Ghép nướu là tiểu phẫu đơn giản được thực hiện bằng cách ghép mô mềm vào phần cổ và chân răng bị lộ ra do tụt nướu. Phương pháp này thường được áp dụng trong điều trị tụt lợi hở chân răng và trường hợp có mô nướu mỏng bẩm sinh.
Ghép nướu là phương pháp gì? Khi nào cần thực hiện?
Ghép nướu là phương pháp phẫu thuật sử dụng mô mềm để ghép vào phần lợi bị co lại và dịch chuyển xuống phần chân răng. Phương pháp này thường được áp dụng trong điều trị tụt lợi hở chân răng và những trường hợp răng nhạy cảm, ê buốt do mô nướu mỏng bẩm sinh. Trong một số trường hợp, ghép nướu còn được biết đến với tên gọi phẫu thuật chữa tụt lợi chân răng.
Ghép nướu là tiểu phẫu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn và có thể trở về nhà sau khi điều trị. Nếu chăm sóc đúng cách, vết thương có thể lành hoàn toàn chỉ sau vài tuần. Để có sự chuẩn bị tốt trước khi can thiệp các phương pháp này, bạn nên tìm hiểu trước các kỹ thuật ghép nướu, quy trình, cách chăm sóc và một số vấn đề khác có liên quan.
Các phương pháp ghép nướu được áp dụng hiện nay
Hiện nay, có 3 phương pháp ghép nướu được áp dụng tùy theo tình trạng tụt lợi và cấu trúc răng miệng của từng người. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể trước khi tiến hành.
1. Ghép mô liên kết
Ghép mô liên kết là kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất khi ghép nướu. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách mở vòm miệng và lấy phần mô liên kết ở dưới và tiến hành ghép vào phần mô nướu bị tụt. Ghép mô liên kết thường được áp dụng trong trường hợp tụt lợi chân răng và mô nướu mỏng khiến răng ê buốt, nhạy cảm.
2. Ghép lợi tự do tự thân
Ghép lợi tự do tự thân cũng là một trong những phương pháp ghép nướu được áp dụng phổ biến. Phương pháp này sử dụng một phần niêm mạc ở vòm miệng và tiến hành ghép vào phần lợi bị tụt. Ghép lợi tự do tự thân giúp ngăn chặn tình trạng tụt lợi diễn tiến nặng hơn và tăng cường chức năng bảo vệ, cố định chân răng.
3. Ghép cuống
Ghép cuống được thực hiện bằng cách lấy một vạt mô ở gần với răng bị tụt nướu. Sau đó, kéo vạt lại phần nướu bị tụt và tiến hành phẫu thuật. Đây được xem là phương pháp tối ưu nhất vì sử dụng chính mô lợi bao xung quanh răng nên mức độ tương thích cao và thời gian phục hồi nhanh. Tuy nhiên để can thiệp phẫu thuật ghép cuống, bạn cần phải lượng mô nướu dày ở xung quanh răng bị tụt. Cũng chính vì vậy là kỹ thuật này ít được áp dụng trên lâm sàng.
Phẫu thuật ghép nướu thường không mất nhiều thời gian. Hơn nữa, mức độ xâm lấn của phương pháp này cũng không đáng kể. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể trở về nhà ngay sau khi phẫu thuật.
Quy trình phẫu thuật ghép nướu tiêu chuẩn
Ghép nướu là tiểu phẫu đơn giản với thời gian thực hiện khá nhanh. Phương pháp này được thực hiện theo trình tự sau:
- Bước 1: Khám lâm sàng kết hợp với chụp X-Quang để đánh giá tình trạng răng miệng. Qua hình ảnh từ X-Quang, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị và cân nhắc lựa chọn được kỹ thuật ghép nướu phù hợp nhất.
- Bước 2: Tiến hành vệ sinh răng miệng và lấy cao răng để đảm bảo quá trình ghép nướu diễn ra thuận lợi, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.
- Bước 3: Gây tê để giảm cảm giác đau nhức và khó chịu trong quá trình phẫu thuật.
- Bước 4: Tiến hành ghép lợi.
- Bước 5: Hướng dẫn các biện pháp chăm sóc răng miệng và hẹn lịch tái khám.
Các biện pháp chăm sóc sau khi phẫu thuật ghép nướu
Phẫu thuật ghép nướu là phương pháp khá đơn giản, thời gian thực hiện nhanh và mức độ xâm lấn không đáng kể. Tuy nhiên, mô lợi sau khi ghép cần một khoảng thời gian nhất định để hồi phục hoàn toàn. Do đó sau khi can thiệp phương pháp này, bạn cần chăm sóc đúng cách để giảm đau nhức và giúp nướu răng hồi phục hoàn toàn.
Cách chăm sóc sau khi phẫu thuật ghép nướu:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong đó, bắt buộc phải dùng kháng sinh đúng liều lượng và đủ thời gian để phòng ngừa viêm nhiễm. Các loại thuốc giảm đau, chống viêm có thể ngưng sử dụng nếu các triệu chứng đau nhức đã thuyên giảm hoàn toàn.
- Dùng các món ăn mềm, lỏng, nguội để giảm áp lực lên răng và mô nướu như sữa chua, cháo, bún, miến, súp,… Hạn chế các món ăn cứng, khô và chứa nhiều gia vị cay nóng.
- Khi chải răng, nên hạn chế tác động lên mô nướu bị tổn thương. Ngoài ra, không nên súc miệng quá mạnh vì có thể kích thích vết thương dẫn đến tình trạng chảy máu và viêm nhiễm.
- Không tập thể dục và lao động nặng cho đến khi mô nướu lành hoàn toàn. Gắng sức quá mức trong thời gian này có thể khiến vết thương chảy máu và gây đau nhức nhiều.
- Chú ý các biểu hiện mà cơ thể gặp phải sau khi ghép nướu. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nên thông báo với bác sĩ hoặc chủ động đến phòng khám để được kiểm tra và khắc phục kịp thời.
Ghép nướu có nguy hiểm không? Các biến chứng có thể xảy ra
Ghép nướu là tiểu phẫu đơn giản nên rất hiếm khi phát sinh biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bạn cũng có thể gặp phải một số biến chứng, rủi ro.
Các biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật ghép nướu:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là biến chứng có thể xảy ra khi can thiệp bất cứ phương pháp xâm lấn nào. Tình trạng này có thể bắt nguồn do bác sĩ không vô trùng tốt dụng cụ hoặc do bệnh nhân không chăm sóc đúng cách. Nhiễm trùng khiến mô nướu bị sưng viêm, rỉ dịch hoặc mủ kèm theo đau nhức và sốt.
- Chảy máu kéo dài: Chảy máu kéo dài là một trong những biến chứng có thể gặp phải sau khi phẫu thuật ghép nướu. Biến chứng này thường xảy ra ở người bị rối loạn đông máu, tiểu đường hoặc không ngưng sử dụng các loại thuốc làm loãng máu trước khi phẫu thuật.
Hầu hết các biến chứng có thể xảy ra sau khi ghép nướu đều có mức độ nhẹ và hoàn toàn khắc phục được nếu thăm khám sớm. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa các biến chứng này bằng cách lựa chọn phòng khám/ bệnh viện uy tín để thực hiện và chăm sóc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin về phẫu thuật ghép nướu. Để được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt. Ngoài ra, cần thận trọng khi lựa chọn địa chỉ nếu có nhu cầu can thiệp phẫu thuật ghép nướu.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bệnh hở cổ chân răng: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách điều trị
Tụt Lợi Chân Răng Có Tự Khỏi Không? Biện Pháp Phục Hồi
Bị tụt lợi nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?
Bị tụt lợi khi bọc răng sứ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!