Răng bị ê buốt sau khi trám thường xảy ra trong khoảng vài ngày do mô nướu, răng chưa kịp thời thích nghi. Tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu chăm sóc và vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, ê buốt răng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy những sai sót trong quá trình hàn trám.
Nguyên nhân gây ê buốt răng sau khi trám
Trám răng (hàn răng) là kỹ thuật nha khoa được áp dụng phổ biến trong nhiều trường hợp. Kỹ thuật này sử dụng vật liệu nhân tạo để trám bít hố rãnh trên răng giúp răng phục hồi hình dáng và chức năng sinh lý (ăn, nhai,…). Trám răng còn giúp bảo vệ men răng và ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, viêm tủy răng,…
Trám răng là kỹ thuật nha khoa không quá phức tạp. Tuy nhiên nếu có sai sót khi thực hiện, răng có thể bị ê buốt và đau nhức sau khi hàn trám.
Một số nguyên nhân có thể gây ê buốt răng sau khi trám bao gồm:
1. Sót tủy – Nguyên nhân gây ê buốt sau khi trám khoang tủy
Trám răng là một trong những kỹ thuật được áp dụng khi điều trị viêm tủy răng. Trước khi trám, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ mô tủy và sát trùng buồng tủy, ống tủy chân. Sau đó, sử dụng vật liệu tổng hợp để trám bít lại buồng tủy ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập.
Trong trường hợp không làm sạch tủy hoàn toàn, vi khuẩn sẽ tiếp tục phát triển bên trong buồng tủy gây đau nhức, lung lay và ê buốt răng. Theo thời gian, mức độ ê buốt sẽ tăng lên gây ra khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt. Nếu không xử lý sớm, vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm toàn bộ chóp răng, mô nướu dẫn đến tình trạng răng hư hại nghiêm trọng.
2. Chưa loại bỏ hoàn toàn ổ sâu răng
Hàn trám răng cũng là phương pháp được áp dụng trong điều trị sâu răng. Đối với bệnh lý này, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nạo bỏ phần ngà răng và men răng bị hư hại. Sau đó, vô khuẩn, sát trùng và tiến hành trám bít hố rãnh bằng vật liệu nhân tạo.
Tương tự như hiện tượng sót tủy, ổ sâu răng không được làm sạch hoàn toàn có thể tạo điều kiện để vi khuẩn tiếp tục phát triển, gây ra quá trình hủy khoáng và làm hư hại men răng, ngà răng ở bên trong. Hậu quả là khiến răng đau nhức và ê buốt sau khi trám. Trong trường hợp chủ quan, vi khuẩn có thể phá hủy toàn bộ ngà răng, xâm nhập vào khoang tủy gây viêm nhiễm và hoại tử mô tủy.
3. Miếng trám lệch, cộm
Răng ê buốt sau khi trám cũng có thể xảy ra do kỹ thuật trám răng không đúng quy trình khiến miếng trám lệch, cộm, gây khó khăn và ê buốt trong quá trình ăn uống. Tình trạng này thường do tay nghề của bác sĩ kém khiến miếng trám không tương thích với hố rãnh và thiếu sự bám dính với răng thật.
Miếng trám lệch, cộm còn là nguyên nhân gây viêm tủy răng – một trong những bệnh lý nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Nếu không xử lý sớm, răng có thể bị hoại tử tủy dẫn đến ngả màu, suy yếu và giảm tuổi thọ.
4. Dị ứng, kích ứng vật liệu trám răng
Một nguyên nhân khác có thể gây ê buốt răng sau khi trám là kích ứng, dị ứng với vật liệu trám răng. Tình trạng dị ứng với vật liệu nha khoa thường xảy ra ở người có cơ địa quá mẫn cảm. Ngoài ra, nguy cơ kích ứng và dị ứng cũng có thể tăng lên đáng kể nếu phòng khám nha khoa sử dụng vật liệu kém chất lượng, chưa được kiểm định về độ an toàn.
Dị ứng, kích ứng với vật liệu trám răng thường gây ê buốt, đau nhức ngay cả khi không ăn uống. Mô nướu xung quanh có hiện tượng sưng đỏ, ngứa, khó chịu và dễ chảy máu. Để tránh những tình huống đáng tiếc, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín trong thời gian sớm nhất.
5. Do nướu răng chưa kịp thời thích nghi
Sau khi can thiệp các kỹ thuật nha khoa như hàn răng, bọc răng sứ, cạo vôi răng, tẩy trắng răng,… răng thường có hiện tượng đau nhức và ê buốt nhẹ do nướu, răng chưa kịp thời thích nghi với vật liệu nhân tạo và tác động cơ học trong quá trình thực hiện. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, ê buốt răng thường có mức độ nhẹ và tự thuyên giảm sau 3 – 5 ngày mà không cần điều trị.
Răng bị ê buốt sau khi trám là tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nghi ngờ tình trạng này bắt nguồn từ những sai sót trong quá trình thực hiện, nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và khắc phục kịp thời. Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp hoại tử tủy, tổn thương chân răng nặng dẫn đến nhổ bỏ răng do những sai sót khi hàn trám.
Cách khắc phục răng bị ê buốt sau khi trám
Răng ê buốt sau khi trám có thể cải thiện bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng có mức độ nặng và nghiêm trọng dần theo thời gian, có thể phải nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp y tế.
Các biện pháp giúp khắc phục răng bị ê buốt sau khi trám:
1. Cải thiện ê buốt răng tại nhà
Sau khi hàn trám, răng sẽ có hiện tượng ê buốt và đau nhức nhẹ trong khoảng vài ngày. Nếu tình trạng này gây ra khó chịu trong quá trình ăn uống và sinh hoạt, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Chườm đá: Chườm đá là biện pháp giảm đau nhức và ê buốt răng hiệu quả, an toàn. Biện pháp này tận dụng nhiệt độ lạnh để làm tê liệt các dây thần kinh bên trong tủy răng. Qua đó làm gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu từ tủy về não bộ. Nhờ vậy, cảm giác đau nhức và ê buốt sẽ thuyên giảm đáng kể. Ngoài ra, chườm đá còn giúp giảm sưng đỏ và đau nhức mô nướu bao xung quanh răng.
- Súc miệng bằng nước muối: Ngoài chườm đá, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng răng ê buốt sau khi trám bằng cách súc miệng với nước muối. Với đặc tính làm dịu, tiêu viêm và sát trùng, nước muối ấm có khả năng giảm tình trạng răng ê buốt và đau nhức đáng kể. Các khoáng chất tự nhiên trong muối biển còn đẩy nhanh quá trình tái khoáng và tăng độ bám dính của miếng trám với răng thật.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc răng miệng chống ê buốt: Sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng và gel bôi chống ê buốt có thể cải thiện các triệu chứng khó chịu sau khi hàn trám răng. Các sản phẩm này được nghiên cứu với công thức đặc biệt có khả năng làm dịu mô nướu và giảm mức độ nhạy cảm của ngà răng.
Áp dụng các biện pháp tại nhà có thể đẩy lùi cảm giác ê buốt, đau nhức sau khi hàn trám răng. Tuy nhiên trong trường hợp triệu chứng có mức độ nặng, bạn nên sắp xếp thời gian đến nha khoa để được kiểm tra.
2. Đến phòng khám khi cần thiết
Phần lớn các trường hợp răng ê buốt sau khi trám đều xảy ra do bác sĩ tay nghề kém, thực hiện hàn trám răng không đúng kỹ thuật hoặc do sử dụng vật liệu kém chất lượng. Để tránh các rủi ro này tiếp tục xảy ra, bạn nên lựa chọn bệnh viện/ phòng khám uy tín, tránh quay trở lại cơ sở thực hiện ban đầu.
Để xác định nguyên nhân khiến răng bị ê buốt sau khi trám, bác sĩ sẽ khám răng miệng trực tiếp và yêu cầu chụp X-Quang. Dựa vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau:
- Điều trị tủy răng lại: Trong trường hợp sót tủy, bác sĩ sẽ điều trị tủy răng lại bằng cách loại bỏ miếng trám, dùng trâm tay và trâm máy làm sạch phần tủy bên trong ống tủy răng. Sau đó, vô khuẩn khoang tủy và làm khô trước khi trám bít. Tủy răng là cơ quan có cấu tạo vô cùng phức tạp nên đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng. Do đó, bạn nên lựa chọn bác sĩ có tên tuổi khi thực hiện kỹ thuật này.
- Điều trị sâu răng: Với những trường hợp chưa loại bỏ hết ổ sâu răng, bác sĩ sẽ điều trị lại bệnh lý này. Tương tự như sót tủy, bác sĩ sẽ loại bỏ miếng trám và tiến hành nạo bỏ phần men răng, ngà răng bị hư hại. Sau đó, sử dụng vật liệu để trám bít hố rãnh.
- Thay miếng trám cũ: Thay miếng trám cũ được thực hiện khi ê buốt răng xảy ra do dị ứng, kích ứng với vật liệu nha khoa và trường hợp miếng trám bị chênh, cộm. Sau khi thay miếng trám, tình trạng ê buốt và đau nhức sẽ được cải thiện đáng kể.
Phòng ngừa ê buốt sau khi trám răng
Răng bị ê buốt sau khi trám là tình trạng phổ biến do nướu, răng chưa kịp thời thích nghi. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ sai sót trong quá trình nạo bỏ ngà răng, mô tủy hoại tử và hàn trám không đúng kỹ thuật.
Để hạn chế tình trạng ê buốt sau khi trám răng, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Lựa chọn phòng khám nha khoa, bệnh viện uy tín nếu có nhu cầu khám và điều trị các bệnh răng miệng. Bởi đa phần các rủi ro phát sinh sau khi hàn trám đều bắt nguồn từ tay nghề của bác sĩ.
- Thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng với các vật liệu nha khoa (nếu có) để được lựa chọn miếng trám có chất liệu phù hợp.
- Sử dụng thuốc (nếu có) theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm tình trạng đau nhức và ê buốt sau khi hàn trám.
- Sau khi trám răng, mô nướu và răng cần một khoảng thời gian để thích nghi. Để giảm mức độ ê buốt và đau nhức, bạn nên dùng món ăn mềm, nguội và hạn chế nhai trực tiếp lên răng vừa mới trám bít hố rãnh.
- Chú ý vệ sinh răng miệng và uống nhiều nước sau khi hàn trám. Ngoài ra, cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra tình trạng răng và tiến độ hồi phục.
Răng bị ê buốt sau khi trám có thể thuyên giảm sau vài ngày nếu chăm sóc đúng cách. Trong trường hợp tình trạng kéo dài và có mức độ nặng dần theo thời gian, nên sắp xếp đến phòng khám, bệnh viện uy tín để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng sâu bị ê buốt: Nguyên nhân và Cách khắc phục hiệu quả
4 Loại gel bôi chống ê buốt răng an toàn hiệu quả
Răng Bị Ê Buốt Khi Ăn Đồ Lạnh Nguyên Nhân Do Đâu?
Răng Bị Ê Buốt Sau Khi Bọc Sứ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!