêm có hiệu quả giảm viêm, đau nhức tốt nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, loại thuốc này thường được sử dụng ngắn hạn với liều thấp nhất có đáp ứng.

Ngoài sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà như chườm đá, ngậm nước muối ấm và tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên như đinh hương, nha đam, gừng tươi, bạc hà,…

2. Các phương pháp không phẫu thuật

Sau khi dùng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm ở nha chu, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương và xem xét chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, các phương pháp không phẫu thuật thường được ưu tiên áp dụng.

viêm nha chu tụt lợi
Nếu viêm nha chu không quá nặng, bác sĩ sẽ ưu tiên các phương pháp không phẫu thuật

Các phương pháp không phẫu thuật được áp dụng trong điều trị viêm nha chu gây sưng lợi, tụt lợi:

  • Cạo vôi răng + xử lý mặt gốc răng: Cao răng tích tụ ở chân răng là điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm nướu dẫn đến tụt nướu và chảy máu chân răng. Vì vậy, bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng và xử lý mặt gốc răng để ngăn ngừa hình thành mảng bám. Sau khi cao răng bị loại bỏ, mô nướu sẽ dần hồi phục và bám chắc vào thân răng.
  • Cố định răng: Nếu tụt lợi khiến răng lung lay, lỏng lẻo, bác sĩ có thể kết hợp giữa cạo vôi và cố định răng. Cố định răng sử dụng hệ thống nẹp kim loại gắn vào mặt trong của răng để cố định răng trên cung hàm và giảm áp lực lên răng trong quá trình ăn uống. Phương pháp này giúp tổ chức nâng đỡ răng có điều kiện để phục hồi, bảo tồn răng và giảm thiểu nguy cơ mất răng vĩnh viễn.

Đối với những trường hợp viêm nha chu chưa tiến triển nặng, các phương pháp không phẫu thuật có thể cải thiện tình trạng sưng lợi, tụt lợi một cách hiệu quả.

3. Phẫu thuật chữa viêm nha chu gây sưng, tụt lợi

Trong trường hợp viêm nha chu đã chuyển biến nặng, lợi sưng đau nhiều và tình trạng tụt lợi đã tiến triển, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ được cân nhắc khi các phương pháp thông thường không mang lại hiệu quả hoặc mức độ cải thiện không đáng kể.

Các phương pháp phẫu thuật chữa viêm nha chu gây sưng lợi, tụt lợi:

  • Phẫu thuật nạo túi nha chu: Túi nha chu hình thành giữa mô nướu và răng do sự tích tụ quá mức của mảng bám. Theo thời gian, túi phát triển càng sâu khiến tổ chức nâng đỡ răng bị hư hại nhiều, răng lung lay và lỏng lẻo. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ nạo túi nha chu kết hợp với cạo vôi răng để mô nướu có điều kiện thuận lợi để phục hồi.
  • Phẫu thuật ghép nướu: Nếu tụt lợi có mức độ nặng, bác sĩ sẽ xem xét ghép nướu răng. Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng mô vòm miệng hoặc mô nướu gần với răng bị tụt lợi ghép vào phần thân răng, chân răng bị lộ ra bên ngoài. Mục tiêu của ghép nướu là phục hồi hình dáng, chức năng của nướu, từ đó giảm tình trạng ê buốt, đau nhức và tăng mức độ cố định răng trên cung hàm.
  • Phẫu thuật ghép xương: Ghép xương được cân nhắc khi viêm nha chu đã gây tiêu xương hàm khiến tụt lợi nặng, chân răng lộ ra, lung lay và lỏng lẻo. Phương pháp này sử dụng mô răng nhân tạo hoặc tự thân ghép vào xương hàm nhằm kích thích xương tiếp tục tái tạo và phục hồi. Phẫu thuật ghép xương có quy trình khá phức tạp nên cần phải lựa chọn địa chỉ uy tín để thực hiện.

4. Các biện pháp chăm sóc

Viêm nha chu là bệnh nha khoa có tiến triển dai dẳng, mãn tính. Sau khi điều trị, tổ chức nha chu chỉ có thể tái tạo phần nào, không thể phục hồi 100%. Chính vì vậy song song với các phương pháp y tế, bạn nên kết hợp thêm với các biện pháp chăm sóc hợp lý.

viêm nha chu tụt lợi
Giữ vệ sinh răng miệng có thể cải thiện phần nào tình trạng sưng lợi, tụt lợi do viêm nha chu gây ra

Các biện pháp chăm sóc viêm nha chu gây sưng lợi, tụt lợi:

  • Giữ vệ sinh răng miệng là cách chăm sóc viêm nha chu hiệu quả nhất. Biện pháp này giúp kiểm soát tiến triển và ngăn chặn bệnh tái phát. Để giữ vệ sinh răng miệng, cần thực hiện tốt việc chải răng 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa.
  • Nên dùng các sản phẩm chăm sóc răng miệng (nước súc miệng, kem đánh răng,…) chứa fluor để tái tạo men răng và tăng cường sức đề kháng của khoang miệng. Fluor giúp hạn chế nguy cơ sâu răng, răng lung lay, lỏng lẻo và giảm tình trạng sưng viêm, phù nề mô nướu hiệu quả.
  • Hạn chế dùng đồ ăn lạnh, nóng, cay, nước ngọt có gas, rượu bia và món ăn chứa quá nhiều đường. Các loại thức uống và thực phẩm này có thể làm tăng mức độ ê buốt, đau nhức ở răng bị tụt lợi do viêm nha chu. Ngoài ra, thói quen ăn uống không phù hợp còn khiến hiện tượng viêm nhiễm ở nha chu diễn tiến trầm trọng gây ra nhiều hệ lụy và biến chứng nặng nề.
  • Nên dùng thức ăn mềm lỏng, ít gia vị để giảm tác động lên răng và tổ chức nâng đỡ răng. Ngoài ra, nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và khoáng chất, vitamin để tăng cường sức khỏe răng miệng.
  • Cần khám nha khoa và lấy cao răng định kỳ để ngăn viêm nha chu tiến triển nặng.

Viêm nha chu gây sưng lợi, tụt lợi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị sớm, tình trạng này có thể tiến triển nặng khiến răng lung lay, lỏng lẻo và thậm chí là gây mất răng vĩnh viễn. Vì vậy, cần có sự chủ động trong việc thăm khám, điều trị và chăm sóc để kiểm soát bệnh kịp thời.

Tham khảo thêm:

4/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!