Cần thăm khám và điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp tính theo đúng phác đồ để kiểm soát bệnh triệt để. Điều trị không đúng cách làm tăng nguy cơ bệnh tiến triển mãn tính và tái phát nhiều lần. Về lâu dài, bệnh lý này có thể gây tụt lợi và tăng tốc độ tiêu xương ổ răng.
Khái niệm viêm lợi loét hoại tử cấp tính
Viêm lợi loét hoại tử cấp tính (ANUG) là một dạng viêm lợi cấp tính đặc trưng bởi tổn thương là các vết loét và mô nướu hoại tử. Bệnh lý này thường bùng phát mạnh với thời gian diễn tiến chỉ trong 1 – 2 ngày. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến những người có nguy cơ cao như căng thẳng thần kinh, sức đề kháng suy giảm, hút thuốc lá và người có sẵn các bệnh lý nha khoa.
Viêm lợt loét hoại tử cấp tính có triệu chứng tương đối điển hình. Vùng lợi bị viêm nhiễm thường xuất hiện các vết loét lõm ở chính giữa và bề mặt xuất hiện các giả mạc màu trắng. Giả mạc dễ bong nếu có có tác động và thường gây chảy máu sau khi bị cạo bỏ. Đặc biệt, bệnh lý này khiến khoang miệng có mùi hôi khó chịu, miệng có vị kim loại kèm sốt và sưng hạch góc hàm.
Mặc dù có triệu chứng rầm rộ nhưng viêm lợi loét hoại tử cấp tính có thể được kiểm soát nếu thăm khám và điều trị đúng phác đồ. Ngược lại tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính (sau khoảng 5 – 7 ngày). Viêm lợi loét hoại tử mãn có triệu chứng nhẹ hơn nhưng tái phát nhiều khiến bờ lợi, nhú lợi mất hình dáng ban đầu. Theo thời gian, răng miệng có thể xuất hiện một số vấn đề như tụt lợi và tiêu xương ổ răng.
Phác đồ điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp tính
Sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán (khám lâm sàng, xét nghiệm máu, X-Quang và nuôi cấy vi khuẩn), bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và đánh giá mức độ tổn thương mô nướu.
Không giống với các bệnh răng miệng thường gặp, viêm lợi loét hoại tử cấp cần phải điều trị nhiều lần để đảm bảo loại bỏ sạch mô hoại tử và viêm nhiễm. Dưới đây là phác đồ điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp (ANUG):
Điều trị lần 1
Điều trị lần 1 được thực hiện với mục đích giới hạn được các vùng nướu bị hoại tử và viêm loét cấp tính. Đồng thời cải thiện triệu chứng đau nhức tại chỗ + triệu chứng toàn thân mà bệnh nhân gặp phải.
Trong lần đầu tiên, điều trị thường bao gồm các bước sau đây:
- Sử dụng gòn bông để cách ly và làm khô vùng mô nướu bị tổn thương
- Sử dụng thuốc xịt hoặc bôi gây tê tại chỗ để giảm đau nhức
- Sau khi vô cảm, bác sĩ sẽ sử dụng gòn bông lấy sạch các giả mạc và niêm mạc bị viêm loét, hoại tử
- Rửa sạch tổn thương nhiều lần bằng nước ấm để chắc chắn làm sạch cặn, giả mạc và vi khuẩn
- Để tạo điều kiện cho mô lợi phục hồi, bác sĩ có thể dùng máy siêu âm để lấy phần cao răng ở lợi nông (tránh lấy cao răng ở phần lợi sâu vì nguy cơ nhiễm trùng máu)
- Súc miệng với hỗn dịch nước ấm + oxy già 3% theo tỷ lệ 1:1. Cần súc miệng bằng hỗn dịch này đều đặn 2 giờ/ lần
- Kết hợp súc miệng bằng dung dịch Chlorhexidine 0.12% với tần suất 2 lần/ ngày
- Đối với viêm loét hoại tử có mức độ trung bình và nặng (xuất hiện các triệu chứng toàn thân, sốt và sưng hạch), kháng sinh đường uống có thể được chỉ định dùng phối hợp. Lựa chọn Metronidazole 250 – 500mg/ 3 lần/ ngày + penicillin 250 – 500mg/ lần mỗi 6 giờ. Hoặc phối hợp Metronidazole + Erythromycin 250 – 500mg/ lần mỗi 6 giờ nếu bệnh nhân dị ứng với kháng sinh nhóm penicillin
Trong lần điều trị đầu tiên, cần phải lưu ý những vấn đề sau:
- Tuyệt đối không được lấy phần cao răng dưới lợi sâu hoặc can thiệp nạo túi lợi do nguy cơ nhiễm khuẩn máu
- Tương tự, các phẫu thuật quanh răng và nhổ răng cũng phải trì hoãn ít nhất 4 tuần sau khi các triệu chứng chấm dứt để hạn chế các rủi ro và biến chứng
- Nhắc nhở bệnh nhân súc miệng bằng hỗn dịch nước ấm + oxy già 3% và súc miệng với dung dịch Chlorhexidine 0.12% theo tần suất như trên
- Tuyệt đối không chải răng trong thời gian điều trị
- Không ăn đồ có gia vị, rượu bia, tránh gắng sức và kiêng hút thuốc lá
Điều trị lần 2
Điều trị lần 2 diễn ra sau lần đầu tiên khoảng 1 – 2 ngày tùy trường hợp. Sau khi tái khám, cần đánh giá mức độ tổn thương của mô lợi và can thiệp các phương pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp điều trị được áp dụng trong lần 2:
- Tiếp tục lấy cao răng ở phần lợi nông bằng máy siêu âm để mô lợi dễ dàng hồi phục và tái tạo
- Hướng dẫn bệnh nhân súc miệng và chăm sóc tương tự lần điều trị đầu tiên
Điều trị lần 3
Bệnh nhân tiếp tục điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ từ 1 – 2 ngày. Sau đó quay trở lại phòng khám để được kiểm tra và thực hiện các bước điều trị tiếp theo. Lúc này, mô lợi đã phục hồi gần như hoàn toàn nên có thể tiến hành lây cao răng và làm nhẵn chân răng.
Các biện pháp được áp dụng trong buổi điều trị thứ 3:
- Cạo vôi răng ở vùng lợi sâu và làm nhẵn chân răng để ngăn ngừa mảng bám tích tụ, tạo điều kiện cho mô nướu hồi phục và tăng độ bám dính vào chân răng
- Hướng dẫn người bệnh ngừng súc miệng với dung dịch nước ấm + oxy già. Duy trì súc miệng với dung dịch Chlorhexidine 0.12 2 lần/ ngày từ 2 – 3 tuần và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng
Đối với những trường hợp viêm lợi loét hoại tử cấp tính có mức độ nhẹ, điều trị thường chỉ kéo dài khoảng 3 buổi.
Các lần điều trị tiếp theo
Viêm lợi loét hoại tử cấp có thể xảy ra do có sẵn một số bệnh lý nha khoa. Do đó sau khi bệnh lý được kiểm soát, bệnh nhân cần phải quay lại phòng khám để thực hiện các bước điều trị kế tiếp nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát.
Các biện pháp điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp tính:
- Thực hiện cạo vôi răng và làm nhẵn chân răng các răng còn lại trên cung hàm.
- Quan sát lượng mảng bám tích tụ để đánh giá thói quen sinh răng miệng. Nếu cần thiết, phải hướng dẫn cho người bệnh cách làm sạch răng miệng đúng cách để loại bỏ mảng bám và ngăn ngừa tích tụ cao răng
- Điều trị và kiểm soát các bệnh nha khoa đi kèm như viêm lợi mãn tính, viêm nha chu, viêm quanh chân răng
Điều trị thất bại
Có không ít trường hợp viêm lợi loét hoại tử cấp tính điều trị thất bại. Nguyên nhân bắt nguồn chủ yếu do khớp cắn sâu, không tuân thủ điều trị và không kiểm soát dứt điểm các bệnh lý nha khoa đi kèm.
Trong trường hợp này, cần thực hiện các bước xử lý sau:
- Ngưng tất cả các loại thuốc dùng tại chỗ
- Chẩn đoán phân biệt viêm lợi loét hoại tử cấp tính với các bệnh lý có triệu chứng tương tự
- Xác định các yếu tố toàn thân và tại chỗ có thể khiến bệnh tái phát đã bị bỏ sót
Bài viết đã tổng hợp thông tin về phác đồ điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp tính. Đây là bệnh viêm nhiễm mô lợi đặc biệt, diễn tiến nhanh và dễ tái phát. Nếu thăm khám sớm và điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn sau 7 ngày.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm lợi có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
10 Nước Súc Miệng Trị Viêm Nướu (Lợi) Tốt Nhất Hiện Nay
Mẹo Dân Gian Chữa Viêm Lợi Bằng Thảo Dược Quanh Nhà
Mách Bạn 11 Cách Chữa Viêm Lợi Có Mủ Tại Nhà Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!