Răng cửa bị nứt thường gây đau nhức âm ỉ và ê buốt. Tình trạng này kéo dài dẫn đến không ít phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và thậm chí gây ra nhiều vấn đề nha khoa về lâu dài. Tùy theo mức độ vết nứt, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng, bọc răng sứ hoặc phải nhổ bỏ răng trong trường hợp nặng.
Răng cửa bị nứt – Dấu hiệu nhận biết
Răng cửa là nhóm răng nằm ở chính giữa cung hàm với bề mặt khá lớn và mặt nhai mảnh, thích hợp để cắn, xé thức ăn. So với răng hàm, răng cửa có khả năng chịu lực kém hơn do răng chỉ có 1 chân. Ngoài chức năng ăn nhai, răng cửa còn có vai trò hỗ trợ phát âm và có chức năng thẩm mỹ. Vì nằm ở vị trí dễ nhìn thấy nên những dấu hiệu bất thường trên răng cửa đều có nhận thấy rõ và gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, giao tiếp.
Tình trạng thường gặp nhất đối với răng cửa là sâu kẽ răng, mòn men răng và nứt răng. Tùy vào lực tác động và độ cứng chắc của răng, vết nứt có thể nhẹ hoặc nặng. Đối với các vết nứt sâu, ngà răng sẽ bị kích thích dẫn đến tình trạng đau nhức âm ỉ và ê buốt kéo dài.
Để có biện pháp xử lý kịp thời, bạn cần phát hiện sớm tình trạng răng cửa bị nứt thông qua những dấu hiệu sau:
- Quan sát bề mặt răng nhận thấy các vết nứt ngang hoặc nứt dọc
- Gõ nhẹ vào răng thường có hiện tượng ê buốt
- Răng đau nhức âm ỉ và ê buốt khi dùng thức ăn nóng, lạnh và các món ăn chứa nhiều đường
- Một số trường hợp vết nứt nặng khiến răng bị sứt, mẻ và biến dạng
- Đối với những trường hợp răng cửa bị nứt bên trong, rất khó để nhận biết vết nứt. Tuy nhiên, răng bị nứt luôn có hiện tượng ê buốt khi ăn uống. Vì vậy, nếu nhận thấy răng ê buốt nhiều mặc dù không bị mòn men hay sâu răng, nên đến phòng khám kiểm tra để xác định nguyên nhân và can thiệp các biện pháp khắc phục kịp thời.
Nguyên nhân khiến răng cửa bị nứt
Có khá nhiều nguyên nhân khiến răng cửa bị nứt, trong đó được chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân nội sinh và nguyên nhân ngoại sinh.
Nguyên nhân ngoại sinh:
- Té ngã dẫn đến chấn thương vùng răng miệng
- Nhai thức ăn quá cứng, khô hoặc dùng răng cắn xé các vật cứng
- Nghiến răng khi ngủ
- Thay đổi nhiệt độ khoang miệng đột ngột do đang dùng thức ăn nóng sau đó chuyển sang thức ăn lạnh khiến cho răng bị giòn. Nếu duy trì thói quen này lâu dài, răng cửa có thể hình thành vết nứt và vết nứt thường có xu hướng sâu hơn theo thời gian.
- Va chạm với dụng cụ nha khoa khi niềng răng, nhổ răng,…
Nguyên nhân nội sinh:
- Cấu trúc răng yếu do thiếu canxi, vitamin D, fluor,…
- Răng suy yếu do ảnh hưởng của quá trình lão hóa, mang thai, sau khi sinh và ảnh hưởng của một số bệnh lý nội khoa
- Răng cửa bị sâu, mòn men, viêm tủy răng thường yếu hơn răng khỏe mạnh. Do đó ngay cả khi lực tác động không mạnh, răng cũng có thể bị nứt.
Răng cửa bị nứt có ảnh hưởng gì không?
Răng cửa bị nứt ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và quá trình ăn uống. Vết nứt khiến cho ngà răng bên trong nhạy cảm với nhiệt độ và các loại gia vị trong thức ăn dẫn đến tình trạng răng đau nhức, ê buốt khi ăn uống. Thậm chí có nhiều trường hợp răng đau nhức ngay cả khi không có tác động. Ngoài ra, vết nứt xuất hiện ở bề mặt răng cũng khiến cho bạn e ngại khi giao tiếp và không thoải mái trong các cuộc gặp gỡ.
Về lâu dài, vi khuẩn có hại trong khoang miệng sẽ xâm nhập vào bên trong cấu trúc răng thông qua vết nứt. Hậu quả là dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe như sâu răng, viêm tủy răng, viêm nha chu, áp xe răng,… Hơn nữa, tình trạng vi khuẩn xâm nhập còn khiến cho răng bị nhiễm trùng và gây ra tình trạng hôi miệng dai dẳng.
Ngoài ra, hiện tượng viêm nhiễm ở răng cửa cũng có thể lây lan sang các răng lân cận. Tình trạng này khiến cho toàn bộ cấu trúc răng suy yếu và ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý, thẩm mỹ của răng. Để hạn chế những biến chứng kể trên, bạn nên đến phòng khám ngay khi nhận thấy răng cửa bị nứt ngang, nứt dọc – kể cả khi vết nứt nhẹ và không đáng kể.
Cách xử lý răng cửa bị nứt ngang, dọc hiệu quả
Nứt răng cửa không chỉ khiến quá trình ăn uống gặp nhiều phiền toái mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và làm giảm sự tự tin khi giao tiếp. Để cải thiện tình trạng này một cách triệt để, bạn cần đến gặp bác sĩ nha khoa. Sau khi đánh giá tình trạng răng miệng và mức độ của vết nứt, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp:
1. Trám răng – Biện pháp khắc phục răng cửa bị nứt nhẹ
Trong trường hợp răng cửa nứt nhẹ, trám răng là phương pháp được áp dụng. Thông thường, kỹ thuật này được chỉ định đối với trường hợp sâu răng. Tuy nhiên, trám răng cũng được thực hiện để khắc phục tình trạng răng cửa bị nứt, răng thưa và mẻ nhẹ.
Trám răng sử dụng vật liệu lỏng để bù lấp và che phủ vết nứt, sau đó dùng ánh sáng để làm đông vật liệu và gia tăng khả năng bám dính với răng thật. Đối với răng cửa bị nứt, bác sĩ sẽ sử dụng composite để trám. Bởi vật liệu này có màu sắc như răng thật và khá lành tính, mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao và hầu như không gây kích ứng.
Trám răng là kỹ thuật nha khoa đơn giản và có thể hoàn thành chỉ sau 1 buổi hẹn. Sau khi trám răng, bạn cần chăm sóc đúng cách để vết trám bám chặt vào răng thật, tránh tình trạng bong tróc và hở miếng trám.
2. Dán sứ Veneer
Ngoài trám răng, dán sứ Veneer cũng là phương pháp khắc phục răng cửa nứt nhẹ. Phương pháp này dùng mặt dán được làm từ sứ bọc ở mặt ngoài của răng. Dán sứ không chỉ giúp khắc phục tình trạng răng bị nứt còn còn phục hình lại hình dáng và màu sắc của răng. Ngoài ra, phương pháp này cũng có tuổi thọ cao hơn so với trám răng nên được nhiều người lựa chọn.
Nếu răng cửa bị nứt, bề mặt răng ngả màu, răng thưa và chiều dài răng khá ngắn, bạn nên dán sứ từ 2 – 4 răng cửa để cho hiệu ứng thẩm mỹ tốt nhất. Tuy nhiên, hạn chế của dán sứ Veneer là chi phí khá cao và phải mài một lớp mỏng men răng.
3. Bọc răng sứ
Với các vết nứt lớn và chỉ xảy ra ở thân răng, chưa đi xuống chân răng, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ. Trong trường hợp này, cả dán sứ Veneer và trám răng đều không mang lại hiệu quả do vết nứt khá sâu. Nếu thực hiện hai phương pháp này, miếng dán sứ và miếng trám sẽ bị bong tróc chỉ sau một thời gian ngắn.
Bọc răng sứ sử dụng mão răng sứ chụp lên răng cửa bị nứt. Trước khi chụp mão răng sứ, bác sĩ sẽ tiến hành mài răng. Mão sứ có vai trò như “chiếc áo” bảo vệ răng thật bên trong, nhờ vậy bạn có thể ăn nhai thoải mái mà không gặp phải tình trạng răng ê buốt, đau nhức. Ngoài hiệu quả bảo vệ răng, bọc răng sứ còn khắc phục một số khuyết điểm của răng cửa như răng có hình thể không đẹp, răng thưa và ngả màu.
Trong trường hợp toàn bộ răng bị ngả màu và mòn men, bạn nên xem xét việc bọc sứ toàn hàm. Với sự phát triển của lĩnh vực nha khoa, răng sứ hiện nay có màu sắc và đặc tính không thua kém răng thật. Hơn nữa, tuổi thọ của răng sứ cũng được cải tiến đáng kể nên không phải thay mão sứ thường xuyên như trước đây.
4. Nhổ răng và trồng răng Implant
Đối với những trường hợp vết nứt chạy dọc từ thân răng xuống chân răng, giải pháp duy nhất là nhổ bỏ răng. Nếu để lâu ngày, vi khuẩn sẽ xâm nhập xuống phía dưới chân răng gây viêm tủy răng và áp xe răng cùng với nhiều biến chứng khác. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng để tránh những biến chứng này.
Sau khi nhổ răng, răng cửa bị mất sẽ được phục hình bằng phương pháp trồng răng Implant. Phương pháp này sử dụng trụ Implant cấy vào bên trong xương hàm và chờ cho xương tích hợp, sau đó gắn mão sứ với trụ Implant thông qua khớp nối Abutment.
Hiện nay, trồng răng Implant là kỹ thuật phục hình răng hiện đại nhất vì có thể khôi phục hình dáng, chức năng của răng đến 95% và ngăn ngừa được hiện tượng tiêu xương hàm. Tuy nhiên, phương pháp này có giá thành rất đắt đỏ. Do đó, bạn nên thăm khám và xử lý sớm tình trạng răng cửa bị nứt để tránh những tình huống phát sinh không mong muốn.
5. Các biện pháp xử lý tại nhà
Răng cửa bị nứt gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt và ăn uống. Nếu chưa có thời gian đến phòng khám, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu.
Các biện pháp xử lý răng cửa bị nứt ngay tại nhà:
- Răng bị nứt khiến cho ngà răng trở nên nhạy cảm hơn. Do đó, bạn nên hạn chế dùng thức ăn quá nóng, lạnh và chứa nhiều gia vị. Các món ăn mềm, nguội và nhạt sẽ giúp giảm kích thích lên răng, từ đó giảm cảm giác đau nhức âm ỉ và ê buốt.
- Không dùng thức ăn cứng, khô và tuyệt đối không cắn, xé các vật dụng bằng răng cửa. Những thói quen này sẽ kích thích cảm giác đau nhức và đồng thời khiến cho vết nứt lớn dần, đôi khi đi sâu xuống chân răng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào vết nứt gây viêm nhiễm ngà răng và tủy răng.
- Nếu răng đau âm ỉ, có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa để cải thiện. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc quá 5 ngày và sắp xếp thời gian đến phòng khám sớm để được chẩn đoán, điều trị.
Răng cửa bị nứt cần phải được xử lý sớm để tránh biến chứng. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể nhận biết sớm tình trạng này và có biện pháp khắc phục kịp thời. Tình trạng chủ quan có thể khiến vết nứt lớn dần gây tổn thương răng cửa và các cơ quan lân cận.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Vì Sao Ăn Trầu Lại Chắc Răng? Nghiên cứu lý giải
Răng Bị Nứt Có Tự Lành Không? Cách Khắc Phục Hiệu Quả Nhất
Chuyên Gia Giải Đáp Đau Răng Uống Panadol Được Không?
Răng hô vẩu là gì? Các dạng thường gặp và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!