Trám răng sữa cho bé được xem xét trong một số trường hợp cần thiết như sâu răng, răng nứt, mẻ và tổn thương nặng. Nếu không hàn trám kịp thời, răng sữa có thể bị tổn thương nặng dẫn đến nhiều phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt, thậm chí gây ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn bên dưới.
Có nên trám răng sữa cho bé không?
Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên mọc từ khoảng 6 tháng sau khi sinh và hoàn thành khi trẻ được 2 – 3 tuổi. Răng sữa có kích thước nhỏ với hàm lượng khoáng chất thấp nên không cứng chắc như răng vĩnh viễn. Mỗi bộ răng sữa chỉ bao gồm 20 răng (10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới).
Khác với răng vĩnh viễn, răng sữa sẽ rụng dần và bị thay thế trong giai đoạn từ 6 – 11 tuổi. Sức khỏe của răng sữa ảnh hưởng trực tiếp đến mầm răng bên dưới. Do đó ngay từ khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên, phụ huynh cần có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Vì cấu tạo răng mềm, yếu, trẻ có thói quen dùng nhiều thức ăn chứa đường và chưa có ý thức vệ sinh răng miệng nên rất dễ gặp phải các bệnh lý nha khoa. Để giải quyết các vấn đề răng miệng ở trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng sữa. Trám răng là phương pháp phục hồi hình dáng và màu sắc của răng bằng cách dùng vật liệu chuyên dụng ở dạng lỏng, sau đó sử dụng công nghệ laser để giúp miếng trám đông cứng và bám chắc với bề mặt răng thật.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng việc trẻ khó chịu và không hợp tác khi hàn răng. Đồng thời cho rằng răng sữa sẽ bị thay thế nếu không nhất thiết phải trám. Vậy có nên trám răng sữa cho bé không?
Dù răng sữa sẽ được thay thế trong giai đoạn từ 6 – 11 tuổi nhưng nếu bị sâu răng, viêm tủy răng nặng,… mầm răng vĩnh viễn bên dưới có thể bị tổn thương. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp răng vĩnh viễn của trẻ mọc ngầm, mọc nghiêng, mọc lệch và thậm chí là không mọc răng do ảnh hưởng từ các vấn đề nha khoa ở răng sữa. Do đó nếu có chỉ định hàn trám, mẹ nên cho bé thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Những trường hợp nên trám răng sữa
Răng sữa đảm nhiệm chức năng ăn, nhai và hỗ trợ phát âm. Ngoài ra, răng sữa còn có nhiệm vụ mầm răng vĩnh viễn ở bên dưới. Chính vì vậy, nếu răng sữa của trẻ gặp phải vấn đề, phụ huynh nên cho trẻ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những trường hợp nên trám răng sữa:
- Sâu răng: Sâu răng là một trong những bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng mất các mô cứng ở men răng và ngà răng. Dần dần răng hình thành lỗ sâu đi vào phần ngà dẫn đến cảm giác đau nhức và ê buốt khi ăn uống. Nếu không điều trị sớm, sâu răng có thể ăn vào tủy gây viêm tủy răng và hư hại mầm răng vĩnh viễn. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành hàn trám răng cho bé nhằm ngăn chặn sâu răng tiến triển và phục hồi hình dáng của răng.
- Răng nứt, mẻ: Răng sữa có kết cấu mềm hơn so với răng vĩnh viễn do hàm lượng khoáng chất thấp. Khi gặp phải chấn thương trong quá trình sinh hoạt, răng có thể bị nứt và mẻ. Tình trạng này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong, phát triển và phá hủy men răng, ngà răng. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định hàn trám để bù lấp phần răng bị mẻ, nứt nhằm bảo vệ răng và tránh tình trạng đau nhức, ê buốt trong quá trình ăn uống.
- Trường hợp có nguy cơ sâu răng cao: Nếu nhận thấy trẻ có nguy cơ sâu răng cao, bác sĩ sẽ chỉ định hàn trám ở mặt nhai và kẽ răng để ngăn chặn hiện tượng hủy khoáng do vi khuẩn Streptococcus mutans gây ra. Trong trường hợp này, trẻ sẽ được trám răng bằng các vật liệu có bổ sung fluor để tái khoáng men răng và bù lấp những lỗ sâu li ti trên bề mặt răng.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể được chỉ định trám răng sữa trong một số trường hợp khác. Trám răng là thủ thuật nha khoa đơn giản, không xâm lấn và an toàn với trẻ nhỏ. Chính vì vậy, phụ huynh có thể yên tâm cho trẻ hàn trám răng sữa để ngăn ngừa sâu răng và điều trị các bệnh nha khoa thường gặp.
Trám răng sữa cho bé có giá bao nhiêu?
Hàn trám răng sữa thường có chi thấp hơn so với trám răng cho người trưởng thành. Theo khảo sát, chi phí trám răng sữa dao động khoảng 100 – 300.000 đồng/ răng. Tuy nhiên, giá thành thực tế còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương của răng, chất liệu trám, cơ sở y tế thực hiện, BHYT,…
Chi phí khám và điều trị ở các bệnh viện công lập thường thấp hơn so với các phòng khám nha khoa. Do đó để tiết kiệm chi phí, phụ huynh nên cho trẻ thăm khám và hàn trám răng ở các bệnh viện trong quận, huyện.
Một số lưu ý khi hàn trám răng sữa cho bé
Trám răng sữa có quy trình thực hiện nhanh chóng và hoàn thành chỉ sau 1 lần hẹn. Mặc dù là phương pháp đơn giản nhưng hàn trám răng cũng có thể gây ra một số rủi ro, biến chứng nếu gặp phải sai sót trong và sau khi thực hiện. Vì vậy trước khi hàn trám răng sữa cho bé, phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện, phòng khám nha khoa uy tín để tránh chẩn đoán nhầm các bệnh lý nha khoa. Ngoài ra, hàn trám răng ở những cơ sở kém chất lượng cũng có thể gây ra một số rủi ro như miếng trám bị cộm, chênh, lệch,…
- Có khá nhiều vật liệu được sử dụng để hàn trám răng. Với trẻ nhỏ, phụ huynh cần tránh cho trẻ hàn bằng vật liệu amalgam. Amalgam là vật liệu bao gồm hỗn hợp thủy ngân, bạc cùng với đồng, thiếc và kẽm. Thủy ngân trong vật liệu này có thể ngấm vào cơ thể trong quá trình ăn uống, sinh hoạt gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé.
- Răng sữa sẽ bị thay thế trong giai đoạn từ 6 – 11 tuổi. Vì vậy, phụ huynh không nên cho bé hàn trám bằng các kim loại quý như vàng. Thay vào đó, nên lựa chọn composite để đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ cao và độ bền tương đối (2 – 3 năm).
- Trám răng có thể gây ra cảm giác ê buốt và đau nhức nhẹ trong vài ngày. Nếu đau nhức răng khiến trẻ biếng ăn, phụ huynh nên cho trẻ dùng các món ăn mềm như súp, cháo, sinh tố, sữa,… Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau như chườm đá và ngậm nước muối ấm.
- Hàn răng là thủ thuật nha khoa đơn giản, hoàn tất chỉ sau 20 – 30 phút và trẻ có thể trở về nhà trong ngày. Tuy nhiên để đảm bảo miếng trám bám chắc vào răng thật, phụ huynh nên tránh cho bé ăn uống sau 2 tiếng đầu tiên. Sau đó, có thể dùng các món ăn mềm, lỏng để giảm áp lực lên răng.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng cho trẻ để làm sạch khoang miệng và hạn chế thức ăn bám dính vào miếng trám.
- Phụ huynh nên cho trẻ khám răng miệng định kỳ 1 – 2 lần/ năm để được đánh giá tình trạng răng miệng và xem xét thay thế miếng trám trong trường hợp cần thiết.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Có nên trám răng sữa cho bé không?” và một số lưu ý khi cho trẻ hàn trám răng. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, phụ huynh đã hiểu rõ hơn về phương pháp này và chủ động cho trẻ hàn trám trong trường hợp răng sứt mẻ, sâu răng,…
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
7 Địa chỉ trám răng uy tín chất lượng tại TPHCM
Sau khi trám răng nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?
Trám răng hàm sử dụng được bao lâu? Giá bao nhiêu?
Trám răng rồi có niềng được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!