Hàm lệch là khuyết điểm răng hàm mặt có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đa phần các trường hợp này đều xuất phát từ yếu tố di truyền, bẩm sinh. Sự mất cân đối giữa 2 hàm không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng.
Hàm lệch là gì?
Hàm lệch (hay lệch hàm) là tình trạng cấu trúc xương hàm dưới bên trái và bên phải có sự chênh lệch, không cân đối. Cụ thể, xương hàm dưới có thể lệch sang bên trái, bên phải, nhô ra phía trước hoặc thụt vào phía sau. Đây là một dạng khuyết điểm về răng hàm mặt thường gặp ở cả trẻ em và người lớn.
Trên thực tế, rất ít người có cấu tạo xương hàm cân đối hoàn toàn. Thông thường, xương hàm bên trái và bên phải sẽ có sự khác biệt đôi chút nhưng thường không quá rõ rệt. Hàm lệch được xác định khi cấu trúc xương 2 hàm có sự chênh lệch đáng kể dẫn đến tình trạng khuôn mặt không cân đối.
Tương tự như sai lệch khớp cắn, hàm lệch có thể xảy ra do răng, cấu trúc xương hàm hoặc cũng có thể do hai yếu tố trên kết hợp. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, ngoại hình mà còn tác động tiêu cực đến chức năng sinh lý của răng và làm gia tăng nguy cơ gặp phải các bệnh lý răng miệng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng hàm lệch
Lệch hàm có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có 4 nguyên nhân thường gặp nhất, bao gồm:
1. Di truyền, bẩm sinh
Đa phần những trường hợp bị lệch hàm đều liên quan đến yếu tố di truyền. Người có ông bà, cha mẹ gặp phải tình trạng này thường có nguy cơ cao hơn so với những đối tượng thông thường. Bởi cấu trúc xương được quy định bởi gen di truyền. Ngoài ra, sự phát triển không cân đối giữa xương hàm bên trái và bên phải cũng có thể bắt nguồn từ tình trạng nhiễm hóa chất độc hại trong thời gian mang thai.
2. Hàm lệch do chấn thương
Tương tự như sai lệch khớp cắn, lệch hàm cũng có thể xảy ra do chấn thương trong quá trình sinh hoạt, làm việc và tham gia giao thông. Tác động cơ học mạnh có thể khiến phần xương hàm bị lệch hẳn sang một bên hoặc nhô ra/ lùi vào một cách bất thường. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, bạn sẽ nhận thấy hàm lệch hẳn chỉ sau một thời gian ngắn.
3. Răng mọc lệch
Răng mọc lệch, chen chúc cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng hàm lệch. Mối tương quan giữa hai hàm răng ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc khuôn mặt. Nếu các răng trên cung hàm không mọc thẳng, đều, phần hàm bên trái và bên phải sẽ có sự khác biệt tùy theo mức độ lệch lạc của răng.
4. Do các thói quen xấu
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng hàm lệch cũng có thể xảy ra do những thói quen xấu như:
- Thói quen nhai 1 bên hàm: Thói quen nhai 1 bên hàm là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng lệch hàm ở cả trẻ em và người lớn. Khi nhai cố định một bên, phần cơ và xương hàm sẽ phát triển chênh lệch so với bên còn lại. Tình trạng này sẽ khiến cho hàm bị lệch và mất đi sự cân đối vốn có.
- Ngủ nghiêng 1 bên: Tương tự như thói quen nhai 1 bên hàm, ngủ nghiêng 1 bên cũng có thể dẫn đến tình trạng hàm lệch. Áp lực của trọng lực sẽ khiến hai bên hàm có sự phát triển không đồng đều. Lâu dần, xương hàm dưới ở bên trái và bên phải sẽ xuất hiện sự khác biệt. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều hơn ở trẻ em do cấu trúc xương của bé đang trong giai đoạn phát triển và có sự dịch chuyển đáng kể nếu lặp đi lặp lại một vài thói quen/ hành động.
- Một số thói quen khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng hàm lệch cũng có thể xảy ra do một số thói quen khác như chống tay lên cằm, dùng thức ăn quá cứng, nhai cùng lúc một lượng thức ăn lớn,…
Dấu hiệu nhận biết hàm lệch
Hàm lệch là khuyết điểm về cấu trúc răng hàm mặt khá phổ biến ở trẻ em và người trưởng thành. Tình trạng này rất dễ nhận biết thông qua mắt thường. Nếu chú ý, bạn có thể phát hiện sớm tình trạng lệch hàm và can thiệp các biện pháp khắc phục kịp thời.
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng hàm lệch:
- Quan sát nhận thấy hàm bên trái và bên phải có sự chênh lệch về kích thước
- Hàm trái nhô ra hoặc thụt lùi về phía sau so với hàm phải
- Toàn bộ khuôn mặt trở nên mất cân đối
- Hàm lệch thường đi kèm với tình trạng sai lệch khớp cắn (khớp cắn sâu, khớp cắn hở, khớp cắn ngược)
- Răng đau nhức, khó khăn và có thể phát ra âm thanh khi ăn uống
- Phải dùng lực mạnh khi nhai dẫn đến tình trạng mỏi cơ hàm và đau nhức khớp thái dương hàm
Lệch hàm có nguy hiểm không?
Hàm lệch là tình trạng cấu trúc xương hàm dưới ở bên trái và bên phải không có sự cân đối. Ngoài ảnh hưởng đối với tính thẩm mỹ và ngoại hình, tình trạng này còn tác động đến chức năng sinh lý của răng. Nếu không khắc phục sớm, hàm bị lệch có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề về lâu dài.
Một số ảnh hưởng, biến chứng có thể gặp phải khi hàm bị lệch kéo dài:
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Hàm lệch khiến cho khuôn mặt trở nên thiếu cân đối và biến dạng. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và phần nào ảnh hưởng đến sự tự tin khi giao tiếp. Với những người bị lệch hàm nặng, cấu trúc khuôn mặt sẽ bị mất đối xứng nghiêm trọng gây ra tâm lý e ngại, tự ti trong cuộc sống.
- Giảm chức năng ăn nhai: Cấu trúc xương hàm có mối liên hệ mật thiết với khớp cắn. Xương hàm lệch thường đi kèm với tình trạng sai lệch khớp cắn. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này khiến cho quá trình ăn uống gặp nhiều khó khăn, phải sử dụng lực mạnh để nghiền nát thức ăn. Về lâu dài, xương hàm và khớp thái dương hàm phải chịu áp lực lớn dẫn đến tình trạng viêm, rối loạn cơ năng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng: Sự mất cân đối giữa hàm bên phải và bên trái khiến lực phân bố giữa hai hàm không đồng đều. Do đó, 1 bên hàm sẽ phải chịu áp lực lớn hơn bên còn lại. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến men răng bị mài mòn, răng dễ ê buốt, đau nhức khi ăn uống và có thể làm gia tăng nguy cơ bị sâu răng, viêm tủy răng,…
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, tiêu hóa: Tình trạng lệch hàm làm giảm chức năng ăn nhai của răng khiến thức ăn không được nghiền nát kỹ. Về lâu dài, dạ dày và đường ruột dễ bị rối loạn do phải hoạt động quá mức để tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, lệch hàm thường đi kèm với hiện tượng thở bằng miệng và nghiến răng khi ngủ. Những thói quen này cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Lệch hàm gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, cần có biện pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất lấy lại sự tự tin trong cuộc sống và thoải mái hơn khi ăn uống, giao tiếp.
Cách điều trị lệch hàm hiệu quả
Hiện nay, có nhiều cách khắc phục tình trạng lệch hàm như niềng răng – chỉnh nha, phẫu thuật và áp dụng một số biện pháp tại nhà. Để đạt được hiệu quả cao, bạn nên lựa chọn phương pháp phù hợp với nguyên nhân gây lệch hàm và mức độ mất cân đối giữa hai hàm.
Các phương pháp điều trị lệch hàm được áp dụng phổ biến nhất hiện nay:
1. Các biện pháp chữa lệch hàm tại nhà
Với những trường hợp hàm lệch không đáng kể, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chữa lệch hàm tại nhà. Các biện pháp này tận dụng tác động cơ học để điều chỉnh hàm dưới bên trái và bên phải nhằm tạo ra sự cân đối.
Một số cách chữa lệch hàm ngay tại nhà:
- Massage xoa bóp: Massage xoa bóp là một trong những cách đơn giản để điều chỉnh phần xương hàm dưới bên trái và bên phải. Động tác đơn giản nhất để làm thon gọn và cân đối phần xương của hai hàm là áp lòng bàn tay vào xương hàm và vuốt nhẹ lên phía trên. Thực hiện liên tục từ 10 – 20 lần với tần suất 2 – 3 lần/ ngày để đạt kết quả tốt nhất. Khi massage, có thể dùng bột talc hoặc dầu để giảm ma sát.
- Dùng băng định hình: Sử dụng băng định hình khuôn mặt là một trong những cách khắc phục tình trạng hàm lệch tại nhà. Băng định hình thường được làm từ vải co giãn, được sử dụng để cố định cấu trúc xương mặt và giúp khuôn mặt trở nên thon gọn hơn. Để đạt hiệu quả tốt, cần dùng băng định hình nhiều giờ trong ngày và nên kết hợp thêm với các động tác massage.
Các biện pháp khắc phục hàm lệch tại nhà có hiệu quả tương đối hạn chế. Thực tế, những mẹo đơn giản này chỉ có thể cải thiện phần nào mức độ lệch lạc giữa hàm bên trái và bên phải. Hơn nữa để nhận thấy hiệu quả, bạn nên áp dụng các biện pháp tại nhà thường xuyên trong một thời gian dài.
2. Niềng răng – chỉnh nha
Như đã đề cập, hàm bị lệch cũng có thể xảy ra do răng mọc lệch, hô, móm, chen chúc và lệch lạc. Các khuyết điểm này khiến khớp cắn bị sai lệch và về lâu dài có thể gây ra tình trạng lệch hàm. Niềng răng là phương pháp nắn chỉnh răng về đúng vị trí bằng các khí cụ chuyên dụng (khay niềng trong suốt, mắc cài,…).
Phương pháp này có thể khắc phục triệt để tình trạng sai khớp cắn và cải thiện những khuyết điểm thường gặp như răng hô, móm, lệch lạc, chen chúc, răng thưa,… Bằng cách điều chỉnh răng về đúng vị trí, niềng răng – chỉnh nha giúp cân bằng hệ trục giữa hàm trên và hàm dưới. Qua đó cải thiện tình trạng lệch hàm và giúp khuôn mặt trở nên cân đối, hài hòa hơn.
Niềng răng hoàn toàn không xâm lấn vào cấu trúc xương nên rất được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ răng thừa, răng ngầm, răng khôn mọc lệch để quá trình chỉnh nha đạt hiệu quả tối ưu. Niềng răng chỉnh hàm lệch chỉ mang lại hiệu quả với những trường hợp lệch hàm do răng mọc lệch và sai khớp cắn. Những trường hợp lệch hàm do cấu trúc xương cần kết hợp với phẫu thuật để đạt kết quả tốt nhất.
Nếu có ý định niềng răng – chỉnh nha để cải thiện tình trạng hàm lệch, bạn có thể lựa chọn một trong những kỹ thuật sau:
- Niềng răng mắc cài kim loại thường/ tự buộc
- Niềng răng mắc cài sứ hoặc pha lê
- Niềng răng mặt trong
- Niềng răng trong suốt (niềng răng không mắc cài)
Mỗi phương pháp chỉnh nha đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề này để có thể lựa chọn được kỹ thuật niềng thích hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
3. Phẫu thuật chỉnh hàm lệch
Phẫu thuật chỉnh hàm là phương pháp tối ưu trong trường hợp lệch hàm. Bởi đa phần những trường hợp này đều xảy ra do cấu trúc xương hàm hai bên có sự phát triển không đồng đều. Phẫu thuật được thực hiện nhằm điều chỉnh cấu trúc xương của hai hàm để tạo ra sự cân đối và hài hòa cho khuôn mặt.
Phẫu thuật chỉnh hàm là phương pháp phức tạp bao gồm nhiều bước như cắt xương, ghép xương, di chuyển hàm,… Do đó, bạn nên lựa chọn cơ sở đáng tin cậy nếu có ý định thực hiện phương pháp này. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp phẫu thuật chỉnh hàm + niềng răng để mang lại kết quả tốt nhất.
Phòng ngừa hàm lệch bằng cách nào?
Hàm lệch tác động không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và ngoại hình. Về lâu dài, tình trạng này còn làm gia tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó ngoài các biện pháp điều trị, bạn cũng cần chủ động phòng ngừa tái phát.
Trên thực tế, hàm lệch do bẩm sinh và di truyền gần như không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này bằng cách thay đổi những thói quen xấu và can thiệp khắc phục răng mọc lệch, chen chúc trong thời gian sớm nhất.
Một số biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng lệch hàm hiệu quả:
- Tránh ăn nhai cố định 1 bên hàm. Ngoài ra, cần hạn chế dùng thức ăn cứng, khô, dai và các món ăn cần phải dùng lực mạnh để nghiền nát.
- Không chống cằm và hạn chế nằm ngủ cố định 1 bên.
- Trong trường hợp có răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, bạn nên chủ động nhổ bỏ ngay cả khi không đau nhức hay khó chịu. Tình trạng răng mọc lệch chính là nguyên nhân khiến 2 xương hàm có sự khác biệt và dẫn đến tình trạng mất đối xứng về lâu dài.
- Chủ động niềng răng – chỉnh nha sớm nếu bị sai khớp cắn, răng hô, móm, thưa, mọc khấp khểnh và lệch lạc. Sai lệch khớp cắn kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn khiến 1 bên xương hàm phát triển quá mức và chênh lệch so với bên còn lại.
Hàm lệch là khuyết điểm về răng hàm mặt khá phổ biến ở trẻ em và người trưởng thành. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này hiệu quả. Ngoài ra, nên chú ý chọn cơ sở đáng tin cậy khi thăm khám và điều trị để đạt được kết quả tối ưu.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Bị Nứt Có Tự Lành Không? Cách Khắc Phục Hiệu Quả Nhất
Chuyên Gia Giải Đáp Đau Răng Uống Panadol Được Không?
Lộ Ngà Răng Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Vì Sao Ăn Trầu Lại Chắc Răng? Nghiên cứu lý giải
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!