Bị đau răng sưng lợi nên uống thuốc gì là mối bận tâm của nhiều bạn đọc. Bởi dùng thuốc là phương pháp kiểm soát cơn đau hiệu quả nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng phụ. Hiểu rõ về các loại thuốc thông dụng sẽ giúp bạn đọc dùng thuốc đúng cách, an toàn và hiệu quả hơn.
Người bị đau răng sưng lợi nên uống thuốc gì?
Đau răng, sưng lợi là các triệu chứng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Các triệu chứng này có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nha khoa như viêm nướu răng (viêm lợi), viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe răng,… Ngoài ra, đau răng sưng lợi còn xảy ra do mọc răng, nhổ răng, dùng thức ăn cứng, nhiều gia vị cay nóng và ảnh hưởng của quá trình mang thai, sinh nở.
Dù xảy ra do nguyên nhân nào, đau răng sưng lợi đều gây ra nhiều phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt. Ở một số trường hợp, cơn đau còn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm giảm hiệu suất làm việc và học tập. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát cơn đau và giảm ảnh hưởng của tình trạng đau răng sưng lợi đối với chất lượng cuộc sống.
Bị đau răng sưng lợi nên uống thuốc gì là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hiểu rõ về các loại thuốc thông dụng sẽ giúp bạn sử dụng thuốc đúng cách và an toàn hơn.
Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau răng sưng lợi:
1. Thuốc giảm đau Paracetamol (Acetaminophen)
Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Thuốc được dùng cho cả trẻ em và người lớn trong nhiều trường hợp khác nhau như đau đầu, đau nhức xương khớp, triệu chứng đau do cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan,… Ngoài ra, Paracetamol còn được dùng để giảm đau răng, sưng lợi do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Paracetamol tác động đến enzyme cyclooxygenase ở hệ thần kinh trung ương, qua đó làm giảm khả năng sinh tổng hợp chất trung gian gây viêm – prostaglandin. Nhờ cơ chế này, thuốc có khả năng giảm đau nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, Paracetamol còn tác động đến vùng dưới đồi, giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên nhằm hạ sốt ở những người có thân nhiệt cao (không tác dụng đối với người có thân nhiệt bình thường).
Tuy nhiên, cần tránh sử dụng thuốc Paracetamol trị đau răng sưng lợi cho những đối tượng sau:
- Dị ứng, quá mẫn với Paracetamol
- Thiếu hụt men G6PD
- Thiếu máu nhiều lần
- Mắc các bệnh thận, phổi, tim và gan
- Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể sử dụng Paracetamol nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Để giảm nhanh tình trạng đau răng sưng lợi, bạn nên dùng Paracetamol dạng sủi thay vì dạng viên uống hay dạng đặt trực tràng. Ngoài ra, có thể lựa chọn Paracetamol ở các dạng bào chế khác tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe đi kèm (chứng khó nuốt).
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng Paracetamol trị đau răng sưng lợi:
- Thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính,…
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tổn thương gan (thường gặp ở những người dùng liều cao, sử dụng dài ngày hoặc dùng đồng thời với đồ uống chứa cồn, thuốc gây độc lên gan khác)
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị đau răng sưng lợi. Nhóm thuốc này có khoảng 20 hoạt chất nhưng chỉ có một số loại có thể dùng không cần kê toa như Naproxen, Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac,… NSAID có hiệu quả giảm đau và chống viêm nên mang lại cải thiện rõ rệt hơn so với Paracetamol.
NSAID cũng có hiệu quả hạ sốt nhưng kém hơn Paracetamol nên hầu như không được sử dụng với mục đích này. Thuốc chống viêm không steroid cũng ức chế men cyclooxygenase, sau đó giảm tổng hợp prostaglandin để giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên, NSAID tác dụng lên prostaglandin của toàn bộ cơ thể nên hiệu quả giảm đau tốt hơn nhưng cũng tiềm ẩn không ít tác hại lên hệ tim mạch, tiêu hóa và hô hấp.
Ngoài ra, thuốc chống viêm khong steroid còn ức chế kinin – chất trung gian trong phản ứng gây viêm. Đồng thời giúp giải phóng các enzyme tiêu thể, ion superoxyd và làm bền vững màng liposome nhằm giảm quá trình gây viêm. NSAID giảm đau bằng cách ức chế sinh tổng hợp (PGF 2 alpha) và giảm tính thụ cảm của dây thần kinh với các chất dẫn truyền tín hiệu đau như serotonin, histamine,… Với hiệu quả giảm đau và chống viêm, thuốc chống viêm không steroid được sử dụng khá phổ biến trong điều trị đau răng sưng lợi.
Chống chỉ định tuyệt đối thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cho những trường hợp sau:
- Mắc các bệnh lý chảy máu không kiểm soát (tiểu đường, rối loạn đông máu,…)
- Tiền sử dị ứng, quá mẫn với các thành phần trong thuốc. Ngoài ra, nên xem xét khả năng dị ứng chéo giữa các loại thuốc cùng nhóm
- Bị loét dạ dày tá tràng tiến triển
- Suy gan, suy thận nặng
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng cuối và phụ nữ đang cho con bú
Để giảm tác hại của thuốc lên cơ quan tiêu hóa, nên tránh dùng rượu bia, món ăn chứa nhiều axit và gia vị cay nóng trong thời gian dùng thuốc. Nếu không có toa của bác sĩ, chỉ dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong tối đa 5 – 7 ngày.
3. Thuốc kháng sinh trị đau răng sưng lợi
Kháng sinh cũng có thể được sử dụng trong trường hợp đau răng sưng lợi. Tùy theo mức độ viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh dạng bôi hoặc dạng uống. Đối với đau răng sưng lợi do viêm nướu răng (viêm lợi), bạn có thể dùng các loại kháng sinh dạng bôi thoa trực tiếp lên mô nướu bị phù nề, viêm nhiễm từ 2 – 3 lần/ ngày để cải thiện triệu chứng.
Tuy nhiên nếu đau răng sưng lợi xảy ra do viêm tủy răng cấp, viêm nha chu, áp xe răng,… bác sĩ sẽ xem xét chỉ định kháng sinh đường uống. Kháng sinh được sử dụng trong điều trị các vấn đề nha khoa là Metronidazole phối hợp với Spiramycin, Doxycyclin, Tetracyclin, Amoxicillin,…
Kháng sinh có tác dụng chính là tiêu diệt và kiểm soát sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Nhóm thuốc này hoàn toàn không có hiệu quả giảm đau và kháng viêm. Tuy nhiên bằng cách kiểm soát viêm nhiễm, mô nướu có thể giảm phù nề và tình trạng đau nhức răng cũng thuyên giảm rõ rệt.
Khi sử dụng kháng sinh để điều trị đau răng sưng lợi, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ
- Dùng đúng liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng. Tình trạng thường xuyên quên liều, dùng không đúng liều lượng và tự ý ngưng thuốc có thể làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
- Nên bổ sung thực phẩm chứa probiotic (lợi khuẩn) và rau xanh, trái cây vào chế độ ăn để hạn chế tình trạng loạn khuẩn ruột khi dùng kháng sinh. Ngoài ra, các nhóm thực phẩm này còn giúp giảm tình trạng khó chịu ở vùng thượng vị, đầy hơi và khó tiêu khi sử dụng thuốc tây.
- Kháng sinh là nhóm thuốc có khả năng dị ứng cao. Nếu có cơ địa nhạy cảm và tiền sử dị ứng thuốc, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp nhất.
4. Corticoid đường uống
Corticoid đường uống cũng có thể được sử dụng trong điều trị đau răng sưng lợi. Nhóm thuốc này có 3 tác dụng chính là giảm đau, chống viêm và ức chế miễn dịch. Corticoid có hiệu quả tương tự như hormone cortisol được tuyến thượng thận bài tiết. Corticoid đường uống được sử dụng để giảm đau răng sưng lợi gián tiếp thông qua hiệu quả kháng viêm.
Nhờ tác dụng chống viêm nhanh và mạnh nên Corticoid được sử dụng khi NSAID không mang lại hiệu quả và những trường hợp dị ứng với NSAID. Corticoid có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế khả năng tập trung và vận chuyển của bạch cầu, cản trở thực bào, ức chế sản xuất kháng thể, ức chế hoạt động của phospholipase A2 nhằm giảm tổng hợp các chất trung gian gây viêm là prostaglandin và leucotrien.
Các nhóm đối tượng chống chỉ định với Corticoid đường uống:
- Nhiễm khuẩn nặng nhưng chưa có kháng sinh đặc hiệu
- Trường hợp suy giảm hệ miễn dịch nặng
- Tăng huyết áp
- Tiểu đường
- Viêm loét dạ dày tá tràng
Khi sử dụng Corticoid đường uống, cần tránh ăn mặn vì thuốc có tác dụng giữ nước dẫn đến hiện tượng phù.
5. Thuốc bôi gây tê
Thuốc bôi gây tê là các loại thuốc được sử dụng trực tiếp lên mô nướu có chứa hoạt chất gây tê tại chỗ như Lidocaine và Benzocaine. Các hoạt chất này có khả năng phong bế thần kinh, qua đó giảm thụ cảm tín hiệu đau nhức.
Thuốc bôi gây tê chỉ cho tác dụng tại chỗ nên khá an toàn và được sử dụng phổ biến. Đối với trường hợp đau răng sưng lợi, thuốc thường được dùng với tần suất 2 – 3 lần/ ngày. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây dị ứng, kích ứng ở một số trường hợp.
Thuốc bôi gây tê được dùng để giảm đau sưng lợi trong những trường hợp như:
- Mọc răng khôn
- Viêm lợi (viêm nướu răng)
- Viêm lợi trùm
6. Dung dịch súc miệng sát khuẩn
Ngoài các loại thuốc dạng uống và bôi, bạn cũng có thể giảm đau nhức răng bằng cách sử dụng thuốc súc miệng sát khuẩn. Các loại thuốc này có tác dụng chính là sát trùng, kháng viêm, qua đó giảm tình trạng đau nhức và phù nề mô nướu.
Dung dịch súc miệng sát khuẩn thường chứa các thành phần tự nhiên như tinh dầu tràm, húng quế, tía tô, vỏ quế, bạc hà, húng chanh,… hoặc các thành phần tổng hợp như Zinc gluconate, Chlorhexidine, Hexetidine và Hydrogen peroxide. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại nước súc miệng này 2 lần/ ngày để phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp.
7. Các viên uống bổ sung vitamin
Đau răng sưng lợi cũng có thể xảy ra do thiếu hụt một số loại vitamin như vitamin A, C, B2, D3,… Vì vậy nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại viên uống bổ sung vitamin bên cạnh sử dụng thuốc giảm đau và kháng viêm.
Ngoài sử dụng viên uống bổ sung, bạn cũng nên cung cấp vitamin và khoáng chất thông qua chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học. Các viên uống bổ sung vitamin cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, sử dụng các viên uống này không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức đều có thể gây tác dụng phụ. Do đó, chỉ nên dùng viên uống bổ sung vitamin khi có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý khi dùng thuốc trị đau răng sưng lợi
Sử dụng thuốc có thể kiểm soát tình trạng đau răng sưng lợi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra không ít rủi ro và tác dụng phụ.
Vì vậy khi sử dụng thuốc trị đau răng sưng lợi, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng thuốc trị đau răng sưng lợi. Nếu sử dụng không có toa của bác sĩ, bạn chỉ nên dùng thuốc tối đa từ 5 – 7 ngày.
- Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng thuốc để được xem xét loại thuốc phù hợp nhất.
- Tất cả các loại thuốc đều có khả năng gây ra tác dụng phụ. Để hạn chế tác dụng không mong muốn, nên dùng thuốc đúng cách và đúng liều lượng. Ngoài ra, cần chú ý những biểu hiện bất thường trong thời gian sử dụng và thông báo với bác sĩ để được thăm khám, xử trí sớm.
- Đau răng sưng lợi là biểu hiện của nhiều bệnh lý nha khoa. Ngoài sử dụng thuốc, bạn nên can thiệp một số phương pháp điều trị chuyên sâu như cạo vôi răng, trám răng, nạo túi nha chu, cắt lợi trùm,… để kiểm soát tình trạng triệt để. Phụ thuộc hoàn toàn vào sử dụng thuốc có thể khiến bệnh tình tiến triển dai dẳng, cơn đau tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
- Nếu đau răng sưng lợi có mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà như ngậm nước muối ấm, chườm lạnh, súc miệng với tinh dầu đinh hương,…
Trên đây là những thông tin giải đáp Bị đau răng sưng lợi nên uống thuốc gì?. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả hơn. Dù vậy trong tất cả mọi trường hợp, chỉ nên dùng thuốc khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trồng răng giả xong bị đau có nguy hiểm không?
Mẹo trị đau răng bằng rượu cau bạn nên thử
10 Cách Giảm Đau Răng Cho Mẹ Bầu An Toàn Hiệu Quả
Bị đau răng kéo lên tai có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!