Dùng thuốc điều trị viêm khớp thái dương hàm có thể cải thiện triệu chứng và kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Tùy theo nguyên nhân khởi phát bệnh, bác sĩ sẽ xem xét dùng kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau hạ sốt và thuốc giãn cơ.
Bị viêm khớp thái dương hàm nên uống thuốc gì?
Viêm khớp thái dương hàm là một trong những dạng viêm khớp thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi khớp thái xương hàm ở vùng mặt bị rối loạn dẫn đến sưng viêm và đau nhức. Theo số liệu thống kê, bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến nữ giới từ 30 – 40 tuổi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm như chấn thương, thoái hóa, nhiễm khuẩn,… Ngoài ra, bênh cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý liên quan đến hệ thống nhai như xương, dây chằng và hệ cơ. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng viêm khớp thái dương hàm gây đau nhức nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao tiếp, ăn uống và chất lượng cuộc sống.
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm. Mục tiêu của phương pháp này là giảm đau nhức và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Trong trường hợp viêm khớp thái dương hàm xảy ra do nhiễm khuẩn, dùng thuốc còn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và phòng ngừa các biến chứng phát sinh.
Dưới đây là các loại thuốc điều trị viêm khớp thái dương hàm được sử dụng phổ biến:
1. Paracetamol – Thuốc giảm đau thông thường
Paracetamol (thuốc giảm đau hạ sốt) là một trong những loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị viêm khớp thái dương hàm. Tác dụng chính của thuốc là hạ sốt và giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Loại thuốc này tương đối an toàn ở liều điều trị nên có thể cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Paracetamol giảm đau bằng cách tác động đến cyclooxygenase nhằm làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương. Prostaglandin là thành phần trong phản ứng gây viêm. Bằng cách ức chế tổng hợp thành phần này, Paracetamol có thể giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra trong trường hợp viêm khớp thái dương hàm do viêm nhiễm, thuốc còn được sử dụng để hạ sốt.
Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol được dùng trong nhiều trường hợp như viêm họng, viêm amidan, viêm nướu răng, viêm tủy răng và viêm khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, thuốc không được dùng cho người bị thiếu máu nhiều lần, tiền sử mẫn cảm với Paracetamol, thiếu hụt men G6PD và người mắc bệnh tim, phổi, gan và thận.
Lưu ý khi dùng Paracetamol giảm đau nhức do viêm khớp thái dương hàm:
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người suy gan và người cao tuổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
- Paracetamol chuyển hóa qua gan. Do đó, cần tránh sử dụng rượu bia trong thời gian dùng thuốc
Thuốc Paracetamol tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên trong thời gian dùng thuốc, bạn vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Buồn nôn, nôn mửa
- Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu
- Có thể gây dị ứng (nổi mề đay, phát ban, phù mi mắt,…)
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được dùng phổ biến trong điều trị viêm khớp thái dương hàm. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và kháng viêm nên mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so với Paracetamol. Trên lâm sàng, NSAID thường được sử dụng khi Paracetamol không mang lại cải thiện như mong đợi.
Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid hoặc dùng các chế phẩm kết hợp NSAID + Paracetamol. Với tác dụng chính là giảm đau và kháng viêm, nhóm thuốc này có thể cải thiện tình trạng đau nhức, sưng viêm, nổi hạch và cứng hàm ở bệnh nhân viêm khớp thái dương hàm.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase (COX) 1 và 2, qua đó làm giảm tổng hợp prostaglandin – chất trung gian trong phản ứng gây viêm. Với cơ chế này, NSAID giúp giảm viêm ở cơ quan bị tổn thương và cải thiện cơn đau hiệu quả.
Tuy nhiên, NSAID làm giảm tổng hợp prostaglandin ở tất cả các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, nhóm thuốc này có thể gây chảy máu kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng và xuất huyết tiêu hóa. Để hạn chế các tác dụng phụ có mức độ nặng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông
- Dị ứng, mẫn cảm với thuốc và các loại thuốc cùng nhóm
- Suy gan mức độ vừa và nặng
- Viêm loét dạ dày tiến triển
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú
Một số vấn đề cần chú ý khi dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID):
- Cần ăn no trước khi uống thuốc. Ngoài ra, nên hạn chế dùng rượu bia, thức ăn chứa nhiều axit và gia vị cay nóng trong thời gian dùng nhóm thuốc này.
- Không hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích.
- Không sử dụng các loại thảo dược có đặc tính chống đông máu trong thời gian sử dụng NSAID như nhân sâm, vỏ quế, nghệ,…
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, buồn ngủ, đau đầu và loét dạ dày. Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn hướng khắc phục.
3. Thuốc chống viêm có steroid (corticoid)
Thuốc chống viêm có steroid (corticoid) có tác dụng chính là kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Nhóm thuốc này có tác dụng tương tự hormone cortisol (hay còn gọi là corticosteroid do vỏ tuyến thượng thận bài tiết).
Thuốc chống viêm có steroid được sử dụng khi viêm khớp thái dương hàm gây viêm đỏ, phù nề nặng và tình trạng không có cải thiện khi sử dụng thuốc NSAID. Thuốc có thể giảm nhanh tình trạng phù nề và một số triệu chứng đi kèm. Trong điều trị viêm khớp thái dương hàm, corticoid thường được dùng ở đường uống (Dexamethason, Prednisolon,…).
Corticoid đường uống được dùng với liều thấp nhất có đáp ứng để hạn chế rủi ro. Thuốc khá an toàn nếu dùng ở liều điều trị trong thời gian ngắn. Nếu dùng thuốc dài hạn, phải giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn để tránh suy tuyến thượng thận và nhiều biến chứng khác.
Một số lưu ý khi dùng thuốc chống viêm chứa steroid (corticoid):
- Không sử dụng đồng thời với thuốc chống viêm không steroid (NSAID) – trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ. Dùng phối hợp hai loại thuốc này đều có thể làm tăng nguy cơ loét và chảy máu dạ dày.
- Trong trường hợp viêm khớp thái dương hàm do nhiễm khuẩn, cần phải dùng corticoid đường uống với kháng sinh. Dùng corticoid đơn độc có thể khiến nhiễm trùng tiến triển nặng và gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Corticoid đường uống hoạt động bằng cách ức chế hệ miễn dịch nên có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, nổi mụn trứng cá, bầm tím, chảy máu, mọc lông bất thường,…
4. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ cũng có thể được sử dụng trong điều trị viêm khớp thái dương hàm. Nhóm thuốc này có tác dụng thư giãn các cơ bị chèn ép và làm tăng tuần hoàn máu, qua đó giảm đau nhức ở khớp thái dương hàm. Ngoài ra, thuốc giãn cơ còn được dùng để điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm quanh khớp vôi, hội chứng đốt sống cổ,…
Thuốc giãn cơ (Eperisone) tương đối an toàn và có phạm vi chỉ định rộng. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định dùng thuốc khi đang mang thai và cho con bú. Thuốc ảnh hưởng đến lực của các cơ nên cần hạn chế điều khiển phương tiện giao thông và máy móc trong thời gian dùng thuốc.
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giãn cơ:
- Rối loạn chức năng gan, thận
- Phát ban
- Xuất hiện các triệu chứng tâm thần kinh như mất ngủ, buồn ngủ, run đầu chi, co cứng, nhức đầu,…
- Chán ăn, khô miệng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón,…
5. Kháng sinh – Thuốc điều trị viêm khớp thái dương hàm
Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp viêm khớp thái dương hàm xảy ra do nhiễm khuẩn. Kháng sinh được sử dụng phổ biến bao gồm Oxacillin, Penicillin G, Amoxicillin, Cephalosporin,… Nhóm thuốc này được chỉ định từ 7 – 10 ngày để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
Kháng sinh là nhóm thuốc có khả năng dị ứng cao. Vì vậy, bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc, thực phẩm và các vấn đề sức khỏe đang gặp phải để được cân nhắc loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, cần chú ý các biểu hiện bất thường trong thời gian dùng thuốc và thông báo với bác sĩ ngay khi xảy ra tác dụng phụ.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm khớp thái dương hàm
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm. Trên thực tế, bác sĩ sẽ xem xét nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng gặp phải để chỉ định loại thuốc phù hợp.
Khi sử dụng thuốc điều trị viêm khớp thái dương hàm, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu nhận thấy các triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm, nên thăm khám để được chẩn đoán và chỉ định thuốc. Bởi bệnh lý này có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên bác sĩ sẽ xem xét nguyên nhân cụ thể để chỉ định loại thuốc thích hợp.
- Thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, tình trạng sức khỏe và các loại thuốc đang sử dụng để được xem xét loại thuốc thích hợp. Việc che giấu các vấn để kể trên có thể làm tăng rủi ro và nguy cơ khi sử dụng thuốc.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý tăng/ giảm liều và kéo dài thời gian dùng thuốc.
- Không sử dụng rượu bia, chất kích thích và cần tránh tự ý phối hợp thuốc nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng tương tác và làm phát sinh không ít tác dụng ngoại ý.
- Ngoài sử dụng thuốc, bạn cũng cần can thiệp một số phương pháp điều trị khác theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên áp dụng thêm một số biện pháp cải thiện tại nhà như chườm nóng/ lạnh, xoa bóp, dùng thức ăn mềm,…
Trên đây là thông tin giải đáp “Viêm khớp thái dương hàm nên uống thuốc gì?” và một vấn đề cần lưu ý khi sử dụng. Ngoài dùng thuốc, bạn cũng nên kết hợp thêm với một số phương pháp y tế và mẹo tại nhà để kiểm soát bệnh hoàn toàn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cách chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà
Trật Khớp Thái Dương Hàm Có Nguy Hiểm? Cách Xử Lý, Điều Trị
Bài tập vật lý trị liệu giảm đau khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!