Các loại thuốc giảm đau răng dạng viên sủi cho hiệu quả nhanh hơn so với dạng viên nén. Thuốc được dùng để trong nhiều trường hợp khác nhau như mọc răng khôn, đau răng sau khi nhổ răng, sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi trùm,…
8 Loại thuốc giảm đau răng dạng sủi thông dụng
Thuốc giảm đau răng được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như đau răng do mọc răng khôn, đau răng do các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… Ngoài ra, những trường hợp đau sau khi nhổ răng cũng có thể sử dụng thuốc để giảm các triệu chứng khó chịu.
Thuốc đau răng được bào chế ở nhiều dạng khác nhau như dạng viên uống, viên sủi, viên ngậm và thuốc bôi. Trong đó, thuốc sủi được sử dụng phổ biến nhất nhờ mang lại hiệu quả nhanh. Đa số các loại thuốc dạng sủi đều có vị ngọt nhẹ nên dễ uống hơn so với thuốc dạng viên.
Trên thị trường có khá nhiều loại thuốc giảm đau răng dạng viên sủi và đa phần là thuốc không kê toa. Nếu thường xuyên bị đau nhức răng, bạn có thể tham khảo 8 loại thuốc thông dụng sau đây:
1. Viên sủi giảm đau răng Efferalgan
Thuốc Efferalgan dạng đau răng được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Loại thuốc này có thành phần chính là Paracetamol 500mg với tác dụng chính là giảm đau và hạ sốt. Do đó, những trường hợp đau răng, sốt và khó chịu do mọc răng, viêm lợi trùm,… có thể dùng loại thuốc này để cải thiện.
Khi bị đau nhức răng, bạn có thể dùng viên sủi pha với nước và uống trực tiếp. Người lớn có thể uống 1 lần/ viên trong 3 – 4 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 4 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ cần được điều chỉnh liều lượng theo cân nặng. Vì vậy, nếu dùng Efferalgan để giảm đau cho trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Chống chỉ định:
- Mắc bệnh gan nặng
- Dị ứng với các thành phần có trong thuốc, đặc biệt là Paracetamol và tiền chất của Paracetamol (Propacetamol hydrochloride)
Viên sủi Efferalgan tương đối an toàn ở liều điều trị và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng thuốc trong những trường hợp như suy gan, suy thận, nghiện rượu mãn tính, chán ăn, mắc chứng ăn vô độ, suy dinh dưỡng kéo dài và không dung nạp fructose.
2. Hapacol sủi – Thuốc giảm đau răng dạng sủi thông dụng
Hapacol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến. Loại thuốc này được bào chế ở nhiều dạng khác nhau như cốm sủi, viên nén và viên sủi. Viên sủi Hapacol có hàm lượng Paracetamol 500mg được sử dụng để giảm đau, hạ sốt trong nhiều trường hợp như đau răng, đau đầu, đau bụng kinh, đau do chấn thương,…
Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng hạ sốt trong trường hợp mọc răng khôn, viêm lợi trùm, viêm lợi loét hoại tử cấp,… Ở người có thân nhiệt bình thường, thuốc không có tác dụng hạ sốt. Tương tự như Efferalgan, viên sủi Hapacol có thể sử dụng mà không cần kê toa. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên dùng thuốc tối đa trong 3 – 5 ngày.
Viên sủi Hapacol không được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Dị ứng với Paracetamol hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Bị suy gan nặng
Nếu sử dụng đúng liều lượng, thuốc giảm đau răng dạng sủi Hapacol hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp gặp phải tình trạng buồn nôn, nôn mửa và nổi ban da.
3. Thuốc giảm đau Panadol dạng sủi
Ngoài hai loại thuốc trên, Panadol dạng sủi cũng là loại thuốc giảm đau răng thông dụng. Loại thuốc này có vị chanh nên dễ uống và không gặp phải tình trạng buồn nôn, khó chịu như các loại thuốc dạng viên. Panadol dạng sủi chứa thành phần chính là Paracetamol với hàm lượng 500mg.
Với thành phần chính là Paracetamol, thuốc có tác dụng giảm đau – hạ sốt trong nhiều trường hợp khác nhau như đau răng, đau đầu do cảm cúm, cảm lạnh, đau vai gáy do chấn thương, đau sau khi tiểu phẫu,… Thuốc có thể dùng cho người lớn và trẻ trên 6 tuổi. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, cần trao đổi với dược sĩ để được tư vấn cụ thể về liều lượng.
Chống chỉ định thuốc giảm đau dạng sủi Panadol:
- Dị ứng với Paracetamol và bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Thiếu hụt men G6PD
- Bệnh gan nặng
- Thiếu máu nhiều lần
4. Thuốc Pacegan dạng sủi giảm đau răng
Pacegan là loại thuốc giảm đau thông dụng, được sản xuất bởi Công ty TNHH liên doanh Hasan-Dermapharm (Việt Nam). Tương tự như các loại thuốc giảm đau răng dạng sủi, loại thuốc này có thành phần chính là Paracetamol với hàm lượng 500mg.
Thuốc giảm đau dạng sủi Pacegan được dùng để giảm đau, hạ sốt trong nhiều trường hợp như đau nhức cơ thể do vận động cường độ mạnh, cảm cúm, cảm lạnh, đau đầu, đau nửa đầu, đau họng, đau răng, đau sau khi nhổ răng và thực hiện các thủ thuật nha khoa. Loại thuốc này khá an toàn nhưng vẫn có thể gây ra tác dụng phụ. Tốt nhất, chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết, đồng thời cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng ngoại ý.
Thận trọng khi sử dụng thuốc trong những trường hợp sau đây:
- Dị ứng với Paracetamol hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Suy gan, suy thận nặng
- Thiếu hụt G6PD
- Bệnh nhân nghiện rượu
Phụ nữ mang thai có thể sử dụng thuốc Pacegan để giảm đau nhức răng. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về liều lượng.
5. Viên sủi giảm đau răng Bufecol 400
Viên sủi giảm đau răng Bufecol 400 cũng được sử dụng khá phổ biến. Loại thuốc này là dược phẩm của Công ty Dược thiết bị Y tế Hà Nam. Thuốc chứa thành phần chính là Ibuprofen với hàm lượng 400mg. Đây là hoạt chất chống viêm không steroid (NSAID) nên vừa có tác dụng giảm đau vừa cho hiệu quả chống viêm.
Viên sủi Bufecol 400 thường được dùng trong trường hợp đau răng kèm theo sưng nướu răng như mọc răng khôn, viêm lợi trùm răng khôn và áp xe răng. So với các loại thuốc chứa thành phần chính là Paracetamol, Bufecol 400 mang lại hiệu quả nhanh và mạnh hơn.
Tuy nhiên, hạn chế của loại thuốc này là gây kích ứng và đau dạ dày. Do đó, nên uống nhiều nước và ăn no trước khi dùng thuốc. Những trường hợp bị loét dạ dày tá tràng nên tránh sử dụng loại thuốc này và các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Chống chỉ định:
- Loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Suy gan, suy thận nặng
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối
- Trẻ dưới 15 tuổi
Viên sủi Bufecol 400 được dùng 1 lần/ viên và tối đa 3 – 4 lần/ ngày. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết. Nếu cơn đau không thuyên giảm sau 3 – 5 ngày, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị y tế. Không sử dụng viên sủi Bufecol 400 quá 7 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ.
6. Viên sủi Aspirin Plus C
Viên sủi Aspirin Plus C là một trong những loại thuốc giảm đau dạng viên sủi. Loại thuốc này không quá phổ biến ở nước ta vì chưa được nhập khẩu chính ngạch. Đa số thuốc Aspirin Plus C trên thị trường đều là hàng xách tay từ Đức.
Aspirin Plus C là viên sủi giảm đau, hạ sốt được Công ty Bayer Bitterfeld GmbH – Đức sản xuất. Thành phần chính của thuốc là hoạt chất Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt kết hợp với vitamin C. Vitamin C được bổ sung vào sản phẩm nhằm giúp tăng sức đề kháng và giúp phục hồi nhanh khi bị cảm lạnh, cảm cúm, mọc răng khôn,…
Chống chỉ định:
- Dị ứng với Aspirin hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Rối loạn đông máu
- Giảm tiểu cầu
- Suy gan, suy thận nặng
- Suy tim vừa và nặng
- Viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển
Viên sủi Aspirin Plus C gây ra khá nhiều tác dụng phụ do Aspirin ảnh hưởng đến tốc độ đông máu và làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin toàn thân. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, khó chịu ở vùng thượng vị và mệt mỏi. Nếu nhận thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng, nên thông báo với bác sĩ để được xử trí sớm.
7. Thuốc giảm đau răng dạng sủi Paracetamol 500 – Savipharm
Viên sủi Paracetamol 500 của công ty Savipharm là loại thuốc giảm đau răng dạng sủi được sử dụng khá phổ biến. Mặc dù khác tên thương hiệu nhưng loại thuốc này vẫn sử dụng thành phần quen thuộc là Paracetamol với hàm lượng 500mg. Thuốc được dùng trong nhiều trường hợp khác nhau như đau nhức người do cảm cúm, đau đầu, đau nửa đầu, đau bụng, đau răng,…
Khi bị đau nhức răng, bạn có thể hòa tan 1 viên thuốc với nước lọc và uống trực tiếp. Nếu cơn đau chưa giảm hẳn, có thể dùng lại sau 4 – 6 giờ. Tuy nhiên, không nên dùng quá 4 viên/ ngày. Trong trường hợp răng đau nhức nhiều, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi đau nhức răng dữ dội có thể là dấu hiệu của một số vấn đề nha khoa nghiêm trọng như áp xe răng, viêm mô tế bào, viêm sàn miệng và viêm lợi loét hoại tử cấp tính.
Chống chỉ định:
- Dị ứng, mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Suy gan, suy thận nặng
Viên sủi Paracetamol 500 – Savipharm có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn. Với trẻ nhỏ, cần điều chỉnh liều lượng tùy theo cân nặng. Tương tự như các loại thuốc giảm đau răng khác, chỉ nên dùng viên sủi Paracetamol 500 – Savipharm tối đa 3 – 5 ngày. Không dùng thuốc quá 7 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ và trẻ em chỉ nên sử dụng tối đa 5 ngày.
8. Biragan 500
Viên sủi Biragan 500 là loại thuốc giảm đau răng dạng sủi khá thông dụng. Thành phần chính của thuốc là Paracetamol hàm lượng 500mg. Thuốc được dùng để giảm đau nhức răng trong nhiều trường hợp như mọc răng khôn, sau khi nhổ răng, đau răng do sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi trùm, viêm nướu răng cấp tính, áp xe răng,…
Ngoài ra, có thể sử dụng viên sủi Biragan 500 trong trường hợp đau khớp thái dương hàm và đau sau khi niềng răng. Thuốc có tác dụng giảm đau tốt và tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên, người có tiền sử dị ứng Paracetamol không nên sử dụng loại thuốc này.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Thiếu máu nhiều lần
- Có bệnh phổi, thận, gan và tim
- Thiếu hụt G6PD
Viên sủi Biragan 500 có thể dùng cho người lớn và trẻ em từ 11 tuổi trở lên. Trong thời gian sử dụng, cần chú ý đến những biểu hiện bất thường và thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau răng dạng sủi
Thuốc giảm đau dạng sủi được sử dụng rất phổ biến nhờ có tác dụng nhanh và hiệu quả cao. Thuốc có thể dùng trong nhiều trường hợp khác nhau như đau răng do các bệnh nha khoa, đau răng sau khi nhổ răng hoặc đau răng khi mọc răng khôn. Tuy nhiên trước khi sử dụng, bạn nên lưu ý những vấn đề quan trọng sau:
- Chỉ dùng thuốc giảm đau dạng sủi khi cần thiết và nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
- Nếu không có chỉ định của bác sĩ, chỉ nên dùng thuốc tối đa 5 ngày đối với trẻ em và 7 ngày đối với người lớn.
- Đa số các loại thuốc giảm đau đều chứa hoạt chất Paracetamol và một số hoạt chất chống viêm không steroid (NSAID). Vì vậy, cần tránh tình trạng tự ý phối hợp các loại thuốc vì nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng quá liều.
- Các loại thuốc giảm đau răng dạng sủi có thể dùng mà không cần kê toa. Tuy nhiên, dùng thuốc vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Nếu không cần thiết, bạn nên áp dụng các cách giảm đau răng tại nhà để hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng thuốc.
- Ngưng sử dụng và thông báo ngay với bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng bất thường trong quá trình dùng thuốc.
- Đau răng là dấu hiệu cho thấy răng miệng đang gặp phải vấn đề. Vì vậy, ngay cả khi cơn đau thuyên giảm, bạn vẫn nên đến phòng khám kiểm tra để kịp thời điều trị các bệnh răng miệng.
Các loại thuốc giảm đau răng dạng viên sủi được sử dụng rất phổ biến. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn về các loại thuốc thông dụng và có thêm kinh nghiệm khi sử dụng. Nếu không cần thiết, nên hạn chế sử dụng thuốc và làm giảm cơn đau bằng các biện pháp an toàn tại nhà.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Người bị đau răng có nên ăn thịt bò không?
10 Loại thuốc giảm đau răng của Nhật được Review tốt nhất
#6 Loại Thuốc Giảm Đau Răng Hiệu Quả Nhanh Nhất và Lưu Ý
Bị đau răng dữ dội không bớt phải làm sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!