U men xương hàm: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

U men xương hàm là tình trạng khối u lành tính xuất hiện ở bên trong xương hàm. Hiện tại, khoa học chưa phát hiện ra căn nguyên bệnh nên chưa thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm.

u men xương hàm
Bệnh u men xương hàm là một dạng u lành tính xuất hiện vùng hàm mặt

U men xương hàm là bệnh gì?

U men xương hàm (Ameloblastoma) còn được biết đến với những cái tên khác như u men, u men răng và u nguyên bào tạo men. Thuật ngữ này đề cập đến một loại u lành tính xảy ra ở vùng hàm mặt, có nguồn gốc từ liên bào tạo men. Về cơ bản, u men xương hàm là khối u lành tính nhưng phát triển nhanh nên có thể phá hủy xương hàm và nguy cơ ác tính hóa.

Theo thống kê, u men là dạng u khá phổ biến ở vùng hàm mặt (chiếm khoảng 50%). Cho đến nay, y học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, u men thường xuất hiện ở người từ 20 – 30 tuổi.

Mặc dù là khối u lành tính nhưng u men phát triển nhanh nên có tính chất phá hủy và đôi khi chuyển dạng thành ác tính. Chính vì vậy, bệnh lý này cần được điều trị trong thời gian sớm nhất để phòng ngừa các biến chứng nặng nề. U men là một trong những khối u có khả năng tái phát cao. Do đó, bệnh nhân cũng cần có biện pháp chăm sóc và tái khám thường xuyên sau khi điều trị để kịp thời xử trí.

Nguyên nhân gây u men xương hàm

Như đã đề cập, nguyên nhân gây u men xương hàm đến nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy khối u này bắt nguồn từ liên bào tạo men vùi kẹt trong xương hàm. Từ đó tạo ra khối u lành tính có khả năng phát triển nhanh gây phá hủy xương hàm và làm biến dạng cấu trúc khuôn mặt.

U men răng khởi phát chủ yếu ở người trẻ từ 20 – 30 tuổi. Chính vì vậy, thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia được cho là không có liên quan. Hiện nay, các chuyên gia ủng hộ giả thuyết u men xương hàm là bệnh có khả năng di truyền. Vì vậy, nếu gia đình cho người mắc chứng bệnh này, cần chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị.

Phân loại u men xương hàm

Bệnh u men xương hàm thường sẽ xuất hiện ở bên trong xương hàm và phát triển lớn dần. Loại u này được chia thành nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại u men được sử dụng phổ biến hiện nay:

1. Dựa vào vị trí của khối u

Dựa vào vị trí của khối u, u men được chia thành 2 dạng là u men ngoại biên và u men trung tâm:

bệnh u men xương hàm
Khối u ngoại biên xuất hiện ở mặt trong của xương hàm (có thể ở hàm dưới hoặc hàm trên)

– U men ngoại biên:

Khối u nằm ở nướu răng mặt trong của hàm dưới hoặc hàm trên được gọi là u men ngoại biên. Biểu hiện của dạng u men này là sự xuất hiện của khối u một thùy hoặc nhiều thùy ở mặt trong của xương hàm hàm dưới hoặc hàm trên.

– U men trung tâm:

U men trung tâm là tình trạng khối u xuất hiện ở xương hàm dưới hoặc xương hàm trên. Khối u ở trung tâm sẽ không gây lệch mặt nhưng có hiện tượng chèn ép vùng mũi, mắt hoặc phát triển khiến cho cằm bị kéo dài. Dù xảy ra ở vị trí nào, u men răng đều phải được điều trị sớm để phòng tránh biến chứng.

2. Dựa vào mô bệnh học

Ngoài cách dựa vào vị trí, u men răng còn được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào mô bệnh học. Nếu phân chia theo yếu tố này, u men sẽ được chia thành 2 loại là u men thể nang và u men thể đặc:

– U men thể nang:

U men thể nang là khối u chứa nhiều dịch lỏng, chất rắn và khí bên trong. Dạng này có thể xảy ra ở vị trí ngoại biên hoặc trung tâm. Theo đánh giá của các chuyên gia, u men thể nang thường được điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, khả năng u tái phát là tương đối cao.

– U men dạng đặc:

U men dạng đặc là khối u chứa chất rắn hoàn toàn. Đối với khối u này, điều trị bảo tồn thường không mang lại kết quả và tỷ lệ tái phát rất cao. Do đó, đa số trường hợp u men dạng đặc đều có chỉ định phẫu thuật cắt xương.

Dấu hiệu u men xương hàm

U men răng không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi đến giai đoạn phát triển, khối u phát triển nhanh gây chèn ép xương hàm và các cơ quan lân cận nhưng đa phần đều không gây đau. Vì không có cảm giác đau nhức nên bệnh nhân thường chủ quan với những triệu chứng ban đầu.

dấu hiệu u men xương hàm
Sau một thời gian phát triển, khối u sẽ chèn ép vào răng, nướu và xương hàm gây đau nhức dai dẳng

Các dấu hiệu nhận biết bệnh u men xương hàm:

  • Ở giai đoạn đầu, khối u nằm ở bên trong xương hàm nên không gây ra bất cứ triệu chứng gì. Nếu chụp X quang trong giai đoạn này, có thể vô tình phát hiện bệnh u men xương hàm.
  • Sau đó, khối u sẽ phát triển khiến cho mặt bị biến dạng (có thể gây lệch mặt, cằm kéo dài). Trong trường hợp khối u xảy ra ở hàm trên, khối u sẽ chèn ép mũi, mắt gây ra các vấn đề thị giác, khứu giác và hô hấp.
  • Khi chạm vào khối u sẽ thấy chỗ cứng chỗ mềm và thường không đau nhức hay có cảm giác khó chịu.
  • Khối u phát triển khiến xương hàm phồng ra và các ngách nướu bên trong khoang miệng được làm đầy.
  • Khối u chèn ép khiến cho răng có biểu hiện lệch lạc, chen chúc.
  • Quan sát khối u sẽ thấy niêm mạc bị loét hoặc có các dấu răng.
  • U men răng ở hàm trên sẽ gây ra các triệu chứng mũi xoang như nghẹt mũi, khó thở, mất khứu giác, có cảm giác nặng ở chính giữa mặt, tê môi trên,…
  • Sau một thời gian dài, khối u sẽ chèn ép lên răng, nướu và dây thần kinh bên trong khoang miệng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng rõ rệt như đau nhức nhiều và gãy xương do khối u chèn ép nghiêm trọng.

Trong một số trường hợp, khối u có thể bị bội nhiễm. Tình trạng này sẽ gây ra các triệu chứng rõ ràng như:

  • Niêm mạc lợi và vùng da bên ngoài có biểu hiện sưng đỏ
  • Đau nhức nhiều
  • Sốc
  • Sưng hạch góc hàm
  • Răng lung lay nhiều

U men xương hàm có nguy hiểm không?

U men xương hàm là một trong những bệnh răng hàm mặt tương đối ít gặp. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, mọi người không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường và cần tập thói quen khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm.

U men răng là khối u lành tính nhưng có khả năng phát triển nhanh gây phá hủy xương hàm, làm biến dạng mặt và ảnh hưởng nhiều đến quá trình ăn uống, giao tiếp,… Khối u phát triển lớn có thể gây gãy xương và chuyển dạng ác tính.

Nếu được thăm khám và điều trị đúng cách, u men xương hàm có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, bệnh có khả năng tái phát cao nên đòi hỏi phải tái khám thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử trí khi có vấn đề bất thường. Bên cạnh đó, tiên lượng bệnh cũng có sự khác biệt ở từng loại u men xương hàm. Cụ thể:

  • U men ngoại vi: U men ngoại vi có tiên lượng tốt, có thể điều trị bảo tồn và tỷ lệ tái phát thấp.
  • U men trung tâm: U men trung tâm có tiên lượng đa dạng hơn. Tuy nhiên, đa số những trường hợp được thăm khám và điều trị sớm, đúng cách đều có thể kiểm soát triệt để.
  • U men dạng nang: U men dạng nang dễ điều trị nhưng tỷ lệ tái phát tương đối cao.
  • U men dạng đặc: U men dạng đặc là loại khó điều trị nhất, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện ở vị trí trung tâm. Đa số đều phải phẫu thuật cắt xương vì nạo khối u có tỷ lệ tái phát lên đến 50 – 90%. Sau khi cắt xương, bệnh nhân phải tháo khớp và chỉnh hình lại cấu trúc hàm mặt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, u men hàm trên khó điều trị hơn so với u men hàm dưới. Ngoài ra, tỷ lệ ác tính hóa của khối u hàm trên cũng cao hơn. Đối với những trường hợp đã chuyển dạng ác tính, điều trị sẽ khó khăn hơn và người bệnh phải đối mặt với những biến chứng nặng nề.

dấu hiệu u men xương hàm
Nếu không được điều trị, u men sẽ phát triển theo thời gian gây gãy xương và biến dạng cấu trúc khuôn mặt

U men xương hàm có khả năng tái phát cao – kéo dài đến khoảng 10 năm sau khi điều trị. Do đó, bệnh nhân cần phải tái khám 6 tháng/ lần. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ phải đối mặt với những biến chứng như biến dạng khuôn mặt, không thể ăn uống do răng bị chèn ép, lung lay, gãy xương,… Trong trường hợp xấu nhất, khối u có thể chuyển dạng ác tính đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.

Chẩn đoán u men xương hàm

U men xương hàm có thể bị nhầm lẫn với một số khối u khác ở vùng hàm mặt. Chính vì vậy, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán trước khi can thiệp điều trị. Quá trình chẩn đoán sẽ được thực hiện theo trình tự sau:

dấu hiệu u men xương hàm
X quang là kỹ thuật chẩn đoán có giá trị nhất đối với bệnh u men xương hàm
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ nắn, sờ khối u và khám khoang miệng để đánh giá tình trạng lợi, răng và xương hàm. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi về triệu chứng, thời điểm khởi phát, tiền sử sức khỏe cá nhân và gia đình.
  • Chụp X quang: Chụp X quang là kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán u men xương hàm. Thông qua hình ảnh X quang, bác sĩ có thể xác định được vị trí, kích thước và quan sát mô bệnh học của khối u. Khối u men xương hàm có đặc điểm là có một hoặc nhiều buồng, thường đi kèm với hiện tượng tiêu chân răng.

U men xương hàm sẽ được chẩn đoán phân biệt với nang xương hàm, nang chân răng và nang thân răng. Sau khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của khối u để tìm phương án điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị u men xương hàm

U men xương hàm cần phải được điều trị càng sớm càng tốt để tránh khối u phá hủy xương hàm, gây biến dạng mặt và chuyển dạng ác tính. Giải pháp được cân nhắc trong hầu hết các trường hợp là phẫu thuật lấy toàn bộ khối u để hạn chế nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phải cắt xương và tái tạo lại bằng xương mác dưới chân.

1. Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Phẫu thuật cắt bỏ khối u thường được chỉ định trong trường hợp u nang hoặc u đặc, kích thước khối u nhỏ và xuất hiện ở vùng ngoại biên. Trường hợp khối u mọc ở trung tâm xương hàm cũng có thể can thiệp phương pháp này nhưng tỷ lệ tái phát khá cao, do đó đa phần đều phải kết hợp với phẫu thuật cắt xương.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u được thực hiện để loại bỏ khối u lành tính, giữ lại bờ nền xương hàm. Quá trình phẫu thuật sẽ được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để tránh tình trạng sót mô và tái phát bệnh.

Sau khi khối u đã được loại bỏ hoàn toàn, bác sĩ sẽ tiến hành phục hình răng lung lay và xô lệch để phục hồi chức năng ăn nhai, giao tiếp. Nếu phẫu thuật sớm, bệnh nhân có khả năng phục hồi nhanh và gần như không phải can thiệp phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt.

2. Phẫu thuật cắt bỏ u và xương hàm

Trong trường hợp u men răng dạng đặc – đặc biệt là u xuất hiện ở hàm trên và gây phá hủy nhiều xương, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u và một đoạn xương hàm. Mặc dù phẫu thuật này có thể để lại di chứng nặng nề nhưng nếu không thực hiện, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ bị gãy xương và xương hàm bị phá hủy nghiêm trọng không thể hồi phục.

dấu hiệu u men xương hàm
Phẫu thuật loại bỏ khối u và cắt xương được chỉ định trong trường hợp u men có kích thước lớn

Sau khi phẫu thuật khối u và đoạn xương hàm, bác sĩ sẽ dùng xương mác để chỉnh hình lại vùng hàm mặt. Kế tiếp, bệnh nhân sẽ được phục hình răng để thoải mái khi ăn uống và giao tiếp.

Rất ít trường hợp u men xương hàm phải xạ trị do tiềm ẩn nhiều nguy cơ và lợi ích mang lại không cao. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ khối u có nguy cơ ác tính hóa, bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị sau phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn các tế bào gây u men.

3. Phục hồi chức năng

Sau khi phẫu thuật u men xương hàm, bệnh nhân sẽ được phục hồi chức năng nuốt, ăn và giao tiếp. Quá trình này sẽ được thực hiện bởi chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ và chuyên gia dinh dưỡng.

Trong thời gian hồi phục, gia đình cũng nên có biện pháp chăm sóc và động viên để người bệnh giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ. Có như vậy, quá trình hồi phục mới diễn ra thuận lợi và bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống trong thời gian sớm nhất. Như đã đề cập, u men xương hàm là bệnh có khả năng tái phát cao. Do đó, người bệnh cần tái khám mỗi 6 tháng/ lần suốt đời.

Phòng ngừa u men xương hàm

Bệnh u men xương hàm là dạng u lành tính khá phổ biến ở vùng hàm mặt. Hiện tại, nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nên không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn. Cách duy nhất để hạn chế ảnh hưởng của bệnh là phát hiện và điều trị sớm.

phòng ngừa u men xương hàm
Khám nha khoa định kỳ là cách hiệu quả nhất để có thể phát hiện sớm bệnh u men xương hàm
  • Khi nhận thấy khoang miệng xuất hiện khối u hoặc có dấu hiệu bất thường, nên đến nha khoa thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Không chủ quan trước những dấu hiệu tưởng chừng như bình thường như chậm mọc răng, chậm thay răng, răng lung lay,… Bởi rất có thể, đây là dấu hiệu sớm cho thấy khối u lành tính đang phát triển bên trong xương hàm.
  • Khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần sẽ giúp phát hiện u men xương hàm trong thời gian sớm nhất.
  • Có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, hạn chế stress và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Thể trạng tốt chính là cơ sở để vượt qua bệnh tật và hạn chế tối đa những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe.

U men xương hàm là một trong những dạng u lành tính khá phổ biến ở vùng hàm mặt. Mặc dù là khối u lành tính nhưng u men phát triển nhanh, có tính chất phá hủy và chuyển dạng ác tính. Do đó, không nên chủ quan trước bất cứ biểu hiện nào và cần chủ động thăm khám trong những trường hợp cần thiết.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!