Mọc răng khôn bị sưng đau gây ra không ít phiền toái trong quá trình sinh hoạt, ăn uống và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đều có thể thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc đúng cách.
Mọc răng khôn bị sưng, đau nhức phải làm sao?
Răng khôn (răng số 8) nằm ở vị trí cuối cung hàm nên dễ gặp phải tình trạng chen chúc, mọc lệch, mọc ngầm,… Ngoài ra do mọc khá muộn (17 – 29 tuổi) và chân răng dài, cứng nên khi mọc, răng khôn thường gây sưng nướu và đau nhức. Ở một số trường hợp, mọc răng khôn còn có thể đi kèm với hiện tượng sốt nhẹ và sưng hạch góc hàm.
Tình trạng sưng đau do mọc răng khôn thường kéo dài trong khoảng vài ngày và tự thuyên giảm sau khi răng đã mọc hoàn toàn. Tuy nhiên, triệu chứng sưng viêm và đau nhức do mọc răng khôn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, sinh hoạt và thậm chí là giấc ngủ.
Để cải thiện tình trạng mọc răng khôn bị sưng, đau nhức, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:
1. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Phản ứng sưng viêm khi mọc răng là hiện tượng sinh lý thông thường. Tuy nhiên nếu không chăm sóc đúng cách, thức ăn có thể bám dính vào kẽ hở giữa nướu và răng. Tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến viêm nhiễm và đau nhức dữ dội.
Do đó trong thời gian mọc răng khôn, bạn cần chăm sóc răng miệng đúng cách để cải thiện cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Ngoài ra, chăm sóc răng miệng còn hạn chế được nguy cơ bị viêm lợi trùm và viêm nướu răng trong thời gian mọc răng số 8.
Các biện pháp chăm sóc răng miệng giúp cải thiện tình trạng mọc răng khôn bị sưng đau:
- Sử dụng bàn chải mềm để làm sạch răng miệng 2 – 3 lần/ ngày. Khi mọc răng khôn, mô nướu sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy khi đánh răng, nên thao tác nhẹ nhàng để hạn chế cơn đau và ngăn cảm giác khó chịu bùng phát.
- Răng số 8 và các răng hàm nằm ở vị trí khuất nên rất khó làm sạch hoàn toàn. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, bạn nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa bám dính ở mặt nhai, kẽ răng.
- Sử dụng nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng. Nên dùng sau khi chải răng với tần suất 2 lần/ ngày.
- Lưỡi là vị trí trú ngụ của nhiều vi khuẩn. Vì vậy, bạn nên dùng bàn chải có mặt chải lưỡi hoặc dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng để làm sạch bề mặt lưỡi. Qua đó hạn chế nguy cơ vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng số 8.
Chăm sóc răng miệng đúng cách có thể giảm các triệu chứng khó chịu trong thời gian mọc răng khôn và hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa. Ngay cả khi tình trạng sưng đau do mọc răng khôn đã được kiểm soát, bạn vẫn nên duy trì các thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
2. Ngậm nước muối ấm giảm sưng đau do mọc răng khôn
Mọc răng khôn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng. Ngoài vệ sinh răng miệng, bạn cũng có thể ngậm và súc miệng với nước muối ấm để tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Nước muối có đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm và giảm đau tự nhiên. Ngậm nước muối trong 2 – 4 phút có thể làm dịu cơn đau và cải thiện một số triệu chứng đi kèm rõ rệt. Ngoài ra, biện pháp này còn hỗ trợ loại bỏ mùi hôi miệng và tăng cường độ chắc khỏe cho men răng.
Mặc dù là biện pháp giảm đau răng theo kinh nghiệm dân gian nhưng hiện nay, mẹo ngậm nước muối ấm vẫn được áp dụng phổ biến. Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học được thực hiện cũng cho thấy, thói quen ngậm và súc miệng với nước muối ấm có thể giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng và ngăn ngừa hình thành mảng bám rõ rệt.
Cách súc miệng, ngậm nước muối ấm giảm đau nhức do mọc răng khôn:
- Chuẩn bị 1 thìa cà phê muối biển và 200ml nước ấm
- Cho muối biển vào khuấy đều đến khi tan hoàn toàn
- Sau đó, dùng 1 – 2 ngụm súc miệng để làm sạch thức ăn thừa và nhổ bỏ
- Dùng phần nước muối ấm còn lại ngậm trong vài phút để làm dịu cơn đau và cải thiện hiện tượng mô lợi sưng viêm, phù nề
Ngậm nước muối ấm còn giúp giảm đau răng sau khi nhổ răng, đau răng do áp xe răng, viêm tủy răng, sâu răng,… Ngoài ra, biện pháp này còn hỗ trợ cầm máu chân răng và giảm tình trạng hôi miệng.
3. Mọc răng khôn bị đau nhức nên dùng thức ăn mềm
Răng khôn là một trong ba răng hàm – các răng giữ chức năng nhai chính. Vì vậy, trong thời gian mọc răng khôn, bạn nên dùng thức ăn mềm để giảm áp lực lên răng và mô nướu. Sử dụng thức ăn cứng, khô và nhiều gia vị có thể kích thích phần lợi xung quanh răng khiến răng đau nhức, ê buốt và khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế đồ ăn chứa nhiều đường để giảm thiểu hình thành mảng bám.
Khi bị đau nhức do mọc răng khôn, nên dùng các món ăn mềm được chế biến từ những thực phẩm lành mạnh sau:
- Các loại thịt, cá, hải sản
- Trứng, sữa và sữa chua
- Rau xanh và trái cây
- Đậu và các loại hạt (nên nấu mềm nhừ để giảm áp lực khi ăn nhai)
- Chú ý uống nhiều nước để đảm bảo hoạt động bài tiết nước bọt của khoang miệng
4. Chườm đá lạnh
Trong trường hợp mọc răng khôn khiến răng đau nhức, sưng hạch góc hàm và sốt, bạn có thể chườm đá lạnh để cải thiện triệu chứng. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm giúp làm co mạch máu, từ đó giảm hiện tượng sưng góc hàm và phù nề mô lợi bao xung quanh răng.
Chườm lạnh còn làm gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu từ răng và não bộ, nhờ vậy có thể giảm cảm giác khó chịu và đau nhức đáng kể. Chỉ sau 10 – 15 phút chườm đá, cơn đau và các triệu chứng đi kèm sẽ được cải thiện nhanh chóng. Nếu đau nhiều, có thể lặp lại biện pháp này sau mỗi 2 – 3 giờ.
Cách chườm đá lạnh giảm đau nhức do mọc răng khôn:
- Cho nước đá vào túi chườm
- Áp túi chườm vào phần má của răng bị sưng đau
- Chườm liên tục từ 10 – 15 phút để giảm đau
- Có thể dịch chuyển túi chườm xung quanh vùng răng bị đau nhức để giảm sưng nướu và sưng hạch góc hàm
5. Tận dụng các thảo dược tự nhiên
Mọc răng khôn bị sưng đau gây ra không ít phiền toái trong quá trình sinh hoạt và ăn uống. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể tự phát vào ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn và mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Bên cạnh cách chườm đá và ngậm nước muối ấm, bạn cũng có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên để giảm đau nhức do mọc răng khôn. Các nguyên liệu tự nhiên được sử dụng đều có sẵn trong căn bếp nên bạn có thể áp dụng vào bất cứ lúc nào cơn đau bùng phát.
Các mẹo tự nhiên giảm sưng đau do mọc răng khôn:
- Nhai hành tây: Hành tây chứa allicin và phytoncide có đặc tính kháng khuẩn mạnh. Do đó, bạn có thể nhai 1 lát hành tây ở phía răng bị đau nhức để cải thiện cơn đau cùng với các triệu chứng đi kèm. Các thành phần tự nhiên trong củ hành sẽ nhanh chóng thẩm thấu vào mô nướu, tiêu diệt vi khuẩn và giảm tình trạng sưng viêm, phù nề mô nướu rõ rệt.
- Gel nha đam: Gel nha đam có đặc tính làm dịu mát mô nướu. Ngoài ra, Emodin và Aloin trong thảo dược này còn có hiệu quả giảm đau và kháng sinh mạnh. Thoa gel nha đam lên phần nướu xung quanh răng khôn có thể giảm đau nhức và ngăn ngừa viêm nhiễm. Để giảm nhanh cơn đau, nên thực hiện mẹo chữa này 3 – 4 lần/ ngày.
- Ngậm nước gừng: Nước gừng có đặc tính khử mùi và kháng khuẩn tốt. Hoạt chất Gingerol trong thảo dược này đã được chứng minh có hiệu quả chống viêm, ức chế vi khuẩn, virus và nấm men. Ngoài ra, tinh dầu tự nhiên trong củ gừng còn giúp loại bỏ mùi hôi miệng trong thời gian mọc răng khôn. Để làm nước gừng giảm đau răng, có thể hãm gừng tươi với nước ấm hoặc giã nát gừng, vắt lấy nước và hòa với nước lọc theo tỷ lệ 1:3.
6. Dùng gel bôi, nước súc miệng kháng khuẩn
Sử dụng gel bôi và nước súc miệng kháng khuẩn cũng là cách kiểm soát cơn đau, giảm tình trạng nướu sưng viêm và đau nhức trong thời gian mọc răng khôn. Với đặc tính kháng khuẩn tốt, các sản phẩm này còn giúp ngăn ngừa viêm nướu răng, viêm lợi trùm,…
Gel bôi được sử dụng trực tiếp lên mô nướu bao xung quanh răng từ 2 – 3 lần/ ngày để giảm sưng và tránh viêm nhiễm. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thêm nước súc miệng kháng khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn và giảm sưng viêm nướu răng.
7. Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa
Mọc răng khôn có thể gây ra cơn đau dữ dội, đau nhói gây nhức đầu và ù tai – nhất là trong trường hợp răng mọc lệch, mọc ngầm. Trong trường hợp đau nhiều, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa để cải thiện.
Các loại thuốc giảm đau được dùng để giảm sưng đau do mọc răng khôn:
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến. Thuốc có tác dụng giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Paracetamol là thuốc giảm đau không kê toa khá an toàn nên được sử dụng phổ biến trong các trường hợp đau nhức răng.
- NSAID: NSAID (thuốc chống viêm không steroid) là một trong những nhóm thuốc giảm đau nhức răng được sử dụng phổ biến bên cạnh Paracetamol. Một số loại thuốc chống viêm không steroid có thể sử dụng mà không cần kê toa gồm có Ibuprofen, Diclofenac,…
Các loại thuốc giảm đau không kê toa có thể kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khó chịu trong thời gian mọc răng khôn. Tuy nhiên nếu không có chỉ định của bác sĩ, bạn chỉ nên dùng thuốc từ 3 – 5 ngày. Trong trường hợp cơn đau vẫn không thuyên giảm, nên đến bệnh viện/ phòng khám để được thăm khám và điều trị kịp thời.
8. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết
Phần lớn các trường hợp mọc răng khôn bị sưng đau có thể thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài và có mức độ nghiêm trọng, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời. Bởi trong một số trường hợp, răng khôn bị đau có thể xảy ra do viêm lợi trùm, răng mọc lệch, mọc ngầm, mọc ngang,…
Nếu không được điều trị kịp thời, mô nướu xung quanh răng có thể bị viêm nhiễm nặng. Đồng thời tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây tổn thương răng và tổ chức nha chu. Với những trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để phòng ngừa biến chứng.
Mọc răng khôn bị sưng đau là tình trạng thường gặp ở người trưởng thành. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn có thể kiểm soát tình trạng đau nhức và một số triệu chứng khó chịu xảy ra trong thời gian mọc răng. Nếu cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và khắc phục kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị Đau Nhức Ở Kẽ Răng Là Do Đâu? Cách Khắc Phục Và Phòng Ngừa
Đau Răng Nên Ăn Cháo Gì Tốt? 7 món cháo giúp giảm đau bổ dưỡng
Răng Bị Đau Khi Chạm Vào: Nguyên Nhân và Cách khắc phục
#6 Loại Thuốc Giảm Đau Răng Hiệu Quả Nhanh Nhất và Lưu Ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!