Nhiệt Miệng Ở Lưỡi: Cách Chăm Sóc Và Chữa Trị Giảm Đau Nhanh

Nhiệt miệng ở lưỡi (nhiệt lưỡi) thường gây ra cảm giác khó chịu, sưng đỏ và đau rát. Mặc dù có thể tự thuyên giảm nhưng trong thời gian tiến triển, vết loét gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Chủ động trang bị các biện pháp giảm đau và chăm sóc hợp lý sẽ giúp bạn kiểm soát chứng bệnh này một cách hiệu quả hơn.

bị nhiệt miệng ở lưỡi
Nhiệt miệng ở lưỡi (nhiệt lưỡi) là một dạng viêm loét niêm mạc miệng có mức độ nhẹ và lành tính

Nhiệt miệng ở lưỡi là bệnh gì?

Nhiệt miệng ở lưỡi hay nhiệt lưỡi là một dạng viêm loét niêm mạc miệng thường gặp. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các nốt mụn mủ, sau đó nhanh chóng vỡ tạo thành vết loét. Vết loét có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong khoang miệng như bên trong vòm họng, nướu và thậm chí là lưỡi.

Nhiệt miệng là bệnh lành tính và đa phần đều không cần điều trị. Thông thường, sau khoảng 5 – 14 ngày, các vết loét sẽ tự lành lại. Tuy nhiên trong thời gian này, vết loét thường gây đau rát, sưng, khó chịu và có thể gây chảy máu trong quá trình ăn uống. Do đó, dù có thể tự thuyên giảm nhưng nhiều trường hợp phải tiến hành điều trị và chăm sóc để giảm nhẹ triệu chứng.

Nhiệt miệng ở lưỡi có thể gặp ở mọi độ tuổi từ trẻ em cho đến người trưởng thành và người cao tuổi. So với nhiệt miệng ở niêm mạc miệng, vết loét xuất hiện ở lưỡi gây đau nhiều hơn do thường xuyên ma sát với thức ăn. Hơn nữa ở một số trường hợp, vết loét có thể tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng đáng kể đến quá trình ăn uống và sinh hoạt.

Nhận biết nổi nhiệt miệng ở lưỡi

Nhiệt miệng ở lưỡi có triệu chứng tương tự như nhiệt miệng thông thường và chỉ khác biệt ở vị trí của vết loét. Vết loét do nhiệt miệng gây ra thường có kích thước nhỏ nhưng có cảm giác đau rát nhiều. Do đó, bạn sẽ dễ dàng nhận biết triệu chứng của bệnh lý này.

Hình ảnh nhiệt lưỡi
Nhiệt miệng có thể nổi ở mặt lưỡi, cuống lưỡi hoặc rìa lưỡi

Các dấu hiệu nhận biết bệnh nhiệt miệng ở lưỡi:

  • Nhiệt miệng có thể xuất hiện ở mặt trên, mặt dưới, rìa hoặc cuống lưỡi.
  • Ban đầu, mụn mủ sẽ xuất hiện với kích thước nhỏ dao động từ 2 – 10mm, mủ có màu trắng đục hoặc vàng. Lúc này, lưỡi chỉ có cảm giác đau nhẹ và đôi khi không gây đau.
  • Sau đó, mụn mủ nhanh chóng bị vỡ tạo thành vết loét lõm, bờ cộm và khá nông. Vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, đường kính không quá 1cm và thường có màu đỏ hơn so với vùng lưỡi xung quanh.
  • Vết loét gây đau rát, sưng, khó chịu và đôi khi có chảy máu nhẹ. Cảm giác khó chịu sẽ tăng lên khi dùng tay chạm vào hoặc khi dùng các loại thực phẩm có vị chua, cay, mặn.
  • Nhiệt miệng ở lưỡi thường không có mùi hôi, khó chịu.
  • Đa phần các trường hợp bị nhiệt miệng đều mọc đơn độc từ 1 – 2 vết loét. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp xuất hiện vết loét nhiều, mọc từng đám hoặc rải rác.
  • Một số trường hợp có thể bị nhiệt lưỡi nặng khiến toàn bộ lưỡi bị sưng, đau và gặp khó khăn khi ăn uống. Trẻ nhỏ thường nhạy cảm hơn so với người lớn nên trẻ có thể bị sưng hạch bạch huyết góc hàm, sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi và quấy khóc. Tuy nhiên, các triệu chứng này không phổ biến bằng các triệu chứng tại chỗ.
  • Vết loét do nhiệt miệng gây ra thường tự thuyên giảm sau 5 – 14 ngày. Tuy nhiên, bệnh lý này rất dễ tái phát – đặc biệt là với trẻ em suy dinh dưỡng, nhẹ cân và người lớn thường xuyên bị stress.

Nguyên nhân gây nổi nhiệt miệng ở lưỡi

Nhiệt miệng là bệnh về răng miệng phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố có thể gia tăng nguy cơ bị nhiệt miệng nói chung và nhiệt miệng ở lưỡi nói riêng, bao gồm:

nổi nhiệt miệng ở lưỡi
Các bệnh lý nha khoa có thể gia tăng nguy cơ bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi
  • Mắc phải các bệnh lý nha khoa: Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, các vấn đề nha khoa như sâu răng, viêm lợi, viêm quanh chân răng, viêm nha chu,… có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiệt miệng. Các chuyên gia đặt ra giả thuyết, các bệnh lý này làm thay đổi môi trường sinh lý và miễn dịch tự nhiên của khoang miệng. Đây chính là điều kiện gia tăng nguy cơ bị nhiệt miệng và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  • Niêm mạc lưỡi bị xây xước: Các vết xước ở lưỡi hay niêm mạc miệng chính là điều kiện thuận lợi gây ra chứng nhiệt miệng. Tình trạng này thường bắt nguồn từ việc chải răng quá mạnh, cắn phải lưỡi trong quá trình ăn uống, ma sát với khí cụ chỉnh nha, chấn thương và sử dụng thức ăn cứng, khô.
  • Kích ứng, dị ứng: Có nhiều bằng chứng cho thấy, nhiệt miệng có liên quan đến tình trạng kích ứng và dị ứng. Đa phần những trường hợp nổi nhiệt miệng ở lưỡi đều do kích ứng với cồn, hương liệu và SLS trong sản phẩm chăm sóc răng miệng. Ngoài ra, dị ứng thức ăn cũng được xem là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Thiếu vitamin và khoáng chất: Thiếu các vitamin và khoáng chất như kẽm, sắt, magie, vitamin C, vitamin nhóm B và D có liên quan đến chứng nhiệt miệng. Mặc dù cơ chế chưa được biết rõ nhưng việc sử dụng các viên uống bổ sung vitamin và chế độ ăn hợp lý góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát. Do đó, nhiều khả năng nhiệt miệng nổi ở lưỡi là do thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu.
  • Căng thẳng thần kinh: Nhiệt miệng ở lưỡi có mối liên hệ mật thiết với stress. Khi đối mặt với căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh một lượng lớn hormone cortisol. Hormone này có tác dụng tăng đường huyết, huyết áp và cân bằng các nội tiết khác trong cơ thể. Tuy nhiên, việc gia tăng cortisol quá mức sẽ gây ức chế hệ miễn dịch và dẫn đến chứng nhiệt lưỡi.
  • Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân và yếu tố trên, nhiệt lưỡi còn có liên quan đến tình trạng suy nhược cơ thể, chấn thương thể chất nghiêm trọng, mắc phải các bệnh lý có liên quan đến rối loạn miễn dịch, thay đổi nội tiết tố và tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Mặc dù nguyên nhân, yếu tố gây bệnh khá đa dạng nhưng nhìn chung, nổi nhiệt miệng ở lưỡi là tình trạng lành tính và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, việc cải thiện yếu tố nguy cơ có thể giúp vết loét nhanh lành hơn và giảm đáng kể khả năng bệnh tái phát.

Bị nhiệt miệng ở lưỡi có ảnh hưởng gì không?

Nhiệt miệng ở lưỡi là bệnh lành tính, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Thông thường, vết loét do nhiệt miệng gây ra sẽ thuyên giảm nhanh chóng chỉ sau vài ngày đến vài tuần. Đối với các vết loét nhỏ, tình trạng thường chỉ gây đau rát nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình ăn uống và giao tiếp.

Tuy nhiên, vết loét có kích thước lớn sẽ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Mặc dù kích thước không bao giờ vượt quá 1cm nhưng vết loét do nhiệt miệng thường gây đau rát nhiều, nhất là khi vết loét xuất hiện ở mặt lưỡi và rìa lưỡi. Bởi đây đều là những vị trí tiếp xúc thường xuyên với thức ăn và răng.

nổi nhiệt miệng ở lưỡi
Nổi nhiệt miệng ở lưỡi thường gây ra cảm giác khó chịu, đau rát khi ăn uống và trò chuyện

Trẻ nhỏ bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi thường có phản ứng quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn và mệt mỏi. Thậm chí, một số trẻ có thể bị sốt nhẹ và sưng hạch góc hàm do nhiệt lưỡi gây ra. Các trường hợp này cần phải được chăm sóc và điều trị hợp lý để kiểm soát triệu chứng, đẩy nhanh tốc độ tái tạo và phục hồi vết loét.

Về cơ bản, nhiệt miệng ở lưỡi là tình trạng khá phổ biến và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh có thể tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Tình trạng tái phát thường có liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn và những yếu tố nội sinh. Những trường hợp này cần phải thăm khám và thực hiện sàng lọc để phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Các phương pháp điều trị nhiệt miệng ở lưỡi

Nhiệt miệng ở lưỡi gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Nếu vết loét gây khó chịu và đau rát nhiều, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị. Mục đích của các biện pháp này là giảm đau rát, sưng đỏ và chảy máu trong thời gian chờ vết loét lành hẳn.

Các phương pháp điều trị bệnh nhiệt miệng ở lưỡi bao gồm:

1. Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng

Như đã đề cập, vết loét do nhiệt miệng thường có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên để làm dịu vết loét và ngăn ngừa viêm nhiễm, bạn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng. Ngay cả khi tình trạng được cải thiện, cần duy trì thói quen vệ sinh đúng cách để phòng ngừa nhiệt miệng tái phát và ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa thường gặp như viêm nướu, sâu răng,…

bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi
Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng trong thời gian bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi

Các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp cải thiện tình trạng nổi nhiệt miệng ở lưỡi:

  • Ngưng sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa các thành phần gây kích ứng. Tốt nhất nên lựa chọn sản phẩm có công thức lành tính, an toàn dành riêng cho người có nướu, răng nhạy cảm.
  • Sử dụng bàn chải lông mềm, mảnh để thuận tiện cho quá trình chải răng và hạn chế tình trạng xây xước niêm mạc lưỡi, miệng. Khi đánh răng, bạn nên thao tác theo chiều dọc để dễ dàng loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa và cao răng bên trong. Ngày chải răng từ 2 – 3 lần để giữ vệ sinh răng miệng và ngăn ngừa viêm nhiễm vết loét ở lưỡi.
  • Ngoài chải răng, nên súc miệng với nước muối pha loãng hoặc các sản phẩm súc miệng chuyên dụng. Bởi việc chải răng không thể làm sạch vi khuẩn ở bề mặt lưỡi và niêm mạc miệng.
  • Sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn trong các kẽ. Nếu đang niềng răng, nên dùng chỉ nha khoa dành riêng cho người niềng răng và bàn chải kẽ để đảm bảo răng miệng được làm sạch hoàn toàn.

2. Các biện pháp cải thiện tại nhà

Thông thường, vết loét do nhiệt lưỡi chỉ gây đau rát và khó chịu nhẹ. Nếu không cần thiết, bạn nên hạn chế dùng thuốc và cải thiện tình trạng bằng một số mẹo tại nhà. Các biện pháp này tương đối an toàn, dễ thực hiện và có thể giảm phần nào cảm giác khó chịu ở vùng lưỡi.

bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi
Có thể dùng mật ong nguyên chất để cải thiện cảm giác đau rát và ngăn ngừa viêm nhiễm vết loét ở lưỡi

Các biện pháp cải thiện chứng nhiệt lưỡi tại nhà:

  • Chườm đá: Nhiệt miệng ở lưỡi thường sưng và đau nhiều hơn những vị trí khác do lưỡi tiếp xúc nhiều với thức ăn. Chườm đá lạnh lên vết loét có thể giảm nhanh cảm giác sưng đau và chảy máu. Sau các bữa ăn, vết loét thường bị kích thích và có xu hướng tấy đỏ. Lúc này, bạn có thể dùng đá viên chườm nhẹ nhàng lên vết loét để cải thiện các triệu chứng khó chịu.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng làm dịu, sát trùng và kháng khuẩn. Do đó, bạn có thể súc miệng bằng nước muối ấm để cải thiện các triệu chứng do nhiệt lưỡi gây ra. Cách chữa này còn giúp vết loét nhanh lành và hạn chế nguy cơ bị viêm nhiễm.
  • Dùng túi trà đã qua sử dụng: Thay vì vứt bỏ túi trà đã qua sử dụng, bạn có thể tận dụng để cải thiện tình trạng nổi nhiệt miệng ở lưỡi. Chất tanin trong các loại trà đã được chứng minh có tác dụng làm se vết loét, giảm sưng đau và chống viêm. Để tăng hiệu quả, nên để túi trà trong ngăn mát tủ lạnh trước khi sử dụng. Nhiệt độ mát sẽ giúp làm dịu vết loét và giảm nhanh cảm giác đau rát, khó chịu.
  • Sử dụng mật ong nguyên chất: Mật ong nguyên chất có chứa hydrogen peroxide với đặc tính sát trùng và kháng khuẩn mạnh. Để làm dịu và ngăn ngừa viêm nhiễm vết loét, bạn có thể dùng mật ong thoa lên vết loét ở lưỡi vài lần trong ngày. Ngoài ra, nên dùng thêm nước mật ong ấm để cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Thông qua việc nâng cao sức đề kháng, vết loét do nhiệt miệng gây ra sẽ nhanh lành và ít có nguy cơ tái phát hơn.

Các biện pháp trị nhiệt lưỡi tại nhà có thể giảm nhanh triệu chứng và giúp vết loét nhanh lành hơn. Các biện pháp này đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá an toàn, có thể áp dụng cho cả người lớn và trẻ em.

3. Sử dụng thuốc trị nhiệt miệng

Nổi nhiệt miệng ở lưỡi thường gây đau nhiều hơn so với nhiệt miệng ở những vị trí khác. Hơn nữa, thức ăn có thể ma sát khiến cho vết loét bị kích thích và có nguy cơ viêm nhiễm cao. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị nhiệt miệng như:

bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi
Nếu nhiệt miệng gây đau nhiều, có thể dùng một số loại thuốc bôi và thuốc uống để cải thiện
  • Các loại thuốc bôi: Có thể dùng thuốc bôi chứa Lidocaine, Benzocaine, Nitrat bạc hoặc các hoạt chất corticoid để giảm sưng đau, khó chịu ở vết loét. Các loại thuốc này thường được dùng trực tiếp lên vết loét ở lưỡi với tần suất từ 2 – 3 lần. Ngoài các loại thuốc giảm triệu chứng, bạn cũng có thể dùng thuốc tạo màng ngăn để bảo vệ vết loét. Qua đó giúp giảm nhanh triệu chứng và ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm.
  • Thuốc uống: Trong trường hợp vết loét gây đau và sưng nhiều, có thể dùng Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt, khá an toàn khi dùng cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên nếu không cần thiết, nên ưu tiên dùng thuốc dạng bôi thay vì thuốc uống để tránh các tác dụng không mong muốn.
  • Dung dịch súc miệng: Vết loét ở lưỡi rất dễ bị viêm nhiễm. Bên cạnh các loại thuốc bôi và thuốc uống, bạn có thể dùng một số dung dịch súc miệng có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn như Tetracycline và Chlorhexidine. Các dung dịch súc miệng này cũng được dùng để điều trị các bệnh răng miệng thường gặp như viêm nướu răng, viêm quanh chân răng và viêm nha chu.

Các loại thuốc nhiệt miệng được sử dụng chỉ có tác dụng giảm triệu chứng và kiểm soát, phòng ngừa viêm nhiễm. Do đó, bạn chỉ nên dùng thuốc trong trường hợp cần thiết. Đối với nhiệt lưỡi có mức độ nhẹ, việc chăm sóc hợp lý và thực hiện các biện pháp cải thiện tại nhà hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh chỉ sau 5 – 10 ngày.

Bị nhiệt miệng ở lưỡi nên ăn gì?

Nhiệt miệng ở lưỡi thường gây đau nhiều do thức ăn ma sát với vết loét. Do đó, không ít người băn khoăn “Bị nhiệt miệng ở lưỡi nên ăn gì?”. Chế độ ăn hợp lý không chỉ giúp giảm đau, hạn chế kích thích lên vết loét mà còn đẩy nhanh tốc độ phục hồi và giảm nguy cơ nhiệt lưỡi tái phát.

bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi
Nên dùng thức ăn lỏng, mềm và ít gia vị trong thời gian bị nổi nhiệt miệng ở lưỡi

Chế độ ăn dành cho người bị nhiệt miệng ở lưỡi:

  • Tránh các loại thực phẩm, món ăn chứa nhiều axit, mặn, cay và nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, nên dùng thức ăn mềm và nhạt để tránh kích thích lên vết loét.
  • Hạn chế dùng thức ăn cứng và khô. Bởi ma sát trong quá trình ăn uống có thể khiến vết loét bị xây xước, chảy máu. Tốt nhất, bạn nên hạn chế dùng các loại thực phẩm này để tránh tình trạng nhiệt lưỡi tái phát sau điều trị.
  • Dùng các loại thực phẩm có tính mát như trái cây, rau xanh, các loại củ, hạt chia,… để làm dịu vết loét. Ngoài ra, khoáng chất và vitamin trong các thực phẩm này còn giúp nâng cao sức đề kháng. Qua đó cải thiện tình trạng giảm hệ miễn dịch và phòng ngừa nhiệt lưỡi tái phát.
  • Nên ăn sữa chua trong thời gian bị nhiệt miệng. Bởi lợi khuẩn trong thực phẩm này sẽ giúp ức chế hại khuẩn trong khoang miệng và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm vết loét hiệu quả.
  • Nổi nhiệt miệng ở lưỡi thường có liên quan đến việc thiếu hụt vitamin C, B, D, magie, kẽm và sắt. Do đó, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm này vào chế độ ăn để cải thiện sức khỏe và đẩy nhanh tốc độ tái tạo vết loét.
  • Không dùng rượu bia, cà phê và các loại nước ngọt có gas vì các thức uống này có thể kích thích khiến vết loét đau rát nhiều và chậm lành hơn bình thường.

Phòng ngừa nhiệt miệng ở lưỡi tái phát

Nổi nhiệt miệng ở lưỡi là tình trạng khá phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng vết loét ở lưỡi gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt và ăn uống. Vì vậy sau khi điều trị, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Các biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng ở lưỡi tái phát:

  • Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng và khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Nếu có các vấn đề nha khoa, nên điều trị sớm để phòng ngừa nhiệt miệng và các biến chứng nghiêm trọng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống khoa học để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, nên hạn chế căng thẳng thần kinh bằng cách cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
  • Đọc kỹ bảng thành phần trong khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng. Nếu có nướu và răng nhạy cảm, bạn nên dùng sản phẩm có công thức lành tính, an toàn để hạn chế nguy cơ kích ứng.
  • Sử dụng sáp nha khoa trong thời gian đầu niềng răng để tránh xây xước niêm mạc miệng và lưỡi. Ngoài ra, nên chú ý trong quá trình ăn uống và sinh hoạt để tránh gây xước, chảy máu niêm mạc.

Nhiệt miệng ở lưỡi là một dạng viêm loét niêm mạc miệng có mức độ nhẹ và lành tính. Tuy nhiên, bạn nên có những hiểu biết về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa để biết cách xử lý và chủ động ngăn ngừa chứng bệnh này. Nếu tình trạng tái phát nhiều lần, nên tìm gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!