10 Cách Trị Nhiệt Miệng Tại Nhà An Toàn, Hiệu Quả Nhanh

Áp dụng các cách trị nhiệt miệng tại nhà có thể giảm cảm giác đau rát, khó chịu và giúp vết loét nhanh lành hơn. Các mẹo chữa này tương đối đơn giản, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả nhanh nếu kiên trì thực hiện.

cách trị nhiệt miệng tại nhà
Có thể áp dụng một số cách trị nhiệt miệng tại nhà để giảm nhanh tình trạng đau rát, sưng viêm

Mách bạn 10 cách trị nhiệt miệng tại nhà đơn giản, hiệu quả

Nhiệt miệng (loét áp tơ) là tình trạng niêm mạc miệng nổi mụn nước nhỏ, sau đó vỡ thành vết loét có viền cộm, khi chạm vào gây đau rát và khó chịu. Vết loét nông có đường kính khoảng từ 1 – 10mm. Nhiệt miệng là bệnh rất phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đến nay vẫn chưa xác định được căn nguyên và cơ chế bệnh sinh.

Theo thống kê, mỗi người sẽ bị nhiệt miệng ít nhất 1 lần trong đời và khoảng 20% trường hợp gặp phải tình trạng tái phát nhiều lần. Dù vậy, đây là bệnh lành tính và thường có thể tự khỏi sau 7 – 14 ngày.

Tuy nhiên, vết loét do nhiệt miệng có thể gây đau và có cảm giác rát bỏng khi giao tiếp, ăn uống. Chính vì vậy, nên có biện pháp chăm sóc để giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi vết loét. Dưới đây là 10 cách trị nhiệt miệng tại nhà khá đơn giản bạn có thể áp dụng:

1. Cách chữa nhiệt miệng tại nhà bằng nước muối

Các nốt mụn nước do nhiệt miệng gây ra sẽ bị vỡ chỉ sau 1 – 2 ngày và nhanh chóng tạo thành các vết loét. Trong môi trường ẩm ướt như khoang miệng, vết loét thường chậm lành và gây đau rát nhiều khi ăn uống, sinh hoạt. Với các vết loét lớn, vi khuẩn có thể xâm nhập gây viêm nhiễm. Do đó khi bị nhiệt miệng, bạn nên ngậm và súc miệng bằng nước muối 2 – 3 lần/ ngày.

Nước muối pha loãng có tác dụng sát trùng nhẹ nên có thể ngăn ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra, ngậm nước muối ấm còn giúp làm dịu cảm giác đau rát và khó chịu. Ban đầu khi ngậm nước muối, vết loét sẽ có cảm giác hơi rát. Tuy nhiên chỉ sau vài lần, vết loét sẽ nhanh chóng liền lại và hết đau rát sau 3 – 7 ngày.

cách trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả
Ngậm và súc miệng bằng nước ấm là một trong những cách trị nhiệt miệng tại nhà đơn giản, hiệu quả

Hướng dẫn cách trị nhiệt miệng tại nhà bằng nước muối:

  • Dùng khoảng 1/2 thìa cà phê muối pha với 100ml nước ngậm
  • Khuấy đều cho muối tan hoàn toàn và ngậm trong 5 – 10 phút
  • Sau đó, súc miệng trong 10 – 15 giây và nhổ bỏ
  • Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày để giảm cảm giác đau rát và giúp vết loét nhanh lành hơn

2. Dùng mật ong trị nhiệt miệng tại nhà đơn giản

Nếu trong nhà có sẵn mật ong, bạn nên tận dụng nguyên liệu này để chữa nhiệt miệng. Mật ong có vị ngọt thanh nên khi thoa lên vết loét không hề gây cảm giác khó chịu và đau rát. Ngược lại, các chất dưỡng ẩm bên trong nguyên liệu này có tác dụng giảm sưng và làm dịu vết loét.

Mật ong được biết đến là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Ngoài khoáng chất và vitamin, mật ong còn chứa hydrogen peroxide có hiệu quả kháng khuẩn và chống viêm. Do đó, dùng mật ong trị nhiệt miệng tại nhà vừa có thể giảm đau vừa giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và đẩy nhanh quá trình làm lành vết loét.

Nếu có hệ miễn dịch kém do thiếu vitamin và khoáng chất, bạn nên thêm mật ong vào chế độ ăn hằng ngày trong thời gian bị nhiệt miệng. Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, mật ong giúp củng cố sức đề kháng và đẩy nhanh quá trình lành vết loét. Bên cạnh đó, chất defesin-1 trong mật ong đã được chứng minh có hiệu quả kháng khuẩn tốt, giúp ích rất nhiều trong việc điều trị và phòng ngừa nhiệt miệng.

cách trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả
Hydrogen peroxide trong mật ong có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn

Một số cách dùng mật ong trị nhiệt miệng tại nhà:

  • Cách 1: Chải răng sạch sẽ, sau đó thoa mật ong lên vết loét để trong vài phút và súc miệng lại với nước sạch. Nên thực hiện 4 – 5 lần/ ngày khi vết loét sưng và gây đau nhiều. Nếu kiên trì thực hiện, vết loét sẽ giảm đau rát và lành hẳn sau khoảng vài ngày.
  • Cách 2: Thêm mật ong vào các món ăn hoặc pha trà mật ong uống để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt khi uống trà mật ong ấm, cảm giác rát và khó chịu ở vết loét sẽ được cải thiện rõ rệt.

3. Công thức trị nhiệt miệng bằng baking soda (muối nở)

Baking soda (muối nở) là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong đời sống nhờ có đặc tính hút ẩm tốt và dễ tan trong nước. Nguyên liệu này cũng được tận dụng để làm trắng răng và điều trị nhiệt miệng.

Baking soda có đặc tính sát trùng và kháng viêm nên có thể ngăn ngừa vết loét. Bên cạnh đó, với độ pH kiềm, muối nở giúp kiềm hóa môi trường trong khoang miệng, từ đó ức chế sự phát triển của hại khuẩn (hại khuẩn thường phát triển mạnh trong môi trường axit). Tuy nhiên, cách này có thể gây ê buốt răng đối với người có men răng mỏng do baking soda có tính tẩy cao.

Cách dùng baking soda trị nhiệt miệng đơn giản:

  • Cho khoảng 2g baking soda vào 100ml nước và khuấy đều cho tan hoàn toàn
  • Dùng dung dịch súc miệng trong khoảng 15 giây rồi nhổ ra
  • Thực hiện 2 lần/ ngày liên tục trong vài ngày cho đến khi vết loét liền lại

4. Dầu dừa giảm đau rát do nhiệt miệng

Ít người biết rằng, ngoài tác dụng dưỡng ẩm và làm dịu da, dầu dừa còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng. Axit lauric trong nguyên liệu này đã được chứng minh có thể ức chế sự phát triển của nấm Candida, vi khuẩn Streptococcus mutans và nhiều chủng hại khuẩn khác bên trong khoang miệng.

Cách trị nhiệt miệng tại nhà bằng dầu dừa có thể ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm và giảm tấy đỏ, sưng viêm. Bên cạnh đó, các axit béo bên trong nguyên liệu này cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét. Nếu kiên trì thực hiện, tình trạng đau rát do nhiệt miệng sẽ giảm nhanh chỉ sau vài ngày.

cách trị nhiệt miệng tại nhà đơn giản
Thoa dầu dừa lên vết loét có thể làm dịu cơn đau và giảm hiện tượng viêm sưng

Hướng dẫn thực hiện:

  • Đánh răng và súc miệng kỹ
  • Sau đó, dùng một lượng dầu dừa thoa lên vết loét để trong vài phút
  • Sau 2 – 3 phút, dùng nước ấm súc miệng để làm sạch dầu dừa trong khoang miệng
  • Dầu dừa là nguyên liệu lành tính nên bạn có thể áp dụng cách này nhiều lần trong ngày, nhất là khi vết loét bị sưng tấy do lỡ cắn phải hoặc do kích ứng khi dùng thức ăn cay nóng/ mặn.

5. Súc miệng với oxy già pha loãng trị nhiệt miệng

Oxy già là dung dịch sát khuẩn chứa hoạt chất Hydrogen peroxide. Thành phần này cũng được sử dụng trong các dung dịch súc miệng nhằm ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại. Nếu có sẵn oxy già tại nhà, bạn có thể tận dụng để điều trị nhiệt miệng.

Pha loãng oxy già để súc miệng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm và thúc đẩy vết thương lành nhanh hơn. Chỉ sau vài ngày, tình trạng viêm loét niêm mạc miệng sẽ được cải thiện rõ rệt.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Pha loãng oxy già và nước sôi để nguội
  • Sau đó, dùng hỗn hợp súc miệng để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa, đồng thời sát khuẩn vết loét ở niêm mạc miệng
  • Thực hiện vài lần/ ngày

6. Dùng túi trà giảm đau do nhiệt miệng

Dùng túi trà cũng là cách trị nhiệt miệng đơn giản, hiệu quả ngay tại nhà. Túi trà chứa một lượng lớn axit tannic có tác dụng làm dịu vết loét ở niêm mạc miệng, qua đó giúp cải thiện tình trạng sưng đau và khó chịu.

Ngoài ra, hầu hết các loại trà như trà đen, trà xanh, trà hoa cúc,… đều chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm và đẩy nhanh tốc độ lành thương. Vì vậy, bạn có thể tận dụng túi trà đã qua sử dụng để giảm đau do nhiệt miệng gây ra.

cách chữa nhiệt miệng đơn giản tại nhà
Axit tannic trong trà túi lọc có tác dụng làm dịu vết loét và đẩy nhanh tốc độ phục hồi niêm mạc miệng

Hướng dẫn thực hiện:

  • Đem trà túi lọc đã qua sử dụng cho vào ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng
  • Súc miệng sạch và dùng túi trà đắp trực tiếp lên vết loét do nhiệt miệng (cách này sẽ thích hợp nếu nhiệt miệng nổi ở vùng môi, bên trong má và nướu răng
  • Chườm trong vài phút để axit tannic thẩm thấu vào vết loét, sau đó lấy túi trà ra và súc miệng bằng nước sạch

7. Cách trị nhiệt miệng tại nhà đơn giản bằng sữa chua

Ngoài tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa, sữa chua còn giúp giảm các triệu chứng do nhiệt miệng gây ra. Sữa chua có vị ngọt dịu, mát và mềm nên khi tiếp xúc với vết loét có thể làm giảm tình trạng vết loét sưng và đau rát.

Bên cạnh đó, sữa chua còn cung cấp cho cơ thể nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, khoáng chất, vitamin và probiotic (lợi khuẩn). Bổ sung các món ăn từ sữa chua hằng ngày giúp tăng cường sức đề kháng, từ đó góp phần cải thiện và phòng ngừa nhiệt miệng hiệu quả.

Cách dùng sữa chua trị nhiệt miệng:

  • Dùng sữa chua ăn hằng ngày để làm dịu vết loét ở niêm mạc miệng
  • Hoặc có thể thoa sữa chua lên vết loét để giảm sưng đau sau khi dùng các món ăn chứa nhiều muối và gia vị cay nóng

8. Chườm lạnh

Các vết loét do nhiệt miệng gây ra có thể dẫn đến viêm cấp (niêm mạc miệng sưng đau, đôi khi gây nổi hạch và mệt mỏi toàn thân). Trong trường hợp này, bạn có thể chườm lạnh để giảm sưng đau và khó chịu. Nhiệt độ thấp từ đá lạnh giúp làm co mạch và ngăn chặn tín hiệu đau truyền về não bộ.

cách chữa nhiệt miệng đơn giản tại nhà
Chườm lạnh là một trong những biện pháp giảm đau rát do nhiệt miệng mang lại hiệu quả cao

Cách thực hiện:

  • Chườm trực tiếp đá viên lên vết loét để giảm sưng và đau nhức
  • Chỉ sau 1 – 2 phút, tình trạng viêm loét do nhiệt miệng gây ra sẽ thuyên giảm đáng kể
  • Ngoài cách chườm đá trực tiếp, bạn cũng có thể làm dịu cảm giác đau rát do nhiệt miệng bằng cách ngậm nước lạnh trong khoảng vài phút, sau đó nhổ bỏ.

9. Cải thiện nhiệt miệng thông qua chế độ dinh dưỡng

Nhiệt miệng là bệnh hay tái phát, đặc biệt là ở những người thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như vitamin B12, sắt, vitamin B9 (axit folic). Chính vì vậy, bạn có thể cải thiện bệnh nhiệt miệng tại nhà bằng chế độ ăn lành mạnh.

Khi ăn uống, vết loét sẽ ma sát với thức ăn dẫn đến tình trạng đau rát và khó chịu. Do đó, nếu có chế độ ăn hợp lý, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng do nhiệt miệng gây ra và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét. Ngoài ra, những người bị nhiệt miệng thường xuyên nên duy trì chế độ ăn lành mạnh để nâng cao sức khỏe và phòng ngừa tái phát.

cách chữa nhiệt miệng đơn giản tại nhà
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm dịu cảm giác đau rát và đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét

Chế độ ăn giúp cải thiện bệnh nhiệt miệng ngay tại nhà:

  • Khi bị nhiệt miệng, nên dùng các món ăn mềm, lỏng, nguội và ít gia vị (đặc biệt kiêng gia vị cay nóng) để tránh cảm giác đau rát khi ăn uống.
  • Uống nhiều nước và tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng. Qua đó đẩy nhanh tốc độ lành vết thương và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát. Hơn nữa, trái cây và rau xanh chứa hàm lượng nước dồi dào có thể làm dịu hiện tượng sưng viêm ở vết loét.
  • Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, sắt, vitamin B, đạm,…
  • Dùng thức ăn có tính mát để làm dịu vết loét như nha đam, rau má, sắn dây, rau ngót, cần tây,…
  • Hạn chế dùng thức ăn chứa nhiều axit, gia vị cay nóng và mặn. Ngoài ra, nên kiêng thức ăn cứng, khô và các loại thức ăn dễ dị ứng như hải sản, mè, đậu phộng, sữa bò và trứng gà.
  • Tránh dùng cà phê, rượu bia trong thời gian bị nhiệt miệng. Bởi các thức uống này có thể khiến vết loét chậm lành hơn.

10. Sử dụng một số loại thuốc không kê toa

Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể dùng một số loại thuốc không kê toa để cải thiện tình trạng đau rát do nhiệt miệng gây ra. Các loại thuốc được sử dụng thường là thuốc dạng bôi ngoài có tác dụng giảm đau rát và tạo màng ngăn để vết loét nhanh lành.

Một số loại thuốc không kê toa được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiệt miệng:

  • Thuốc bôi chứa chất gây tê như Lidocaine, Benzocaine
  • Thuốc bôi chứa corticosteroid như Hydrocortisone acetonide, Triamcinolone,…
  • Các loại nước súc miệng chứa hoạt chất kháng khuẩn như Hydrogen peroxide, Chlorhexidine, Hexetidin,…
  • Kháng sinh dạng thoa hoặc uống nếu vết loét sâu và có nguy cơ viêm nhiễm cao
  • Dùng thêm vitamin C, kẽm và sắt cho những trường hợp hệ miễn dịch kém

Thông thường, nhiệt miệng có thể thuyên giảm nhanh sau khi dùng thuốc bôi ngoài. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải dùng thuốc kê toa (vết loét sâu, bị nhiễm trùng thứ phát, phạm vi vết loét rộng,…).

Lưu ý khi chữa nhiệt miệng tại nhà

Nhiệt miệng là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính và hầu hết có thể tự thuyên giảm sau 7 – 14 ngày. Nếu thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà, vết loét sẽ nhanh chóng lành lại sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên khi áp dụng các cách chữa nhiệt miệng tại nhà, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

cách chữa nhiệt miệng đơn giản tại nhà
Trong thời gian bị nhiệt miệng, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng, súc miệng, dùng chỉ nha khoa,…
  • Trong thời gian bị nhiệt miệng, nên nghỉ ngơi điều độ để giảm stress. Bởi căng thẳng thần kinh là một trong những yếu tố khiến nhiệt miệng bùng phát và tái phát nhiều lần.
  • Không hút thuốc lá trong thời gian bị nhiệt miệng. Nicotine và các độc tố bên trong khói thuốc có thể khiến vết loét chậm lành. Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn có hại phát triển và gia tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Đảm bảo vệ sinh răng miệng đúng cách và đầy đủ bao gồm chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn ở kẽ răng. Nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng, vết loét sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao và chậm lành.
  • Nhiệt miệng có liên quan đến các bệnh nha khoa như viêm nướu răng, viêm nha chu, sâu răng,… Chính vì vậy, bên cạnh các biện pháp điều trị tại nhà, bạn nên đến phòng khám để kiểm tra răng miệng và can thiệp các phương pháp điều trị phù hợp.

Trên đây là 10 cách trị nhiệt miệng tại nhà an toàn và hiệu quả. Ngoài những cách trên, bạn đọc nên chú ý điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt để vết loét nhanh lành. Trong trường hợp vết loét lớn, sâu và có dấu hiệu viêm nhiễm, nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!