Trám răng sâu mang đến hiệu quả cao nhất cho những trường hợp sâu răng ở mức độ nhẹ và vừa, lỗ sâu không quá lớn, răng không bị sứt mẻ nhiều. Phương pháp này giúp trám bít lỗ sâu, phục hình răng, bảo vệ cấu trúc bên trong của răng. Đồng thời cải thiện chức năng nhai, khắc phục tình trạng ê buốt và đau nhức.
Trám răng sâu là gì?
Sâu răng là tình trạng mất/ tổn thương mô cứng của răng do vi khuẩn và mảng bám răng gây ra quá trình hủy khoáng. Điều này khiến cấu trúc răng bị ăn mòn, trên bề mặt răng hình thành những lỗ sâu có màu đen hoặc nâu.
Bất kỳ răng nào trên cung hàm cũng có thể bị sâu răng. Lỗ sâu phát triển chậm. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị sớm, sâu răng vào tủy gây đau đớn dữ dội hoặc âm ỉ, răng ê buốt, hôi miệng, viêm tủy răng và ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống.
Trám răng sâu là một phương pháp được áp dụng phổ biến. Phương pháp này sử dụng vật liệu thích hợp để trám bít lỗ sâu, bảo vệ cấu trúc bên trong và phục hình răng. Đồng thời ngăn sâu răng phát triển dẫn đến đau đớn.
Men răng không có tế bào sống. Do đó tổn thương mô cứng của răng không thể tự sửa chữa và phục hồi. Theo các bác sĩ, kỹ thuật trám răng cần được thực hiện sớm để ngăn cản quá trình hủy khoáng do vi khuẩn phát triển.
Trước khi trám bít lỗ sâu, phần ngà răng và men răng bị sâu cần được nạo bỏ. Sau đó sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn. Cuối cùng dùng vật liệu nhân tạo thích hợp để lắp đầy lỗ sâu và phục hình răng.
Khi nào nên trám răng sâu?
Hầu hết các trường hợp đều có thể trám răng sâu. Tuy nhiên phương pháp này đặc biệt hiệu quả ở những người bị sâu răng nhẹ và vừa, sâu răng hàm với lỗ sâu không quá lớn.
Đối với những trường hợp bị sâu răng nặng, lỗ sâu lớn, răng bị vỡ mẻ nhiều (1/2 răng), trám răng mang đến hiệu quả điều trị thấp, mảnh trám dễ bị rơi hoặc bị xê dịch. Những trường hợp này thường được yêu cầu bọc răng sứ để phục hình và bảo vệ cấu trúc bên trong của răng.
Ở những người có nguy cơ sâu răng cao, kỹ thuật trám răng cũng được chỉ định để trám dự phòng kẽ răng và mặt nhai.
Lợi ích khi hàn trám răng sâu?
Trong điều trị sâu răng, phương pháp trám răng (hàn răng) có thể mang đến những lợi ích sau:
- Loại bỏ ngà răng và men răng bị sâu, sát khuẩn, ngăn sâu răng tiến triển
- Phục hồi hình dáng và tính thẩm mỹ của răng
- Phục hồi chức năng sinh lý của răng, có thể ăn uống bình thường
- Kiểm soát hoàn toàn tình trạng ê buốt và đau nhức răng
- Bảo vệ cấu trúc bên trong của răng.
Có nhiều vật liệu được dùng trong hàn trám răng. Cụ thể như Amalgam (trám bạc), Composite, GIC – Glass Ionomer Cement, trám răng bằng sứ, xi măng silicat, trám răng bằng vàng. Tuy nhiên Composite được dùng phổ biến nhất vì có chi phí hợp lý, màu sắc tương tự như răng thật và có độ ổn định cao.
Quy trình trám răng sâu
Trám răng sâu là một kỹ thuật đơn giản, không xâm lấn nhiều, thời gian trám răng nhanh chóng và có thể hoàn tất chỉ sau 1 hoặc 2 buổi hẹn.
Dưới đây là quy trình trám răng sâu cơ bản:
Bước 1: Khám và tư vấn
Trước khi chỉ định trám răng, bác sĩ tiến hành thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương răng. Sau đó chỉ định phương pháp điều trị và lựa chọn vật liệu thích hợp.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng
Để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan, bệnh nhân được vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách sử dụng dung dịch nước súc miệng diệt khuẩn.
Bước 3: Gây tê
Sâu răng nhẹ và vừa, không có tổn thương tủy thường chỉ gây ê buốt nhẹ khi hàn trám răng. Vì thế gây tê thường không cần thiết. Tuy nhiên nếu sâu răng nặng dẫn đến đau nhức nhiều, thuốc gây tê cục bộ có thể được sử dụng để giảm bớt cảm giác khó chịu cho răng.
Bước 4: Tạo hình xoang trám
Sau khi gây tê, dụng cụ chuyên dụng được dùng để tạo hình xoang trám. Trong bước này, mảng bám, vụn thức ăn, phần men răng và ngà răng bị sâu được làm sạch hoàn toàn. Sau đó sử dụng mũi khoan tác động vào răng để tạo hình xoang trám.
Bước 5: Trám răng
Trám răng trực tiếp gồm các bước:
- Răng cần trám được phủ dung dịch axit nhẹ và một lớp keo dáng chuyên dụng có độ bám dính cao.
- Dùng vật liệu thích hợp trám bít lỗ sâu và các khiếm khuyết khác.
- Sử dụng tia laser chiếu lên vật liệu trám răng để vật liệu đông cứng nhanh chóng, tăng độ bám dính giữa vật liệu với răng thật.
- Sửa chữa và làm nhẵn bề mặt miếng trám, đánh bóng.
Đối với trám răng gián tiếp (trám răng Inlay/ Onlay), miếng trám răng sâu được chế tác bên ngoài. Sau đó gắn miếng trám vào răng bị sâu.
Bước 6: Kiểm tra và hướng dẫn chăm sóc
Trước khi kết thúc quy trình trám răng sâu, người bệnh được kiểm tra miếng trám. Bước này giúp phòng ngừa miếng trám bị chênh hoặc dư thừa dẫn đến trám răng bị cộm. Cuối cùng bệnh nhân được hướng dẫn chăm sóc và vệ sinh răng miệng để tăng độ bền cho miếng trám.
Trám răng sâu có đau không?
Trám răng sâu có đau không còn phụ thuộc vào mức độ sâu răng. Hầu hết các trường hợp chỉ cảm thấy ê buốt nhẹ trong quá trình hàn trám răng. Bởi phương pháp này chỉ tác động vào mô cứng của răng. Cảm giác khó chịu nhanh chóng qua đi sau vài giờ hoặc vài ngày trám răng.
Đối với những trường hợp có răng sâu nặng và đau nhức nhiều, quy trình trám răng có thể gây khó chịu cho bệnh nhân, đau răng tái diễn. Những trường hợp này thường được gây tê cục bộ để giảm bớt cảm giác khó chịu trong quá trình trám răng.
Trám răng sâu có bền không?
Tùy thuộc vào mức độ sâu răng, tay nghề của bác sĩ và vật liệu được sử dụng, trám răng sâu có độ bền từ 1 – 3 năm. Nếu được chăm sóc tốt và lỗ sâu nhỏ, miếng trám răng có thể được giữ nguyên trên răng khoảng 5 năm hoặc lâu hơn.
Đối với sứ Inlay/ Onlay, vàng và amalgam, miếng trám thường có độ bền cao hơn, khoảng 5 – 7 năm. Nếu được chăm sóc tốt, những vật liệu này có thể được sử dụng trên 10 năm.
Chi phí trám răng sâu
Chi phí trám răng sâu thường khác nhau ở mỗi người. Bởi chi phí này phụ thuộc vào kỹ thuật, vật liệu trám răng, tình trạng răng và nha khoa thực hiện. Ngoài ra những người sử dụng bảo hiểm y tế được hỗ trợ chi phí khi thực hiện kỹ thuật hàn trám răng tại bệnh viện công lập.
Dưới đây là bảng chi phí trám răng sâu (bảng giá tham khảo):
Trám răng sâu | Chi phí |
Trám răng sữa | 200.000 đồng/ răng |
Đắp mặt răng | 200.000 – 400.000 đồng/ răng |
Phủ nhựa Sealant ngừa sâu răng | 400.000 đồng/ răng |
Trám răng thẩm mỹ xoang nhỏ | 200.000 – 300.000 đồng/ răng |
Trám răng thẩm mỹ xoang II, xoang lớn | 250.000 – 400.000 đồng/ răng |
Trám răng Inlay/ Onlay | 1,5 – 4 triệu đồng/ răng |
Cách chăm sóc và lưu ý khi trám răng sâu
Để trám răng sâu hiệu quả và kéo dài thời gian sử dụng miếng trám, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
1. Lựa chọn cơ sở y tế uy tín
Để điều trị sâu răng hiệu quả, cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ kiểm tra tình trạng răng và chỉ định phương pháp chữa sâu răng thích hợp. Đồng thời tư vấn vật liệu và kỹ thuật trám răng. Từ đó đảm bảo điều trị đúng cách.
Ngoài ra cần lựa chọn bác sĩ chuyên khoa giỏi và nhiều kinh nghiệm trong quá trình hàn trám răng sâu. Điều này giúp đảm bảo hàn răng được thực hiện đúng kỹ thuật, tăng độ bền cho mảnh trám, không làm ảnh hưởng đến buồng tủy.
2. Chăm sóc sau trám răng sâu
Cần áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp sau khu trám răng sâu. Đây là một trong những yếu tố cần thiết giúp tăng độ bền cho miếng trám. Đồng thời phòng ngừa sâu răng tái phát.
Hướng dẫn cách chăm sóc sau trám răng sâu:
- Không ăn uống ít nhất 2 giờ đồng hồ sau khi trám răng. Điều này giúp đảm bảo miếng trám được ổn định và bám chắc vào răng.
- Trong vòng 5 đến 7 ngày đầu sau khi trám răng, nên ăn thức ăn mềm, lỏng… Điều này giúp hạn chế áp lực lên răng, tránh miếng trám bị chênh.
- Không nên cắn/ nhai thức ăn quá cứng, dai, quá khô. Bởi những loại thực phẩm này có thể làm bung miếng trám.
- Tránh tiêu thụ rượu, bia, nước ngọt có gas, thực phẩm có nhiều đường, nhiều axit, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh… Bởi nhóm thực phẩm này có thể gây mòn men răng, giảm tuổi thọ của miếng trám. Đồng thời gây ra các bệnh lý răng miệng (sâu răng, viêm tủy răng, viêm lợi…)
- Những người có thói quen nghiến răng nên sử dụng máng nhai khi ngủ hoặc loại bỏ thói quen này. Bởi nghiến răng làm tăng áp lực cho các răng trên cung hàm, gây mòn mặt nhai, miếng trám bị mòn và bong tróc.
- Chải răng nhẹ nhàng 2 lần/ ngày, đầu chải xoay tròn đều và theo chiều dọc, đảm bảo các bề mặt của răng đều được làm sạch. Không nên chải răng với lực mạnh để tránh làm tăng áp lực lên răng và nướu, làm hỏng miếng trám.
- Nên dùng bàn chải lông mảnh và mềm, kem đánh răng chứa flour để cải thiện men răng, tăng khả năng làm sạch và phòng ngừa sâu răng tái diễn.
- Làm sạch kẽ răng và loại bỏ vụn thức ăn bằng chỉ nha khoa.
- Dùng dung dịch súc miệng diệt khuẩn để khoang miệng được làm sạch hoàn toàn, loại bỏ mảng bám và tác nhân gây hại.
3. Khám nha khoa
Khám nha khoa khi có lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra miếng trám và tình trạng răng. Ngoài ra bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có những bất thường sau:
- Miếng trám xê dịch hoặc bị rớt ra
- Dị ứng với vật liệu trám răng
- Đau nhức răng nhiều, kéo dài và không giảm
- Mô nướu bị sưng hoặc ngứa sau khi trám răng sâu…
Nên cạo vôi răng và khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để sớm phát hiện và chữa các bệnh răng miệng. Đồng thời thay miếng trám nếu cần thiết.
Trám răng sâu là một kỹ thuật điều trị sâu răng đơn giản, mang đến hiệu quả phục hình tốt. Phương pháp này giúp phục hồi cấu trúc răng, kiểm soát tình trạng ê buốt và đau nhức, ngăn sâu răng phát triển. Tuy nhiên trám răng sâu nên được thực hiện sớm, lỗ sâu không quá lớn để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng sứ bị mẻ có trám được không?
Sau khi trám răng bao lâu thì ăn uống bình thường?
Những tác hại của việc trám răng và cách phòng ngừa nên biết
Trám răng xong bị đau nhức nguyên nhân do đâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!