Nhổ 2 răng khôn cùng lúc có được không là băn khoăn của khá nhiều người bởi việc nhổ lần lượt từng răng sẽ mất thời gian và tốn kém. Thực tế, một số trường hợp vẫn có thể nhổ cùng lúc 2 răng nhưng cần phải lưu ý những vấn đề quan trọng.
Nhổ 2 răng khôn cùng một lúc được không? Có nên không?
Răng khôn là chiếc răng đặc biệt hơn so với các răng còn lại trên cung hàm. Răng khôn có hình dáng khá giống với răng số 6 và số 7 nhưng chỉ mọc ở người trưởng thành (từ 17 – 26 tuổi). Hơn nữa, răng khôn không mọc liền mạch mà mọc từng đợt và mỗi đợt chỉ mọc lên khoảng vài mm.
Mỗi người sẽ có tổng cộng 4 răng khôn và mỗi hàm sẽ có 2 cái. Tuy nhiên, một số người có thể không mọc răng khôn hoặc không mọc đủ 4 cái. Thực tế, răng khôn nằm sâu bên trong cung hàm nên chức năng không rõ ràng như các răng khác. Vì thế, không mọc răng khôn cũng không ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai.
Vì mọc khá muộn nên không gian trong cung hàm không có đủ cho răng khôn phát triển. Hơn nữa, lúc này xương hàm đã phát triển hoàn chỉnh và cứng chắc nên răng mất nhiều thời gian để mọc. Trong quá trình mọc, răng số 8 tạo ra áp lực lớn lên mô nướu, xương hàm và các răng lân cận. Đây cũng là lý do mọc răng khôn thường gây sưng nướu và đau nhức nhiều hơn so với răng ở những vị trí khác.
Theo thống kê, hơn 80% mọc răng khôn có hiện tượng mọc lệch và mọc ngầm. Do đó, phần lớn răng khôn đều phải nhổ bỏ để tránh những biến chứng như xô lệch các răng khác trên cung hàm, tổn thương dây thần kinh, lệch khớp cắn, đau nhức khớp thái dương hàm, sâu răng và các bệnh nha khoa khác.
Răng khôn có tổng cộng 4 cái nên mọi người thường muốn nhổ cùng lúc 2 cái để tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tránh phải chụp X quang và sử dụng kháng sinh quá nhiều lần. Vậy có nhổ 2 răng khôn cùng lúc được không?
Thực tế, các bác sĩ thường khuyên chỉ nên nhổ 1 răng khôn/ lần. Bởi răng khôn có chân răng khá dài nên khi nhổ bỏ sẽ xâm lấn vào xương hàm và nướu. Quá trình phục hồi sau khi nhổ răng khôn cũng mất nhiều thời gian hơn so với các răng khác.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nhổ 2 răng khôn nếu có mong muốn – ngoại trừ những trường hợp tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Nhổ 2 răng khôn cùng lúc sẽ gây đau nhiều hơn, nướu sưng viêm và đôi khi có hiện tượng sưng hạch góc hàm. Vì vậy, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn về những vấn đề này trước khi quyết định nhổ 2 răng khôn.
Trong trường hợp nhận thấy có khả năng gặp phải biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ 1 răng khôn/ lần để đảm bảo an toàn. Nhổ răng khôn là tiểu phẫu đơn giản nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi nhổ răng khôn hay can thiệp các thủ thuật nha khoa xâm lấn khác.
Trường hợp nên – không nên nhổ 2 răng khôn cùng lúc?
Bạn vẫn có thể nhổ 2 răng khôn cùng lúc. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là những trường hợp nên và không nên nhổ 2 răng khôn cùng một lúc.
Những trường hợp có thể nhổ 2 răng khôn cùng lúc:
- 2 răng khôn nằm cùng một bên (bên trái hoặc bên phải)
- 2 răng khôn hàm trên, răng mọc lệch nhẹ và chân răng đơn giản cũng có thể nhổ cùng lúc vì mức độ xâm lấn thấp và thời gian phục hồi khá nhanh.
Để nhổ 2 răng số 8 cùng lúc, bạn cần có sức khỏe tốt, không gặp phải các vấn đề như tiểu đường, các vấn đề tim mạch, rối loạn đông máu,… Nhổ 2 răng cùng lúc đồng nghĩa với việc mức độ xâm lấn sâu hơn nên thời gian phục hồi chậm hơn. Nếu thực hiện ở những đối tượng trên, nguy cơ gặp phải biến chứng khi nhổ răng là rất cao.
Những trường hợp không nên nhổ 2 răng khôn cùng lúc:
- 2 răng khôn nằm ở hai bên khác nhau
- 2 răng khôn hàm dưới – đặc biệt là trong trường hợp răng mọc ngầm, mọc lệch nặng, chân răng khó và có hiện tượng chèn ép các răng lân cận
- Ngoài ra, nhổ 2 răng khôn cùng lúc cũng không được chỉ định đối với những trường hợp bị tiểu đường, rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch, có các vấn đề về tim mạch, nghiện rượu bia, thuốc lá, phụ nữ mang thai,…
Để biết chính xác có nên nhổ 2 răng khôn cùng một lúc hay không, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của răng khôn thông qua hình ảnh X – Quang và sàng lọc sức khỏe để đưa ra kết luận cuối cùng.
Một số lưu ý khi nhổ 2 răng khôn cùng lúc
Như đã đề cập, nhổ 2 răng khôn cùng lúc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với nhổ từng răng riêng lẻ. Để hạn chế tối đa biến chứng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
1. Kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng
Trước khi nhổ răng khôn, bạn sẽ được kiểm tra sức khỏe để đánh giá nguy cơ. Đối với những trường hợp nhổ 2 răng khôn cùng lúc, quá trình này cần được thực hiện kỹ lưỡng hơn.
Các bước kiểm tra sức khỏe trước khi nhổ 2 răng khôn cùng lúc:
- Chụp X quang răng khôn để đánh giá tình trạng của răng, số lượng răng khôn cần nhổ và phát hiện các vấn đề sức khỏe răng miệng tiềm ẩn.
- Để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ chỉ định cạo vôi răng và điều trị các vấn đề nha khoa trước khi nhổ răng.
- Khai thác tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe hiện tại và lịch sử dùng thuốc trong vòng 7 – 10 ngày. Tốt nhất, bạn nên trả lời trung thực các câu hỏi của bác sĩ và chủ động thông báo nếu có một số vấn đề sức khỏe đặc biệt như đang mang thai, cho con bú,…
- Xét nghiệm máu để đánh giá tốc độ đông máu và phát hiện tình trạng nhiễm trùng (nếu có).
Nhìn chung, quá trình sàng lọc sức khỏe trước khi nhổ răng khôn tương đối đơn giản và nhanh chóng. Đối với những trường hợp có nguy cơ như đang sử dụng thuốc chống đông, bị nhiễm trùng, hút thuốc lá,… bác sĩ sẽ dời lịch nhổ răng và yêu cầu bạn thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế biến chứng, rủi ro khi can thiệp.
2. Chọn địa chỉ uy tín
Nhổ răng là phương pháp xâm lấn nên đòi hỏi phải đảm bảo vô khuẩn và thực hiện đúng kỹ thuật để tránh hiện tượng sót chân răng, tổn thương mạch máu và các răng lân cận. Thực tế, nhổ răng cũng có nguy cơ sốc phản vệ do một số người có thể bị dị ứng với thuốc tê.
Vì vậy, bạn nên chọn địa chỉ uy tín để giảm thiểu rủi ro và biến chứng khi nhổ răng. Hơn nữa, các bác sĩ ở những bệnh viện lớn đều nắm vững kỹ năng xử trí sốc phản vệ nên sẽ giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
Nhổ răng khôn là dịch vụ cơ bản nên hầu hết các phòng khám và bệnh viện đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn những địa chỉ có dịch vụ nhổ răng khôn bằng máy siêu âm – đặc biệt là trong trường hợp nhổ cùng lúc 2 răng. Máy siêu âm được dùng để cắt đứt dây chằng nha chu khiến cho răng lỏng lẻo và dễ dàng bị nhổ bỏ.
Nhổ răng khôn bằng phương pháp này có thể hạn chế được mức độ đau nhức, sưng viêm và rút ngắn thời gian phục hồi. Hơn nữa, nguy cơ gặp phải các biến chứng cũng giảm đi đáng kể.
3. Chăm sóc theo chỉ dẫn
Sau khi nhổ răng khôn, vết thương sẽ cần một thời gian để phục hồi hoàn toàn. So với trường hợp nhổ 1 răng, nhổ cùng lúc 2 răng khôn sẽ có mức độ xâm lấn sâu hơn nên mất khá nhiều thời gian hồi phục. Để hạn chế biến chứng, bạn cần chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cách chăm sóc sau khi nhổ cùng lúc 2 răng khôn:
- Để vết thương đông máu nhanh, bạn nên cắn chặt bông gòn trong ít nhất 30 phút.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt không được tự ý ngưng kháng sinh. Nếu ngưng sử dụng kháng sinh quá sớm, vết thương có thể bị nhiễm trùng và chậm lành.
- Không súc miệng, dùng thức ăn nóng, cay và nhiều gia vị bởi những thói quen này có thể ảnh hưởng đến mức độ lành thương. Ngoài ra, nên kiêng các món ăn cứng, khô và dai.
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày nhưng cần chú ý thực hiện nhẹ nhàng và tránh tác động lên vết thương.
- Bổ sung vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cho cơ thể để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
- Hạn chế nhai ở bên răng vừa bị nhổ bỏ. Trong trường hợp nhổ 2 răng ở 2 bên khác nhau, nên dùng các món ăn mềm như cháo, súp để tránh phải nhai quá nhiều.
- Có thể chườm đá 4 – 5 lần trong vòng 2 – 3 ngày đầu sau khi nhổ răng. Chườm đá giúp đông máu nhanh, giảm sưng viêm và đau nhức hiệu quả.
- Tránh vận động mạnh và thức khuya, căng thẳng sau khi nhổ răng khôn. Tốt nhất, bạn nên nghỉ ngơi, hạn chế làm việc căng thẳng và vận động nhẹ nhàng cho đến khi vết thương lành hẳn.
- Tái khám theo lịch hẹn hoặc khi nhận thấy các triệu chứng bất thường như nướu sưng đỏ, ứ mủ, đau nhức, sốt, sưng hạch góc hàm,…
Nhổ 2 răng khôn cùng lúc sẽ được chỉ định trong một số trường hợp. Nếu được bác sĩ cho phép nhổ cùng lúc 2 răng, bạn nên có sự chuẩn bị trước và sau khi thực hiện để hạn chế tối đa biến chứng. Trong trường hợp có nguy cơ cao, chỉ nên nhổ 1 răng và đợi cho vết thương lành hẳn trước khi nhổ các răng còn lại.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có nên nhổ răng sâu khi đang mang thai?
Răng khôn mọc lệch ra ngoài má: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý
Tại sao mọc răng khôn lại bị sốt? Sốt mấy ngày?
Mới Nhổ Răng Ăn Trứng Gà Được Không? Chuyên gia giải đáp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!