Nhổ răng khôn bị sưng má thường kéo dài từ 2 – 3 ngày, không nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng này có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến chức năng nhai và nuốt. Một số biện pháp chăm sóc và giảm nhẹ có thể giúp giảm nhanh vết sưng và đau sau nhổ răng khôn.
Vì sao nhổ răng khôn bị sưng má?
Nhổ răng khôn bị sưng má là một tình trạng phổ biến, thường gặp ở răng khôn hàm dưới, kéo dài trong vòng 3 ngày ở hầu hết các trường hợp. So với những chiếc răng khác, răng khôn (răng số 8) đặc biệt hơn. Răng này gồm 4 chiếc răng vĩnh viễn, mọc cuối cùng vào độ tuổi trưởng thành (từ 17 đến 25 tuổi), vị trí là ở mỗi góc hàm.
Răng khôn hàm dưới có 2 chân, răng khôn hàm trên có 3 chân. Răng này có thể mọc thẳng hoặc ở tư thế phức tạp (chẳng hạn như mọc ngang và đâm vào những chiếc răng khác). Bên cạnh đó răng khôn liên quan đến những mạch máu lớn và gần hệ thống dây thần kinh mặt.
Chính vì thế mà việc nhổ răng khôn khá phức tạp, gây đau nhiều, chảy nhiều máu và sưng má vài ngày. Mặt khác, bác sĩ cần sử dụng dụng cụ tách nướu khi nhổ răng khôn. Những trường hợp khó cần tách răng khôn và mở xương ổ răng.
Thủ thuật nêu trên giúp lấy hết toàn bộ chân răng nhưng tạo đến vết nhổ sâu và lớn, tổn thương nhiều mô mềm và ảnh hưởng đến xương hàm. Do đó mà người nhổ răng khôn dễ bị sưng má, chảy máu và đau đớn nhiều ngày.
Thời gian và mức độ sưng má sau khi nhổ răng khôn có thể khác nhau ở mỗi người. Thủ thuật càng đơn giản, càng nhẹ nhàng và khéo léo thì mức độ sưng sau nhổ răng khôn càng giảm, máu chảy ra càng ít.
Nhổ răng khôn bị sưng má có sao không?
Nhổ răng khôn bị sưng má là một tình trạng bình thường, không nguy hiểm, xảy ra ở hầu hết các trường hợp. Vết sưng thường lớn, lộ rõ ra bên ngoài dẫn đế sưng to một bên mặt, có sự chênh lệch giữa hai má. Một số trường hợp khác có thể bị nổi hạch dưới hàm ở bên nhổ răng.
Hầu hết các trường hợp có vết sưng sau nhổ răng khôn kéo dài 2 – 3 ngày. Tình trạng này không trở nên nghiêm trọng mà thuyên giảm theo thời gian. Áp dụng một số biện pháp có thể giúp giảm sưng nhanh hơn.
Nhổ răng khôn bị sưng má có thể nguy hiểm nếu:
- Kéo dài trên 4 ngày với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng
- Sưng má kèm theo tấy đỏ, đau nhức và sốt
- Sinh mủ tại vết mổ kèm theo mùi hôi
- Nổi hạch lớn bên nhổ răng
- Cứng hàm, đau khi há miệng, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống.
Điều này có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Viêm ổ răng hoặc nhiễm trùng sau nhổ răng khôn do sử dụng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn hoặc không vệ sinh vết nhổ đúng cách
- Còn sót chân răng trong nướu
Nếu có nghi ngờ nhiễm trùng hoặc những tình trạng y tế nghiêm trọng khác, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ nha khoa để được kiểm tra kỹ lưỡng. Từ đó có những biện pháp xử lý thích hợp và nhanh chóng.
Cách khắc phục nhổ răng khôn bị sưng má
Hầu hết các trường hợp nhổ răng khôn bị sưng má không đáng lo ngại, vết sưng đau giảm dần theo thời gian và kết thúc trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên tình trạng này có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến quá trình ăn uống.
Để sưng má sau khi nhổ răng khôn thuyên giảm nhanh chóng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc dưới đây:
1. Dùng thuốc theo hướng dẫn
Đầu tiên hãy dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đây là cách tốt nhất để giảm đau và hạn chế sưng má sau khi nhổ răng khôn. Thông thường thuốc giảm đau Paracetamol hoặc NSAID (như Ibuprofen) sẽ được chỉ định.
- Paracetamol: Paracetamol thích hợp với những cơn đau nhẹ. Thuốc này mang đến hiệu quả giảm đau và hạ sốt nhanh chóng.
- Ibuprofen: Ibuprofen được chỉ định cho những cơn đau vừa. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa và trị viêm, giảm sưng và đau. Dựa trên kiểm tra lâm sàng, Ibuprofen được đánh giá là loại thuốc giảm đau tốt nhất cho người nhổ răng khôn.
Thuốc nên được uống sau nhổ răng 1 – 2 giờ để ngăn đau sau khi giảm hiệu quả của thuốc gây tê. Tuân thủ liều dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả và an toàn.
2. Nghỉ ngơi và nâng cao đầu
Sau khi nhổ răng khôn, bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ và kê cao đầu để giảm nhẹ các triệu chứng liên quan. Nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi, giảm mệt mỏi, giảm đau, làm dịu vết mổ. Đồng thời tạo điều kiện cho mô mềm tổn thương ổn định và lành lại.
Nên kê cao đầu trong khi nghỉ ngơi. Đây là một trong những cách giảm sưng và cầm máu sau khi nhổ răng hiệu quả. Cách này giúp máu lưu thông và về tim dễ dàng, hạn chế tình trạng ứ dịch và máu ở vết mổ. Từ đó cầm máu nhanh chóng, giảm tình trạng nhổ răng khôn bị sưng má.
Nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng sang bên không bị thương khi nghỉ ngơi. Không nên nằm nghiêng bên răng nhổ để tránh tăng áp lực dẫn đến sưng và đau đớn nghiêm trọng hơn.
3. Chườm lạnh
Chườm lạnh là một trong những cách khắc phục nhổ răng khôn bị sưng má tốt nhất, nên được áp dụng ngay khi về nhà, sau thủ thuật. Nhiệt độ thấp làm co mạch, giảm lượng máu đi qua và ứ đọng tại vùng bị thương. Từ đó giúp cầm máu và giảm sưng hiệu quả.
Ngoài ra chườm lạnh còn giúp giảm đau sau nhổ răng hiệu quả. Liệu pháp này nên được áp dụng thường xuyên trong 48 giờ đầu sau thủ thuật. Khi thực hiện, dùng khăn lạnh hoặc một túi đá lạnh đặt vào vùng bị sưng, giữ trong 15 phút, lặp lại mỗi 3 tiếng.
4. Chườm ấm
Sau 48 giờ chườm lạnh, bạn có thể chuyển sang chườm ấm để tăng hiệu quả giảm đau và sưng. Liệu pháp này nên được áp dụng từ 2 – 3 ngày, mỗi ngày 3 – 4 lần.
Nhiệt độ cao từ liệu pháp chườm ấm có tác dụng giãn mạch, tăng tuần hoàn máu, giảm tình trạng ứ huyết ở vùng bị sưng. Từ đó làm tan máu bầm và giảm tình trạng sưng má hiệu quả.
Ngoài ra chườm ấm còn giúp giảm đau hiệu quả, thư giãn và thúc đẩy chữa lành các mô bên trong. Đồng thời giảm tình trạng co thắt và cứng hàm, giúp ăn uống dễ dàng hơn.
Hướng dẫn cách chườm ấm khắc phục nhổ răng khôn bị sưng má:
- Dùng khăn ấm, chai nước ấm hoặc đệm sưởi có nhiệt độ thích hợp đặt lên má bị sưng
- Giữ trong 20 phút
- Lặp lại vài lần mỗi ngày.
5. Súc miệng bằng nước muối
Từ 6 – 12 giờ sau khi nhổ răng khôn, bạn có thể súc miệng bằng nước muối loãng (hoặc nước muối sinh lý). Nước muối chứa những hoạt chất có khả năng làm sạch khoang miệng, chống viêm, kháng khuẩn, phòng ngừa nhiễm trùng sau nhổ răng khôn.
Ngoài ra nước muối còn có tác dụng giảm đau, giảm tình trạng nhổ răng khôn bị sưng má. Đồng thời tạo điều kiện cho vết nhổ cũng như các mô lành lại nhanh chóng.
Lưu ý: Súc miệng với nước muối một cách nhẹ nhàng. Không súc miệng hoặc khạc nhổ mạnh để tránh làm tan cục máu đông và gây chảy máu tái diễn.
6. Chú ý đến chế độ ăn uống
Sau khi nhổ răng khôn, cần tránh nhai nhiều, nhai mạnh để không làm tăng mức độ sưng và đau. Trong vài ngày đầu, nên lựa chọn những loại thực phẩm mềm, lỏng, không cần nhai nhiều và dễ nuốt.
Không nên ăn những loại thực phẩm quá dai, cứng, khô, lớn, cần cắn xé… Bởi những loại thực phẩm này có thể làm ảnh hưởng đến vết nhổ, gây đau và sưng thêm nghiêm trọng. Ngoài ra thực phẩm cay nóng có thể kích thích viêm sưng và đau ở vết thương.
Nên ăn nhiều rau xanh, các loại củ nấu mềm, thịt, cá, trứng, nước ép trái cây… để tăng cường bổ sung những chất dinh dưỡng sau:
- Protein: Phục hồi thể trạng và tăng tốc độ chữa lành tổn thương.
- Vitamin C: Kháng viêm, giảm đau, chống nhiễm trùng, tăng cường sức đề kháng và giảm sưng viêm.
- Canxi và phốt pho: Cải thiện sức khỏe răng miệng, tăng tốc độ chữa lành.
- Omega-3: Giảm đau, kháng viêm, tăng tốc độ chữa lành vết thương.
Ngoài tiêu thụ nguồn dinh dưỡng lành mạnh, nên đảm bảo uống nhiều nước mỗi ngày để duy trì tốc độ chữa lành và giữ miệng luôn ẩm. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và viêm ổ răng.
Tham khảo thêm: Nhổ Răng Khôn Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Giảm Đau, Chóng Lành
7. Chăm sóc răng miệng
Cần chăm sóc răng miệng đúng cách để tăng tốc độ chữa lành và giảm sưng sau nhổ răng khôn nhanh chóng. Cụ thể:
- Cắn chặt bong gòn từ 3 – 4 tiếng để cầm máu sau khi nhổ răng khôn.
- Không súc miệng và khạc nhổ mạnh.
- Tránh dùng lưỡi tác động vào vết thương.
- Không dùng tay chạm vào vết thương để tránh nhiễm trùng.
- Sau 6 – 12 tiếng có thể nhẹ nhàng súc miệng với nước muối ấm.
- Tránh dùng ống hút, không hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đánh răng sau mỗi bữa ăn. Lưu ý không chải vào vết nhổ để tránh làm ảnh hưởng đến vết thương, gây sưng đau và chảy máu.
- Tránh tập thể dục và vận động gắng sức. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng mức độ sưng đau và khó cầm máu.
Nhìn chung nhổ răng khôn bị sưng má là một tình trạng bình thường, xảy ra ở hầu hết các trường hợp và không nguy hiểm. Vết sưng thường kéo dài từ 2 – 3 ngày, tự giảm và mất đi. Để thúc đẩy quá trình chữa lành và giảm sưng đau nhanh chóng, cần áp dụng các biện pháp chăm sóc và khắc phục phù hợp.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Không Nhổ Răng Khôn Có Sao Không? Gây Biến Chứng Gì?
Răng Khôn Mọc Thẳng Có Nên Nhổ Không? Bác sĩ giải đáp
Mới Nhổ Răng Ăn Thịt Bò Được Không? Có Nên Ăn?
Nhổ Răng Khôn Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Giảm Đau, Chóng Lành
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!