Niềng răng có thể khắc phục được tình trạng cười hở lợi nếu xảy ra do răng mọc lệch, chen chúc và chìa ra bên ngoài quá mức. Các trường hợp xảy ra do những nguyên nhân khác thường không có hiệu quả với niềng răng – chỉnh nha.
Niềng răng có khắc phục được cười hở lợi không?
Niềng răng (chỉnh nha) được biết đến là giải pháp khắc phục răng móm, hô vẩu, răng thưa, khấp khểnh và lệch lạc hiệu quả. Với nguyên lý nắn chỉnh răng về đúng vị trí, phương pháp này mang lại hàm răng đều, cân đối và cải thiện triệt để tình trạng sai lệch khớp cắn.
Niềng răng có khắc phục được cười hở lợi không là vấn đề được quan tâm bên cạnh chi phí, quy trình và thời gian niềng. Cười hở lợi là tình trạng phần lợi ở hàm trên lộ ra quá nhiều khiến khuôn miệng khi cười bị mất cân đối. Tình trạng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng nhưng tác động nhiều đến sự tự tin khi giao tiếp và sinh hoạt.
Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, niềng răng – chỉnh nha có thể khắc phục được cười hở lợi trong một số trường hợp. Như đã biết, cười hở lợi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp bắt nguồn từ hiện tượng răng mọc lệch, chìa ra ngoài quá mức, niềng răng sẽ giúp nắn chỉnh răng về đúng vị trí và cải thiện tình trạng cười hở lợi hiệu quả.
Nếu do những nguyên nhân khác, niềng răng – chỉnh nha không thể cải thiện hoàn toàn tình trạng này. Chính vì vậy, bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ khám răng miệng, xác định đúng nguyên nhân gây cười hở lợi và can thiệp phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Trong trường hợp đang có ý định thực hiện, bạn đọc nên tham khảo thông tin về các trường hợp nên/ không nên chỉnh nha chữa cười hở lợi:
1. Những trường hợp cười hở lợi nên niềng răng
Như đã đề cập, cười hở lợi có thể xảy ra do răng hàm trên mọc chìa ra một cách bất thường, răng mọc lệch, chen chúc làm phần lợi hở ra nhiều khi giao tiếp và cười. Đối với những trường hợp này, chỉnh nha vừa có thể cải thiện khuyết điểm của răng, vừa giúp khắc phục tình trạng cười hở lợi hiệu quả.
Tuy nhiên, niềng răng chữa cười hở lợi chỉ mang lại hiệu quả cao trong những trường hợp sau:
- Cười hở lợi nhẹ (phần lợi lộ ra khoảng 3mm tương đương với 25% chiều dài của răng)
- Cười hở lợi trung bình (phần lợi lộ ra chiếm khoảng 25 – 50% chiều dài của răng)
Những trường hợp cười hở lợi nặng (phần lợi lộ ra nhiều hơn 50% chiều dài của răng) thường phải kết hợp phương pháp niềng răng và một số kỹ thuật khác. Trong trường hợp này, niềng răng chỉ có thể giảm phần nào phần lợi bị lộ ra khi cười. Nếu cần thiết, bạn nên can thiệp thêm một số biện pháp khác để cải thiện hoàn toàn khuyết điểm này.
2. Các trường hợp cười hở lợi không nên chỉnh nha
Chỉnh nha không phải là giải pháp tối ưu trong trường hợp cười hở lợi, nhất là trong những trường hợp sau:
- Cười hở lợi nặng (phần lợi lộ ra hơn 50% so với chiều dài của răng)
- Răng quá ngắn và nhỏ
- Cười hở lợi do cơ môi trên
- Cười hở lợi do xương hàm phát triển quá mức
Trong những trường hợp này, niềng răng không thể cải thiện hoàn toàn cười hở lợi. Để khắc phục khuyết điểm một cách triệt để, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân trước khi chỉ định phương pháp khắc phục.
Các phương pháp niềng răng có thể chữa cười hở lợi
Niềng răng chữa cười hở lợi thường được thực hiện trong trường hợp hô vẩu do răng, răng mọc chìa ra bên ngoài, mọc lệch và chen chúc. Để giảm phần xương hàm và làm co phần lợi phía trên răng, bác sĩ thường kết hợp thêm kỹ thuật đánh lún răng khi chỉnh nha. Do đó, phần lớn những trường hợp niềng răng cười hở lợi đều được chỉ định niềng răng bằng mắc cài kim loại.
Các phương pháp niềng răng có thể chữa cười hở lợi bao gồm:
1. Niềng răng mắc cài kim loại thường
Niềng răng mắc cài kim loại thường là phương pháp chỉnh nha truyền thống. Phương pháp này sử dụng mắc cài, dây cung, dây chun và một số khí cụ hỗ trợ khác để điều hướng răng về đúng vị trí. Mặc dù là phương pháp truyền thống nhưng đến nay, niềng răng mắc cài kim loại thường vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.
Ưu điểm của niềng răng mắc cài kim loại thường là giá thành thấp, hiệu quả chỉnh nha cao và phù hợp với nhiều đối tượng. Tùy theo mức độ cười hở lợi, bác sĩ có thể thực hiện đánh lún răng tương đối và tuyệt đối bằng dây cung hoặc minivis.
2. Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc
Ngoài mắc cài kim loại thường, bạn cũng có thể niềng răng bằng mắc cài kim loại tự buộc. Phương pháp này vẫn sử dụng mắc cài để nắn chỉnh và điều hướng răng. Tuy nhiên, cấu tạo mắc cài được cải tiến thêm nắp trượt để cố định dây cung thay vì sử dụng dây chun chỉnh nha như mắc cài truyền thống.
Mắc cài tự buộc giúp giữ dây cung trên cung hàm và phân bố lực đều. Hơn nữa, vì không sử dụng dây chun chỉnh nha nên phương pháp này có thể hạn chế tình trạng giãn, đứt dây chun dẫn đến lỏng và bung tuột dây cung niềng răng. Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc mang lại hiệu quả chỉnh nha cao và thời gian niềng được rút ngắn hơn so với các khí cụ truyền thống. Đây cũng là phương pháp niềng được áp dụng phổ biến trong trường hợp cười hở lợi.
3. Các phương pháp niềng răng khác
Với những trường hợp cười hở lợi nhẹ không cần phải đánh lún răng, bạn có thể lựa chọn một trong những phương pháp niềng răng sau:
- Niềng răng mắc cài sứ thường/ tự buộc
- Niềng răng mặt trong
- Niềng răng trong suốt
Mỗi phương pháp niềng răng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ về từng phương pháp để có thể lựa chọn được giải pháp thích hợp.
Lưu ý khi niềng răng chữa cười hở lợi
Niềng răng chữa cười hở lợi được áp dụng trong trường hợp cười hở lợi nhẹ đến trung bình do răng mọc lệch, chìa ra bên ngoài, răng chen chúc,… Để đạt được hiệu quả cao khi áp dụng phương pháp này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Để đảm bảo niềng răng mang lại kết quả tốt nhất, cần lựa chọn phòng khám đáng tin cậy nếu có ý định thực hiện. Tuyệt đối không lựa chọn các nha khoa nhỏ, kém chất lượng, không có đủ máy móc và thiết bị hỗ trợ.
- Niềng răng cười hở lợi thường mất từ 1 – 3 năm tùy theo từng trường hợp. Trong quá trình niềng, bạn nên tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để được siết dây cung, thay dây chun, dây cung và sử dụng thêm một số khí cụ hỗ trợ.
- Khi niềng răng, cần chú ý đến thời gian ăn uống và sinh hoạt để hạn chế các sự cố như súc mắc cài, lỏng dây cung, đứt giãn dây chun,…
- Nếu gặp phải các vấn đề nha khoa khi niềng, cần khám và điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp, các bệnh lý này có thể tiến triển nặng gây hư hại răng nghiêm trọng dẫn đến gián đoạn và ảnh hưởng đến hiệu quả chỉnh nha.
Một số biện pháp chữa cười hở lợi khác
Như đã đề cập, niềng răng chỉ có thể khắc phục tình trạng cười hở lợi do răng mọc lệch, chen chúc và chìa ra phía trước. Những trường hợp xảy ra do các nguyên nhân khác cần phải can thiệp các biện pháp điều trị tương ứng để đạt được hiệu quả cao.
Dưới đây là một số biện pháp chữa cười hở lợi khác bạn có thể xem xét áp dụng:
1. Tiểu phẫu cắt lợi thừa
Trong trường hợp phần lợi lộ ra nhiều do thân răng ngắn và nhỏ, bạn có thể tiểu phẫu cắt phần lợi thừa (cắt nướu). Phương pháp này sử dụng tia laser để cắt bỏ phần nướu dư thừa, từ đó tăng chiều dài cho răng và giảm bớt phần lợi lộ ra bên ngoài khi cười, giao tiếp.
Tiểu phẫu cắt lợi thừa là phương pháp khá đơn giản và có thời gian thực hiện nhanh. Sau khi cắt lợi, nụ cười sẽ trở nên hài hòa và cân đối hơn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ thích hợp với những trường hợp cười hở lợi có mức độ nhẹ đến trung bình. Những trường hợp nặng hơn có thể phải kết hợp thêm với một số phương pháp khác.
2. Kéo cơ môi
Kéo cơ môi được áp dụng trong trường hợp cười hở lợi do cơ môi phát triển quá mức khiến phần lợi lộ ra nhiều khi cười. Tình trạng này còn khiến khuôn miệng rộng và mất cân đối với khuôn mặt.
Kéo cơ môi sử dụng hoạt chất tiêm vào môi để làm co cơ môi, từ đó hạn chế tình trạng cơ môi giãn rộng quá mức khi cười và giao tiếp. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt cơ môi trên để khắc phục cười hở lợi triệt để. Bởi việc sử dụng thuốc tiêm thường chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn và phải thực hiện nhiều lần nếu muốn duy trì kết quả.
3. Phẫu thuật chỉnh hàm hô
Phẫu thuật chỉnh hàm hô được thực hiện trong trường hợp xương hàm trên phát triển quá mức gây ra tình trạng hô vẩu kèm cười hở lợi. Trong trường hợp này, niềng răng – chỉnh nha không mang lại hiệu quả cao nên đa phần đều có chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật chỉnh hàm hô can thiệp đến phần xương hàm, bác sĩ sẽ cắt bỏ và điều chỉnh cấu trúc xương để tạo sự cân đối cho hàm trên và hàm dưới. Khi phần xương được loại bỏ, nướu sẽ co lại và hạn chế được tình trạng lộ ra quá nhiều khi cười. Với những trường hợp cười hở lợi do hô hàm kết hợp với hô răng, cần can thiệp niềng răng trước. Sau đó, thực hiện thêm phẫu thuật chỉnh hàm để đạt được kết quả tốt nhất.
Trên đây là những thông tin giải đáp Niềng răng có khắc phục được cười hở lợi không? và một số lưu ý khi thực hiện. Nếu có ý định niềng răng chữa cười hở lợi, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về tính hiệu quả, chi phí và một số vấn đề có liên quan.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Thun Màu Niềng Răng có bao nhiêu loại? Màu nào đẹp nhất?
Dây Thun Niềng Răng Có Tác Dụng Gì?
Cách Chọn Bàn Chải, Kem Và Nước Súc Miệng Cho Người Niềng Răng
Niềng Răng Bị Lung Lay: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!