Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nha khoa. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này chỉ là phản ứng sinh lý khi mang thai và mọc răng khôn. Do đó, việc xác định nguyên nhân sẽ có vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị và phòng ngừa.
Nhận biết sưng nướu răng trong cùng hàm dưới
Nướu răng là mô mềm có màu hồng nhạt hoặc hồng cam bao xung quanh răng. Mô nướu khỏe mạnh thường bám chắc vào chân răng, không có hiện tượng chảy máu, sưng viêm hay ứ mủ. Tương tự như răng, tất cả biểu hiện ở nướu đều phản ánh các vấn đề sức khỏe răng miệng.
Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng sưng nướu xảy ra ở những vị trí khuất như răng trong cùng. Hiện tượng sưng nướu răng trong cùng hàm dưới sẽ có những dấu hiệu như sau:
- Quan sát thấy nướu răng trong cùng ở hàm dưới có hiện tượng viêm đỏ và phù nề hơn so với bình thường
- Nướu chuyển thành màu đỏ sẫm hoặc đỏ tím
- Xung quanh nướu răng đôi khi có ứ mủ
- Răng xung quanh có thể bị đau nhức, ê buốt và khó chịu khi ăn uống
- Khoang miệng có mùi hôi khó chịu do vi khuẩn phát triển quá mức
- Đôi khi sưng nướu răng trong cùng hàm dưới có thể đi kèm với hiện tượng đau cổ họng
Mức độ của triệu chứng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Trong đó, một số trường hợp hoàn toàn không bị đau hoặc chỉ đau nhẹ nhưng có nhiều người bị đau nhức dữ dội.
Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới – Nguyên nhân do đâu?
Răng trong cùng hàm dưới thường là răng số 7 hoặc số 8 (răng khôn). So với những vị trí khác trên cung hàm, vị trí trong cùng của hàm dưới rất khó vệ sinh. Do đó, đây là nơi dễ tích tụ mảng bám, thức ăn và cao răng.
Tình trạng sưng nướu răng trong cùng hàm dưới có thể xảy ra do những nguyên nhân sau đây:
1. Viêm lợi do vệ sinh răng miệng kém
Viêm lợi là bệnh răng miệng thường gặp nhất. Lợi (nướu) là mô mềm bao xung quanh răng với vai trò chính là bảo vệ chân răng và xương hàm. Nướu thường bị sưng viêm do cao răng tích tụ nhiều, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố. Các sản phẩm do vi khuẩn bài tiết chính là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi bị kích ứng, sưng viêm và chảy máu.
Răng hàm trong cùng là nơi khó làm sạch và thường bị sót thức ăn. Dần dần lượng thức ăn tích tụ tạo thành mảng bám và vôi răng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây viêm và sưng lợi.
2. Sâu răng hàm
Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới có thể xảy ra do sâu răng hàm – đặc biệt là răng số 7 và số 8. Sâu răng cũng là bệnh nha khoa phổ biến bên cạnh viêm lợi. Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn Streptococcus mutans phát triển và bài tiết axit gây ra quá trình hủy khoáng.
Khi quá trình hủy khoáng diễn ra nhanh hơn quá trình tái khoáng, răng sẽ xuất hiện các lỗ sâu. Sau đó, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào ngà răng, tủy răng và gây viêm toàn bộ mô nướu bao xung quanh.
3. Viêm lợi trùm
Nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng nướu răng trong cùng hàm dưới là viêm lợi trùm. Viêm lợi trùm là một dạng viêm lợi chỉ xảy ra ở răng khôn. Cụ thể, phần lợi này che phủ một phần của răng, khi răng mọc sẽ kích thích khiến lợi sưng đỏ và đau nhức.
Ngoài ra, lợi trùm lên răng còn tạo ra kẽ hở để thức ăn và mảng bám tích tụ. Sau đó, vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập và phát triển gây viêm nhiễm. Nếu do viêm lợi trùm, tình trạng sưng nướu sẽ đi kèm với hiện tượng chảy mủ và hôi miệng.
4. Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới do mọc răng khôn
Mọc răng khôn là một trong những nguyên nhân gây sưng nướu góc hàm dưới. Răng khôn (răng số 8) là chiếc răng đặc biệt chỉ mọc ở tuổi trưởng thành.
Ở thời điểm này, cung hàm và cấu trúc răng đã phát triển gần như hoàn chỉnh nên răng số 8 thường không có đủ không gian để mọc. Chính vì vậy, phần lớn răng khôn đều mọc lệch, mọc ngang khiến cho nướu và các răng lân cận bị chèn ép. Khi mọc răng khôn, nướu răng ở góc hàm sẽ có hiện tượng sưng viêm và đau nhức. Ngoài ra, một số trường hợp cũng sẽ đi kèm với tình trạng viêm lợi trùm.
Trên thực tế, ngay cả những trường hợp răng khôn mọc thẳng cũng khó tránh khỏi tình trạng sưng nướu. Bởi khi mầm răng phát triển ra khỏi xương hàm sẽ đi qua nướu để có thể mọc lên phía trên. Tuy nhiên, với những trường hợp răng mọc thẳng, mức độ đau thường nhẹ và tình trạng sẽ thuyên giảm nhanh chóng hơn.
5. Do một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, sưng nướu răng trong cùng hàm dưới còn có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Chấn thương: Chấn thương ở vùng miệng có thể khiến nướu răng trong cùng bị sưng viêm và chảy máu. Nếu do nguyên nhân này, nướu sẽ nhanh chóng lành lại sau một vài ngày. Tuy nhiên, chấn thương quá mạnh cũng có thể khiến răng và nướu bị tổn thương nghiêm trọng buộc phải can thiệp ngoại khoa.
- Kích ứng nướu: Kích ứng nướu là một trong những nguyên nhân khiến nướu răng trong cùng bị sưng viêm. Tình trạng kích ứng có thể xảy ra sau khi tẩy trắng răng, sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa thành phần có hoạt tính mạnh, sau khi bọc răng sứ,…
- Mang thai: Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới xảy ra phổ biến trong thời gian mang thai. Nguyên nhân là do tăng hormone progesterone quá mức. Tình trạng này khó có thể cải thiện hoàn toàn nhưng mẹ bầu có thể giảm mức độ sưng nướu bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Các bệnh nhiễm trùng răng miệng: Sưng nướu răng trong cùng có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng răng miệng như herpes miệng, áp xe răng, viêm mô tế bào, viêm họng, viêm amidan,… Các bệnh lý này đều có thể gây sưng nướu góc hàm, do đó bạn nên xem xét một số biểu hiện đi kèm để xác định được nguyên nhân chính xác.
Bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới nguy hiểm không?
Sưng nướu răng là tình trạng khá phổ biến,có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Mức độ nguy hiểm của tình trạng này phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu xảy ra do mang thai, chấn thương nhẹ, nướu kích ứng,… tình trạng có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị.
Ngược lại, nếu do viêm lợi, sâu răng, viêm lợi trùm và răng khôn mọc lệch, bạn cần phải điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài. Các bệnh lý này không thể tự thuyên giảm. Tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển xấu gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề như răng lung lay, mất răng, áp xe,…
Các vấn đề răng miệng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn nhai. Hơn nữa, sưng nướu răng trong cùng hàm dưới còn gây ra tình trạng hôi miệng khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp.
Cách điều trị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới
Khi bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới, bạn cần xác định nguyên nhân để có thể áp dụng biện pháp cải thiện phù hợp. Trong trường hợp tình trạng không thuyên giảm khi tự điều trị tại nhà, nên tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Các biện pháp điều trị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới bao gồm:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Nguyên nhân gây sưng nướu răng có thể là do vệ sinh kém khiến vi khuẩn phát triển mạnh gây sưng và phù nề mô nướu. Do đó, biện pháp đầu tiên bạn cần thực hiện là vệ sinh răng miệng đúng cách. Ngoài ra, đảm bảo vệ sinh răng miệng cũng giúp ích rất nhiều trong điều trị các vấn đề nha khoa khác.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng nên thực hiện:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày với kem đánh răng chứa fluor và các thành phần kháng khuẩn.
- Sử dụng bàn chải có lông mềm và mặt bàn chải nhỏ để dễ dàng len lỏi vào những vị trí khuất như kẽ răng, mặt trong của răng và răng trong cùng hàm dưới. Ngoài ra, cần chú ý thay bàn chải định kỳ 3 tháng/ lần.
- Bên cạnh việc chải răng, bạn nên súc miệng 2 lần/ ngày để tiêu diệt vi khuẩn và khử mùi hôi miệng.
- Sử dụng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để làm sạch kẽ răng.
- Nên dùng dao cạo lưỡi để loại bỏ rêu lưỡi. Biện pháp này giúp giảm tình trạng hôi miệng và ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ nướu và cải thiện tình trạng sưng nướu. Ngay cả khi không có các vấn đề nha khoa, bạn vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp này.
2. Áp dụng cách giảm sưng nướu tại nhà
Nếu chưa có thời gian đến phòng khám, bạn có thể áp dụng một số cách giảm sưng nướu tại nhà. Các biện pháp này giúp cải thiện tình trạng răng đau nhức, hỗ trợ giảm sưng và chảy máu ở mô nướu.
Các biện pháp giảm sưng nướu tại nhà:
- Ngậm nước muối pha loãng
- Chườm đá ở bên ngoài má (hiệu quả với viêm lợi trùm và mọc răng khôn)
- Ngậm nước sắc lá bạc hà, trầu không hoặc ngậm bông gòn thấm tinh dầu đinh hương
Khi áp dụng các biện pháp này, bạn nên tránh dùng thức ăn cứng, khô, món ăn quá nóng hoặc quá lạnh để hạn chế kích thích lên nướu.
3. Điều trị y tế
Nếu tình trạng không có cải thiện, bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tương ứng. Trong đó, các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:
- Cạo vôi răng
- Trám răng (hàn răng)
- Lấy tủy răng
- Cắt lợi trùm
- Nhổ răng khôn
- Liệu pháp fluor
- Sử dụng thuốc (thuốc giảm đau, kháng sinh, dung dịch súc miệng kháng khuẩn,…)
Phòng ngừa sưng nướu răng trong cùng hàm dưới
Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy sau khi điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp làm sạch răng miệng. Ngoài ra, nên tập thói quen lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần để ngăn ngừa sưng nướu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
- Chủ động đến kiểm tra khi nhận thấy các dấu hiệu mọc răng khôn. Trong trường hợp có lợi trùm và răng khôn mọc lệch, nên xử lý sớm để tránh hậu quả lâu dài.
- Các bệnh lý về răng miệng thường phát triển ở những người có chế độ ăn nhiều đường, ít uống nước và ít bổ sung rau xanh, trái cây. Vì vậy, bạn nên thay đổi thói quen ăn uống để phòng ngừa sưng nướu răng trong cùng hàm dưới tái phát.
- Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng có công thức an toàn, lành tính. Hạn chế dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc khiến nướu răng bị kích ứng, tổn thương.
Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Để tránh tình trạng nhầm lẫn, bạn nên đến nha khoa kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Bởi tâm lý chủ quan chính là nguyên nhân khiến các vấn đề răng miệng tiến triển xấu và ảnh hưởng nhiều đến ăn uống, sinh hoạt.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Top 12 Thuốc Điều Trị Viêm Lợi Ở Trẻ Em Nhanh Khỏi, An Toàn
Viêm Lợi Trùm Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Để Giảm Đau và Mau Lành
Viêm lợi có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
10 Nước Súc Miệng Trị Viêm Nướu (Lợi) Tốt Nhất Hiện Nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!