Triệu chứng khô miệng rát lưỡi là hiện tượng khá phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này khá đa dạng nhưng thường có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe và thói quen xấu. Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả trong bài viết sau.
Bị khô miệng rát lưỡi là bệnh gì?
Khô miệng rát lưỡi là cảm giác bề mặt lưỡi có cảm giác đau rát, khó chịu đi kèm với hiện tượng giảm tiết nước bọt. Thông thường, khi có cảm giác rát, bề mặt lưỡi có tình trạng tưa nhẹ, niêm mạc lưỡi đỏ và sưng nhẹ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp khô miệng rát lưỡi không đi kèm với các dấu hiệu thực thể.
Lưỡi là bộ phận thụ cảm mùi vị và nhiệt độ từ thức ăn. Bề mặt lưỡi có nhiều tế bào thần kinh nên cơ quan này rất nhạy cảm với các tác động bên ngoài. Tình trạng khô miệng rát lưỡi là dấu hiệu cho thấy răng miệng đang phải đối mặt với những vấn đề bất thường. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên xem xét một số khả năng xảy ra.
Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, hiện tượng khô miệng rát lưỡi có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý sau:
1. Chứng khô miệng nặng
Tuyến nước bọt là cơ quan đảm nhiệm chức năng sản xuất nước bọt. Tất cả những vấn đề bất thường ở cơ quan này đều có thể là nguyên nhân gây ra chứng khô miệng rát lưỡi. Giảm tiết nước bọt khiến niêm mạc lưỡi, miệng và nướu răng bị khô, từ đó dễ kích ứng với nhiệt độ, gia vị và axit trong thức ăn.
Chứng khô miệng đặc trưng bởi cảm giác khô miệng, khó chịu khi ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu bị khô miệng nặng, niêm mạc lưỡi sẽ có hiện tượng rát, sưng đỏ và đôi khi là chảy máu. Ngoài ra, những người bị khô miệng mãn tính còn gặp phải tình trạng nứt môi, sâu răng, răng ố vàng và nhiều vấn đề nha khoa khác.
2. Nấm lưỡi – Nguyên nhân gây khô miệng rát lưỡi
Ngoài chứng khô miệng, tình trạng khô miệng rát lưỡi có thể là dấu hiệu của bệnh nấm lưỡi. Nấm lưỡi là tình trạng nấm Candida trong khoang miệng phát triển mạnh dẫn đến tình trạng xuất hiện các mảng trắng trên bề mặt lưỡi. Đôi khi đi kèm với hiện tượng sưng viêm và lưỡi đỏ nhẹ.
Bên cạnh sự xuất hiện của các mảng trắng/ vàng, bệnh nấm lưỡi còn gây ra một số triệu chứng như có cảm giác khô miệng, khó nuốt, mất vị giác, có mùi hôi khó chịu trong khoang miệng, đau rát lưỡi và niêm mạc miệng,… Trường hợp nặng sẽ đi kèm với hiện tượng chảy máu.
Nấm lưỡi thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra, bệnh lý này còn có thể gặp ở người lớn do hút thuốc lá lâu năm, đeo răng giả, bị thiếu máu, mắc chứng khô miệng mãn tính, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài. Nấm lưỡi không phải là bệnh nguy hiểm nhưng có khả năng lây nhiễm cao nên cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài.
3. Do các bệnh tự miễn
Triệu chứng khô miệng rát lưỡi có thể là dấu hiệu của các bệnh tự miễn, trong đó thường gặp là hội chứng Sjogren. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng tế bào miễn dịch tự tấn công và phá hủy tuyến nước bọt, nước mắt. Khi tuyến nước bọt bị phá hủy, lượng nước bọt sẽ bị giảm đáng kể.
Giảm tiết nước bọt gây ra nhiều vấn đề nha khoa như hôi miệng, viêm lợi, viêm nha chu và sâu răng. Nếu không được điều trị, các tế bào miễn dịch sẽ tiếp tục tấn công vào tuyến nước bọt khiến cho lượng nước bọt ngày càng giảm dần. Khi nước bọt tiết ra quá ít, bề mặt lưỡi sẽ có hiện tượng dính, rát, đau và thậm chí là chảy máu.
Nguyên nhân gây hội chứng Sjogren chưa được biết rõ. Theo nghiên cứu, hội chứng này thường gặp ở phụ nữ trung niên và thường khởi phát mà không có bệnh phối hợp. Hội chứng Sjogren có triệu chứng đa dạng. Ngoài tình trạng khô miệng rát lưỡi, hội chứng này còn có một số biểu hiện khác như giảm thị lực, khô mắt, giảm vị giác, khô đường hô hấp, khô da,…
4. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất
Triệu chứng khô miệng rát lưỡi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng rát lưỡi, khô miệng và môi có liên quan đến thiếu sắt, kẽm và các loại vitamin nhóm B.
Vitamin và khoáng chất là những thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Do đó, ngoài chứng khô miệng và rát lưỡi, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác.
5. Do dị ứng
Ngoài những nguyên nhân kể trên, khô miệng rát lưỡi có thể là dấu hiệu của dị ứng thức ăn và dị ứng, kích ứng với các sản phẩm chăm sóc răng miệng. Dị ứng là hiện tượng tế bào miễn dịch nhạy cảm quá mức với một số thành phần (thường là protein) trong thức ăn.
Kết quả là cơ thể giải phóng kháng thể tạo ra phản ứng dị ứng với những biểu hiện như sưng lưỡi, niêm mạc miệng, ngứa cổ họng, rát lưỡi và khô miệng. Trong trường hợp kích ứng, bề mặt lưỡi thường có hiện tượng đỏ rát, niêm mạc miệng khô và đôi khi xuất hiện nhiệt miệng.
6. Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh nội khoa thường gặp đặc trưng bởi sự gia tăng mãn tính của nồng độ glucose trong máu. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nhưng thường có liên quan đến hiện tượng kháng insulin ngoại vi và giảm tiết insulin. Lượng đường trong máu cao ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có thể làm chậm quá trình sản xuất nước bọt.
Đa phần bệnh nhân tiểu đường đều gặp phải chứng khô miệng. Hơn nữa, nồng độ đường huyết tăng cao cũng làm giảm sức đề kháng – đây là điều kiện để các chủng vi khuẩn có hại và nấm men trong khoang miệng phát triển quá mức. Những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường khiến cho khoang miệng luôn ở trong trạng thái khô ráp, khó chịu, rát lưỡi và nứt nẻ môi.
Người bị tiểu đường có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý về răng miệng. Do đó, nếu mắc chứng bệnh này, bạn cần có chế độ chăm sóc răng miệng kỹ và khám nha khoa định kỳ để phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường.
7. Suy giảm nội tiết tố nữ
Thay đổi nội tiết tố được xác định là một trong những nguyên nhân gây khô miệng rát lưỡi. Các chuyên gia nhận thấy, hormone giảm làm cho lượng nước bọt giảm đi đáng kể. Lượng nước bọt thấp khiến niêm mạc miệng và lưỡi dễ bị kích ứng, từ đó dẫn đến tình trạng chảy máu và đau rát khi ăn uống.
Ngoài những vấn đề sức khỏe trên, triệu chứng khô miệng rát lưỡi còn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác. Để xác định được nguyên nhân chính xác, bạn nên thăm khám sớm nếu tình trạng kéo dài và gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt.
Nguyên nhân gây khô miệng rát lưỡi thường gặp
Đôi khi, chứng khô miệng rát lưỡi không phải là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe mà xảy ra tạm thời do một số nguyên nhân sau:
- Tác dụng phụ của thuốc: Tình trạng giảm tiết nước bọt, rát đỏ lưỡi có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc. Các loại thuốc này ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nước bọt khiến cho lượng nước bọt trong khoang miệng giảm đi đáng kể, từ đó khiến niêm mạc lưỡi và miệng dễ bị kích ứng, đỏ rát. Các loại thuốc có thể gây ra tình trạng khô miệng bao gồm kháng sinh, thuốc kháng histamine H1, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu,…
- Do dùng thức ăn quá nóng và mặn: Dùng thức ăn nóng và mặn cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng khô miệng rát lưỡi. Khi ăn mặn, cơ thể cần nhiều nước để điều chỉnh lại điện giải nên sẽ có cảm giác khát nước liên tục và khô miệng. Bên cạnh đó, thức ăn nóng cũng khiến cho bề mặt lưỡi bị kích ứng và đỏ rát.
- Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng khô miệng rát lưỡi còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như do ăn nhiều đồ ăn ngọt, chua, cắn trúng lưỡi, cạo lưỡi quá thường xuyên, ngậm muối biển quá lâu,…
Chẩn đoán khô miệng rát lưỡi
Triệu chứng khô miệng rát lưỡi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tự xác định thông qua biểu hiện lâm sàng, rất dễ gặp phải tình trạng nhầm lẫn. Do đó, bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám để xác định nguyên nhân cụ thể.
Các kỹ thuật chẩn đoán chứng khô miệng rát lưỡi:
- Khám lâm sàng: Trước tiên, bác sĩ sẽ khám khoang miệng để xem xét tình trạng lưỡi, niêm mạc miệng, nướu răng và răng. Thông qua biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể khoanh vùng một số khả năng có thể xảy ra.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể phát hiện một số vấn đề bất thường như bệnh tự miễn, chức năng tuyến giáp, tiểu đường và suy giảm hệ miễn dịch do nhiễm HIV/ AIDS,… Ngoài ra, kỹ thuật này còn “vô tình” phát hiện những bất thường ở bạch cầu và tiểu cầu.
- Xét nghiệm nước bọt: Xét nghiệm nước bọt cho phép bác sĩ đánh giá xem có hiện tượng giảm tiết nước bọt hay không.
- Các xét nghiệm khác: Để xác định được nguyên nhân gây khô miệng rát lưỡi, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số kỹ thuật cận lâm sàng khác như sinh thiết, dị ứng, chụp X quang, CT,…
Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm và kết quả khám lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính thức.
Các phương pháp khắc phục chứng khô miệng rát lưỡi
Khô miệng rát lưỡi là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu tình trạng kéo dài trên 3 ngày, bạn nên sắp xếp đến phòng khám/ bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân cụ thể và mức độ triệu chứng để chỉ định giải pháp phù hợp.
1. Các biện pháp cải thiện tạm thời
Nếu chưa có thời gian đến phòng khám, bạn có thể thực hiện một số biện pháp cải thiện tạm thời tình trạng khô miệng rát lưỡi. Các biện pháp này có thể làm giảm hiện tượng đau rát, khó chịu, nứt mẻ môi do giảm tiết nước bọt gây ra.
Các biện pháp cải thiện triệu chứng khô miệng rát lưỡi tạm thời:
- Uống nước lạnh: Khi bị khô miệng rát lưỡi, bạn nên dùng nước bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nhiệt độ mát từ nước có thể làm dịu cảm giác sưng đỏ, kích ứng và đau rát bề mặt lưỡi. Ngoài ra, uống đủ 2 lít nước/ ngày có thể kích thích khoang miệng tiết nước bọt, qua đó cải thiện tình trạng rát lưỡi và giảm cảm giác khó chịu nhanh chóng.
- Sử dụng dầu dừa: Trong trường hợp khô miệng rát lưỡi không cải thiện khi uống nước lạnh, bạn có thể dùng dầu dừa thoa lên bề mặt môi, lưỡi và niêm mạc miệng. Axit béo từ dầu dừa có tác dụng làm dịu niêm mạc, từ đó cải thiện tình trạng kích ứng và đau rát lưỡi. Ngoài ra, dầu dừa còn chứa axit lauric có tác dụng kháng khuẩn và chống nấm tốt nên có hiệu quả chữa nấm lưỡi hiệu quả.
- Dùng nước bọt nhân tạo: Nước bọt nhân tạo được sử dụng để bổ sung trong trường hợp giảm tiết nước bọt. Các sản phẩm này thường có công thức lành tính, an toàn nên có thể dùng mà không cần toa của bác sĩ. Sử dụng nước bọt nhân tạo giúp làm dịu niêm mạc miệng, môi và lưỡi. Đồng thời làm mềm khoang miệng và giúp quá trình ăn uống diễn ra thuận lợi hơn.
Những biện pháp này có thể giảm cảm giác đau rát, khó chịu do khô miệng rát lưỡi gây ra. Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ mang lại tác dụng tạm thời nên bạn cần can thiệp các phương pháp y tế trong thời gian sớm nhất.
2. Các phương pháp y tế
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đa phần những trường hợp bị khô miệng rát lưỡi đều xảy ra do các nguyên nhân thứ phát nên có thể điều trị hoàn toàn.
Về cơ bản, khô miệng, rát lưỡi đều chỉ là triệu chứng. Nếu kiểm soát tốt các bệnh lý nguyên nhân, tình trạng này sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên nếu xảy ra do bệnh tiên phát như hội chứng Sjogren, tình trạng chỉ có thể thuyên giảm sau khi điều trị. Song song với các phương pháp y tế, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc để cải thiện khô miệng rát lưỡi hiệu quả và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe có liên quan đến hiện tượng giảm tiết nước bọt.
Chăm sóc khi bị khô miệng rát lưỡi
Tình trạng khô miệng rát lưỡi thường không đe dọa đến sức khỏe nhưng gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Ngoài các phương pháp điều trị y tế, bạn nên có chế độ chăm sóc hợp lý để cải thiện tình trạng khó chịu, đau rát lưỡi và khoang miệng.
Các biện pháp chăm sóc khi bị khô miệng rát lưỡi:
- Trong thời gian điều trị khô miệng rát lưỡi, cần tránh dùng thức ăn nóng và có nhiều gia vị, đặc biệt là muối, ớt, tiêu, thức phẩm có độ axit cao,… Nên ưu tiên dùng các món ăn mềm, nguội và ít gia vị để tránh kích thích lên niêm mạc lưỡi.
- Không sử dụng rượu bia khi mắc các bệnh răng miệng, bao gồm cả khô miệng rát lưỡi. Cồn trong rượu bia có thể làm nghiêm trọng tình trạng giảm tiết nước bọt và đau rát ở lưỡi, niêm mạc miệng,…
- Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng không chứa cồn, SLS, hương liệu, chất bảo quản,… Ngoài ra, nên chọn bàn chải có lông mềm để tránh gây tổn thương nướu răng và niêm mạc miệng.
- Có chế độ dinh dưỡng phù hợp để cung cấp cho cơ thể đầy đủ vitamin, khoáng chất.
- Nếu bị chứng khô miệng dai dẳng, bạn nên chú ý vệ sinh răng miệng kỹ và khám nha khoa thường xuyên để kịp thời điều trị khi có vấn đề bất thường. Bởi khô miệng có thể làm gia tăng nguy cơ sâu răng, hôi miệng, viêm nướu răng, viêm nha chu,…
Nếu gặp phải tình trạng khô miệng rát lưỡi, bạn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và gia tăng các vấn đề nha khoa. Trong khi đó, điều trị sớm giúp bạn thoải mái hơn khi ăn uống và tiết kiệm được thời gian, chi phí khám chữa bệnh.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng là dấu hiệu bệnh gì?
Chứng khô miệng là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả
10 Mẹo Vặt Chữa Khô Miệng Tại Nhà Hiệu Quả Cực Đơn Giản
Miệng khô lưỡi trắng là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!