Nẹp cố định răng lung lay: Quy trình và chi phí

Nẹp cố định răng lung lay sử dụng chỉ thép/ nẹp kim loại để cố định răng bị lung lay vào các răng còn chắc trên cung hàm. Kỹ thuật này được thực hiện nhằm bảo tồn răng trong trường hợp chấn thương, viêm quanh cuống, viêm quanh răng,…

Nẹp cố định răng lung lay
Nẹp cố định răng lung lay là phương pháp gì?

Nẹp cố định răng lung lay là phương pháp gì?

Cố định răng lung lay là kỹ thuật sử dụng nẹp để liên kết các răng bị lung lay, lỏng lẻo do nhiều nguyên nhân khác nhau vào các răng còn chắc trên cung hàm. Kỹ thuật này được thực hiện nhằm giảm lực tác động lên răng, qua đó tạo điều kiện để chân răng và tổ chức nha chu phục hồi nhằm giảm hiện tượng lung lay và củng cố độ chắc chắn của răng trên cung hàm.

Cố định răng được chia thành 2 loại là cố định ở mặt trong của răng và cố định ở mặt ngoài thân răng (thường là mặt nhai). Kỹ thuật này thường được áp dụng trong trường hợp răng lung lay do chấn thương và do các bệnh quanh răng (viêm nha chu, viêm quanh cuống, viêm quanh răng,…).

Hiện tại, kỹ thuật cố định răng lung lay sử dụng 2 dụng cụ là nẹp kim loại và dây cung kim loại + composite. Cả hai phương pháp này đều có chỉ định và chống chỉ định tương tự. Mặc dù là kỹ thuật khá đơn giản nhưng để đạt được hiệu quả cao, bạn cần lựa chọn địa chỉ uy tín khi có ý định thực hiện.

Chỉ định – Chống chỉ định cố định răng lung lay

Như đã đề cập, nẹp cố định răng lung lay được thực hiện trong nhiều trường hợp khác nhau. Dưới đây là một số trường hợp có thể áp dụng kỹ thuật này:

  • Chấn thương răng gây tổn thương dây chằng nha chu
  • Do các bệnh quanh răng (viêm quanh cuống, viêm quanh răng,…)

Tuy nhiên, kỹ thuật chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Có tình trạng viêm nhiễm cấp trong khoang miệng (cần điều trị trước khi thực hiện)
  • Răng lung lay nằm giữa các khoảng mất răng (không có điểm trụ nên khi cố định răng có thể khiến răng bị xô lệch và xiêu vẹo)
  • Các trường hợp răng có chỉ định nhổ (răng lung lay độ III, IV)
  • Trường hợp cố định răng bằng nẹp kim loại không được thực hiện với những trường hợp răng lung lay đơn lẻ. Tuy nhiên, có thể cố định bằng dây cung kim loại và composite.

Vì chỉ định hạn chế hơn nên nẹp kim loại ít được sử dụng hơn kỹ thuật nẹp cố định răng bằng chỉ thép (dây cung kim loại) và sử dụng vật liệu composite để gắn dây thép lên răng.

Quy trình nẹp cố định răng lung lay

Nẹp cố định răng lung lay là kỹ thuật khá đơn giản và có thời gian thực hiện nhanh chóng. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng toàn thân và tại chỗ để chắc chắn bệnh nhân có đủ điều kiện sức khỏe.

Nẹp cố định răng lung lay được thực hiện theo quy trình như sau:

  • Bước 1: Bác sĩ sẽ xác định các răng cần nẹp cố định, sau đó sửa soạn những vị trí cần đặt nẹp nếu cần thiết (thường là vệ sinh và cạo vôi răng).
  • Bước 2: Lấy dấu và đổ mẫu bằng thạch cao, sau đó thiết kế nẹp phù hợp với cung hàm.
  • Bước 3: Sau khi đã chế tác xong dụng cụ nẹp, bác sĩ sẽ làm sạch bề mặt răng và làm khô. Sau đó, làm xói mòn bề mặt răng, phủ keo và chiếu đen quang trùng hợp. Đặt composite lên bề mặt răng và cho dây cung lên các răng cần cố định. Tiếp tục phủ một lớp composite lên phía trên và dùng đèn chiếu quang trùng hợp để cố định dây cung.
  • Bước 4: Bác sĩ sẽ chỉnh sửa bề mặt composite để tránh cộm và có thể mài chỉnh khớp cắn nếu cần thiết. Sau cùng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng và hẹn lịch tái khám để đánh giá tốc độ phục hồi của mô nha chu.

Với những trường hợp lung lay răng số 7, bác sĩ sử dụng thép để cố định lên mặt nhai của răng nhằm giảm áp lực lên răng bị lung lay. Ngoài ra để giảm áp lực lên răng, bác sĩ sẽ mài bớt mặt nhai của răng để giảm tiếp xúc với răng đối diện. Qua đó tạo điều kiện để răng phục hồi và củng cố độ chắc chắn trên cung hàm.

Nẹp cố định răng lung lay
Những trường hợp lung lay răng số 7 sẽ được gắn nẹp ở mặt nhai kết hợp với mài răng để giảm áp lực khi ăn nhai

Hiện nay ngoài cố định bằng dây cung kim loại, một số trường hợp còn có cố định bằng Ribbond Periodontal Splint (dụng cụ nẹp dài, mảnh và mềm được làm bằng nhựa có màu sắc tương tự răng thật). Dụng cụ này được sử dụng chủ yếu cho những trường hợp cần nẹp răng cửa.

Nẹp cố định răng lung lay có nguy hiểm không?

Cố định răng lung lay bằng nẹp là kỹ thuật khá đơn giản và hầu như không xâm lấn vào nướu, xương hàm. Tuy nhiên, dây thép/ nẹp kim loại được sử dụng có thể gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Từ đó, gia tăng nguy cơ tích tụ mảng bám, cao răng dẫn đến viêm lợi và viêm quanh răng.

Với những trường hợp bị viêm lợi và viêm quanh răng do cố định răng lung lay, bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng và chỉ định sử dụng một số loại nước súc miệng chứa thành phần kháng khuẩn. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm một số biện pháp để kiểm soát mảng bám răng.

Cách chăm sóc sau khi nẹp cố định răng

Nẹp cố định răng sẽ được duy trì trong 1 tháng đối với trường hợp chấn thương và 3 – 5 tháng đối với viêm quanh răng, viêm quanh cuống,… Vì vậy trong thời gian này, cần có biện pháp chăm sóc để phòng ngừa biến chứng viêm lợi, viêm quanh răng và tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ lành thương.

Nẹp cố định răng lung lay
Cần chăm sóc răng miệng đúng cách sau khi nẹp cố định răng lung lay để phòng tránh viêm lợi và viêm quanh răng

Các biện pháp chăm sóc sau khi nẹp cố định răng lung lay:

  • Chải răng đúng cách 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa. Khi chải răng, nên thao tác nhẹ nhàng và chú ý chải kẽ mặt trong, mặt nhai của răng.
  • Sử dụng thêm bàn chải kẽ để làm sạch kẽ răng ở những vị trí răng được cố định bằng nẹp. Nên dùng bàn chải kẽ sau khi chải răng bằng bàn chải thông thường.
  • Có thể dùng máy tăm nước để làm sạch hiệu quả thức ăn thừa và mảng bám tích tụ trong các kẽ.
  • Dùng nước súc miệng chứa thành phần kháng khuẩn và fluor để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Từ đó, có thể phòng ngừa sâu răng và hạn chế tối đa các biến chứng như viêm lợi, viêm quanh răng.
  • Cố định răng được thực hiện nhằm giảm áp lực lên răng bị lung lay. Do đó để đảm bảo tốc độ lành thương, bạn nên hạn chế các thức ăn cứng, khô và tránh nhai trực tiếp lên răng đang bị lung lay.
  • Bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin để tăng cường độ chắc khỏe răng, xương hàm. Ngoài ra, nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh gắng sức và căng thẳng để đảm bảo quá trình lành thương diễn ra thuận lợi.
  • Nếu nẹp bị bung súc và tuột, cần đến phòng khám để được điều chỉnh. Ngoài ra, nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được đánh giá tốc độ phục hồi của mô nha chu.
  • Trong trường hợp có thói quen nghiến răng, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn dùng máng chống nghiến. Bên cạnh đó, cần thay đổi một số thói quen xấu như hút thuốc lá, dùng răng cạy, cắn các vật cứng,… để đảm bảo răng và mô nha chu được phục hồi tốt.

Nẹp cố định răng lung lay có giá bao nhiêu?

Chi phí cố định răng lung lay có sự chênh lệch tùy vào mức độ tổn thương của răng. Ngoài ra, chi phí còn phụ thuộc vào số lượng răng lung lay, cơ sở thực hiện và một số yếu tố khách quan khác. Để biết chính xác giá thành thực hiện kỹ thuật cố định răng lung lay, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

Nẹp cố định răng lung lay là kỹ thuật quan trọng giúp bảo tồn răng trong trường chấn thương và tổn thương các tổ chức nha chu. Để đảm bảo hiệu quả, cần lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy nếu có định thực hiện. Bên cạnh đó, nên chú ý ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh răng miệng đúng cách để đạt kết quả tốt nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!