Nhổ răng khôn gây đau nhiều do xâm lấn sâu vào xương hàm và nướu răng. Vì lý do này nên khá nhiều bạn đọc băn khoăn không nhổ răng khôn có sao không. Thông tin trong bài viết sau sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này và các biến chứng có thể gặp phải nếu không nhổ răng khôn.
Không nhổ răng khôn có sao không?
Răng khôn (răng số 8) là răng vĩnh viễn nằm ở vị trí cuối cùng của cung hàm. Chiếc răng này đặc biệt hơn so với răng ở những vị trí khác. Răng số 8 không mọc trong giai đoạn thay răng mà chỉ mọc ở tuổi trưởng thành từ 17 – 25 tuổi. Hơn nữa, răng khôn không mọc liền mạch mà mọc từng chút một và mất một thời gian khá dài mới có thể mọc hoàn chỉnh.
Răng số 8 mọc tương đối muộn. Lúc này, cung hàm đã phát triển hoàn chỉnh và xương đã trở nên cứng hơn nên khi răng mọc, toàn bộ nướu và răng xung quanh sẽ bị kích thích. Mọc răng khôn thường gây đau nhiều, đôi khi có kèm sốt, sưng nướu và sưng hạch góc hàm.
Trên thực tế, không phải ai cũng có răng khôn và có một số người không mọc đủ 4 răng khôn. Răng khôn không giữ chức năng quan trọng nên việc mọc răng khôn hay không đều không ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai. Vì vậy, khi có vấn đề phát sinh, bác sĩ thường chỉ định nhổ răng thay vì bảo tồn như răng ở những vị trí khác.
Nhổ răng khôn gây đau nhiều do chân răng phức tạp và cứng, cắm sâu vào bên trong xương hàm. Do đó, không ít bạn đọc băn khoăn “Không nhổ răng khôn có sao không?”. Thực tế, không ai mong muốn phải can thiệp các biện pháp xâm lấn. Thứ nhất là do nhổ răng khôn gây đau nhiều, mất khá nhiều thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Thứ hai là do chi phí cao.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề “Không nhổ răng khôn có sao không?”, cần phải xem xét vào tình trạng của răng khôn:
1. Trường hợp răng khôn mọc thẳng
Răng khôn mọc thẳng là tình trạng răng mọc đúng vị trí, không chen chúc và xô đẩy các răng lân cận. Răng số 8 có hình dáng và kích thước tương tự như răng số 7. Do đó, nếu mọc thẳng, răng số 8 sẽ hỗ trợ các răng hàm trong việc nhai và nghiền nát thức ăn.
Trong trường hợp răng số 8 mọc thẳng và toàn bộ răng trên cung hàm đều, mọc đúng vị trí, bạn không cần thiết phải nhổ bỏ. Không nhổ răng khôn trong trường hợp này thường không gây ra biến chứng nếu biết cách chăm sóc hợp lý.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp răng khôn mọc thẳng có chỉ định nhổ bỏ bao gồm:
- Răng khôn mọc thẳng nhưng bị viêm lợi trùm tái phát nhiều lần.
- Răng khôn mọc thẳng nhưng nằm sâu bên trong khiến quá trình vệ sinh răng miệng khó khăn, mảng bám và cao răng tích tụ dần gây sâu răng.
- Trường hợp niềng răng chen chúc, răng hô sẽ phải nhổ bỏ răng số 8 để có không gian cho các răng dịch chuyển về đúng vị trí.
- Răng mọc thẳng nhưng không có răng khôn ở hàm đối diện (chỉ mọc 1 răng khôn ở hàm dưới hoặc hàm trên). Trường hợp này cũng được khuyến khích nhổ bỏ vì 1 răng không thể nhai thức ăn và có nguy cơ bị xô lệch sau một thời gian.
Nhìn chung, đa số những trường hợp răng khôn mọc thẳng ít khi phải nhổ bỏ. Tuy nhiên, do răng nằm ở cuối cung hàm, mặt nhai rộng và nhiều rãnh kẽ nên việc vệ sinh răng miệng tương đối khó khăn. Do đó, bạn cần phải chăm sóc răng miệng kỹ để phòng tránh vấn đề ở răng khôn và các răng lân cận.
2. Trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm
Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm đều có chỉ định nhổ bỏ. Phần lớn răng khôn đều có hiện tượng mọc ngầm và chen chúc do răng mọc khá muộn mà lúc này cấu trúc răng gần như đã phát triển hoàn chỉnh. Chính vì vậy, khi mọc, răng thường có hiện tượng mọc ngầm, chen chúc và xô đẩy các răng còn lại trên cung hàm.
Những trường hợp này bắt buộc phải nhổ bỏ để tránh biến chứng. Nhổ răng khôn cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến cấu trúc răng. Với những trường hợp phát hiện muộn, toàn bộ răng có thể bị xô đẩy, lệch lạc và buộc phải can thiệp các biện pháp chỉnh nha, phục hình.
Không nhổ răng khôn gây ra biến chứng gì?
Không phải trường hợp nào cũng có chỉ định nhổ răng khôn. Tuy nhiên nếu có chỉ định của bác sĩ, bạn nên nhổ răng khôn trong thời gian sớm nhất để phòng ngừa biến chứng. Nếu không nhổ răng khôn, bạn sẽ phải đối mặt với những biến chứng sau:
1. Gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi trùm
Như đã đề cập, răng khôn nằm ở vị trí cuối cung hàm nên rất khó vệ sinh hoàn toàn. Theo thời gian, mảng bám tích tụ tạo thành cao răng khiến răng bị sâu và viêm lợi trùm. Với các răng còn lại, bác sĩ sẽ thường ưu tiên điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Tuy nhiên, với răng số 8, nhổ bỏ răng sẽ là lựa chọn ưu tiên vì tình trạng sẽ có khả năng tái phát cao.
Sâu răng số 8 có thể lây lan sang răng số 7 hoặc phát triển thành viêm tủy răng, áp xe răng. Nhổ bỏ răng khôn có thể giải quyết triệt để sâu răng và viêm lợi trùm. Từ đó bảo tồn cấu trúc và chức năng sinh lý của răng.
2. Gây xô lệch cung hàm
Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm sẽ gây xô lệch cung hàm và khiến các răng còn lại chen chúc, xô đẩy. Tình trạng này thường diễn ra trong một thời gian dài và đôi khi rất khó nhận thấy. Tuy nhiên, sau khoảng vài tháng, bạn sẽ thấy các răng trên cung hàm có thể hiện tượng dịch chuyển vị trí và xô lệch.
Xô lệch cung hàm gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Chính vì vậy, bạn cần nhổ răng khôn sớm để phòng ngừa biến chứng này.
3. Đau nhức dai dẳng
Răng khôn khi mọc sẽ làm tăng gia tăng áp lực lên xương hàm, nướu và các răng lân cận. Trong trường hợp răng mọc lệch, áp lực thường sẽ tăng lên đáng kể và gây đau nhức dữ dội. Nếu không nhổ răng khôn, răng sẽ tiếp tục mọc và gây đau dai dẳng, dữ dội.
Không ít trường hợp gặp phải cơn đau vô cùng nghiêm trọng do chân răng chèn ép lên dây thần kinh và chân răng lân cận. Vì vậy, bạn không nên chần chừ khi nhổ răng khôn – nhất là trong trường hợp đã có chỉ định của bác sĩ.
4. Sai lệch khớp cắn
Sai lệch khớp cắn là biến chứng nặng nề do không nhổ răng khôn. Khi răng khôn mọc ngầm, mọc lệch và mọc không đúng vị trí, các răng còn lại trên cung hàm sẽ dần dịch chuyển dẫn đến tình trạng chen chúc. Nếu không cải thiện sớm, răng có thể bị xô lệch nặng gây sai lệch khớp cắn.
Sai lệch khớp cắn là tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị sớm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn ảnh hưởng đến ngoại hình và cấu trúc khuôn mặt. Nếu không nhổ bỏ răng khôn sớm, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng dần và bạn buộc phải can thiệp các biện pháp chuyên sâu như phẫu thuật, niềng răng – chỉnh nha,…
5. Gia tăng áp lực lên khớp thái dương hàm
Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm sẽ làm gia tăng áp lực lên khớp thái dương hàm. Khớp thái dương hàm là khớp duy nhất có khả năng cử động trên khuôn mặt và là cơ quan chịu áp lực trong quá trình ăn uống, giao tiếp.
Áp lực thường sẽ được phân bổ đồng đều ở hai bên khớp. Tuy nhiên nếu có răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, khớp có thể bị rối loạn chức năng dẫn đến đau nhức và viêm sưng. Để tránh những biến chứng nghiêm trọng, bạn nên thăm khám và nhổ bỏ răng khôn trong thời gian sớm nhất.
Nhổ răng khôn giúp giải quyết triệt để tình trạng răng mọc lệch, chen chúc, viêm lợi trùm tái phát nhiều lần,… Vì vậy, bạn nên nhổ răng khôn theo chỉ định của bác sĩ. Nếu còn băn khoăn về vấn đề “Không nhổ răng khôn có sao không?”, bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được tư vấn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Các Dấu Hiệu Nhiễm Trùng Sau Khi Nhổ Răng và cách nhận biết
Nhổ răng bao lâu thì bị tiêu xương hàm?
Vì sao cần chụp X quang răng khôn? Khi nào nên chụp?
Nhổ Răng Khôn Ăn Mì Tôm Được Không? Giải Đáp Thắc Mắc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!