Ung thư nướu răng (ung thư lợi) là tình trạng nướu răng xuất hiện tổn thương ác tính. Dạng ung thư này không có biểu hiện rõ rệt ở giai đoạn đầu nên triệu chứng rất dễ bị bỏ qua. Nếu được phát hiện sớm, ung thư lợi hoàn toàn có thể điều trị và hiếm khi gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Ung thư nướu răng là gì?
Ung thư nướu răng là một dạng ung thư miệng, đặc trưng bởi sự biến đổi ác tính của biểu mô tế bào vảy. Vì vậy, dạng ung thư này còn được gọi là ung thư biểu mô tế bào vảy. Tương tự như các dạng ung thư khác, ung thư nướu răng không có triệu chứng rõ ràng nên rất ít trường hợp phát hiện và điều trị sớm.
Trong các dạng ung thư miệng, ung thư lưỡi là dạng phổ biến nhất với tỷ lệ chiếm khoảng 40%. Ung thư nướu răng tương đối ít gặp nhưng hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, những hiểu biết về ung thư nói chung và ung thư nướu răng còn khá hạn chế nên bệnh nhân thường bỏ lỡ “giai đoạn vàng” để loại bỏ khối u dứt điểm.
Nướu răng giữ vai trò quan trọng đối với hàm răng như bảo vệ chân răng, cố định răng trên cung hàm, bảo vệ tổ chức nha chu và mang lại tính thẩm mỹ cho nụ cười. Tuy nhiên, nướu răng có thể xuất hiện tổn thương ác tính do một số nguyên nhân khác nhau. Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư miệng nói chung và ung thư nướu răng nói riêng vẫn chưa được xác định. Dù vậy, các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh đã được xác định.
Theo số liệu thống kê, ung thư nướu răng phổ biến hơn ở nam giới và thường khởi phát ở độ tuổi trung niên. Ở Mỹ, trung bình mỗi năm có khoảng 37.000 người được chẩn đoán bị ung thư miệng, trong đó có rất nhiều trường hợp bị ung thư nướu răng. Ở nước ta chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ người mắc chứng bệnh này nhưng theo dự đoán đây là con số không hề nhỏ.
Nguyên nhân, yếu tố gây ung thư nướu răng
Nướu răng thường xuyên phải tiếp xúc với thức ăn, đồ uống và các sản phẩm chăm sóc răng miệng. Nếu có lối sống lành mạnh, cơ quan này hoàn toàn không xuất hiện tổn thương ác tính. Tuy nhiên, nguy cơ bị ung thư nướu răng có thể tăng lên khi có những yếu tố sau đây:
- Hút thuốc lá: Thuốc lá đã được xác định là nguyên nhân gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe liên quan đến hô hấp, nội tiết, tiêu hóa và răng miệng. Trong khói thuốc lá chứa đến 4000 chất hóa học và 72 chất gây ung thư. Do đó, người có thói quen hút thuốc lá lâu năm sẽ có nguy cơ bị ung thư nướu răng, ung thư lưỡi,… cao hơn so với người không có thói quen này.
- Nghiện rượu bia: Rượu bia không chứa chất gây ung thư. Tuy nhiên, sản phẩm chuyển hóa của ethanol là acetaldehyde có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tế bào. Nguy cơ ung thư tỷ lệ thuận với độ cồn của rượu và bia. Những người bị nghiện rượu bia và thường xuyên uống rượu có độ cồn cao nhiều khả năng sẽ bị ung thư lưỡi, ung thư nướu răng, thực quản,…
- Nhiễm virus HPV: HPV là virus gây u nhú ở người, nhóm virus này được chia thành nhiều chủng khác nhau và mỗi chủng sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe riêng biệt. Các chuyên gia nhận thấy, nhiễm HPV là một trong những yếu tố góp phần phát triển tổn thương ác tính ở nướu răng, niêm mạc má, lưỡi, khoang miệng,…
- Kích thích cơ học: Những kích thích cơ học như ma sát giữa răng và nướu, răng giả chất lượng kém,… trong một thời gian dài cũng có thể biến đổi tế bào từ lành tính sang ác tính. Ngoài ra, kích ứng nướu răng mãn tính cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Kích thích hóa học: Ngoài kích thích cơ học, những kích thích hóa học như ăn cay, dùng thực phẩm có nhiều muối, mù tạt,… sẽ kích thích lên nướu răng. Nếu duy trì những thói quen này trong một thời gian dài, nướu răng có thể phát triển bất thường và hình thành tổn thương ác tính.
- Tổn thương nướu do nhiễm trùng mãn tính: Các dạng nhiễm trùng mãn tính như viêm xoang hàm và viêm quanh răng cũng là những yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ ung thư nướu răng.
- Một số yếu tố khác: Trên thực tế, hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia là hai yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong cơ chế bệnh sinh của ung thư nướu răng. Những yếu tố khác chỉ làm tăng nguy cơ và có vai trò không quá rõ rệt. Ngoài những yếu tố được đề cập, ung thư nướu răng cũng có liên quan đến một số yếu tố khác như tuổi trên 35, chế độ ăn ít chất xơ, nhiều muối, gia vị, vệ sinh răng miệng kém, tiền sử gia đình bị ung thư miệng,…
Ung thư hiện đang là thách thức lớn đối với nền y học của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách xây dựng lối sống khoa học. Ngoài ra, tránh các yếu tố gia tăng nguy cơ cũng mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa.
Dấu hiệu nhận biết ung thư nướu răng
Tương tự như các ung thư miệng khác, ung thư nướu răng có triệu chứng khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Để phát hiện và kịp thời can thiệp điều trị, có thể dựa vào một số dấu hiệu sớm sau:
- Xuất hiện hạt cơm có màu trắng ở nướu răng (thường là vùng nướu xung quanh răng hàm).
- Hạt cơm có bề mặt gồ ghề, viền không đều và hoàn toàn không có triệu chứng.
- Nhận thấy tổn thương ở nướu răng không lành sau 2 tuần (thường là tổn thương do ma sát với răng hoặc do chải răng quá mạnh).
- Quan sát kỹ sẽ thấy tổn thương dạng cục cứng nằm bên dưới niêm mạc nướu. Chạm vào không thấy đau và không có bờ rõ ràng. Tuy nhiên, kích thước của cục cứng này sẽ lớn dần theo thời gian.
- Nếu nhổ răng, tổn thương thường sẽ không lành sau 2 tuần. Đồng thời có biểu hiện sưng đỏ và chảy máu khi chạm vào.
- Một vùng nướu nhất định trở nên đỏ và sưng hơn bình thường đi kèm với cảm giác đau rát. Đặc biệt, tổn thương trên nướu rất khó lành, khác hẳn với tình trạng sưng nướu do viêm nướu răng và các bệnh răng miệng thường gặp khác.
- Đôi khi có cảm giác đau nhức nhưng không xác định được vị trí cụ thể và mức độ đau nặng dần theo thời gian.
Khi ung thư nướu răng đã tiến triển, các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn bao gồm:
- Chảy máu nướu răng
- Thay đổi vị giác
- Ăn uống khó khăn do nướu răng đau nhức dai dẳng
- Nứt nướu
- Răng bị lung lay
- Khối u không biến mất và các vết loét gần như không lành dù đã xuất hiện khá lâu. Vết loét thường có màu trắng, đỏ sẫm hoặc các màu sắc khác thường.
- Vùng nướu có xu hướng dày lên
- Một số trường hợp có hiện tượng sưng hạch ở cổ và sụt cân không rõ nguyên do
Các triệu chứng của ung thư nướu răng không có tính điển hình cao. Tuy nhiên, bạn cần chú ý đến những dấu hiệu này để kịp thời thăm khám và điều trị – đặc biệt là khi có những yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc bệnh, hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia.
Ung thư nướu răng có nguy hiểm không?
Ung thư nướu răng là một dạng ung thư có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm. Sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u, bệnh tình sẽ được kiểm soát. Tuy nhiên nếu phát hiện muộn, bệnh nhân sẽ phải can thiệp nhiều phương pháp khác để có thể ngăn chặn sự lây lan và phát triển của tế bào ác tính.
Bệnh nhân bị ung thư nướu răng sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng. Đầu tiên là một loạt tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị, giảm khả năng ăn nhai, khó khăn khi sinh hoạt và giao tiếp. Vùng nướu xuất hiện khối u ác tính sẽ mất đi tính đàn hồi nên không thể bám chặt vào chân răng. Kết quả là răng lung lay, chảy máu không kiểm soát và đôi khi là mất răng.
Ngoài ra, ung thư nướu răng cũng có thể tái phát sau khi điều trị, lây lan sang các cấu trúc lân cận hoặc các cơ quan xa trong cơ thể. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân sẽ bị suy nhược và sụt cân, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến những dấu hiệu bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị. Nếu điều trị sớm và đúng cách, ung thư nướu răng có thể được kiểm soát hoàn toàn. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh, do đó đừng nên chủ quan với bất cứ biểu hiện nào của cơ thể.
Chẩn đoán ung thư nướu răng
Ung thư nướu răng có triệu chứng khá giống với một số bệnh răng miệng thường gặp. Do đó, nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, bạn cần đến bệnh viện để thực hiện một số xét nghiệm.
Chẩn đoán ung thư nướu răng bao gồm các bước sau đây:
- Khám lâm sàng
- Các xét nghiệm cận lâm sàng
- Sinh thiết tế bào
- Chẩn đoán mô bệnh học
- Xét nghiệm sinh học phân tử
Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ dựa vào dữ liệu để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Các kỹ thuật chẩn đoán trên không chỉ chẩn đoán được bệnh lý mà còn xác định được giai đoạn của ung thư nướu răng.
Các phương pháp điều trị ung thư nướu răng
Điều trị ung thư nướu răng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu phát hiện sớm, khối u ác tính sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật và khả năng chữa khỏi là rất cao. Ngược lại, trong trường hợp ung thư đã tiến triển, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp khác. Tuy nhiên, giai đoạn ung thư đã tiến triển thường có tiên lượng xấu.
Các phương pháp điều trị ung thư nướu răng được áp dụng hiện nay:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp ung thư nướu răng được phát hiện sớm và chưa tiến triển. Phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ khối u ác tính cùng với các mô nướu xung quanh. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ nạo hạch bạch huyết lân cận để tránh trường hợp tế bào ung thư di căn đến những cơ quan lân cận hoặc những cơ quan xa.
Đối với những khối u lớn, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật chỉnh hình bởi một phần lớn nướu răng đã bị cắt bỏ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt để phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tái khám thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị khi ung thư tái phát.
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia phóng xạ với liều lượng có kiểm soát để tiêu diệt các tế bào ung thư. Với tác động của tia xạ, tế bào sẽ không thể phát triển và phân chia. Nhờ vậy, tổn thương ác tính ở nướu răng sẽ dần được loại bỏ.
Trong một số trường hợp, xạ trị được thực hiện sau khi phẫu thuật. Bởi tế bào ung thư có thể bị sót lại và sẽ tiếp tục phát triển. Xạ trị giúp tiêu diệt hoàn toàn tế bào ác tính, từ đó điều trị dứt điểm ung thư và ngăn ngừa ung thư tái phát hiệu quả.
Mặc dù mang lại hiệu quả trong điều trị ung thư nhưng xạ trị cũng tiềm ẩn khá nhiều tác dụng phụ. Tia xạ có thể gây tổn thương các tế bào khỏe mạnh và đôi khi để lại di chứng vĩnh viễn. Để tăng hiệu quả, một số trường hợp sẽ được kết hợp xạ trị và hóa trị.
3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Mục đích của phương pháp này là làm chậm sự phát triển của khối u, giảm kích thước khối u để thuận tiện cho quá trình phẫu thuật và xạ trị. Ngoài ra, thuốc cũng có thể được dùng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị bổ trợ, hóa trị tân bổ trợ, hóa trị củng cố, hóa trị tấn công, hóa trị duy trì,… Đối với những trường hợp bị ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị triệu chứng với mục đích giúp giảm các triệu chứng đau, từ đó nâng đỡ thể chất và tinh thần cho bệnh nhân.
4. Các biện pháp hỗ trợ
Ngoài 3 phương pháp chính trên, bệnh nhân ung thư nướu răng cũng có thể được điều trị kết hợp với các biện pháp hỗ trợ như:
- Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng: Ung thư nướu răng tiến triển sẽ gây đau dai dẳng, đau âm ỉ và mức độ đau tăng dần theo thời gian. Để làm giảm triệu chứng, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống nôn,…
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nướu răng. Để có thể trạng khỏe mạnh, bệnh nhân nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, nhóm thực phẩm giàu Omega 3, lợi khuẩn, vitamin và khoáng chất. Kiêng món ăn mặn, cay, đồ uống chứa cồn, món ăn chứa quá nhiều đạm và chất béo bão hòa.
- Lối sống khoa học: Trong thời gian điều trị ung thư, bệnh nhân nên nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Tránh tình trạng căng thẳng, thức khuya và lao động quá sức. Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể trị liệu tâm lý để nâng đỡ tinh thần trong quá trình điều trị. Bởi những cơn đau do ung thư gây ra khiến không ít bệnh nhân rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Ung thư nướu răng có thể điều trị dứt điểm. Chính vì vậy, bệnh nhân không nên lo lắng quá mức. Tốt nhất nên giữ cho bản thân tinh thần lạc quan, thoải mái và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ để đạt được kết quả khả quan nhất.
Phòng ngừa ung thư nướu răng
Tỷ lệ ung thư miệng nói chung và ung thư nướu răng đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Hiện tại, không có phương pháp nào có thể ngăn chặn ung thư hoàn toàn. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư nướu răng sẽ thuyên giảm đáng kể nếu thay đổi những thói quen xấu và loại bỏ các yếu tố thúc đẩy tế bào ác tính phát triển.
Các biện pháp phòng ngừa ung thư nướu răng:
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng bao gồm đánh răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày và súc miệng 2 lần/ ngày. Khi vệ sinh răng miệng, không nên dùng lực quá mạnh khiến cho nướu răng bị kích ứng và tổn thương.
- Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu bia. Thay đổi 2 thói quen này sẽ giúp giảm tỷ lệ ung thư miệng nói chung và ung thư nướu răng nói riêng đáng kể.
- Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây, hạn chế dùng món ăn cay, nóng và mặn.
- Khám nha khoa thường xuyên để được lấy vôi răng và điều trị kịp thời các bệnh răng miệng thường gặp.
Ung thư nướu răng là một trong những dạng ung thư miệng. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh không quá cao như ung thư lưỡi nhưng việc chủ động phòng ngừa là vô cùng cần thiết. Nếu nghi ngờ mắc phải chứng bệnh này, bạn đọc nên thăm khám sớm để có thể chẩn đoán và điều trị dứt điểm.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Hàm lệch là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý
Viêm lợi (viêm nướu răng): Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
Bị Viêm Lợi Nên Bổ Sung Vitamin Gì Tốt?
Viêm Lợi Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Cách Trị An Toàn Cho Bà Bầu
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!