Nhổ răng là phương pháp xâm lấn nên tiềm ẩn không ít rủi ro và nguy cơ. Đa phần các biến chứng khi nhổ răng đều có mức độ nhẹ và có thể khắc phục hoàn toàn. Dù vậy, chủ động phòng ngừa biến chứng vẫn là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng và tránh những phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt.
Các biến chứng khi nhổ răng có thể gặp phải
Nhổ răng là thủ thuật nha khoa được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như thay răng sữa, răng sâu nặng, răng dư thừa, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm,… Trong đó, nhổ răng vĩnh viễn thường có mức độ xâm lấn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn so với răng sữa.
Răng vĩnh viễn có kích thước lớn, chân răng dài và cắm sâu ở bên trong xương hàm. Do đó, để loại bỏ răng, cần phải xâm lấn sâu vào nướu và xương. Trong khi đó, răng sữa có chân răng ngắn, mềm và cấu trúc lỏng lẻo nên việc nhổ bỏ sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
Mắc dù nhổ răng chỉ là tiểu phẫu đơn giản nhưng vẫn có thể gây ra những biến chứng nặng nề. Dưới đây là các biến chứng có thể gặp khi nhổ răng:
1. Chảy máu kéo dài
Vì là phương pháp xâm lấn nên nhổ răng có thể gây chảy máu. Thông thường sau khi nhổ, tình trạng chảy máu sẽ giảm rõ rệt sau khoảng 1 – 2 giờ và thuyên giảm hoàn toàn sau 24 giờ. Để vết thương khô lại và ngưng chảy máu, bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn cắn chặt bông gạc trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải tình trạng chảy máu kéo dài sau khi nhổ răng. Hiện tượng này thường xảy ra ở người bị rối loạn đông máu, sử dụng thuốc chống đông hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trước khi nhổ răng. Những người có thói quen hút thuốc lá và tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị chảy máu kéo dài sau khi nhổ bỏ răng.
Nếu nhận thấy máu chảy nhiều sau 1 – 2 giờ, bạn nên thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời. Đối với biến chứng này, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ bằng dung dịch tiêm chứa Lidocaine 2% và Epinephrine. Sau đó tiến hành nạo huyệt ổ răng để loại bỏ cục máu đông và bơm rửa bằng nước muối sinh lý. Kế tiếp, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ khâu vết thương và dùng thuốc chống đông máu tại chỗ để kiểm soát tình trạng chảy máu kéo dài.
Chảy máu kéo dài sau khi nhổ răng là biến chứng thường gặp nhưng đa phần đều không quá nguy hiểm. Nếu được xử trí kịp thời, phần lớn các trường hợp chảy máu dai dẳng đều có thể được cải thiện. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ quan, tình trạng chảy máu có thể tiến triển nặng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vết thương.
2. Nhiễm trùng – Biến chứng thường gặp sau khi nhổ răng
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng là biến chứng rất phổ biến. Biến chứng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vị trí răng vừa bị nhổ bỏ gây ra hiện tượng sưng viêm, đau nhức và ứ mủ.
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng có dấu hiệu khá rõ rệt. Các triệu chứng có thể khởi phát sau 3 – 5 ngày tùy theo từng trường hợp. Để nhận biết nhiễm trùng sau khi nhổ răng, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng như vết thương không lành lại sau 5 – 7 ngày, nướu sưng đỏ, đau nhức, ứ mủ, xương hàm đau nhiều, đôi khi có kèm hiện tượng cứng hàm và khó khăn khi há miệng.
Nhiễm trùng thường xảy ra ở những trường hợp nhổ răng khi đang bị viêm nhiễm cấp tính ở khoang miệng, tự ý ngưng sử dụng thuốc, bác sĩ nhổ răng sót chân răng, bị rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch và vệ sinh kém. Nhiễm trùng cần được điều trị sớm để tránh tình trạng chuyển biến nặng gây tổn thương xương hàm và các cơ quan lân cận.
3. Viêm xương ổ răng (viêm ổ răng khô)
Viêm xương ổ răng là biến chứng thường gặp khi nhổ răng vĩnh viễn, đặc biệt là răng khôn (răng số 8). Tình trạng này xảy ra khi cục máu đông ở vị trí răng bị nhổ bỏ không phát triển mà bị tan biến hoặc biến dạng trước khi vết thương lành hẳn.
Cục máu đông có vai trò quan trọng trong cơ chế đông máu, đồng thời giúp bảo vệ các mô nướu, mạch máu và dây thần kinh ở bên dưới. Nếu cục máu đông bị tan biến quá sớm, nguy cơ bị viêm nhiễm là rất cao. Viêm xương ổ răng thường khởi phát sau khi nhổ răng khoảng vài ngày. Dấu hiệu nhận biết là đau dữ dội, cơn đau lan tỏa dọc theo phần cạnh của khuôn mặt và mức độ đau tăng lên khi ăn uống.
Nếu nghi ngờ bị viêm xương ổ răng, bạn cần đến phòng khám để được rửa sạch ổ răng và băng vết thương. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định dùng thuốc để giảm đau nhức và ngăn vi khuẩn phát triển.
Viêm xương ổ răng phổ biến ở những người sử dụng thuốc tránh thai đường uống và người có thói quen hút thuốc lá. Nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi nhổ răng để được đánh giá nguy cơ và chỉ định thời điểm nhổ răng thích hợp.
4. Viêm xương tủy hàm
Viêm xương tủy hàm là tình trạng xương hàm bị viêm và phá hủy cấu trúc do vi khuẩn hoặc nấm. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, trong đó nhổ răng được xem là điều kiện thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Khi nhổ bỏ răng, vết thương chưa lành hẳn chính là điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong xương hàm gây viêm nhiễm. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có liên quan đến viêm quanh chóp răng, không dung nạp khi cấy ghép hàm, nhiễm khuẩn túi thân răng mọc ngầm,…
Viêm tủy xương hàm có biểu hiện rất rõ rệt. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng sốt cao từ 38 – 40 độ C, rét run từng cơn, cơ thể mệt mỏi, li bì, chức năng nhai và nuốt suy giảm do đau nhức và phù nề nặng. Một số trường hợp có thể phát triển thành nhiễm khuẩn huyết với các biểu hiện như rối loạn nhịp tim, choáng váng, ngất xỉu,…
Đối với biến chứng viêm tủy xương hàm, bác sĩ sẽ chích rạch ổ mủ, sau đó sát trùng và sử dụng kháng sinh. So với các biến chứng khác, viêm tủy xương hàm là biến chứng nặng nề. Để điều trị bệnh dứt điểm cần phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Ngoài ra, bạn cũng cần nâng đỡ thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý để tổn thương ở nướu, xương hàm được phục hồi nhanh chóng.
5. Hoại tử xương hàm (ONJ)
Hoại tử xương hàm (ONJ) là tình trạng xương hàm bị tổn thương và bộc lộ ra bên ngoài. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như sử dụng thuốc bisphophonate, xạ trị và đôi khi tự phát sau khi nhổ răng. Hoại tử xương hàm thường gây đau nhức, chảy máu kèm theo hiện tượng răng lung lay.
Ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hoại tử xương hàm thường sẽ được điều trị bằng cách dùng thuốc, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn và làm sạch vết thương bằng phẫu thuật. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ xương để cải thiện cơn đau và phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn lâu dài.
6. Sai lệch khớp cắn
Sai lệch khớp cắn là một trong những biến chứng thường gặp sau khi nhổ răng. Tình trạng này xảy ra chủ yếu khi nhổ các răng giữ vai trò quan trọng như răng cửa và răng cấm. Khi nhổ bỏ răng, tương quan giữa hàm trên và hàm dưới sẽ bị phá vỡ. Kết quả là khớp cắn bị lệch và chức năng ăn nhai của răng giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, lệch khớp cắn cũng có thể xảy ra do hiện tượng tiêu xương hàm. Khi răng bị nhổ bỏ, xương hàm sẽ có hiện tượng tiêu hủy do không nhận được áp lực từ chân răng. Về lâu dài, xương hàm sẽ bị giảm thể tích khiến cho các răng lân cận bị xô lệch, chen chúc.
Ngoại trừ răng số 8 (răng khôn), tất cả các trường hợp nhổ răng vĩnh viễn đều phải phục hình lại. Hiện tại, chỉ có trồng răng Implant là phương pháp có thể khắc phục tình trạng tiêu xương răng. Các biện pháp khác có thể phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ nhưng không thể ngăn ngừa hiện tượng này. Đây cũng là lý do nhổ bỏ răng không được khuyến khích và chỉ được áp dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết.
7. Tổn thương các răng lân cận
Trong quá trình nhổ bỏ răng, dây thần kinh, mạch máu và các răng lân cận có thể bị tổn thương. Thực tế, răng vĩnh viễn – đặc biệt là răng khôn có chân răng dài và phức tạp. Do đó, trong quá trình nhổ bỏ răng không tránh khỏi tổn thương các cơ quan lân cận.
Thông thường sau khi nhổ răng khôn, răng số 7 sẽ có hiện tượng đau nhức nhẹ và ê buốt khi ăn uống. Mức độ cơn đau không quá nghiêm trọng nhưng thường dai dẳng và phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi hoàn toàn.
8. Tổn thương dây thần kinh sinh ba
Dây thần kinh sinh ba là dây thần kinh chính ở vùng mặt với 3 nhánh chính. Dây thần kinh này có thể bị tổn thương trong quá trình nhổ răng. Biểu hiện của tổn thương dây thần kinh sinh ba là tê mặt, khó biểu cảm, có cảm giác ngứa ran và đau nhức. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời. Tổn thương dây thần kinh sinh ba có thể tồn tại vĩnh viễn dẫn đến biến chứng liệt mặt và khó khăn khi ăn uống, giao tiếp.
Phòng ngừa các biến chứng khi nhổ răng
Các biến chứng sau khi nhổ răng ảnh hưởng nhiều đến ăn uống, sinh hoạt và quan trọng nhất là gây suy giảm sức khỏe răng miệng. Trong đó, một số biến chứng có thể để lại di chứng vĩnh viễn không thể khắc phục.
Về cơ bản, nhổ răng là tiểu phẫu khá đơn giản nên nguy cơ không quá cao. Do đó, đa phần những trường hợp gặp phải biến chứng đều do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi nhổ và chăm sóc không đúng cách trong thời gian lành thương. Để hạn chế biến chứng sau khi nhổ răng, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi nhổ răng
Như đã đề cập, nhổ răng là biện pháp xâm lấn nên ít nhiều sẽ tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ. Trước khi nhổ răng, bạn cần có những bước chuẩn bị như sau:
- Nếu đang sử dụng thuốc chống đông, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc các loại thuốc có tác dụng chống tập kết tiểu cầu, nên thông báo với bác sĩ trước khi nhổ răng. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bạn dừng sử dụng các loại thuốc này trước khi nhổ răng khoảng 3 – 5 ngày.
- Không hút thuốc lá ít nhất là 5 ngày trước khi nhổ răng. Bởi nicotine trong khói thuốc sẽ cản trở quá trình lành thương và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Nữ giới nên tránh nhổ răng vào thời kỳ hành kinh vì lúc này cơ thể khá nhạy cảm, dễ bị hạ huyết áp và chảy máu kéo dài.
- Trước khi nhổ răng, nên ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý để có thể trạng tốt nhất. Sức đề kháng tốt sẽ giúp vết thương nhanh lành, từ đó có thể hạn chế biến chứng nhiễm trùng và chảy máu kéo dài.
- Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu trước khi nhổ răng để đánh giá tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, xét nghiệm này đôi khi không phát hiện được một số vấn đề sức khỏe. Do đó, bạn nên chủ động thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng thuốc và đã gặp phải biến chứng khi nhổ răng (nếu có) để được đánh giá nguy cơ trước khi can thiệp.
- Không nên nhổ răng khi tinh thần đang không ổn định và thể trạng suy nhược. Tình trạng này sẽ làm gia tăng nguy cơ hạ huyết áp khi đang nhổ răng. Tốt nhất, bạn nên lựa chọn thời điểm nhổ răng khi cơ thể khỏe mạnh và không có bất cứ vấn đề sức khỏe nào.
Nếu có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi nhổ răng, nguy cơ gặp phải biến chứng sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, những trường hợp này cũng sẽ có thời gian hồi phục nhanh chóng hơn.
2. Nhổ răng ở cơ sở uy tín
Nhổ răng là thủ thuật nha khoa đơn giản nên hầu hết các bệnh viện và phòng khám đều có thực hiện. Tuy nhiên, không ít trường hợp phải biến chứng do nhổ răng ở những địa chỉ không uy tín. Các cơ sở này thường không đảm bảo về yếu tố vô trùng, bác sĩ nhổ răng sai kỹ thuật và dùng lực quá mạnh.
Thậm chí, nhiều cơ sở không có đủ thiết bị để sàng lọc sức khỏe trước cho bệnh nhân. Điều này làm gia tăng nguy cơ chảy máu kéo dài và viêm nhiễm. Ngoài ra, các phòng khám nhỏ cũng thiếu kỹ năng xử trí khi xảy ra sốc phản vệ.
Vì những lý do trên, bạn nên lựa chọn địa chỉ nhổ răng uy tín và đáng tin cậy. Các cơ sở uy tín sẽ yêu cầu bệnh nhân chụp X quang và xét nghiệm máu để sàng lọc các vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, đa số các cơ sở lớn đều đã được trang bị máy siêu âm nhằm giảm mức độ xâm lấn và hạn chế đau nhức trong quá trình nhổ răng.
Để hạn chế biến chứng khi nhổ răng, bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy. Nếu tham gia bảo hiểm y tế, bạn cũng có thể nhổ răng tại các bệnh viện công để giảm chi phí. Mặc dù phải chờ đợi khá lâu nhưng nhổ răng tại các bệnh viện lớn thường có chi phí thấp và an toàn.
3. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Sau khi nhổ răng, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh. Thuốc thường được dùng trong 5 – 7 ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm đau. Tuy nhiên, không ít người tự ý ngưng thuốc sau khi triệu chứng thuyên giảm.
Thực tế, bạn có thể ngưng dùng thuốc giảm đau và kháng viêm khi các triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn. Tuy nhiên, bắt buộc phải uống kháng sinh đủ liều trong thời gian được chỉ định. Ngưng kháng sinh quá sớm là nguyên nhân gây nhiễm trùng sau khi nhổ răng. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh tùy tiện không theo chỉ định của bác sĩ cũng gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh trong cộng đồng.
Dùng thuốc đúng cách có thể phòng ngừa các biến chứng sau khi nhổ răng. Trong trường hợp gặp phải tác dụng phụ của thuốc, bạn nên thông báo với bác sĩ để được thay thế loại thuốc khác. Không tự ý ngưng thuốc, điều chỉnh liều hay đổi thuốc khi chưa có chỉ định.
4. Chăm sóc đúng cách
Ngoài các biện pháp trên, bạn cũng cần chăm sóc đúng cách để phòng ngừa các biến chứng sau khi nhổ răng. Chế độ chăm sóc hợp lý cũng giúp vết thương nhanh lành và phục hồi nhanh chóng tổn thương ở các cơ quan lân cận.
Cách chăm sóc sau khi nhổ răng giúp phòng ngừa biến chứng:
- Cắn chặt bông gòn trong 30 – 60 phút sau khi nhổ răng để cầm máu và ngăn chặn chảy máu kéo dài.
- Không súc miệng trong vòng 5 – 7 ngày cho đến khi vết thương lành hẳn. Bởi áp lực trong quá trình súc miệng có thể làm vỡ cục máu đông khiến cho vết thương chảy máu và bị nhiễm trùng.
- Không súc miệng với nước muối hay các dung dịch sát khuẩn sau khi nhổ răng. Trong thời gian này, bạn chỉ đánh răng và làm sạch răng miệng bằng nước lạnh.
- Chườm đá ngay sau khi nhổ răng sẽ giúp cầm máu và giảm đau nhức. Nên chườm đá 20 – 30 phút/ lần và thực hiện 4 – 5 lần/ ngày trong 2 ngày đầu tiên. Như vậy, vết thương sẽ nhanh cầm máu và mức độ đau nhức, sưng viêm cũng giảm đi đáng kể.
- Sau khi nhổ răng, nên hạn chế nhai ở vị trí răng vừa bị nhổ bỏ. Ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, ít gia vị và nguội. Không sử dụng thức ăn cay nóng, món ăn chứa nhiều muối và axit.
- Nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế vận động mạnh sau khi nhổ răng cho đến khi vết thương lành hẳn.
- Chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và xử trí. Nếu không có vấn đề phát sinh, bạn cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Các biến chứng sau khi nhổ răng đa phần đều không quá nghiêm trọng và có thể khắc phục hoàn toàn. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên có biện pháp phòng ngừa từ trước để hạn chế nguy cơ gặp phải các biến chứng và rủi ro.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mách Bạn 12 Cách Cầm Máu Sau Khi Nhổ Răng Hiệu Quả Nhanh
Mới Nhổ Răng Ăn Trứng Gà Được Không? Chuyên gia giải đáp
Tại sao mọc răng khôn lại bị sốt? Sốt mấy ngày?
Răng Khôn Mọc Ngầm Trong Xương có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!