Phẫu thuật hàm hô can thiệp trực tiếp vào xương hàm nên không ít người e ngại khi thực hiện. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc Phẫu thuật hàm hô có nguy hiểm không? các biến chứng có thể gặp phải và cách hạn chế biến chứng khi can thiệp phương pháp này.
Phẫu thuật hàm hô có nguy hiểm không?
Phẫu thuật hàm hô là giải pháp tối ưu dành cho những trường hợp răng hô vẩu do xương hàm. Phương pháp này cắt bỏ phần xương hàm dư thừa, sau đó nhổ bỏ răng số 4 hoặc số 5 để tạo khoảng trống và đẩy xương hàm vào bên trong. Sau khi thực hiện, hàm trên và hàm dưới sẽ có sự tương quan, đảm bảo khớp cắn khít và không bị sai lệch khi ăn uống.
So với niềng răng – chỉnh nha, phẫu thuật hàm hô tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn do phương pháp này xâm lấn vào cả nướu răng và xương hàm. Đây cũng là lý do rất nhiều người băn khoăn về vấn đề Phẫu thuật hàm hô có nguy hiểm không?
Thực tế, phẫu thuật hàm hô là phương pháp xâm lấn sâu vào cấu trúc xương nên có thể phát sinh rủi ro. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo vô trùng trong quá trình thực hiện, phương pháp này hoàn toàn không gây ra bất cứ tác dụng ngoại ý nào.
Về cơ bản, tất cả các phương pháp đều tiềm ẩn rủi ro. Với chỉnh nha, bạn cũng có thể gặp phải biến chứng niềng răng hỏng, khớp cắn lệch nặng hơn sau khi niềng, răng lung lay, ê buốt,… Do đó, quan trọng nhất là phải lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi áp dụng.
Trước đây khi khoa học chưa phát triển, các phương pháp xâm lấn vào xương hàm tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ và biến chứng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và máy móc, nguy cơ gặp phải biến chứng khi thực hiện phương pháp này đã giảm đi đáng kể.
Các biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật hàm hô
Phẫu thuật hàm hô xâm lấn nhiều hơn so với niềng răng – chỉnh nha và các thủ thuật nha khoa khác. Do đó, nguy cơ khi thực hiện phương pháp này cũng cao hơn. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật chỉnh hàm hô:
1. Chảy máu kéo dài
Chảy máu kéo dài là biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật nói chung và phẫu thuật chỉnh hàm hô nói riêng. Thực tế, tất cả các phương pháp xâm lấn – ngay cả nhổ răng đều có thể gây ra biến chứng này.
Chảy máu kéo dài là tình trạng máu chảy liên tục trong nhiều giờ liền do không thể cầm máu. Thông thường sau khi khâu vết thương, hiện tượng chảy máu sẽ được kiểm soát chỉ sau 12 – 24 giờ đồng hồ. Các yếu tố đông máu sẽ nhanh chóng tập trung tại vết thương để tạo thành cục máu đông.
Tuy nhiên, những người bị rối loạn đông máu, tiểu đường và sử dụng thuốc chống đông sẽ gặp phải vấn đề trong quá trình đông máu. Kết quả là chảy máu kéo dài và khiến vết thương chậm lành.
Để kịp thời phát hiện và xử trí biến chứng này, bạn thường sẽ phải ở lại bệnh viện theo dõi khoảng 24 giờ đồng hồ sau khi phẫu thuật hàm hô. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao, bạn có thể phải lưu viện từ 2 – 3 ngày nhằm đảm bảo an toàn.
2. Nhiễm trùng
Tất cả các phương pháp xâm lấn đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả phẫu thuật hàm hô. Nhiễm trùng có thể xảy ra do chăm sóc không đúng cách, hệ miễn dịch suy giảm hoặc do không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình phẫu thuật.
Nhiễm trùng là một trong những biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật hàm hô. Biến chứng này có thể tiến triển gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạn nên chú ý những biểu hiện bất thường như sốt, sưng hạch góc hàm, hôi miệng, mệt mỏi,… để kịp thời phát hiện và xử trí nhiễm trùng hậu phẫu.
3. Tổn thương các cơ quan lân cận
Khi phẫu thuật xương hàm, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ phần xương hàm dư thừa và nhổ răng để có không gian dời xương hàm vào bên trong. Đối với những trường hợp phức tạp hơn, bác sĩ có thể phải tác động vào nhiều cơ quan khác.
Có thể thấy, phẫu thuật hàm hô là phương pháp phức tạp và tác động đến nhiều cơ quan. Vì vậy sau khi thực hiện phương pháp này, các cơ quan lân cận có thể bị tổn thương do ảnh hưởng của phẫu thuật. Tình trạng này thường khó tránh khỏi nhưng đa số đều phục hồi tốt sau một thời gian. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị tổn thương nặng và buộc phải điều trị để khắc phục.
4. Không khắc phục được tình trạng hô hàm
Ở một số trường hợp, phẫu thuật có thể không khắc phục được tình trạng hô hàm do bác sĩ đo đạc kích thước không chính xác. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở những người phẫu thuật tại các cơ sở kém chất lượng, không đủ máy móc và bác sĩ có tay nghề kém.
5. Lây nhiễm chéo bệnh lý
Lây nhiễm chéo bệnh lý là biến chứng có thể gặp phải sau khi phẫu thuật hàm hô. Biến chứng này thường có liên quan đến tình trạng không đảm bảo vô khuẩn dụng cụ và máy móc sử dụng trong phẫu thuật. Đây là lý do các bệnh viện và nha khoa uy tín luôn trang bị hệ thống sát trùng, vô khuẩn 100% đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Làm sao để phòng ngừa biến chứng khi phẫu thuật hàm hô?
Thực tế, không có biện pháp có thể phòng ngừa hoàn toàn biến chứng sau khi phẫu thuật hàm hô. Bởi điều này còn phụ thuộc vào cơ địa và khả năng lành thương. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tối đa biến chứng bằng những phương pháp như sau:
1. Chọn địa chỉ uy tín
Điều quan trọng nhất khi phẫu thuật hàm hô là phải lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy. Không giống với các thủ thuật nha khoa, phẫu thuật xương hàm là phương pháp rất phức tạp đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, cơ sở y tế phải trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn các dụng cụ, thuốc để xử trí khi có biến chứng phát sinh.
Hiện nay, các bệnh viện công lập cũng đã thực hiện phẫu thuật hàm hô nên bạn có thể cân nhắc lựa chọn. Ngoài ra, có thể xem xét các bệnh viện tư nhân để được chăm sóc chu đáo hơn. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố để đảm bảo an toàn khi phẫu thuật.
Có thể nói, địa chỉ thực hiện là yếu tố quan trọng nhất khi can thiệp phẫu thuật hàm hô. Các yếu tố khác như chuẩn bị trước khi phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, tái khám,… chỉ ảnh hưởng khoảng 30% kết quả.
2. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo có sức khỏe tốt và ổn định. Thể trạng khỏe mạnh là yếu tố quan trọng giúp cho quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, đồng thời có thể hạn chế được rủi ro và biến chứng phát sinh.
Để đảm bảo an toàn khi phẫu thuật hàm hô, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau trước khi thực hiện:
- Hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm chậm tốc độ phục hồi, tái tạo vết thương. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, dừng hút thuốc lá ít nhất 4 tuần trước khi phẫu thuật có thể giảm 50% nguy cơ nhiễm trùng và tốc độ lành thương cũng diễn ra nhanh hơn. Do đó, bạn cần phải tránh thuốc lá trong ít nhất 1 – 2 tuần trước phẫu thuật.
- Nên thông báo với bác sĩ các vấn đề sức khỏe đang gặp phải như mang thai, cho con bú, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn tuyến giáp, rối loạn đông máu, các vấn đề tâm thần, thần kinh,…
- Trao đổi với bác sĩ về lịch sử dùng thuốc trong vòng 30 ngày. Bởi việc sử dụng kháng sinh, corticoid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống đông máu,… ảnh hưởng nhiều đến quá trình phẫu thuật và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu từng bị dị ứng thuốc, nên thông báo với bác sĩ để tránh các loại thuốc này.
- Đối với người có các bệnh lý mãn tính, cần phải điều trị để bệnh ổn định trước khi phẫu thuật chỉnh hàm hô. Ngoài ra, những trường hợp đang bị sốt, trong kỳ kinh, viêm nhiễm cấp,… cần phải kiểm soát trước khi can thiệp phẫu thuật.
- Bên cạnh đó, bạn nên ăn uống điều độ, tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý để chuẩn bị cho mình một thể trạng khỏe mạnh. Sức khỏe tốt giúp hạn chế tối đa biến chứng trong và sau khi phẫu thuật chỉnh hàm.
- Ngoài ra, bạn cũng nên giữ tinh thần thoải mái và lạc quan. Hạn chế căng thẳng quá mức vì tinh thần lo âu, phiền muộn sẽ làm gia tăng hormone cortisol và điều này ảnh hưởng đáng kể đến quá trình lành thương.
Nếu bác sĩ có những dặn dò đặc biệt, bạn nên thực hiện để đảm bảo phẫu thuật xương hàm diễn ra thuận lợi và không phát sinh bất cứ rủi ro hay biến chứng nào. Trên thực tế, những trường hợp có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi phẫu thuật sẽ có tốc độ lành thương nhanh và có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường trở lại chỉ sau một thời gian ngắn.
3. Lựa chọn phẫu thuật hàm hô kết hợp màng tế bào PRP
Hiện nay, một số cơ sở đã ứng dụng công nghệ màng tế bào PRP vào phẫu thuật hàm mặt nói chung và phẫu thuật hàm hô nói riêng. PRP là phương pháp sử dụng máu của chính bệnh nhân, sau đó quay ly tâm để chiết tách phần huyết tương giàu tiểu cầu.
Tiểu cầu là một trong ba tế bào máu bên cạnh hồng cầu và bạch cầu. Tiểu cầu có chức năng đông máu, lành thương và đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tái tạo. Vì vậy, tiểu cầu thường được chiết tách để đẩy nhanh tốc độ lành thương sau khi phẫu thuật hàm hô.
Sau khi đã điều chỉnh xương hàm và đóng vis cố định, bác sĩ sẽ dùng màng tế bào PRP phủ ở bên ngoài xoang và đóng kín vết thương. Các tế bào tiểu cầu được lấy từ máu của chính bệnh nhân nên có khả năng hấp thu tốt. Tiểu cầu giúp xương hàm liền lại nhanh và các mô mềm cũng phục hồi nhanh chóng.
So với phẫu thuật hàm hô đơn thuần, phương pháp này có thể hạn chế được rủi ro và biến chứng. Theo nghiên cứu, với sự hỗ trợ của màng PRP, quá trình phục hồi xương sau khi phẫu thuật hàm hô chỉ còn 2 – 4 tuần trong khi những trường hợp không sử dụng màng PRP phải mất từ 4 – 6 tuần. Tốc độ lành thương nhanh đồng nghĩa với việc nguy cơ gặp phải các biến chứng như viêm nhiễm, lệch vẹo xương,… cũng giảm đi đáng kể.
3. Chăm sóc hậu phẫu theo chỉ dẫn
Chăm sóc không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ra biến chứng sau khi phẫu thuật hàm hô. Để phòng ngừa biến chứng, bạn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các biện pháp chăm sóc sau khi phẫu thuật hàm hô:
- Sau khi phẫu thuật, mô mềm xung quanh xương hàm sẽ có hiện tượng sưng đau nhiều. Do đó, bạn nên chườm đá nhiều lần trong ngày, mỗi lần chườm từ 15 – 20 phút. Sau khoảng 3 ngày, mặt sẽ giảm sưng và cơn đau cũng thuyên giảm đáng kể.
- Không dùng thuốc đều đặn có thể gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và khiến vết thương chậm lành, nguy cơ hoại tử cao. Vì vậy, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc.
- Vệ sinh răng miệng kỹ và nên dùng thêm nước súc miệng kháng khuẩn, sát trùng để ngăn sự phát triển của vi khuẩn.
- Sau khi phẫu thuật hàm hô, xương hàm cần thời gian để hồi phục. Do đó, bạn nên dùng thức ăn mềm như súp, cháo, sinh tố trong khoảng 3 ngày đầu. Sau đó, có thể dùng các món ăn khác nhưng không nên dùng thức ăn quá cứng hoặc khô.
- Tránh dùng răng cửa cắn, xé thức ăn sau khi phẫu thuật hàm hô. Bởi tình trạng này tác động đến phần xương hàm vừa phẫu thuật nên có thể gây đau nhức và khiến xương hàm chậm lành. Tốt nhất, bạn nên cắt nhỏ thức ăn và chỉ nhai bằng răng hàm. Đồng thời phải lưu ý nhai đều hai bên răng để tránh tình trạng xương hàm trên bị lệch vẹo, không cân đối.
- Không chống cằm hay tác động lực vào vùng mặt trong vòng 3 tháng sau khi phẫu thuật. Trong vòng 7 ngày đầu tiên, bạn không nên tập thể dục, đặc biệt là các bộ môn tập luyện cường độ cao.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, probiotic, vitamin, khoáng chất, đạm và chất béo tốt để hỗ trợ vết thương phục hồi và tái tạo nhanh. Nếu bị đau nhức nhiều và gặp khó khăn khi ăn uống, bạn có thể uống sữa và sinh tố để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể trong thời gian hậu phẫu.
4. Tái khám theo lịch hẹn
Tái khám có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng sau khi phẫu thuật hàm hô. Do đó, bạn nên tái khám đều đặn vào ngày thứ 2, 3 và 7. Vào ngày thứ 10, nên quay lại bệnh viện để được cắt chỉ.
Vết thương ở xương hàm cần nhiều thời gian để phục hồi hơn so với mô mềm. Do đó, sau 3 tháng bạn nên quay trở lại kiểm tra để được đánh giá tốc độ lành thương. Lúc này, xương hàm đã ổn định đáng kể nên bạn có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường. Sau đó, đều đặn mỗi năm nên tái khám để kiểm tra tình trạng xương hàm và kịp thời khắc phục nếu có vấn đề bất thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Cửa Bị Nứt: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Nhanh
Răng Bị Nứt Có Tự Lành Không? Cách Khắc Phục Hiệu Quả Nhất
Các Bệnh Về Răng Miệng Thường Gặp Và Thông Tin Cần Lưu Ý
Chuyên Gia Giải Đáp Đau Răng Uống Panadol Được Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!