Nếu gặp phải tình trạng giảm tiết nước bọt, bạn có thể áp dụng một số mẹo vặt trị khô miệng tại nhà. Các biện pháp này có thể cải thiện tình trạng khô miệng và một số triệu chứng có liên quan như hơi thở có mùi, khó khăn khi ăn uống, nứt nẻ môi,…
10 Mẹo vặt chữa khô miệng tại nhà đơn giản, hiệu quả
Khô miệng là tình trạng khoang miệng giảm tiết nước bọt gây ra cảm giác khô và khó chịu. Nước bọt thường được tiết ra để làm mềm niêm mạc miệng, lưỡi, cổ họng, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa, trung hòa axit do hại khuẩn bài tiết và thúc đẩy quá trình tái khoáng.
Giảm tiết nước bọt không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Khô miệng khiến khoang miệng luôn cảm thấy khô, khó chịu và nghẹn vướng khi ăn uống. Ngoài ra, hiện tượng giảm tiết nước bọt còn làm gia tăng các vấn đề răng miệng như hôi miệng, viêm nướu răng, sâu răng,…
Nếu gặp phải tình trạng giảm tiết nước bọt, bạn có thể áp dụng một số mẹo vặt trị khô miệng đơn giản ngay tại nhà:
1. Uống đủ 2 lít nước/ ngày
Ít uống nước là nguyên nhân gây khô miệng thường gặp. Vì vậy, để cải thiện hiện tượng giảm tiết nước bọt, bạn cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Cung cấp đủ nước giúp khoang miệng tiết nước bọt thường xuyên, từ đó giảm cảm giác khô miệng và khó chịu.
Để tránh mất nước, bạn có thể bổ sung thêm nước khoáng và các loại nước ép từ rau củ, trái cây tươi. Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, nên uống nước sau khi ăn để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa. Ngoài ra, nước còn giúp trung hòa độ axit do hại khuẩn bài tiết, từ đó ngăn ngừa hiện tượng hủy khoáng và bảo vệ răng miệng hiệu quả.
2. Nhai kẹo cao su – Mẹo vặt chữa khô miệng hiệu quả
Nhai kẹo cao su là một trong những mẹo vặt trị khô miệng tại nhà mang lại hiệu quả cao. Khi ăn nhai, khoang miệng sẽ tiết ra nước bọt để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Vị ngọt tự nhiên từ kẹo cao su không đường cũng sẽ thúc đẩy tuyến nước bọt hoạt động và tiết nhiều nước bọt giúp cải thiện tình trạng khô miệng hiệu quả.
Nhai kẹo cao su sau khi ăn còn giúp làm sạch thức ăn thừa và ngăn ngừa mảng bám. Để tránh sâu răng, bạn nên chọn kẹo cao su chứa xylitol – đường tự nhiên từ rau củ. Thói quen này không chỉ giúp cải thiện tình trạng khô miệng mà còn mang lại hơi thở thơm mát và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh răng miệng thường gặp.
3. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Vào thời tiết khô lạnh, khoang miệng và mũi có thể bị khô. Để cải thiện tình trạng khô miệng, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm. Thiết bị này giúp tăng độ ẩm trong không khí, từ đó giúp cải thiện tình trạng khó chịu, khô bên trong khoang miệng và khô môi.
Sử dụng máy tạo độ ẩm còn giúp giảm mức độ kích thích lên niêm mạc mũi vào thời tiết lạnh ẩm. Nếu có vấn đề về hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng,… bạn nên cân nhắc sử dụng thiết bị này. Ngoài những lợi ích đối với sức khỏe hô hấp và răng miệng, máy tạo độ ẩm còn giúp làm mềm da, phòng ngừa tình trạng da khô và kích ứng.
4. Hạn chế dùng đồ uống chứa cồn và caffeine
Một mẹo vặt chữa khô miệng tại nhà nữa đó là kiêng đồ uống chứa cồn và caffeine như trà đặc, cà phê, rượu bia,… Caffeine và cồn đều là những chất gây mất nước, từ đó có thể gia tăng cảm giác khô miệng.
Ngoài ra, cồn còn làm mất cân bằng môi trường vi sinh trong khoang miệng, thúc đẩy hại khuẩn phát triển và sản sinh nhiều khí sulfur. Thói quen dùng đồ uống chứa cồn và caffeine sẽ làm gia tăng các vấn đề nha khoa như sâu răng, khô miệng, hôi miệng, viêm nướu răng,…
Khi bị chứng khô miệng, bạn nên hạn chế tối đa các loại đồ uống chứa cồn và caffeine. Nếu gặp phải tình trạng buồn ngủ, có thể sử dụng các loại trà không chứa caffeine như trà gừng, trà bạc hà, hương thảo,…
5. Tập thói quen ăn nhạt
Thói quen ăn quá nhiều đường, muối và gia vị cay nóng chính là nguyên nhân gây ra chứng khô miệng. Sau khi dùng món ăn chứa nhiều gia vị, bạn sẽ luôn có cảm giác khát nước. Khi dung nạp quá nhiều muối, cơ thể sẽ đòi hỏi một lượng lớn nước nhằm cân bằng điện giải.
Nếu bị chứng khô miệng mãn tính, bạn nên tập thói quen ăn nhạt. Giảm lượng muối, đường trong chế độ ăn sẽ giúp bạn giảm cảm giác khát và khô miệng. Ngoài ra, thói quen ăn nhạt còn mang đến nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe như điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ tiểu đường, mắc các vấn đề tim mạch, thận,…
6. Cai thuốc lá
Cai thuốc lá là mẹo vặt chữa khô miệng hữu hiệu có thể thực hiện ngay tại nhà. Đa số mọi người chỉ biết đến những tác hại của thuốc lá đối với cơ quan hô hấp mà không biết rằng, độc tố trong khói thuốc gây ra những tác động tiêu cực đối với mọi cơ quan bao gồm cả sức khỏe răng miệng.
Nicotin trong khói thuốc khiến tuyến nước bọt giảm hoạt động, từ đó gây ra tình trạng khô miệng và hôi miệng. Ngoài ra, các độc tố trong khói thuốc còn làm mất sự cân bằng của hệ vi sinh trong khoang miệng và đẩy nhanh tốc độ hủy khoáng của vi khuẩn Streptococcus mutans.
Cai thuốc lá có thể cải thiện tình trạng khô miệng và loại bỏ mùi hôi khó chịu trong hơi thở. Bên cạnh đó, ngưng hút thuốc lá còn giúp bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các vấn đề nha khoa hiệu quả.
7. Tránh thở bằng miệng
Ngoài những nguyên nhân thường gặp, một số người còn có thể bị khô miệng do thói quen thở bằng miệng. Khi thở bằng miệng, lượng nước bọt bên trong khoang miệng dễ bay hơi khiến cho niêm mạc miệng, lưỡi và cổ họng luôn có cảm giác khô, khó chịu. Để cải thiện chứng khô miệng, bạn nên tránh thở bằng miệng, thay đó nên tập hít thở sâu bằng mũi để cải thiện chức năng hô hấp.
Khoang miệng không có các lông mao như khoang mũi nên khả năng chống chọi với những tác nhân có hại thường khá kém. Do đó, những người có thói quen thở bằng miệng sẽ có nguy cơ bị viêm họng, viêm amidan,… cao. Hơn nữa, thở bằng miệng trong thời gian dài sẽ khiến xương hàm phát triển quá mức, chìa ra bên ngoài dẫn đến sự mất cân bằng giữa hai hàm và làm thay đổi cấu trúc khuôn mặt.
Để phòng ngừa những ảnh hưởng kể trên và cải thiện chứng khô miệng, bạn nên thay đổi thói quen thở bằng miệng trong thời gian sớm nhất. Nếu gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, có thể cân nhắc sử dụng dụng cụ hỗ trợ.
8. Thay đổi thuốc điều trị
Khô miệng có thể là tác dụng phụ khi sử dụng thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine,… Các loại thuốc này có thể làm giảm tiết nước bọt dẫn đến tình trạng khô miệng và hơi thở có mùi.
Khô miệng do thuốc là tình trạng không đáng lo ngại và có thể thuyên giảm sau khi ngưng dùng thuốc. Tuy nhiên, khô miệng kéo dài có thể gây hôi miệng dai dẳng, đồng thời làm gia tăng các vấn đề nha khoa như sâu răng, viêm lợi (viêm nướu răng), viêm nha chu,…
Nếu tình trạng khô miệng không cải thiện bằng các biện pháp đơn giản như uống nhiều nước, ăn nhạt,… bạn nên thông báo với dược sĩ/ bác sĩ để được thay thế loại thuốc không gây ra tác dụng phụ này. Trong trường hợp không thể thay thế thuốc, bạn cần kết hợp nhiều mẹo vặt chữa khô miệng khác nhau để cải thiện tình trạng này.
9. Vệ sinh răng miệng đúng cách – Mẹo vặt chữa khô miệng đơn giản
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể cải thiện phần nào tình trạng khô miệng và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến hiện tượng giảm tiết nước bọt. Với những người bị khô miệng mãn tính, việc làm sạch răng miệng cần được thực hiện kỹ để phòng ngừa các vấn đề nha khoa.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách:
- Chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Nên lựa chọn bàn chải có lông chải mềm, sợi lông mảnh để dễ dàng làm sạch thức ăn thừa và mảng bám ở kẽ răng. Ngoài ra, nên chải răng theo chiều dọc và sử dụng lực vừa phải để tránh gây tổn thương nướu răng, men răng.
- Sử dụng nước súc miệng có tác dụng sát khuẩn và giảm hôi miệng để cải thiện các vấn đề có liên quan đến hiện tượng giảm tiết nước bọt. Tuy nhiên, nên tránh các loại nước súc miệng chứa cồn vì có thể làm nghiêm trọng chứng khô miệng.
- Dùng thêm chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để tăng hiệu quả làm sạch kẽ răng – đặc biệt là kẽ răng hàm vì đây là vị trí khuất nên khó có thể làm sạch hoàn toàn thông qua thói quen chải răng.
- Khô miệng dai dẳng có thể gây hôi miệng do sự gia tăng của vi khuẩn có hại. Vì vậy, ngoài những biện pháp vệ sinh răng miệng trên, bạn nên cạo lưỡi 1 lần/ tuần. Bề mặt lưỡi có nhiều rãnh, kẽ nên vi khuẩn dễ dàng tích tụ và phát triển sinh ra khi sulfur (nguyên nhân trực tiếp gây ra mùi hôi trong khoang miệng).
10. Sử dụng nước bọt nhân tạo
Nếu chứng khô miệng không được cải thiện thông qua các mẹo vặt trên, bạn có thể sử dụng nước bọt nhân tạo. Nước bọt nhân tạo thường có dạng gel hoặc dung dịch với kết cấu tương tự như nước bọt. Sử dụng nước bọt nhân tạo giúp cải thiện các triệu chứng do khô miệng gây ra như nứt môi, khoang miệng khô, khó chịu, teo niêm mạc gây chảy máu, hôi miệng,…
Ngoài ra, nước bọt nhân tạo còn giúp bôi trơn khoang miệng và giúp quá trình ăn uống diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ cải thiện khô miệng tạm thời. Sau khi ngưng sử dụng, tình trạng khô miệng sẽ tiếp tục tái phát. Vì vậy, nên kết hợp sử dụng nước bọt nhân tạo với các mẹo vặt trị khô miệng tại nhà khác để cải thiện tình trạng dứt điểm.
Lưu ý khi áp dụng các mẹo vặt chữa khô miệng ngay tại nhà
Các mẹo vặt chữa khô miệng tại nhà có thể cải thiện cảm giác khó chịu do giảm tiết nước bọt. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng tạm thời. Do đó, để kiểm soát chứng khô miệng hiệu quả, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Khô miệng không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân gây giảm tiết nước bọt rất đa dạng. Vì vậy, bạn nên xác định nguyên nhân để có biện pháp cải thiện và khắc phục hiệu quả.
- Các mẹo vặt trị khô miệng tại nhà mang lại hiệu quả nhanh chóng và an toàn. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng tạm thời nên cần kết hợp với điều trị từ nguyên nhân để đạt kết quả tốt nhất.
- Khô miệng có thể là dấu hiệu của các bệnh nội khoa như cao huyết áp, các vấn đề về thận, gan, tiểu đường,… Nếu nhận thấy tình trạng giảm tiết nước bọt đi kèm với các triệu chứng bất thường, bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bệnh lý này đều có tiến triển mãn tính nên việc kiểm soát hoàn toàn gần như là không thể. Tuy nhiên, chăm sóc và điều trị đúng cách có thể hạn chế tối đa những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
- Giảm tiết nước bọt gia tăng nhiều vấn đề nha khoa. Nếu bị khô miệng mãn tính, bạn nên khám nha khoa 3 – 4 tháng/ lần để cạo vôi răng và phát hiện sớm các bệnh răng miệng thường gặp.
Các mẹo vặt trị chứng khô miệng tại nhà có thể cải thiện tình trạng giảm tiết nước bọt hiệu quả, an toàn và ít tốn kém. Nếu tình trạng không được cải thiện hoàn toàn, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm. Điều trị y tế kịp thời sẽ giúp kiểm soát chứng khô miệng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa thường gặp.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Miệng khô lưỡi trắng là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Chứng khô miệng là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả
Cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng là dấu hiệu bệnh gì?
Triệu chứng khô miệng rát lưỡi là bệnh gì? 7 Bệnh có thể gặp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!