Hàm duy trì được sử dụng để ngăn hiện tượng răng dịch chuyển sau khi tháo niềng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít người gặp phải tình trang đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng. Nếu gặp phải tình trạng này, nên tham khảo bài viết sau để xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục hiệu quả.
Vì sao đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng?
Sau khi niềng răng – chỉnh nha, bạn cần đeo hàm duy trì để răng ổn định vị trí. Như đã biết, niềng răng sử dụng khay niềng hoặc hệ thống mắc cài để dịch chuyển răng về đúng vị trí, từ đó tạo sự tương quan giữa hàm trên – hàm dưới, đồng thời giúp răng đều và cân đối hơn.
Khi đã dịch chuyển đến vị trí mới, phải mất một thời gian răng mới có thể ổn định hoàn toàn. Do đó, sau khi chỉnh nha, bạn phải đeo hàm duy trì để cố định răng và ngăn ngừa tình trạng răng chạy về vị trí cũ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đeo hàm duy trì nhưng vẫn bị chạy răng.
Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, tình trạng chạy răng thường chỉ xảy ra ở những trường hợp không đeo hàm duy trì và không có chế độ chăm sóc hợp lý. Đối với những trường hợp có đeo hàm duy trì nhưng vẫn xảy ra hiện tượng này, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những vấn đề sau:
1. Hàm duy trì không tương thích
Hàm duy trì cần phải được thiết kế phù hợp với cấu trúc và kích thước của hàm. Như vậy, hàm duy trì mới có thể giữ răng cố định, tránh tình trạng răng “chạy” về vị trí cũ gây lệch lạc và chen chúc.
Hàm duy trì không tương thích thường xảy ra do niềng răng ở những địa chỉ không uy tín, đội ngũ bác sĩ thiếu kinh nghiệm và nha khoa không được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cần thiết. Chính vì vậy, hàm duy trì không được chế tác ôm sát và tương thích với hàm răng.
Hàm duy trì có kích thước lớn sẽ gây lỏng lẻo, không tạo ra lực siết để cố định răng đúng vị trí. Do đó, ngay cả khi sử dụng đúng cách, răng vẫn có thể “chạy” lại vị trí cũ. Trong khi đó, đeo hàm duy trì quá chật có thể gây đau nhức và tổn thương nướu. Lực siết từ hàm cũng có thể khiến răng bị chen chúc và chồng chéo lên nhau.
2. Đeo hàm duy trì không đủ thời gian
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại hàm duy trì là hàm duy trì cố định và hàm tháo lắp. Trong đó, hàm duy trì tháo lắp được ưa chuộng hơn vì có thể tháo lắp dễ dàng, thuận tiện khi ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, vì có thể tháo ra dễ dàng nên không ít người gặp phải tình trạng đeo không đủ thời gian.
Để đảm bảo hiệu quả, hàm duy trì cần được sử dụng từ 20 – 22 giờ đồng hồ trong thời gian đầu. Sau khoảng 5 – 6 tháng, răng đã tương đối ổn định nên bạn chỉ cần dùng 7 – 9 giờ/ ngày. Nếu sử dụng đủ thời gian quy định, răng có thể ổn định nhanh. Ngược lại, trường hợp không dùng đủ thời gian quy định sẽ khó tránh khỏi tình trạng răng “chạy” sang những vị trí khác.
Trên đây là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng. Để xác định nguyên nhân cụ thể, bạn nên tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy răng dịch chuyển sang vị trí khác. Không nên chủ quan khiến cho răng bị lệch lạc và chen chúc nặng.
Cách khắc phục răng chạy khi đeo hàm duy trì
Ngay khi nhận thấy răng chạy sau khi tháo niềng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng xử lý. Xử lý sớm sẽ giúp điều chỉnh răng kịp thời, tránh tình trạng răng lệch lạc và phải tiến hành niềng răng lại.
Tùy theo mức độ “chạy” của răng sau khi niềng, bác sĩ sẽ tư vấn các giải pháp xử lý sau đây:
1. Làm lại hàm duy trì
Nếu nhận thấy hàm duy trì lỏng lẻo và không ôm sát vào hàm răng, bạn nên làm lại hàm duy trì. Trường hợp này thường do cơ sở nha khoa thiếu kinh nghiệm về chỉnh nha – niềng răng. Do đó, bạn nên tránh đến lại phòng khám đã làm hàm duy trì.
Nên đến các bệnh viện lớn trong khu vực để làm lại hàm duy trì nếu cần thiết. Hàm duy trì phải được chế tác với độ chính xác cao. Như vậy, kết quả sau khi niềng răng mới có thể ổn định lâu dài. Trong trường hợp này, hàm duy trì Hawley và hàm duy trì khay trong suốt được ưu tiên sử dụng nhờ có tính ổn định cao.
2. Đeo hàm duy trì đủ thời gian
Đeo hàm duy trì không đủ thời gian là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng răng “chạy” sau khi tháo niềng. Để tránh tình trạng răng bị lệch lạc nặng, bạn nên đeo hàm duy trì đủ 20 – 22 giờ đồng hồ/ ngày. Nếu thường xuyên quên đeo, có thể làm hàm duy trì cố định. Hàm sẽ được gắn cố định vào mặt trong của răng nên bạn không phải lo lắng về vấn đề quên đeo hàm duy trì hoặc làm mất khí cụ.
Tùy theo tình trạng răng, bạn cần đeo hàm duy trì khoảng 6 – 12 tháng. Đối với những trường hợp niềng răng sớm, hàm duy trì cần được sử dụng liên tục cho đến năm 16 tuổi. Bởi lúc này xương hàm và răng mới thực sự ổn định. Nếu ngưng sử dụng sớm, răng có thể chạy sang vị trí khác khiến cho hàm răng bị chen chúc, lệch lạc.
3. Niềng răng lại nếu cần thiết
Trong trường hợp răng bị lệch lạc nặng, bác sĩ sẽ chỉ định niềng răng lại. Để đảm bảo hiệu quả, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đeo niềng răng thêm 3 – 6 tháng và siết dây cung nhằm chỉnh những răng sai vị trí về đúng vị trí ban đầu.
Nếu chậm trễ trong việc thăm khám, răng có thể bị lệch lạc và chen chúc nghiêm trọng dẫn đến tình trạng phải niềng răng lại trong một thời gian dài. Do đó, nên thăm khám ngay khi phát hiện răng “chạy” về vị trí cũ hoặc “chạy” sang vị trí khác sau khi tháo niềng.
Một số lưu ý khi đeo hàm duy trì
Hàm duy trì là khí cụ quan trọng đối với quá trình chỉnh nha. Sử dụng hàm duy trì sau niềng răng giúp răng ổn định và duy trì kết quả lâu dài. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần đeo hàm duy trì theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đối với hàm tháo lắp, nên gỡ ra khi ăn uống và vệ sinh răng miệng để tránh tình trạng hàm bị cong vênh, hư hại.
- Sau khi tháo niềng, răng chưa thực sự ổn định. Do đó, bạn nên hạn chế nhai thức ăn cứng, khô và dai. Lực nhai mạnh có thể khiến răng bị dịch chuyển và trở nên chen chúc, khấp khểnh.
- Ngoài vệ sinh răng miệng, nên chú ý làm sạch hàm duy trì bằng nước sạch và bàn chải đánh răng. Không làm sạch khí cụ bằng nước nóng và các sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh.
- Trong thời gian đeo hàm duy trì, bạn nên đến nha khoa 1 lần/ tháng để được kiểm tra tình trạng răng miệng. Thăm khám thường xuyên giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề bất thường, qua đó có biện pháp xử lý và khắc phục hiệu quả.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc có thể xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng đeo hàm duy trì vẫn bị chạy răng. Ngay khi nhận thấy răng có dấu hiệu dịch chuyển, nên đến nha khoa trong thời gian sớm nhất để được xử lý kịp thời.
>>>> Đọc ngay: Hàm duy trì sau niềng răng là gì? Các loại và giá bán cụ thể
Bài viết liên quan
Răng Bị Ố Vàng Khi Niềng: Nguyên nhân và cách khắc phục
Niềng Răng Có Hôn Được Không? Cảm Giác Khi Hôn Thế Nào?
Cắm Vít Niềng Răng (Minivis) Để Làm Gì? Có Đau Không?
Niềng Răng Khớp Cắn Hở Có Hiệu Quả Không? Mất Bao Lâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!