Bị viêm lợi sau khi nhổ răng và cách chữa trị an toàn

Bị viêm lợi sau khi nhổ răng là tình trạng khá phổ biến. Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, viêm lợi có thể tiến triển mãn tính và chuyển biến nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để kiểm soát bệnh lý này, bạn cần chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ và can thiệp các biện pháp điều trị kịp thời. 

viêm lợi sau khi nhổ răng
Viêm lợi sau khi nhổ răng là tình trạng khá phổ biến và thường có thể thuyên giảm sau vài ngày

Nguyên nhân gây viêm lợi sau khi nhổ răng

Nhổ răng là kỹ thuật nha khoa được áp dụng trong nhiều trường hợp như thay răng sữa, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, răng bị hư hại nặng do sâu răng, viêm nha chu và các bệnh nha khoa khác. Nhổ răng có quy trình khá đơn giản và chỉ mất khoảng 15 – 30 phút thực hiện. Sau khi nhổ răng, bạn cần chăm sóc đúng cách để vết mổ lành hoàn toàn.

Viêm lợi là vấn đề nha khoa thường gặp sau khi nhổ răng – đặc biệt là răng khôn (răng số 8). Bệnh lý này có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

1. Nguyên nhân trực tiếp

Khi nhổ răng, mô nướu sẽ xuất hiện vết thương hở kèm theo tình trạng chảy máu. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn bên trong khoang miệng xâm nhập và gây tổn thương mô lợi. Ngoài ra, tác động trong quá trình nhổ bỏ răng cũng khiến mô nướu xung quanh bị kích thích và sưng viêm.

Viêm lợi sau khi nhổ răng thường có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên nếu có một số yếu tố nguy cơ, vi khuẩn có thể phát triển mạnh gây viêm nhiễm mô nướu khiến nướu sưng đau nhiều, ứ mủ, dịch và có mùi hôi miệng.

2. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài nguyên nhân trực tiếp là do mô nướu có vết thương hở sau khi nhổ răng, nguy cơ bị viêm lợi cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi như:

viêm lợi sau khi nhổ răng
Sử dụng rượu bia sau khi nhổ răng khiến mô lợi chậm lành và có nguy cơ viêm nhiễm cao
  • Vệ sinh răng miệng kém: Vết thương hở ở mô lợi cần khoảng 7 – 10 ngày để hồi phục hoàn toàn. Do đó nếu không vệ sinh đúng cách, hại khuẩn trong khoang miệng sẽ phát triển mạnh gây viêm nhiễm mô nướu dẫn đến viêm nướu răng. Trong trường hợp nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào sâu bên trong gây viêm xương ổ răng (viêm ổ răng khô).
  • Không dùng thuốc theo hướng dẫn: Sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh và các loại thuốc điều trị triệu chứng (giảm đau, chống viêm). Nếu không dùng kháng sinh theo hướng dẫn, thường xuyên quên thuốc hoặc tự ý ngưng thuốc, vi khuẩn có thể phát triển, sau đó xâm nhập và gây viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng.
  • Các yếu tố khác: Nguy cơ bị viêm lợi sau khi nhổ răng có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi khác như tiểu phẫu răng khôn (nguy cơ bị viêm lợi cao hơn răng ở những vị trí khác do chân răng sâu, nằm ở vị trí khó làm sạch, lâu lành vết thương,…), các dụng cụ nhổ răng không được vô khuẩn hoàn toàn, thường xuyên dùng thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia,…

Viêm lợi sau khi nhổ răng thường bắt nguồn từ những sai lầm trong quá trình chăm sóc. Điều này khiến cho vết thương chậm lành, tạo điều kiện để vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm mô nướu.

Dấu hiệu nhận biết bị viêm lợi sau khi nhổ răng

Viêm lợi sau khi nhổ răng có triệu chứng điển hình hơn so với viêm nướu răng thông thường. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng các triệu chứng này là phản ứng viêm, đau sau khi nhổ răng. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, viêm lợi có thể tiến triển mãn tính dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.

viêm lợi sau khi nhổ răng
Quan sát vùng nướu nhận thấy nướu răng phù nề, sưng viêm, đau nhức, dễ chảy máu và đôi khi có chảy mủ, dịch

Để kịp thời điều trị, bạn cần phát hiện sớm bệnh viêm lợi sau khi nhổ răng thông qua các dấu hiệu sau:

  • Mô lợi bao xung quanh răng vừa nhổ có hiện tượng viêm, phù nề và chảy máu
  • Chân răng kế cận bị đau nhức, lung lay và ê buốt
  • Hôi miệng
  • Trường hợp viêm lợi nặng còn có thể gây sốt nhẹ và sưng hạch ở góc hàm
  • Vết thương ở răng vừa nhổ bỏ không lành lại sau 7 – 10 ngày. Vết thương dễ chảy máu và thậm chí có thể rỉ dịch hoặc mủ

Ngoài ra, viêm lợi sau khi nhổ răng cũng có thể gây ra một số triệu chứng nặng hơn như sưng hạch, cứng hàm và sốt cao. Để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan rộng, bạn nên thăm khám sớm nếu nhận thấy các triệu chứng này.

Viêm lợi sau khi nhổ răng có nguy hiểm không?

Viêm lợi sau khi nhổ răng là tình trạng khá phổ biến. Nếu chăm sóc và điều trị tốt, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, viêm lợi sau khi nhổ răng cũng có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng trong trường hợp chủ quan, không can thiệp điều trị kịp thời.

Nếu không được điều trị sớm, viêm lợi sau khi nhổ răng có thể chuyển biến mãn tính dẫn đến nhiều biến chứng như:

  • Gây viêm ổ răng khô
  • Hoặc có thể tiến triển mãn tính dẫn đến viêm quanh chân răng, viêm nha chu, áp xe răng, viêm tủy răng,…
  • Gây hư hại các răng lân cận
  • Hôi miệng dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng cuộc sống

Viêm lợi là tình trạng thường gặp sau khi nhổ răng, đặc biệt là răng khôn. Mặc dù có mức độ nhẹ nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển dai dẳng và gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy ngay khi nghi ngờ gặp phải tình trạng này, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.

Cách chữa trị bệnh viêm lợi sau khi nhổ răng

Viêm lợi sau khi nhổ răng có thể thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên nếu bệnh đã tiến triển, bạn nên can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu theo hướng dẫn của bác sĩ.

1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn

Sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc trong 5 – 7 ngày. Ngoài mục đích giảm sưng đau, sử dụng thuốc còn giúp ngăn ngừa viêm nhiễm mô nướu và xương ổ răng. Vì vậy để kiểm soát viêm lợi và phòng ngừa nhiễm trùng sau khi nhổ răng, bạn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

viêm lợi sau khi nhổ răng
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa viêm nhiễm mô lợi sau khi nhổ răng

Các loại thuốc được dùng để điều trị viêm lợi sau khi nhổ răng:

  • Kháng sinh: Kháng sinh là nhóm thuốc luôn được chỉ định sau khi nhổ răng để phòng ngừa viêm nhiễm. Thuốc được dùng trong 5 – 7 ngày để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa hại khuẩn xâm nhập vào mô nướu. Các loại kháng sinh được sử dụng phổ biến bao gồm Cephalexin, Metronidazole,…
  • Paracetamol: Paracetamol cũng là loại thuốc được dùng phổ biến sau khi nhổ răng. Thuốc có tác dụng chính là giảm đau và hạ sốt. Nhóm thuốc này thường được dùng ngắn ngày (khoảng 3 – 5 ngày) để cải thiện các triệu chứng đau nhức sau khi nhổ răng.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Đối với tiểu phẫu răng khôn, bác sĩ thường chỉ định thêm NSAID để tăng hiệu quả giảm đau và cải thiện tình trạng lợi sưng viêm, phù nề. NSAID có hiệu quả chống viêm tốt nhưng dễ gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, bạn nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn và kiêng đồ chua, rượu bia trong thời gian dùng thuốc.

Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu (sưng đau, viêm, phù nề mô lợi) và ngăn ngừa viêm nhiễm. Sau thời gian dùng thuốc, tình trạng viêm lợi sẽ được cải thiện hoàn toàn.

2. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi nhổ răng. Vệ sinh răng miệng tốt giúp loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa, ngăn không cho vi khuẩn phát triển và giúp vết thương ở mô nướu nhanh phục hồi.

viêm lợi sau khi nhổ răng
Chải răng nhẹ nhàng giúp ngăn ngừa hình thành mảng bám và cải thiện tình trạng viêm lợi hiệu quả

Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện tình trạng viêm lợi sau khi nhổ răng:

  • Tuyệt đối không súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn và nước muối trong ít nhất 1 tuần. Mặc dù có hiệu quả làm sạch khoang miệng nhưng biện pháp này khiến mô nướu bị kích thích, dễ chảy máu và chậm lành.
  • Chải răng nhẹ nhàng 3 lần/ ngày. Khi đánh răng, nên tránh tác động vào mô nướu của răng đã bị nhổ. Sau đó, súc miệng nhẹ nhàng với nước để làm sạch kem đánh răng và thức ăn thừa trong khoang miệng.
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn + mảng bám ở các kẽ răng. Không sử dụng tăm và các vật cứng vì có thể gây tổn thương men răng, mô nướu.

3. Xây dựng chế độ ăn hợp lý

Sau khi nhổ răng, mô nướu cần một thời gian nhất định để hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, bạn nên xây dựng chế độ ăn hợp lý để cải thiện tình trạng viêm lợi và giúp làm lành vết thương ở mô lợi.

viêm lợi sau khi nhổ răng
Để mô lợi giảm sưng và phục hồi nhanh, nên dùng các món ăn nguội, mềm và ít gia vị

Chế độ ăn giúp phục hồi bệnh viêm lợi sau khi nhổ răng:

  • Hạn chế dùng các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột như bánh kẹo, socola, nếp, bánh chưng,… để tránh hình thành mảng bám. Bởi lúc này, việc chải răng cần thực hiện nhẹ nhàng nên khó làm sạch mảng bám hoàn toàn.
  • Không dùng rượu bia, nước ngọt có gas, món ăn chứa gia vị cay nóng, thực phẩm cứng và khô. Các món ăn và thức uống kể trên có thể kích thích mô nướu khiến vết thương chậm lành, mô nướu dễ bị viêm nhiễm và chảy máu.
  • Nên dùng thức ăn mềm, lỏng, nguội và ít gia vị như cháo, canh, súp, bún, miến trong 3 ngày đầu sau khi nhổ răng. Các món ăn này rất dễ nhai nên không làm tăng áp lực lên răng và mô nướu, từ đó tạo điều kiện để vết thương lành hoàn toàn.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây không chứa axit (bơ, dưa lưới, dưa gang,…) để làm dịu mô nướu sưng đau. Ngoài ra, chất xơ trong các loại thực phẩm này còn giúp làm sạch mảng bám một cách tự nhiên.

Bạn nên duy trì chế độ ăn đặc biệt trong 3 – 7 ngày để vết thương ở mô nướu được phục hồi hoàn toàn. Nếu ăn uống hợp lý, tình trạng viêm lợi sẽ nhanh chóng được cải thiện.

4. Áp dụng biện pháp giảm đau tại nhà

Ngoài sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà để cải thiện tình trạng đau nhức, chảy máu và sưng viêm mô nướu.

  • Chườm đá: Sau khi nhổ răng, nên chườm đá nhiều lần trong vòng 24 giờ. Áp túi đá vào niêm mạc má có thể giảm sưng đau, phù nề mô nướu và cầm máu hiệu quả. Bạn nên chườm từ 15 – 20 phút và thực hiện khoảng 4 – 6 lần trong vòng 24 giờ đầu tiên để giảm mức độ sưng viêm của mô lợi.
  • Ngậm đá viên: Vào ngày thứ 2, bạn có thể ngậm viên đá nhỏ trong miệng để làm co mạch máu ở mô nướu xung quanh răng bị nhổ bỏ. Biện pháp này giúp giảm đau và cải thiện tình trạng sưng viêm hiệu quả. Tuy nhiên, cần dùng đá viên được làm từ nước đun sôi và nên tránh đặt viên đá trực tiếp lên vết thương.

5. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết

Sau khi nhổ răng, bạn cần trở lại phòng khám để được tái khám và cắt chỉ sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, bạn cũng nên chủ động gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường như chảy máu liên tục trong 48 giờ, sốt cao, cứng hàm, khó há miệng, ớn lạnh,…

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có thể cạo vôi răng, làm sạch ổ răng và yêu cầu sử dụng một số dung dịch súc miệng sát khuẩn để cải thiện tình trạng viêm lợi sau khi nhổ răng. Viêm lợi là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ nên có thể thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng các phương pháp trên.

Bị viêm lợi là tình trạng khá phổ biến sau khi nhổ răng. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng sẽ thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên nếu triệu chứng có mức độ nặng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!