Hôi Miệng Từ Dạ Dày: Nguyên Nhân Và Cách Trị Hiệu Quả

Hôi miệng từ dạ dày là tình trạng hơi thở có mùi xuất phát từ những vấn đề liên quan đến dạ dày như hở van dạ dày, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày… So với các nguyên nhân khác, tình trạng này có xu hướng dai dẳng và khó khắc phục hơn. Để giải quyết triệt để cần kết hợp làm sạch răng miệng và kiểm soát các bệnh lý dạ dày.

hôi miệng từ dạ dày
Tình trạng hôi miệng từ dạ dày rất phổ biến ở người trưởng thành

Hôi miệng từ dạ dày là gì? Nguyên nhân do đâu?

Hôi miệng do dạ dày là tình trạng mùi hôi trong khoang miệng có liên quan đến các vấn đề về dạ dày. Những trường hợp này thường bị hôi miệng dai dẳng, lâu ngày mặc dù thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng. Hôi miệng không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng lại gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt khiến bạn trở nên tự ti, e ngại khi giao tiếp.

Hôi miệng từ dạ dày là vấn đề khá phổ biến ở người trưởng thành. Để có biện pháp khắc phục phù hợp, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân được xác định có liên quan đến hiện tượng hôi miệng dạ dày:

1. Hôi miệng do hở van dạ dày (trào ngược dạ dày thực quản)

Hở van dạ dày là tình trạng van thực quản dưới bị suy yếu dẫn đến hiện tượng không đóng kín hoàn toàn khiến cho dịch vị và thức ăn trào ngược lên thực quản. Bệnh lý này còn biết đến với tên gọi trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

cách chữa hôi miệng từ dạ dày
Hôi miệng từ dạ dày thường có liên quan đến chứng trào ngược dạ dày thực quản (hở van dạ dày)

Thức ăn trộn lẫn với dịch vụ sẽ có mùi rất khó chịu. Nếu không có biện pháp khắc phục, tình trạng trào ngược sẽ xảy ra thường xuyên khiến cho cổ họng bị rát và khoang miệng có mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, dịch vị từ dạ dày còn khiến cho môi trường trong khoang miệng bị thay đổi, từ đó tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển quá mức và tăng sản sinh khí sulfur tạo ra mùi hôi vô cùng khó chịu.

Hôi miệng do trào ngược dạ dày (hở van dạ dày) là tình trạng rất phổ biến ở những người hút thuốc lá và có chế độ ăn uống không phù hợp. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải tình trạng này do hiện tượng trào ngược sinh lý. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ tình trạng sẽ tự cải thiện sau một thời gian mà không cần can thiệp biện pháp điều trị.

2. Viêm loét dạ dày có vi khuẩn Helicobacter pylori

Vi khuẩn Helicobacter pylori là một loại xoắn khuẩn có khả năng sinh sống trong môi trường axit như dạ dày. Vi khuẩn này phá vỡ lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, đồng thời tiết ra các chất kích thích khiến cho dạ dày tăng sản xuất dịch vị. Hơn 90% trường hợp bị viêm loét dạ dày có liên quan đến hiện tượng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp).

Không chỉ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, Helicobacter pylori còn gây ra mùi hôi miệng do vi khuẩn tiết ra enzyme urease, sau đó chuyển thành ammonium tạo ta mùi hôi khó chịu. Chính vì vậy, những người bị loét dạ dày dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori còn phải đối mặt với tình trạng hơi thở có mùi.

Về cơ bản, vi khuẩn Hp chỉ gây tổn thương niêm mạc dạ dày và mùi khó chịu do vi khuẩn tạo ra không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hơi thở có mùi sẽ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và khiến bạn mất đi sự tự tin vốn có.

3. Do thói quen ăn uống không phù hợp

Hôi miệng dạ dày cũng có thể xảy ra do thói quen ăn uống không phù hợp. Dạ dày thường có xu hướng tiết nhiều dịch vị, ợ hơi, ợ chua khi dùng các món ăn chứa nhiều axit, gia vị mặn và cay. Khi dùng các món ăn này, dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị và co bóp quá mức khiến bạn liên tục ợ hơi, đau thượng vị và hôi miệng.

hôi miệng vì dạ dày
Hôi miệng dạ dày có thể xảy ra do dùng thức ăn có mùi nồng và khó tiêu hóa

Sau khi dùng các món ăn nặng mùi như tỏi, hành, các loại mắm, mùi hôi không chỉ xuất phát từ khoang miệng mà còn bắt nguồn từ dạ dày. Hôi miệng do những nguyên nhân này thường không cải thiện hoàn toàn sau khi vệ sinh răng miệng sạch sẽ mà cần phải kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.

Thói quen ăn uống không phù hợp còn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa. Do đó, nếu nhận thấy bản thân bị chứng hôi miệng dạ dày do chế độ ăn uống, bạn nên điều chỉnh thói quen trong thời gian sớm nhất để phòng ngừa các vấn đề tiêu hóa.

Dấu hiệu nhận biết hôi miệng do dạ dày

Hôi miệng do dạ dày có biểu hiện đa dạng hơn so với những trường hợp bị hôi miệng thông thường. Để có biện pháp khắc phục phù hợp, bạn cần nhận biết tình trạng này thông qua các dấu hiệu sau đây:

  • Hơi thở có mùi hôi khó chịu, dai dẳng mặc dù đã chải răng và thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng
  • Mùi hôi trong khoang miệng thường xuất hiện rõ rệt sau khi ăn và sau khi ngủ dậy.
  • Hơi thở có mùi đi kèm với các triệu chứng tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, trớ thức ăn, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,…
  • Quan sát bề mặt lưỡi nhận thấy lưỡi có rêu trắng hoặc vàng, rêu lưỡi dày và khó làm sạch

Hôi miệng dạ dày có ảnh hưởng gì không?

Ảnh hưởng đầu tiên của chứng hôi miệng dạ dày là e ngại, thiếu tự tin khi giao tiếp. Mùi hôi dai dẳng khiến bạn gặp nhiều phiền toái khi sinh hoạt và ngại tiếp xúc gần. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý. Thậm chí nhiều người có xu hướng né tránh những công việc phải gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên.

Hôi miệng dạ dày không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gián tiếp gây ra nhiều vấn đề nha khoa. Khi dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng sẽ khiến cho môi trường sinh lý bị phá vỡ, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển và gây ra nhiều vấn đề nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng (viêm lợi),…

Bên cạnh đó, dịch vị dạ dày có tính axit nên khi tiếp xúc với men răng sẽ khiến răng ê buốt và nhạy cảm. Chính vì vậy, bạn cần khắc phục tình trạng hôi miệng dạ dày trong thời gian sớm nhất để tránh những ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống.

Cách điều trị hôi miệng do dạ dày an toàn, hiệu quả

Hôi miệng do dạ dày khó điều trị hơn so với tình trạng hơi thở có mùi do các nguyên nhân khác. Vì nguyên nhân bắt nguồn từ các vấn đề tiêu hóa nên bắt buộc phải điều trị kết hợp các bệnh lý dạ dày và giữ vệ sinh răng miệng. Bên cạnh đó, cần xử lý triệt để các vấn đề nha khoa (nếu có).

Các biện pháp điều trị hôi miệng do dạ dày:

1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể không khắc phục triệt để tình trạng hơi thở có mùi. Tuy nhiên, làm sạch răng miệng kỹ phần nào có thể loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng. Do đó, dù hôi miệng xảy ra do bất cứ nguyên nhân nào, bạn cũng đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng.

cách trị hôi miệng vì đau dạ dày
Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng có thể cải thiện phần nào tình trạng hôi miệng vì dạ dày

Các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp cải thiện tình trạng hôi miệng dạ dày:

  • Chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày. Khi chải răng, cần thao tác nhẹ nhàng theo chiều dọc và chú ý làm sạch răng ở những vị trí khuất để đảm bảo loại bỏ hết cao răng, thức ăn thừa. Bạn nên lựa chọn bàn chải có kích thước nhỏ và lông chải mềm, mảnh để thuận tiện cho việc làm sạch răng miệng.
  • Các bệnh lý từ dạ dày sẽ khiến cho khoang miệng bị mất cân bằng độ pH và hại khuẩn thường phát triển với số lượng lớn. Do đó ngoài chải răng, bạn nên súc miệng với nước muối pha loãng hoặc dùng các sản phẩm chuyên dụng để sát trùng, tiêu diệt vi khuẩn.
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, từ đó có thể giảm bớt mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
  • Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng dụng cụ cạo lưỡi để dễ dàng vệ sinh rêu lưỡi. Bề mặt lưỡi có nhiều rãnh, vân nên đây sẽ là môi trường để vi khuẩn phát triển. Vệ sinh lưỡi đúng cách sẽ giúp giảm mùi hôi và hỗ trợ khắc phục tình trạng hôi miệng vì dạ dày.

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Hôi miệng do dạ dày thường có liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Chính vì vậy, bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống để cải thiện tình trạng bệnh lý và phần nào hạn chế được hiện tượng hơi thở có mùi.

Chế độ ăn uống giúp cải thiện tình trạng hôi miệng dạ dày:

  • Hạn chế dùng thức ăn có mùi nồng như hành, tỏi, các món ăn chứa nhiều dầu mỡ và gia vị.
  • Khi gặp các vấn đề về dạ dày, bạn nên tránh thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và axit để hạn chế tình trạng tăng tiết dịch vị. Tình trạng này sẽ khiến cho hiện tượng ợ hơi, ợ chua trở nên nghiêm trọng hơn và hôi miệng có xu hướng dai dẳng theo thời gian.
  • Ưu tiên dùng các loại thực phẩm có khả năng trung hòa dịch vị như ngũ cốc, rau xanh, trái cây không chứa axit,… Các loại thực phẩm này sẽ giúp hấp thu dịch vị dư thừa và phần nào kiểm soát được tình trạng ợ hơi, ợ chua. Qua đó cải thiện hơi thở có mùi và ngăn ngừa các vấn đề nha khoa do dịch vị dạ dày trào ngược lên khoang miệng liên tục.
  • Để cải thiện hệ tiêu hóa một cách toàn diện, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, uống đủ nước, tăng cường bổ sung chất xơ và thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn).
  • Có thể thêm vào các loại thực phẩm có mùi thơm tự nhiên để khử mùi hôi trong khoang miệng như dâu tây, cam, quýt, hạt thìa là, đinh hương, bạc hà, hoa cúc,…

3. Điều trị các vấn đề về dạ dày

Nếu nghi ngờ hôi miệng do các vấn đề từ dạ dày, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn điều trị. Trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng là các bệnh tiêu hóa khá phổ biến hiện nay. Ban đầu, các bệnh lý này chỉ gây khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi và chán ăn nhưng nếu không được khắc phục, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

cách trị hôi miệng vì đau dạ dày
Nên điều trị các vấn đề dạ dày để bảo vệ sức khỏe nói chung và cải thiện tình trạng hơi thở có mùi nói riêng

Ngoài ra, nếu không cải thiện các vấn đề về dạ dày, tình trạng hôi miệng sẽ có xu hướng kéo dài dai dẳng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Chính vì vậy, bạn nên điều trị các vấn đề về dạ dày nếu nghi ngờ hôi miệng xảy ra do nguyên nhân này.

4. Xử lý các vấn đề nha khoa tiềm ẩn

Thực tế, tình trạng hở van dạ dày kéo dài không chỉ gây hôi miệng mà còn là nguyên nhân dẫn đến một loạt các vấn đề nha khoa như sâu răng, mòn men răng, răng nhạy cảm và ê buốt. Chính vì vậy, bạn nên đến phòng khám để kiểm tra sức khỏe răng miệng. Nếu có vấn đề phát sinh, nên điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai.

Ngoài ra, các vấn đề nha khoa cũng sẽ khiến cho tình trạng hôi miệng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, nên kết hợp điều trị các vấn đề về dạ dày và các bệnh lý răng miệng để có thể giải quyết tình trạng triệt để. Bên cạnh đó, nên tập thói quen lấy cao răng định kỳ để phòng ngừa các vấn đề nha khoa và ngăn ngừa hôi miệng tái phát.

Phòng ngừa hôi miệng dạ dày tái phát bằng cách nào?

Các bệnh lý về dạ dày đa phần đều tiến triển mãn tính và dễ tái phát nếu không biết cách chăm sóc. Do đó, sau khi xử lý hôi miệng dạ dày, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

cách trị hôi miệng vì đau dạ dày
Ăn uống hợp lý có thể kiểm soát các vấn đề dạ dày và góp phần ngăn ngừa tình trạng hôi miệng tái phát
  • Thay đổi thói quen ăn uống không phù hợp để kiểm soát triệu chứng của các bệnh lý dạ dày. Bên cạnh đó, nên tránh hút thuốc lá bởi thói quen này cũng khiến cho trào ngược dạ dày tái phát nhiều lần và chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực.
  • Thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần để phòng ngừa hôi miệng và giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề nha khoa như sâu răng, viêm lợi (viêm nướu răng),…
  • Nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn để làm sạch răng miệng và kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Nước bọt giúp trung hòa axit từ vi khuẩn và làm chậm quá trình tích tụ mảng bám. Nhờ vậy, bạn có thể phòng ngừa hôi miệng và các vấn đề nha khoa.
  • Nếu mắc phải các vấn đề dạ dày mãn tính, bạn nên súc miệng bằng lá bạc hà, trầu không,… 2 – 3 lần/ ngày để khử mùi hôi trong khoang miệng. Hoặc cũng có thể sử dụng các loại nước súc miệng chuyên dụng để hạn chế tình trạng hơi thở có mùi tái phát.

Hôi miệng dạ dày là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành. Để xử lý tình trạng này triệt để, bạn nên kết hợp vệ sinh răng miệng và ăn uống đúng cách. Bên cạnh đó, nên kết hợp điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn để tránh tái phát.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!