Nhiệt miệng có mủ là giai đoạn đầu, xảy ra khi mụn mủ chưa vỡ và tạo thành vết loét. Tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có thể thuyên giảm nếu được chăm sóc, điều trị đúng cách.
Nhiệt miệng có mủ có nguy hiểm không?
Nhiệt miệng là tình trạng rất phổ biến và mỗi người sẽ gặp phải bệnh lý ít nhất một lần trong đời. Nhiệt miệng đặc trưng bởi vết loét nông, bờ cao rõ rệt, hình tròn hoặc bầu dục với đường kính khoảng 1 – 10mm. Vết loét có kích thước nhỏ và thường mọc đơn độc nhưng gây đau rát, khó chịu nhiều – nhất khi khi ăn uống hoặc cắn phải.
Thực tế, trước khi trở thành vết loét, nhiệt miệng làm xuất hiện các nốt mụn mủ có màu trắng đục hoặc vàng nhạt. Do đó, hiện tượng nhiệt miệng có mủ là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Tình trạng có mủ cho thấy nhiệt miệng đang ở giai đoạn đầu. Sau khoảng một vài ngày, mụn mủ sẽ vỡ ra tạo thành vết loét và gây đau rát nhiều. Nhiệt miệng là bệnh lành tính và hầu hết đều có thể tự thuyên giảm sau 5 – 14 ngày mà không cần điều trị. Ảnh hưởng lớn nhất của bệnh lý này là cảm giác đau rát, khó chịu khi giao tiếp và ăn uống.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị nhiệt miệng nặng, vết loét có kích thước lớn, sâu và gây đau rát nhiều. Vết loét sâu có thể gây sưng hạch góc hàm, sốt nhẹ, mệt mỏi và chán ăn. Ngoài ra nếu không có các biện pháp chăm sóc đúng cách, vết loét có thể bị viêm nhiễm do bên trong khoang miệng chứa đến hàng tỷ vi khuẩn.
Nhìn chung, nhiệt miệng là bệnh về răng miệng thường gặp và hơn 95% trường hợp đều có mức độ nhẹ, không cần điều trị. Tuy nhiên nếu nhiệt miệng gây đau nhiều, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc, điều trị để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.
Cách chữa nhiệt miệng có mủ hiệu quả nhanh chóng
Nhiệt miệng có mủ là tình trạng nhiệt miệng chỉ mới xuất hiện và chưa bị vỡ tạo thành vết loét. Nếu can thiệp kịp thời các biện pháp chăm sóc và điều trị hợp lý, bạn có thể kiểm soát phần nào cảm giác đau rát, khó chịu,… Bên cạnh đó, chăm sóc đúng cách còn giúp vết loét nhanh lành và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.
Các biện pháp chữa nhiệt miệng có mủ hiệu quả bạn có thể áp dụng:
1. Ngậm nước muối ấm – Cách chữa nhiệt miệng có mủ đơn giản
Nhiệt miệng thường gây đau rát và khó chịu. Để kiểm soát triệu chứng này, bạn có thể ngậm nước muối ấm. Nước muối giúp làm dịu cảm giác sưng đau, khó chịu, đồng thời có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn. Ngoài ra, các khoáng chất bên trong muối biển cũng giúp vết loét nhanh lành và hỗ trợ cải thiện các vấn đề nha khoa.
Đối với trường hợp nhiệt miệng có mức độ nhẹ, ngậm và súc miệng bằng nước muối trong vài ngày có thể giảm nhanh cảm giác triệu chứng khó chịu. Nếu kiên trì thực hiện, vết loét sẽ nhanh chóng lành lại sau 5 – 7 ngày.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 50ml nước ấm và ¼ thìa cà phê muối biển
- Cho muối biển vào ly nước, sau đó khuấy đều cho muối tan hoàn toàn
- Trước khi ngậm nước muối, nên chải răng và súc miệng để làm sạch thức ăn thừa
- Sau đó, ngậm nước muối trong vài phút để làm dịu vết loét. Cuối cùng, súc miệng trong 10 – 15 giây và nhổ đi.
2. Chườm đá giảm đau do nhiệt miệng có mủ
Nhiệt miệng có mủ thường gây đau rát nhẹ hơn so với khi mụn mủ đã vỡ và tạo thành vết loét. Tuy nhiên, lúc này niêm mạc xung quanh mụn mủ thường có hiện tượng sưng và nóng đỏ. Chính vì vậy, bạn có thể dùng đá lạnh chườm lên để giảm đau rát và khó chịu.
Ngoài ra, nếu mụn mủ vỡ và gây loét sâu dẫn đến viêm cấp, sốt nhẹ và sưng hạch góc hàm, bạn có thể dùng đá chườm ở bên ngoài. Cách này có thể giảm sưng đau nhanh chóng bởi đá lạnh có tác dụng co mạch và ngăn chặn truyền tín hiệu “đau” về não bộ.
3. Dùng rau diếp cá trị nhiệt miệng có mủ
Diếp cá là loại rau ăn quen thuộc có vị chua cay, tính mát, tác dụng giải độc, thanh nhiệt và sát khuẩn. Cách đơn giản nhất để cải thiện nhiệt miệng có mủ là ăn sống lá diếp cá cùng với các loại rau khác. Với hàm lượng nước, chất xơ và khoáng chất cao, rau diếp cá giúp làm dịu vết loét và giảm cảm giác sưng, đau khó chịu.
Đối với những trường hợp vết loét lớn và sâu, có thể áp dụng một số công thức sau:
- Trà diếp cá: Trà diếp cá có tác dụng làm mát cơ thể và thanh lọc độc tố. Do đó, bạn nên dùng 1 tách trà mỗi ngày để hỗ trợ cải thiện chứng nhiệt miệng có mủ. Nếu kiên trì thực hiện, vết loét bên trong khoang miệng sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Ngoài ra, loại trà này cũng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa và làn da.
- Nước diếp cá tươi: Trong trường hợp vết loét gây sưng và đau nhiều, có thể dùng diếp cá xay, sau đó hòa với nước sôi để nguội uống hằng ngày. Tính mát từ diếp cá sẽ giúp giảm nhanh tình trạng viêm và đau rát. Ngoài ra, hoạt chất decanoyl-acetaldehyde trong thảo dược này cũng có tác dụng sát khuẩn mạnh và hỗ trợ phòng ngừa nhiễm trùng vết loét.
4. Dùng mật ong chữa nhiệt miệng có mủ
Mật ong không chỉ là loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc tự nhiên. Đông y thường sử dụng mật ong trong các bài thuốc trị ho, viêm họng và suy nhược cơ thể. Hiện nay, y học hiện đại cũng đã công nhận nhiều lợi ích của mật ong đối với sức khỏe và hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý.
Các chuyên gia nhận thấy, hydrogen peroxide trong mật ong có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn tương tự oxy già. Do đó, có thể tận dụng nguyên liệu này để ngăn ngừa viêm nhiễm vết loét. Ngoài ra, các chất dưỡng ẩm trong mật ong cũng góp phần làm dịu, giảm sưng đau ở vết loét do nhiệt miệng có mủ gây ra.
Cách dùng mật ong chữa nhiệt miệng có mủ:
- Cách 1: Súc miệng thật sạch, sau đó thoa mật ong lên vết loét và để nguyên trong vài phút. Nên thực hiện vài lần/ ngày để giảm sưng đau và giúp vết loét nhanh lành hơn.
- Cách 2: Có thể dùng trà mật ong hoặc các món ăn từ mật ong để nâng cao sức khỏe. Bởi nhiệt miệng thường xảy ra ở người bị thiếu hụt vitamin D, C, B, sắt, magie và kẽm.
5. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Khoang miệng có đến hàng tỷ vi khuẩn và trong đó có rất nhiều hại khuẩn gây sâu răng, viêm lợi và nhiễm trùng vết loét do nhiệt miệng. Chính vì vậy bên cạnh các biện pháp giảm đau, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách trong thời gian này. Thực hiện đầy đủ các biện pháp làm sạch răng miệng giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và tạo điều kiện để vết loét nhanh lành hơn.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng cần phải thực hiện trong thời gian bị nhiệt miệng có mủ:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Khi chải răng, nên thao tác theo chiều dọc và đưa bàn chải vào sâu bên trong cung hàm để làm sạch hoàn toàn mảng bám, thức ăn thừa.
- Nên lựa chọn bàn chải có kích thước nhỏ, lông mềm và mảnh để tránh gây xây xước niêm mạc miệng. Bởi đây là điều kiện thuận lợi dẫn đến nhiệt miệng và nhiều bệnh lý nha khoa khác. Ngoài ra, dùng bàn chải lông mềm cũng giúp giảm ma sát lên vết loét và hạn chế cảm giác đau rát, khó chịu trong quá trình vệ sinh răng miệng.
- Không sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa cồn, hương liệu và SLS. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các thành phần này có thể gây kích ứng niêm mạc và tăng nguy cơ bị nhiệt miệng có mủ.
- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa công thức an toàn và lành tính. Nếu có thể, bạn nên dùng sản phẩm chứa công thức hữu cơ (100% organic) để tránh kích thích lên vết loét và giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi nhiệt miệng.
- Chải răng chỉ giúp làm sạch răng, hoàn toàn không thể tiêu diệt vi khuẩn bên trong khoang miệng. Do đó, bạn nên súc miệng với nước muối pha loãng hoặc dùng các dung dịch súc miệng chuyên dụng. Sử dụng 2 lần/ ngày có thể loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng và hỗ trợ phòng ngừa viêm nhiễm vết loét.
- Lưỡi là vị trí vi khuẩn trú ngụ và phát triển nhưng rất ít khi được chú ý trong quá trình vệ sinh. Nếu thường xuyên bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi, bạn nên dùng cạo lưỡi để làm sạch rêu lưỡi 1 – 2 lần/ tuần.
- Trong trường hợp đang niềng răng, nên dùng bàn chải kẽ và chỉ nha khoa để đảm bảo khoang miệng được làm sạch hiệu quả.
Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp giảm sưng đau và đẩy nhanh tốc độ tái tạo vết loét. Ngoài ra, cách này cũng giúp bạn ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa – yếu tố thuận lợi tăng nguy cơ bị nhiệt miệng.
6. Có chế độ ăn uống hợp lý
Nhiệt miệng có mủ thường gây đau rát, khó chịu và thậm chí chảy máu do ma sát với thức ăn. Do đó trong thời gian này, bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý để hạn chế các triệu chứng khó chịu. Nhiệt miệng không chỉ xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa mà còn liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Chính vì vậy, việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý có vai trò quan trọng trong cải thiện và phòng ngừa bệnh tái phát.
Chế độ ăn uống giúp cải thiện chứng nhiệt miệng có mủ:
- Dùng thức ăn mềm, lỏng và ít gia vị để tránh kích thích lên vết loét. Bên cạnh đó, nên bổ sung các loại thực phẩm có tính mát, giàu khoáng chất và vitamin để giảm nhanh hiện tượng sưng đau ở vết loét do nhiệt miệng gây ra.
- Tránh dùng thức ăn cay nóng, thực phẩm cứng, khô, khó tiêu hóa và dễ gây dị ứng. Các loại thực phẩm này có thể khiến vết loét bị kích thích gây đau rát nhiều và chảy máu.
- Nhiệt miệng thường có liên quan đến tình trạng thiếu vitamin C, vitamin D, vitamin nhóm B, sắt, magie và kẽm. Để cải thiện chứng nhiệt miệng có mủ, nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu các loại vitamin và khoáng chất kể trên.
- Uống đủ nước và có thể bổ sung vitamin, khoáng chất thông qua các loại nước ép, sinh tố và các loại trà thảo mộc. Hạn chế dùng rượu bia vì cồn có thể kích thích khiến vết loét sưng đau và chậm lành.
- Nếu vết loét gây viêm cấp và đau rát, nên uống nước mát và dùng các món ăn nguội. Dùng nước ấm và các món ăn cay nóng có thể khiến hiện tượng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài những thông tin trên, bạn nên tìm hiểu thêm bị nhiệt miệng nên ăn gì, kiêng gì để dễ dàng xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Chế độ dinh dưỡng không chỉ giúp cải thiện nhiệt miệng có mủ mà còn giảm tỷ lệ bệnh tái phát và nâng cao sức khỏe toàn diện.
7. Sử dụng một số loại thuốc
Đa phần những trường hợp bị nhiệt miệng đều có thể tự thuyên giảm sau 5 – 14 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể dùng một số loại thuốc nếu vết loét gây đau rát nhiều. Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu và đẩy nhanh tốc độ tái tạo của vết loét.
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị nhiệt miệng có mủ:
- Các loại thuốc bôi chứa hoạt chất gây tê như Lidocaine, Benzocaine,…
- Thuốc bôi chứa corticoid giúp giảm sưng viêm
- Thuốc bôi chứa Nitrat bạc, Chlorhexidine có tác dụng sát khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm
- Thuốc bôi chứa Salicylic acid có tác dụng giảm đau và cảm giác khó chịu
- Thuốc tạo màng ngăn (được dùng để giảm kích thích và giúp vết loét nhanh lành hơn)
- Trường hợp đau nhiều, nên dùng Paracetamol và NSAID để giảm đau. Nếu niêm mạc miệng sưng nhiều, có thể dùng Alpha Choay để cải thiện.
- Có thể dùng thêm nước súc miệng chứa các hoạt chất kháng khuẩn để ngăn ngừa viêm nhiễm
Nhiệt miệng có mủ là tình trạng khá phổ biến và không nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng sẽ nhanh chóng cải thiện sau một vài ngày. Tuy nhiên trong trường hợp vết loét sưng nhiều và có dấu hiệu viêm nhiễm, nên tìm gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
10 Cách Trị Nhiệt Miệng Tại Nhà An Toàn, Hiệu Quả Nhanh
Nhiệt Miệng Và Sùi Mào Gà: Cách Phân Biệt Cho Mọi Người
Nhiệt Miệng Chân Răng Là Gì? Triệu Chứng Và Cách Chữa Trị
Top 10 Loại Thuốc Bôi Nhiệt Miệng An Toàn, Hiệu Quả Nhanh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!