Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định lấy tủy trước khi hàn trám nhằm bảo tồn răng và phòng tránh biến chứng. Để hiểu rõ về quy trình, chi phí và lưu ý khi trám răng lấy tủy, bạn đọc có thể tham khảo các thông tin hữu ích được tổng hợp trong bài viết sau.
Hàn trám răng có cần phải lấy tủy không? Khi nào nên lấy?
Hàn răng (trám răng) là thủ thuật nha khoa sử dụng vật liệu chuyên dụng để phục hồi mô răng bị tổn thương và khiếm khuyết. Thủ thuật này được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như răng sứt mẻ, răng thưa, mòn men răng, răng ố màu ở một số vị trí và sâu răng.
Tùy theo mức độ tổn thương của răng, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng Inlay/ Onlay hoặc trám răng trực tiếp bằng các vật liệu lỏng. Tuy nhiên trước khi hàn trám, bạn có thể phải can thiệp một số phương pháp điều trị. Vậy Trám răng có cần phải lấy tủy không?.
Lấy tủy răng (điều trị nội nha) là phương pháp làm sạch phần tủy răng bên trong. Phương pháp này được được áp dụng trong trường viêm tủy răng không hồi phục và răng bị chết tủy. Nếu không làm sạch khoang tủy, vi khuẩn sẽ phát triển gây áp xe quanh chóp răng, phá hủy dần ngà răng và lây lan sang các cơ quan lân cận.
Lấy tủy răng trước khi trám răng chỉ được thực hiện đối với trường hợp sâu răng nặng gây viêm nhiễm khoang tủy và những trường hợp răng nứt, mẻ làm lộ phần tủy. Những trường hợp chưa có tổn thương tủy thường không có chỉ định điều trị nội nha. Bởi tủy răng được xem là “trái tim” với vai trò nuôi dưỡng, tái tạo ngà răng và dẫn truyền cảm giác về não bộ.
Khi loại bỏ tủy, răng không được nuôi dưỡng nên có xu hướng giòn và dễ nứt, gãy. Ngoài ra sau một thời gian lấy tủy, men răng có thể ngả màu, răng lung lay và lỏng lẻo. Trên thực tế, răng đã bị lấy tủy chỉ có tuổi thọ khoảng 10 – 15 năm hoặc ngắn hơn. Do đó, lấy tủy răng trước khi hàn trám chỉ được xem xét trong trường hợp thật sự cần thiết.
Quy trình trám răng có chữa tủy
Trường hợp trám răng có chữa tủy thường mất nhiều thời gian và quy trình phức tạp hơn so với hàn trám thông thường. Phương pháp này được thực hiện qua 5 bước và thường mất khoảng 2 – 4 buổi hẹn tùy thuộc vào cấu trúc tủy của răng bị tổn thương, phương pháp hàn trám và tay nghề của bác sĩ.
Bước 1: Thăm khám tổng quát
Để xác định được mức độ tổn thương của răng cần trám, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chụp X-Quang. Ngoài ra, qua hình ảnh từ X-Quang, bác sĩ cũng xác định được những trường hợp cần phải lấy tủy trước khi hàn trám. Hình ảnh X-Quang bộc lộc rõ cấu trúc khoang tủy và mô răng bị viêm nhiễm.
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị và kỹ thuật hàn trám phù hợp để người bệnh hiểu rõ. Nếu người bệnh muốn trì hoãn, bác sĩ có thể xem xét một số phương pháp bảo tồn như dùng thuốc và cạo vôi răng.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng + gây tê
Vệ sinh răng miệng được thực hiện trước khi trám răng nhằm hạn chế viêm nhiễm. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định cạo vôi thay vì vệ sinh thông thường. Sau đó, tiêm thuốc gây tê vào nướu răng để tránh cảm giác đau nhức và khó chịu trong quá trình thực hiện.
Bước 3: Lấy tủy răng
Bác sĩ dùng dụng cụ chuyên dụng để bộc lộ khoang tủy, sau đó tạo hình lỗ tủy để quá trình làm sạch diễn ra thuận lợi hơn. Phần tủy bị viêm nhiễm/ hoại tử sẽ được loại bỏ bằng trâm tay hoặc trâm máy. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ kết hợp bơm rửa nhiều lần để đảm bảo tủy răng được làm sạch hoàn toàn.
Tủy răng là cơ quan có hình dáng và cấu tạo phức tạp. Tùy theo vị trí, răng có thể có từ 2 – 4 ống tủy. Do đó, thời gian lấy tủy răng có thể kéo dài từ 1 – 2 buổi hẹn. Giữa các lần hẹn, bác sĩ sẽ trám bít tạm thời để tránh thức ăn lọt vào bên trong.
Bước 4: Trám khoang tủy và lỗ sâu
Sau khi phần tủy viêm nhiễm đã được làm sạch, bác sĩ sẽ dùng gutta percha để trám bít ống và buồng tủy. Sau đó tùy theo kích thước của lỗ sâu, bác sĩ xem xét trám răng trực tiếp hoặc gián tiếp bằng Inlay/ Onlay. Với những trường hợp răng hư tổn quá nghiêm trọng, có thể phải bọc răng sứ thay vì hàn trám.
Bước 5: Chỉnh sửa miếng trám
Cuối cùng, bác sĩ sẽ chỉnh sửa miếng trám sao cho tương thích hoàn toàn với răng và kiểm tra để chắc chắn miếng trám không gây cộm, xây xước và khó khăn khi ăn uống, giao tiếp.
Trám răng lấy tủy có đau không? Mất bao lâu?
Trám răng lấy tủy có đau không là vấn đề rất được quan tâm – đặc biệt là với những người có khả năng chịu đau kém. Trên thực tế, phương pháp này hầu như không gây đau trong quá trình thực hiện do có sử dụng thuốc tê. Sau khi lấy tủy + trám răng, răng có thể bị đau nhức và ê buốt nhẹ những mức độ không đáng kể.
Nếu đau nhiều, bạn có thể chườm đá và ngậm nước muối ấm để làm dịu cảm giác khó chịu. Trong trường hợp cần thiết, có thể dùng một số loại thuốc gây tê tại chỗ hoặc thuốc giảm đau nhức răng dạng uống. Nếu không có sai sót trong quá trình thực hiện, tình trạng đau nhức, ê buốt sau khi trám răng lấy tủy chỉ kéo dài trong khoảng 3 – 5 ngày.
Trám răng lấy tủy mất nhiều thời gian hơn so với trường hợp trám răng đơn thuần. Tùy theo cấu tạo tủy răng và phương pháp hàn trám (trám trực tiếp hay gián tiếp), thời gian thực hiện có thể kéo dài 2 – 4 buổi hẹn. Trong khi trám răng không lấy tủy chỉ mất từ 1 – 2 buổi hẹn là hoàn thành.
Hàn trám răng có lấy tủy giá bao nhiêu tiền?
Trám răng lấy tủy có chi phí cao hơn so với những trường hợp chỉ hàn trám. Tuy nhiên, chi phí sẽ có sự khác biệt tùy theo vị trí răng, chất liệu và kỹ thuật hàn trám. Trường hợp bị sót tủy sẽ phải chữa tủy lại nên cũng có chi phí cao hơn thông thường.
Chi phí trám răng chữa tủy tham khảo:
- Điều trị tủy răng giữa có giá 500 – 700.000 đồng/ răng
- Chữa tủy răng tiền cối có giá 700 – 900.000 đồng/ răng
- Chữa tủy răng cối lớn có giá 1 – 1.2 triệu đồng/ răng
- Chữa tủy lại sẽ cộng thêm 200 – 400.000 đồng/ răng
- Trám răng sau khi kết thúc chữa tủy có giá 200 – 400.000 đồng/ răng
- Nếu phục hồi bằng Inlay/ Onlay, chi phí sẽ cộng thêm khoảng 1 – 5 triệu đồng
Chi phí trám răng lấy tủy được cung cấp trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Bạn đọc nên liên hệ với bệnh viện/ phòng khám có ý định thực hiện để được tư vấn cụ thể hơn.
Lưu ý khi trám răng lấy tủy
Trám răng lấy tủy có quy trình phức tạp, chi phí cao và mất nhiều thời gian hơn so với hàn trám thông thường. Chính vì vậy trước khi thực hiện phương pháp này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Trám răng là kỹ thuật nha khoa đơn giản nhưng lấy tủy là phương pháp phức tạp, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm. Chính vì vậy, bạn nên lựa chọn bệnh viện/ phòng khám đáng tin cậy khi có ý định thực hiện phương pháp này.
- Nếu được chỉ định lấy tủy, nên tiến hành trong thời gian sớm nhất. Trì hoãn lấy tủy có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh gây tổn thương răng và tổ chức nha chu. Thậm chí có những trường hợp bị nứt, gãy răng chỉ còn chân do hoại tử tủy không được xử lý kịp thời.
- Trám răng lấy tủy mất khoảng 2 – 4 buổi hẹn. Giữa các lần hẹn, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc, ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh các vấn đề nha khoa phát sinh.
- Trong và sau khi trám răng chữa tủy, cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng. Để đảm bảo khoang miệng được làm sạch, cần kết hợp đánh răng 2 – 3 lần/ ngày với súc miệng với nước muối pha loãng và dùng chỉ nha khoa sau các bữa ăn.
- Hạn chế dùng thức ăn cứng, khô, đồ ăn quá nóng, quá lạnh sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa nói chung và trám răng lấy tủy nói riêng. Thói quen ăn uống không phù hợp có thể khiến răng bị đau nhức, ê buốt, miếng trám nứt, mẻ và bong sau một thời gian ngắn.
- Nếu nhận thấy triệu chứng bất thường, nên thông báo với bác sĩ để được khắc phục kịp thời. Ngoài ra sau khi trám răng chữa tủy, nên khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để được kiểm tra sức khỏe răng miệng đều đặn. Trong trường hợp miếng trám đã cũ hoặc đã bị bong, hở, bác sĩ sẽ chỉ định thay miếng trám mới để hạn chế phát sinh các vấn đề nha khoa.
- Chi phí trám răng lấy tủy ở các bệnh viện công thường thấp hơn so với phòng khám tư nhân. Nếu có BHYT, bạn nên thực hiện ở bệnh viện đăng ký để tiết kiệm chi phí.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Trám răng có cần lấy tủy hay không?”, đồng thời đề cập đến quy trình, chi phí và những lưu ý khi thực hiện. Để đảm bảo an toàn khi can thiệp các thủ thuật nha khoa, nên lựa chọn bệnh viện/ phòng khám đáng tin cậy. Bởi đa phần biến chứng và tác dụng phụ phát sinh đều có liên quan đến những sai sót của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Sau khi trám răng bao lâu thì ăn uống bình thường?
Răng sứ bị mẻ có trám được không?
Trám Răng Cửa Bị Sâu, Mẻ Có Bền Không? Giá Bao Nhiêu?
Răng cửa bị mẻ trám có được không? Có bền không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!