Chữa tủy răng cấm, răng khôn được chỉ định trong trường hợp hoại tử tủy, viêm tủy răng không hồi phục nhưng chân răng và thân răng chưa bị hư hại nghiêm trọng. So với răng ở những vị trí khác, răng cấm và răng khôn có cấu tạo tủy phức tạp, mỗi răng có từ 3 – 4 ống tủy nên quá trình điều trị thường mất nhiều thời gian hơn.
Khi nào nên lấy tủy răng cấm, răng khôn?
Răng khôn (răng số 8) và răng cấm (răng số 6, số 7) còn được gọi là chung là răng hàm. Răng ở những vị trí này có mặt nhai rộng và kích thước lớn với chức năng chính là nghiền nát thức ăn. Khi ăn uống, tất cả các răng trên cung hàm đều phải chịu một áp lực nhất định. Tuy nhiên, răng ở vị trí số 6, 7 và 8 sẽ chịu áp lực lớn hơn.
Vì giữ nhiều chức năng quan trọng nên khi có chỉ định lấy tủy răng cấm, răng khôn rất nhiều người lo ngại về việc chức năng ăn, nhai sẽ bị ảnh hưởng. Lấy tủy răng (điều trị nội nha) là phương pháp phổ biến trong điều trị viêm tủy răng và hoại tử tủy răng (chết tủy). Phương pháp này được thực hiện bằng cách làm sạch mô tủy viêm nhiễm, sau đó sát khuẩn và trám bít lại để ngăn sự xâm nhập của vi khuẩn.
Tủy răng giữ nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, nếu chậm trễ lấy tủy răng trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể lây lan và gây viêm nhiễm ở các cơ quan lân cận. Đồng thời có thể gây hư hại chân răng và buộc phải nhổ bỏ răng vĩnh viễn. Do đó khi được chỉ định lấy tủy răng cấm và răng khôn, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những trường hợp nên lấy tủy răng cấm:
- Răng cấm (răng số 6, số 7) bị viêm tủy răng không hồi phục
- Răng cấm bị chết tủy, hoại tử tủy
- Răng bị viêm nhiễm, hoại tử tủy nhưng cấu trúc răng chưa hư hại nhiều. Trường hợp răng tổn thương quá nặng thường không không đáp ứng với điều trị nội nha mà bắt buộc phải nhổ bỏ.
Các trường hợp được chỉ định lấy tủy răng khôn:
- Điều kiện đầu tiên để thực hiện lấy tủy răng khôn là răng khôn phải mọc thẳng, không mọc chen chúc, khấp khểnh, mọc ngầm, mọc lệch. Đối với răng mọc lệch, lựa chọn ưu tiên là nhổ bỏ thay vì lấy tủy răng.
- Lấy tủy được chỉ định trong trường hợp răng khôn mọc thẳng bị viêm tủy răng không hồi phục hoặc hoại tử tủy nhưng chân răng, thân răng chưa bị hư tổn nặng.
Lấy tủy răng cấm, răng khôn được chỉ định trong trường hợp tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử nhưng cấu trúc răng chưa hư hại nhiều. Đối với răng số 8 (răng khôn), cần phải có thêm điều kiện là răng mọc thẳng. Khi được chỉ định phương pháp này, bạn nên tiến hành sớm để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan rộng và bảo tồn răng, tránh nguy cơ phải nhổ bỏ.
Quy trình chữa tủy răng cấm, răng khôn
Chữa tủy răng cấm, răng khôn là biện pháp hiệu quả giúp giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm, ngăn ngừa biến chứng và bảo tồn răng. Vì cấu tạo của tủy răng phức tạp – nhất là ở các răng hàm (răng số 6, 7 và 8) nên quy trình chữa tủy sẽ mất nhiều thời gian hơn so với răng ở những vị trí khác.
Chữa tủy răng cấm, răng khôn diễn ra theo trình tự sau:
Bước 1: Khám và chụp phim X-Quang
Để đánh giá mức độ viêm nhiễm tủy và cấu trúc của từng răng, bác sĩ sẽ khám răng miệng và yêu cầu chụp X-Quang. Đối với răng khôn, hình ảnh X-Quang còn giúp bác sĩ phát hiện tình trạng răng mọc lệch, mọc ngầm,… để xem xét nhổ bỏ thay vì lấy tủy răng.
Bước 2: Cạo vôi răng, vệ sinh răng miệng và gây tê
Sau thăm khám, bác sĩ sẽ lấy cao răng và vệ sinh răng miệng để tránh lây nhiễm vi khuẩn trong quá trình lây tủy. Trong trường hợp răng cấm và răng khôn chưa chết tủy hoàn toàn, bác sĩ sẽ gây tê hoặc đặt thuốc diệt tủy để giảm cảm giác đau nhức, khó chịu.
Nếu đặt thuốc diệt tủy, bạn cần quay trở lại phòng khám sau 3 – 5 ngày. Bởi thuốc cần khoảng 24 – 48 giờ để làm chết tủy hoàn toàn.
Bước 3: Cách ly răng cần chữa tủy với đê cao su
Đê cao su được sử dụng bao xung quanh răng để cách ly răng cần chữa tủy với vi khuẩn và nước bọt trong khoang miệng. Dụng cụ này còn ngăn mùi hôi khó chịu từ thuốc sát trùng và vật liệu nhân tạo được sử dụng trong quá trình lấy tủy răng.
Bước 4: Tiến hành lấy tủy răng
Sau khi thuốc tê phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để tạo lỗ khoan vào bên trong khoang tủy và tạo hình lỗ tủy nhằm thuận lợi cho quá trình làm sạch mô tủy bị hoại tử. Tủy răng bị viêm nhiễm sẽ được làm sạch bằng trâm máy hoặc trâm tay. Bác sĩ sẽ kết hợp bơm rửa nhiều lần với nước sạch để tránh tình trạng sót tủy.
So với răng ở những vị trí khác, răng cấm và răng khôn có cấu trúc tủy răng phức tạp. Hầu hết các răng này đều có từ 3 – 4 ống tủy nên quá trình làm sạch tủy thường mất nhiều thời gian. Tùy theo vị trí răng, quy trình có thể hoàn tất sau 2 – 3 lần hẹn.
Bước 5: Trám bít khoang tủy
Khi tủy răng đã được làm sạch hoàn toàn, bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch sát khuẩn để vô trùng buồng tủy trước khi trám bít. Vật liệu gutta percha thường được dùng để trám đầy khoang tủy, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong.
Nếu có nhu cầu, bạn cũng có thể bọc mão sứ cho răng cấm và răng khôn sau khi lấy tủy. Răng ở những vị trí này phải chịu áp lực lớn khi ăn nhai nên sẽ dễ tổn thương hơn sau khi loại bỏ tủy. Việc bọc mão sứ giúp bảo vệ răng, tránh tình trạng răng ngả màu sau khi chữa tủy.
Giữa các lần hẹn, bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu để trám tạm khoang tủy nhằm ngăn không cho vi khuẩn và thức ăn lọt vào bên trong. Để thuận tiện cho quá trình chữa tủy, bạn nên sắp xếp công việc trước khi thực hiện phương pháp này.
Chăm sóc sau khi lấy tủy răng cấm và răng khôn
So với răng cửa và răng tiền hàm, răng cấm và răng khôn có hệ thống tủy phức tạp. Vì vậy sau khi lấy tủy, răng thường bị ê buốt và đau nhức dai dẳng. Để răng nhanh chóng hồi phục, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc như:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu có). Trong trường hợp bác sĩ không chỉ định thuốc, bạn có thể trao đổi để được tư vấn thuốc nếu răng bị đau nhức nhiều.
- Chú ý chải răng nhẹ nhàng để tránh làm bong miếng trám và kích thích mô nướu xung quanh răng vừa mới lấy tủy. Để làm sạch khoang miệng hoàn toàn, nên ngậm nước muối ấm và sử dụng chỉ nha khoa.
- Sau khi lấy tủy răng khôn, răng cấm, bạn nên dùng các món ăn mềm, lỏng để giảm áp lực lên răng. Ngoài ra, nên tránh nhai bằng răng vừa lấy tủy. Điều này khiến răng bị kích thích và chậm phục hồi hơn.
- Hạn chế hút thuốc lá trong thời gian sau khi điều trị tủy răng. Bởi thói quen này có thể khiến khoang miệng giảm tiết nước bọt gây ra hôi miệng, sưng mô nướu và tăng nguy cơ sâu răng.
- Sau khi chữa tủy răng khôn và răng cấm, bạn nên chú ý các biểu hiện ở răng miệng để kịp thời thăm khám và điều trị khi có các triệu chứng bất thường. Nếu có thể, nên tái khám sau vài tuần để bác sĩ đánh giá lại tình trạng khoang tủy.
Các rủi ro có thể xảy ra khi lấy tủy răng khôn, răng cấm
Như đã đề cập, răng khôn và răng cấm có hệ thống tủy phức tạp. Vì vậy, chữa tủy răng ở những vị trí này có thể gây ra một số rủi ro và biến chứng.
Các rủi ro có thể xảy ra khi lấy tủy răng khôn và răng cấm:
- Dị ứng thuốc tê: Thuốc tê được sử dụng khi lấy tủy răng có thể gây dị ứng với một số người có cơ địa nhạy cảm. Trong trường hợp bị dị ứng, bác sĩ sẽ xử trí tại chỗ bằng cách tiêm thuốc Epinephrine. Nếu dị ứng thuốc tê, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc diệt tủy răng làm chết tủy trước khi lấy tủy.
- Sót tủy: Sót tủy là biến chứng khá phổ biến sau khi lấy tủy, đặc biệt là răng khôn và răng cấm. Sót tủy khiến vi khuẩn phát triển mạnh gây tái phát viêm nhiễm tủy răng. Tình trạng này đặc trưng bởi triệu chứng răng đau nhức, mô nướu sưng đau, phù nề, ê buốt,…
- Thủng chóp răng: Ống tủy chân răng có kích thước rất hẹp nên nếu bác sĩ thực hiện không có kinh nghiệm, chóp răng có thể bị thủng trong quá trình lấy tủy. Với những trường hợp này, răng thường bị đau nhức nhiều, mức độ đau tăng lên hơn cả trước khi chữa tủy răng.
- Thuốc trám tủy kém chất lượng: Thực tế, một số nha khoa sử dụng thuốc trám tủy có chất liệu kém để trám bít khoang tủy. Tình trạng này không chỉ làm giảm tuổi thọ của miếng trám mà còn gây hư hại răng, kích thích phản ứng viêm và sưng đau ở mô nướu.
Chữa tủy răng cấm, răng khôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát những tình huống này bằng cách lựa chọn nha khoa uy tín và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý khi lấy tủy răng cấm, răng khôn
Lấy tủy răng cấm, răng khôn là kỹ thuật điều trị tương đối phức tạp. Chính vì vậy trước khi can thiệp các kỹ thuật này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Lựa chọn phòng khám nha khoa, bệnh viện uy tín để quá trình chữa tủy răng khôn và răng cấm diễn ra thuận lợi. Tránh thực hiện ở những cơ sở nhỏ vì đa phần đều không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất và tay nghề của bác sĩ.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc sau khi chữa tủy để giảm thiểu các tình huống rủi ro.
- Chú ý các biểu hiện sau khi lấy tủy để kịp thời phát hiện và xử trí nếu có biến chứng. Nếu nghi ngờ gặp phải rủi ro sau khi lấy tủy, bạn nên lựa chọn phòng khám uy tín để kiểm tra, tránh quay trở lại phòng khám đã thực hiện trước đây.
- Chăm sóc răng miệng trong và sau khi chữa tủy để răng được phục hồi hoàn toàn. Răng đã bị loại bỏ tủy có xu hướng giòn, dễ nứt và tổn thương. Vì vậy, bạn nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách và điều chỉnh một số thói quen ăn uống, sinh hoạt để giảm thiểu các tác động lên răng.
Trên đây là những thông tin về chữa tủy răng cấm, răng khôn. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về phương pháp này và chủ động trong quá trình điều trị – chăm sóc sau khi lấy tủy răng. Để được giải đáp cụ thể hơn, vui lòng liên hệ và trao đổi trực tiếp với nha sĩ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm tủy răng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Diệt Tủy Răng Là Gì? Vì Sao Phải Diệt Tủy Răng Khi Bị Viêm?
Viêm tủy răng hoại tử (chết tủy răng): Nguyên nhân và điều trị
Quy trình chữa tủy răng số 6, chi phí và những lưu ý cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!