Tìm Hiểu Quá Trình Lành Thương Sau Khi Nhổ Răng Khôn

Quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn sẽ mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời gian phục hồi sẽ có sự khác biệt tùy theo cơ địa, độ tuổi, kích thước ổ răng và phương pháp nhổ răng mà bạn lựa chọn.

quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng khôn
Vết thương sau khi nhổ răng khôn cần một thời gian dài mới có thể phục hồi hoàn toàn

Quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng khôn diễn ra như thế nào?

Hơn 80% trường hợp mọc răng khôn đều có chỉ định nhổ bỏ do răng mọc ngầm, mọc lệch, viêm lợi trùm, răng bị sâu, áp xe,… Răng khôn không giữ vai trò quan trọng đối với chức năng ăn nhai, thẩm mỹ và hỗ trợ phát âm nên không nhất thiết phải bảo tồn như răng ở những vị trí khác.

Thực tế, một số trường hợp răng khôn mọc thẳng đôi khi cũng phải nhổ bỏ do răng nằm sâu bên trong nên rất khó vệ sinh. Về lâu dài, răng có thể gặp phải các vấn đề nha khoa dẫn đến đau nhức, ê buốt, khó chịu, đồng thời có thể gây tổn thương các răng lân cận.

Nhổ răng khôn là thủ thuật nha khoa khá đơn giản nhưng ít nhiều sẽ gây tổn thương nướu và xương hàm. Do đó, vết thương sau khi nhổ răng sẽ mất một thời gian để phục hồi hoàn toàn. Để biết cách chăm sóc, bạn nên tìm hiểu quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn.

Nhổ răng khôn có thể đau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Dưới đây là một số điều bạn cần biết: Vị trí mọc: Răng khôn mọc ở vị trí nào có thể ảnh hưởng đến cảm giác đau khi nhổ [1]. Tiểu phẫu răng khôn: Nếu cần tiểu phẫu, có thể có đau nhưng thường được kiểm soát bằng thuốc giảm đau [2]. Thời gian hồi phục: Cảm giác đau thường giảm sau 2-3 ngày, và vết thương sẽ lành sau 1-2 tuần [3]. Trong một số trường hợp, nhổ răng khôn gây đau nhiều cần liên hệ ngay với bác sĩ nha khoa của bạn để biết thông tin và cách hỗ trợ chính xác nhất [4].

Quá trình này bao gồm 5 giai đoạn bao gồm:

Giai đoạn 1: Hình thành cục máu đông

Giai đoạn đầu tiên của quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn là hình thành cục máu đông. Để cục máu đông hình thành nhanh chóng, bác sĩ sẽ dặn dò bạn cắn chặt bông gòn trong ít nhất 30 phút nhằm tạo sức ép lên mạch máu.

Hiện nay, các bác sĩ thường dùng thuốc tê nha khoa chứa Lidocain và Epinephrine để tạo cục máu đông. Từ đó có thể giảm lượng máu chảy và hạn chế được tình trạng chảy máu kéo dài.

quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng khôn
Sau khi nhổ răng, ổ răng sẽ xuất hiện cục máu đông để bảo vệ mạch máu, dây thần kinh và xương hàm bên dưới

Cục máu đông sẽ hình thành ngay vị trí răng bị nhổ bỏ với vai trò bảo vệ mạch máu, mô nướu, xương hàm và các dây thần kinh ở bên dưới. Đây cũng là lý do bạn cần phải tránh súc miệng và ăn nhai ở vị trí này cho đến khi vết thương lành hoàn toàn.

Giai đoạn 2: Phản ứng viêm

Sau khi hình thành cục máu đông, nướu răng xung quanh vị trí răng bị nhổ bỏ sẽ có hiện tượng viêm. Hiện tượng này sẽ xảy ra ngay sau khi nhổ răng khôn khoảng vài giờ. Thực tế, viêm là phản ứng sinh lý khi cơ thể bị viêm nhiễm và tổn thương.

Sau khi nhổ răng, các tế bào bạch cầu sẽ di chuyển đến vết thương dẫn đến hiện tượng viêm. Bạch cầu có vai trò tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại trong ổ răng và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Nhiều người lo ngại về hiện tượng nướu răng sưng nhiều, tuy nhiên đây là phản ứng cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động tốt.

Phản ứng viêm sẽ kéo dài khoảng vài ngày cho đến khi vết thương lành hẳn. Thông thường, sau khi nhổ răng khoảng 1 – 2 ngày, mức độ viêm sẽ tăng lên và sau đó thuyên giảm dần.

Giai đoạn 3: Tạo sợi

Sau giai đoạn viêm, vết thương sẽ bắt đầu xuất hiện các nguyên bào sợi và sợi liên kết bên trong cục máu đông. Bên trong ổ răng, mao mạch cũng bắt đầu tăng sinh để chuẩn bị cho quá trình biểu mô hóa.

quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng khôn
Tạo sợi là giai đoạn quan trọng trong quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn

Có thể thấy, quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn chủ yếu dựa vào cục máu đông. Vì vậy, việc sàng lọc sức khỏe trước khi nhổ răng là vô cùng quan trọng. Đây cũng là lý do những người bị rối loạn đông máu và tiểu đường nặng thường không được chỉ định nhổ răng.

Giai đoạn 4: Biểu mô hóa

Các tế bào biểu mô sẽ bắt đầu tăng sinh và di chuyển xuống ổ răng. Sau khoảng vài tuần, các tế bào sẽ bao phủ toàn bộ ổ răng và vết thương sẽ lành hoàn toàn.

Theo ước tính, tốc độ lành mô nướu là khoảng 1mm mỗi tuần. Do đó, quá trình phục hồi vết thương sau khi nhổ răng khôn phụ thuộc vào nhiều vào kích thước của ổ răng.

Giai đoạn 5: Tái tạo cấu trúc xương

Sau khoảng vài ngày, các tế bào tạo xương sẽ bắt đầu xuất hiện và tăng sinh hình thành bè xương. Theo thời gian, các tế bào xương sẽ lấp đầy những lỗ hở do răng khôn để lại. Quá trình này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào cơ địa của từng người. Tuy nhiên, thông thường ổ răng sẽ lành thương và đầy lại sau 4 – 6 tháng.

Có thể thấy, quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn kéo dài khoảng vài tháng tùy theo cơ địa của từng người. Tuy nhiên, ổ răng đã lành thương cơ bản chỉ sau 1 tuần. Do đó, lúc này bạn có thể tái khám để được cắt chỉ.

Vì miệng vết thương đã lành sau 7 ngày nên bạn có thể ăn uống thoải mái. Dù vậy, vẫn nên lưu ý một số vấn đề khi ăn uống và sinh hoạt trong 4 – 6 tháng đầu để ổ răng lành hoàn toàn. Có như vậy, sức khỏe răng miệng mới không bị ảnh hưởng và bạn có thể thoải mái khi ăn uống, sinh hoạt ngay cả khi không có răng khôn.

Ăn gì để mau lành vết thương sau khi nhổ răng?

Quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn mất khá nhiều thời gian. Do đó, bạn nên ăn uống hợp lý để đẩy nhanh quá trình này. Thực tế cho thấy, người có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ có quá trình lành thương nhanh hơn và ít gặp phải các biến chứng sau khi nhổ răng.

quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng khôn
Nên dùng thức ăn mềm, nguội sau khi nhổ răng để vết thương có điều kiện phục hồi hoàn toàn

Chế độ dinh dưỡng giúp đẩy nhanh quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn:

  • Trong 3 – 5 ngày đầu, bạn nên dùng thức ăn mềm, nguội và ít gia vị để tránh áp lực lên ổ răng. Ngoài ra, nên tránh ăn nhai bên vị trí răng bị nhổ bỏ để quá trình lành thương diễn ra thuận lợi.
  • Trong trường hợp nhổ 2 răng khôn cùng lúc và không thể ăn nhai, bạn có thể uống sữa hoặc uống sinh tố để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Hạn chế dùng thức ăn nóng, cay, nhiều gia vị, món ăn chứa nhiều gia vị, cứng và dai. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiêng cà phê, rượu bia và nước ngọt có gas để tránh kích thích lên ổ răng.
  • Bổ sung khoáng chất, vitamin, đạm và chất béo lành mạnh để đẩy nhanh quá trình lành thương.
  • Theo kinh nghiệm của nhiều người, bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày sau khi nhổ răng cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình lành thương. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp giảm viêm và đau nhức đáng kể.
  • Trong thời gian này, việc vệ sinh răng miệng sẽ bị hạn chế khá nhiều. Vì vậy, bạn nên kiêng thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột để giảm lượng mảng bám tích tụ.
  • Có thể giảm hiện tượng viêm nướu bằng cách bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng kháng viêm như mật ong, hoa cúc, các loại quả chứa nhiều chất chống oxy hóa, rau xanh,…
  • Ngay sau khi nhổ răng, bạn nên tránh các loại thực phẩm có thể gây chảy máu kéo dài như gừng, nghệ, ngải cứu,… Nếu muốn bổ sung các loại thực phẩm này, tốt nhất nên đợi vết thương lành và ngưng chảy máu hoàn toàn.

Một số lưu ý giúp vết thương sau khi nhổ răng nhanh lành

Thông thường, vết thương sẽ mất 7 ngày để liền ổ răng và khoảng 4 – 6 tháng để phục hồi hoàn toàn thể tích xương hàm bên dưới. Tuy nhiên trên thực tế, một số trường hợp sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể lành thương hoàn toàn.

Những lưu ý sau sẽ giúp bạn đẩy nhanh quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn:

  • Bên cạnh chế độ ăn uống, bạn cũng cần kiêng hút thuốc lá, căng thẳng, thức khuya và lao động nặng sau khi nhổ răng. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến vết thương nhưng những thói quen này sẽ khiến cho quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn bình thường.
  • Không súc miệng trong 5 – 7 ngày sau khi nhổ răng. Bởi thói quen này có thể làm vỡ cục máu đông dẫn đến chảy máu kéo dài và làm gián đoạn quá trình lành thương. Tốt nhất nên đợi đến khi tái khám và cắt chỉ mới sử dụng lại các sản phẩm súc miệng.
  • Sau khi nhổ răng, ổ răng rất dễ bị viêm nhiễm do nướu và xương hàm lộ ra bên ngoài hoàn toàn. Vì vậy, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng tránh nhiễm trùng sau khi nhổ răng.
  • Không đẩy lưỡi hay dùng tay chạm vào vết thương. Để vết thương lành nhanh, bạn nên hạn chế tối đa các tác động vào ổ răng.
  • Chú ý các biểu hiện bất thường và chủ động tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết. Nếu không có vấn đề phát sinh, bạn nên tái khám và cắt chỉ sau 7 ngày theo chỉ dẫn.

Quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn sẽ kéo dài từ 4 – 6 tháng tùy theo cơ địa của từng người. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã nắm rõ tiến độ lành thương và có biện pháp chăm sóc hợp lý để rút ngắn thời gian phục hồi. Bên cạnh đó, cần lưu ý lựa chọn địa chỉ uy tín để tránh các biến chứng và rủi ro khi nhổ răng khôn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Xem thêm

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!