Cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng là dấu hiệu bệnh gì?

Khô miệng, khát nước và đắng miệng gây ra cảm giác khó chịu khi ăn uống, giao tiếp. Nguyên nhân gây ra tình trạng này khá đa dạng nên cách điều trị sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp cụ thể.

cảm giác khô miệng khát nước
Cảm giác khô miệng, khát nước và đắng miệng là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe

Khô miệng khát nước, đắng miệng là bệnh gì?

Cảm giác khô miệng khát nước kèm theo đắng miệng là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe. Các triệu chứng này ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng gây ra sự khó chịu và nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt.

Khô miệng, khát nước và đắng miệng khiến vị giác giảm, ăn uống kém và ảnh hưởng đến sự tự tin khi giao tiếp. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạn cần xác định nguyên nhân để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý sau:

1. Chứng khô miệng

Khô miệng là nguyên nhân gây ra cảm giác khô miệng khát nước và đắng miệng. Chứng bệnh này có nguyên nhân đa dạng nhưng đều có liên quan đến hiện tượng giảm tiết nước bọt. Nước bọt có tác dụng làm mềm lưỡi, niêm mạc miệng và nướu răng. Đồng thời hỗ trợ làm mềm thức ăn, thúc đẩy tiêu hóa, trung hòa axit do hại khuẩn bài tiết và đẩy nhanh quá trình tái khoáng.

khô miệng khát nước là bệnh gì
Chứng khô miệng khiến khoang miệng luôn có cảm giác khô, đắng miệng và khát nước liên tục

Khi lượng nước bọt giảm, bạn sẽ có cảm giác khô miệng, môi nứt nẻ. Ngoài ra, hiện tượng giảm tiết nước bọt còn thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có hại khiến cho khoang miệng có mùi hôi, đắng miệng. Nếu không cải thiện sớm, khô miệng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian gây ra cảm giác khát nước thường xuyên.

2. Hội chứng Sjogren

Hội chứng Sjogren là một dạng rối loạn tự miễn với biểu hiện viêm hệ thống mãn tính. Khi mắc hội chứng này, các tế bào miễn dịch sẽ tấn công vào tuyến lệ, tuyến nước bọt và các màng nhầy khác dẫn đến một loạt các triệu chứng bất thường.

Do tuyến nước bọt bị tấn công nên hoạt động sản xuất nước bọt bị gián đoạn dẫn đến chứng khô miệng nghiêm trọng. Người bệnh gặp khó khăn trong việc nuốt và nhai vì không có đủ nước bọt. Giảm tiết nước bọt trong thời gian dài khiến cho bề mặt lưỡi bị nứt, khô, đỏ và niêm mạc miệng khô rát.

khô miệng khát nước là bệnh gì
Hội chứng Sjogren có thể là nguyên nhân khiến khoang miệng bị khô, đắng miệng và tạo ra cảm giác khát nước liên tục

Khô miệng kéo dài có thể gây nhiễm Candida thứ phát, hình thành sỏi trong ống dẫn nước bọt và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa. Do đó, cảm giác đắng miệng, khô miệng và khát nước có thể là biểu hiện của hội chứng Sjogren. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hội chứng này nên cần có can thiệp sớm để giảm những ảnh hưởng của bệnh.

3. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản có thể là nguyên nhân gây đắng miệng, khát nước và khô miệng. Chứng bệnh này xảy ra khi van thực quản dưới bị suy yếu khiến cho dịch vị cùng với thức ăn trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Dịch vị có tính axit nên có thể khiến cho khoang miệng có vị đắng, chua và trở nên khô miệng.

Nếu tình trạng không được cải thiện sớm, cảm giác khô và đắng miệng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian khiến bạn có cảm giác khát nước nhiều. Bên cạnh đó, axit từ dịch vị còn làm mòn men răng, gia tăng nguy cơ sâu răng và nhiều bệnh về răng miệng khác.

4. Thay đổi hormone khi mang thai

Thay đổi hormone khi mang thai khiến cho vị giác thay đổi và trở nên nhạy cảm hơn – đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ. Nhiều thai phụ gặp phải tình trạng đắng miệng và không muốn ăn uống trong thời gian mang thai.

khô miệng khát nước là bệnh gì
Thay đổi nội tiết tố khi mang thai khiến cho mẹ bầu luôn có cảm giác khô miệng, khát nước

Tình trạng này thường sẽ đi kèm với hiện tượng buồn nôn, nôn trớ do ốm nghén. Do đó, dịch vị có thể khiến cho khoang miệng bị khô và có cảm giác khát nước. Cảm giác khô miệng, khát nước và đắng miệng trong thai kỳ thường không quá nghiêm trọng. Từ tháng thứ 3 trở đi, nội tiết tố sẽ dần ổn định và những triệu chứng này sẽ thuyên giảm rõ rệt.

5. Hội chứng bỏng rát miệng

Hội chứng bỏng rát miệng đặc trưng bởi cảm giác rát bỏng, khó chịu bên trong miệng nhưng không tìm được nguyên nhân. Cảm giác này có thể xuất hiện ở vòm miệng, đầu lưỡi, phía trong môi hoặc xảy ra ở nướu răng.

Ngoài triệu chứng rát bỏng, hội chứng bỏng rát miệng còn gây ra một số triệu chứng khác như khô miệng, khó nuốt, thay đổi vị giác, miệng có vị kim loại hoặc vị đắng. Các triệu chứng do hội chứng này gây ra có xu hướng kéo dài dai dẳng, mãn tính. Tuy nhiên, do không tìm được nguyên nhân nên điều trị chỉ có thể làm giảm triệu chứng.

6. Do cơ thể thiếu nước

Khô miệng, khát nước và đắng miệng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu nước. Khi thiếu nước, lượng nước bọt trong khoang miệng giảm đi đáng kể từ đó gây ra cảm giác khô miệng và đắng miệng.

Thiếu nước thường xảy ra sau khi tập thể dục với cường độ cao, lao động nặng nhọc, tiêu chảy, nôn ói liên tục và sau khi uống nhiều rượu bia. Cảm giác khô miệng, khát nước và đắng miệng thường rõ rệt sau khi thức dậy. Nếu do nguyên nhân này, tình trạng thường không đáng lo ngại. Sau khi bổ sung đủ nước, cảm giác khó chịu sẽ thuyên giảm gần như hoàn toàn.

7. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây đắng miệng và khô miệng. Đây đều là những tác dụng phụ có mức độ nhẹ và có thể tự thuyên giảm sau khi ngưng thuốc. Các loại thuốc có thể gây ra cảm giác khát nước, khô miệng và đắng miệng bao gồm:

khô miệng khát nước là bệnh gì
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ khô miệng, khát nước và đắng miệng
  • Thuốc kháng histamine H1
  • Thuốc điều trị cao huyết áp
  • Kháng sinh
  • Thuốc chống co giật
  • Các viên uống chứa kẽm, đồng và sắt

8. Do các bệnh viêm đường hô hấp trên

Khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cơ thể thường bị mất nước do sốt và tăng tiết dịch hô hấp. Tình trạng này khiến cho lượng nước bọt trong khoang miệng giảm gây ra hiện tượng đắng miệng, khô miệng và khát nước. Ngoài ra, dịch tiết từ xoang và mũi cũng có thể chảy ngược xuống cổ họng gây ra mùi hôi khó chịu.

9. Tác dụng phụ của xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư mang lại hiệu quả cao bên cạnh phẫu thuật và hóa trị. Khi thực hiện xạ trị để điều trị u men xương hàm, ung thư nướu răng,… có thể gây ra cảm giác khó chịu và khiến khoang miệng có vị đắng, vị kim loại.

Ngoài ra, xạ trị có thể vô tình gây tổn thương tuyến nước bọt khiến cho khoang miệng luôn có cảm giác khô và khó chịu. Một số người còn gặp phải tình trạng thay đổi vị giác và đổi màu nướu trong thời gian xạ trị ung thư.

Ngoài những nguyên nhân trên, cảm giác đắng miệng, khát nước và khô miệng có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác. Nếu chỉ dựa vào những triệu chứng kể trên, rất khó xác định được nguyên nhân. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài và gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt, bạn nên đến nha khoa để được thăm khám và điều trị.

Cần làm gì khi bị khô miệng khát nước, đắng miệng?

Khi gặp phải tình trạng khô miệng, đắng miệng và khát nước, bạn có thể cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà. Nếu cần thiết, nên thăm khám để được điều trị y tế và tư vấn chế độ chăm sóc hợp lý.

Các biện pháp cải thiện, điều trị đắng miệng, khát nước và khô miệng:

1. Uống đủ nước

Khi có cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng, bạn nên bổ sung nước cho cơ thể để giảm cảm giác khát và đắng miệng. Uống đủ nước kích thích khoang miệng tiết nước bọt giúp làm mềm bề mặt lưỡi, nướu răng và niêm mạc miệng. Từ đó giúp giảm cảm giác khô miệng và khát nước.

Ngoài ra, tăng tiết nước bọt còn giúp cải thiện vị giác, giảm tình trạng đắng miệng và thay đổi vị giác. Để giữ nước trong cơ thể, bạn nên bổ sung nước giàu khoáng chất bên cạnh nước lọc. Trong trường hợp mất nước do uống rượu bia, nên bổ sung thêm nước ép trái cây và rau củ tươi để cân bằng điện giải.

Ngay cả khi không bị khô miệng, bạn cũng cần uống đủ 2 lít nước/ ngày để cân bằng điện giải và đảm bảo hoạt động của các tuyến. Trong trường hợp lao động nặng nhọc và tập thể dục với cường độ cao, bạn nên tăng thêm lượng nước mỗi ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.

2. Thay đổi chế độ ăn uống

Ngoài việc bổ sung đủ 2 lít nước/ ngày, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng khô miệng khát nước, đắng miệng bằng cách thay đổi chế độ ăn. Cách này mang lại hiệu quả cao với trường hợp đắng và khô miệng do trào ngược dạ dày thực quản. Thay đổi chế độ ăn uống cũng giúp cải thiện độ chắc khỏe của răng và phòng ngừa hiệu quả các vấn đề nha khoa.

khát nước đắng miệng
Thay đổi chế độ ăn có thể cải thiện tình trạng khát nước và đắng miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau

Cách điều chỉnh chế độ ăn uống giúp cải thiện cảm giác khô miệng, đắng miệng và khát nước:

  • Dùng các loại thực phẩm có vị chua ngọt tự nhiên như dâu tây, cam quýt, me,… để kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Tuy nhiên, cần hạn chế các món ăn và thức uống có độ axit quá cao vì có thể khiến răng bị ê buốt và mòn men.
  • Bổ sung nhiều rau xanh, các loại củ và trái cây vào chế độ ăn uống. Chất xơ trong các loại thực phẩm này có thể làm dịu cảm giác khó chịu và khô miệng. Ngoài ra, tính kiềm trong rau xanh có thể trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết và giảm cảm giác đắng miệng hiệu quả.
  • Thêm các loại thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn) như sữa chua, kim chi, kombucha,… vào chế độ ăn uống. Lợi khuẩn trong thực phẩm có thể cân bằng hệ vi sinh khoang miệng, từ đó ức chế sự phát triển của hại khuẩn và cải thiện tình trạng đắng miệng.
  • Kiêng các loại thức ăn, đồ uống gây khô miệng như cà phê, trà đặc, các loại nước ngọt có gas, món ăn nhiều gia vị,… Ngoài ra, nên cai thuốc lá nếu có thói quen này.
  • Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để đảm bảo tuyến nước bọt hoạt động tốt và củng cố độ chắc khỏe của men răng.
  • Mẹ bầu dễ gặp phải tình trạng chảy máu chân răng và răng ê buốt nên cần tránh thức ăn quá nóng, quá lạnh và các món ăn dai, cứng, khô. Với tình trạng khát nước và đắng miệng do thay đổi nội tiết tố, tình trạng sẽ tự thuyên giảm sau khi bước vào sáng thứ 4 thai kỳ.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cải thiện cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng rõ rệt. Trong trường hợp có các bệnh nội khoa, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn cân bằng và phù hợp.

3. Vệ sinh răng miệng kỹ

Khi bị khô miệng, các vi khuẩn có hại sẽ phát triển nhanh chóng gây ra hơi thở có mùi và làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa. Do đó, bạn nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách. Thực tế, khi khoang miệng sạch sẽ, cảm giác đắng, chua miệng sẽ giảm đi đáng kể.

khát nước đắng miệng
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể cải thiện tình trạng khát nước đắng miệng và khô miệng

Vệ sinh răng miệng đúng cách khá đơn giản. Cần chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng thường xuyên và dùng thêm chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước. Trong trường hợp đi kèm với chứng hôi miệng, nên cạo lưỡi để loại bỏ vi khuẩn có hại và cải thiện tình trạng hơi thở có mùi.

4. Thay đổi loại thuốc điều trị

Trong trường hợp khô miệng khát nước, đắng miệng do tác dụng phụ của thuốc, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được thay thế loại thuốc khác. Nếu chỉ dùng thuốc ngắn hạn, tình trạng này thường không đáng lo ngại vì sẽ thuyên giảm sau khi ngưng thuốc. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể phải dùng lâu dài để kiểm soát triệu chứng và tiến triển bệnh. Do đó, nên thay đổi thuốc để tránh những phiền toái nếu có thể.

5. Các phương pháp y tế

Cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng có thể do một số bệnh lý gây ra. Trong trường hợp này, bạn cần phải thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh. Khi các bệnh lý nguyên nhân được kiểm soát, tình trạng đắng miệng, khô rát miệng sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Cảm giác khô miệng khát nước, đắng miệng có thể bắt nguồn từ thói quen xấu nhưng đôi khi là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe. Nếu tình trạng không được cải thiện bằng biện pháp tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!