Nhiệt miệng nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi là vấn đề rất được quan tâm. Bởi chế độ ăn hợp lý vừa có thể giảm cảm giác đau rát, khó chịu vừa giúp vết loét nhanh lành hơn. Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho cơ thể còn giúp nâng cao sức khỏe và phòng ngừa nhiệt miệng tái phát.
Nhiệt miệng (loét áp tơ) là một dạng viêm loét niêm mạc miệng thường gặp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em và người trẻ tuổi. Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra nhiệt miệng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, đây là bệnh lành tính, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có thể thuyên giảm sau 7 – 14 ngày mà không cần điều trị.
Dù vậy, các vết loét do nhiệt miệng gây ra thường đi kèm với cảm giác rát, đau và khó chịu – nhất là khi giao tiếp và ăn uống. Trong môi trường ẩm ướt của khoang miệng, vết loét sẽ bị kích thích liên tục nên đôi khi có thể bị viêm cấp (sưng nóng niêm mạc, đau rát, khó chịu, đôi khi có kèm sưng hạch). Chính vì vậy, nên có các biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp để giảm triệu chứng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét.
Bị nhiệt miệng nên ăn gì nhanh khỏi?
Cảm giác đau rát, khó chịu ở vết loét thường xuất hiện trong quá trình ăn uống. Do đó, bị nhiệt miệng nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Khi có chế độ ăn phù hợp, bạn có thể giảm tình trạng đau rát trong quá trình ăn uống và đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét.
Ngoài ra, một số món ăn còn giúp làm dịu vết loét và giảm đáng kể các triệu chứng đau rát, khó chịu do nhiệt miệng gây ra. Nhiệt miệng thường xảy ra ở người bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và suy nhược cơ thể. Thông qua chế độ dinh ăn uống khoa học, bạn cũng có thể đẩy nhanh tốc độ lành vết loét và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Nếu đang băn khoăn “Bị nhiệt miệng nên ăn gì để giảm đau, nhanh khỏi?”, bạn nên tham khảo thông tin sau để dễ dàng lên kế hoạch ăn uống và chăm sóc hợp lý:
1. Sữa chua – Món ăn tốt cho người bị nhiệt miệng
Khi bị nhiệt miệng, niêm mạc miệng trở nên sưng đỏ và đau rát. Lúc này, bạn nên dùng sữa chua để làm dịu vết loét. Sữa chua được bảo quản trong ngăn mát nên có thể làm dịu niêm mạc, giảm sưng đau và cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, sữa chua là món ăn mềm, lỏng nên hoàn toàn không gặp phải tình trạng ma sát lên vết loét dẫn đến cảm giác khó chịu như các món ăn khác.
Trong sữa chua còn chứa probiotic (lợi khuẩn) có tác dụng cân bằng độ pH trong khoang miệng và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Sữa chua còn là nguồn cung cấp vitamin, đạm và khoáng chất cho cơ thể. Thêm sữa chua vào bữa ăn hằng ngày cũng là cách cải thiện sức khỏe và tăng sức đề kháng. Đây là điều kiện để đẩy nhanh tốc độ lành vết loét và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
2. Các loại rau củ
Theo quan niệm dân gian, nhiệt miệng xảy ra do dùng thức ăn cay nóng hoặc cơ thể bị nóng trong do thời tiết. Vì vậy để làm mát người, dân gian thường bổ sung các loại rau củ như mồng tơi, mướp, dưa leo, rong biển, rau đay, rau cải,… Thực tế, nhiệt miệng hoàn toàn không liên quan đến việc dùng thực phẩm có tính cay nóng. Tuy nhiên, việc dùng các loại rau củ có tính mát sẽ giúp làm dịu vết loét và giảm cảm giác đau rát khi ăn uống.
Chất xơ và hàm lượng nước dồi dào trong nhóm thực phẩm này có tác dụng làm mát niêm mạc miệng. Hơn nữa, các loại rau củ tương đối mềm nên khi ăn nhai không bị ma sát mạnh vào niêm mạc miệng. Bên cạnh đó, bổ sung rau củ vào chế độ ăn hằng ngày còn cung cấp cho cơ thể nguồn vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào giúp nâng cao sức khỏe.
Dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng các chuyên gia nhận thấy, thiếu hụt vitamin B12, sắt, vitamin B9 có liên quan đến bệnh nhiệt miệng. Vì vậy, bạn nên tăng cường bổ sung rau củ chứa các loại vitamin trên như củ dền, rau bina, bắp cải, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, rau xà lách, diếp cá, đinh lăng,…
3. Các món ăn từ cá
Khi bị nhiệt miệng, bạn cũng nên chú ý bổ sung đạm cho cơ thể. Nếu cảm thấy vết loét bị đau khi ăn nhai thịt, nên thay thế bằng các món ăn từ cá. Thịt cá có kết cấu mềm và dễ ăn nhai hơn so với thịt bò, thịt lợn. Hơn nữa, cá cũng là nguồn cung cấp đạm cùng với hàm lượng khoáng chất dồi dào.
Các món ăn từ cá không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể mà còn góp phần ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát nhờ vào hàm lượng sắt và vitamin D dồi dào. Tuy nhiên khi bị nhiệt miệng, bạn nên chế biến cá thành những món ăn mềm, ít gia vị như cháo cá, cá hấp,… thay vì các món chiên, nướng và kho.
4. Uống các loại trà khi bị nhiệt miệng
Ngoài việc ăn uống, bạn cũng nên chú ý đến các loại thức uống. Theo các bác sĩ, nên dùng các loại trà đen, trà xanh, trà hoa cúc, bạc hà,… khi bị nhiệt miệng. Trong các loại trà này đều chứa chất tanin có tác dụng kháng viêm và giảm sưng đau.
Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong trà còn có tác dụng chống viêm và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét. Vì vậy ngoài nước lọc, bạn cũng có thể bổ sung thêm các loại trà vào chế độ dinh dưỡng để giảm nhanh chứng nhiệt miệng. Bên cạnh đó, có thể dùng sinh tố, nước ép để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
5. Các món ăn mềm và ít gia vị
Khi bị nhiệt miệng, việc ăn uống sẽ trở nên khó khăn do thức ăn ma sát với vết loét dẫn đến cảm giác đau rát vô cùng khó chịu. Trong vài ngày đầu, nên dùng các món ăn mềm và ít gia vị như cháo, súp, canh, miến, phở và các món sinh tố.
Các món ăn này có kết cấu lỏng, mềm nên không gây ra cảm giác khó chịu khi ăn uống. Hơn nữa, các món ăn này chứa dinh dưỡng cân bằng bao gồm cả tinh bột, đạm, chất xơ và vitamin từ các loại rau, đồng thời có công thức đa dạng và dễ điều chỉnh. Đối với các vết loét lớn và sâu, bạn nên dùng các món ăn mềm, lỏng và ít gia vị trong khoảng vài ngày để vết loét có điều kiện phục hồi.
6. Dùng các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm
Một số loại thực phẩm không chỉ chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào mà còn có tác dụng kháng viêm nhờ vào hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa cao. Thêm các loại thực phẩm này vào chế độ ăn sẽ giúp vết loét giảm sưng và nhanh lành hơn.
Các loại thực phẩm chống viêm tốt cho người bị nhiệt miệng:
- Diếp cá: Diếp cá là loại rau có tính mát có hiệu quả trong việc thông tiểu tiện, làm mát cơ thể và giảm sưng đau do các vết loét. Đặc biệt, chất decanoyl-acetaldehyd trong loại rau này còn có đặc tính kháng sinh mạnh giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại. Vì vậy, dùng các món ăn từ diếp cá trong thời gian bị nhiệt miệng có thể ngăn ngừa viêm nhiễm vết loét và hỗ trợ làm dịu cảm giác đau rát, khó chịu.
- Mật ong: Hydrogen peroxide trong mật ong có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Vì vậy, bạn cũng có thể dùng các món ăn và thức uống từ mật ong trong thời gian bị nhiệt miệng để ngăn ngừa viêm nhiễm. Bên cạnh đó, các khoáng chất và vitamin trong mật ong cũng góp phần cải thiện sức khỏe, qua đó đẩy nhanh tốc độ lành vết loét và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
- Dầu dừa: Axit lauric trong dầu dừa có đặc tính kháng viêm và chống khuẩn, kháng nấm. Ngoài ra, các axit béo trong dầu dừa còn có tác dụng làm dịu và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét. So với các loại dầu thực vật, dầu dừa mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe nên bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày. Nếu vết loét gây đau nhiều, nên thoa một ít dầu dừa lên vết loét để làm dịu cảm giác đau rát và khó chịu.
Các loại thực phẩm này rất tốt cho người bị nhiệt miệng và các dạng viêm loét niêm mạc miệng khác. Tuy nhiên, nên chế biến món ăn ở dạng mềm, lỏng và ít sử dụng gia vị cay nóng để tránh kích thích lên vết loét dẫn đến cảm giác đau rát khó chịu.
7. Uống đủ nước
Uống đủ nước sẽ giúp làm dịu vết loét và giảm phần nào cảm giác sưng đau. Nếu vết loét bị viêm nhiều, bạn có thể uống nước mát. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Nhờ vậy, hệ miễn dịch sẽ được cải thiện, từ đó đẩy nhanh tốc độ lành vết loét và hỗ trợ phòng ngừa nhiệt miệng tái phát.
Người bị nhiệt miệng nên kiêng gì để giảm đau?
Các vết loét do nhiệt miệng gây ra có thể bị đau rát nhiều nếu dùng các món ăn không phù hợp. Vì vậy, bên cạnh việc tìm hiểu “Bị nhiệt miệng nên ăn gì?”, bạn cũng cần biết nên kiêng gì khi bị nhiệt miệng để giảm đau và giúp vết loét nhanh lành hơn.
Các loại thực phẩm, đồ uống nên kiêng khi bị nhiệt miệng:
1. Thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit
Các loại thực phẩm, đồ uống chứa nhiều axit có thể khiến vết loét bị kích thích và đau rát nhiều. Thậm chí, axit có thể ăn mòn khiến vết loét trở nên sâu hơn. Vì vậy khi bị nhiệt miệng, bạn nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều axit như chanh, me, quýt, cóc,…
Ngoài ra, nên tránh dùng các loại thức uống chứa nhiều axit như nước sấu, soda, nước ngọt có gas,… Các thức uống này cũng vô tình khiến vết loét bị kích thích và chậm lành hơn. Thay vào đó, nên dùng nước lọc, nước ép rau củ tươi và trà để làm dịu niêm mạc.
2. Món ăn cay và mặn
Tương tự như thực phẩm chứa nhiều axit, các món ăn cay và mặn đều khiến cho vết loét bị kích thích và gây ra cảm giác đau rát, khó chịu. Nếu dùng các món ăn chứa nhiều gia vị trong một thời gian dài, vết loét sẽ chậm lành và có thể tiến triển nặng hơn. Đây cũng là lý do vì sao khi bị nhiệt miệng, bạn nên dùng món ăn ít gia vị để giảm đau và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét.
3. Thực phẩm cứng, khô
Khi bị nhiệt miệng, bạn cũng nên hạn chế dùng các loại thực phẩm cứng và khô. Bởi khi ăn nhai, các loại thực phẩm này dễ ma sát với vết loét dẫn đến cảm giác đau, khó chịu và thậm chí chảy máu. Chính vì vậy, bạn nên tránh dùng thức ăn cứng, khô, thay vào đó nên sử dụng các món ăn lỏng và mềm để giảm ma sát lên vết loét.
4. Thực phẩm dị ứng
Các loại thực phẩm có khả năng dị ứng như hải sản, mè, đậu phộng,… có thể khiến cho vết loét trở nên sưng viêm và đau rát hơn. Nếu bị dị ứng thực phẩm, bạn nên kiêng các loại thực phẩm này khi bị nhiệt miệng. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh các loại thực phẩm “lạ” và khó tiêu hóa trong thời gian này.
5. Đồ uống chứa cồn và caffeine
Các đồ uống chứa cồn và caffeine như cà phê, ca cao, rượu bia,… đều không tốt cho chứng nhiệt miệng. Nguyên nhân là do các loại đồ uống này gây kích thích vết loét dẫn đến cảm giác đau rát và khiến vết loét chậm lành hơn bình thường. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng nước lọc, trà và các loại nước ép từ rau củ tươi trong thời gian bị nhiệt miệng.
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh nhiệt miệng và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ “Bị nhiệt miệng nên ăn gì, kiêng gì” và dễ dàng lên kế hoạch chăm sóc hợp lý. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bạn cũng nên chú ý đến thói quen vệ sinh răng miệng, sinh hoạt điều độ để cải thiện và phòng ngừa nhiệt miệng tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cách Chữa Nhiệt Miệng Cho Trẻ Sơ Sinh Đơn Giản An Toàn
8 Cách Trị Nhiệt Miệng Cho Bà Bầu Dễ Làm Theo Dân Gian
Bị Nhiệt Miệng Có Gây Sốt Không? Cách Điều Trị Hiệu Quả
Nhiệt Miệng Và Sùi Mào Gà: Cách Phân Biệt Cho Mọi Người
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!