Thói quen ăn trầu đã có từ rất lâu và hiện nay vẫn có một số người ăn trầu nhằm giúp răng chắc khỏe, tránh lung lay và đau nhức. Mặc dù thói quen này được nhiều người biết đến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ vì sao ăn trầu lại giúp chắc răng?
Vì sao ăn trầu lại chắc răng?
Ăn trầu là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. Được biết, tục lệ này xuất phát trong thời kỳ phong kiến khi mà tiêu chuẩn cái đẹp là hàm răng đen thay vì hàm răng trắng sáng như hiện nay. Sau này, tục ăn trầu được lưu truyền rộng rãi vì những lợi ích đối với sức khỏe răng miệng.
Những người có thói quen ăn trầu lâu năm thường có răng chắc khỏe, nướu hồng hào, ít gặp phải tình trạng ê buốt và chảy máu. Vậy vì sao ăn trầu lại chắc răng?
Theo kinh nghiệm dân gian, lá trầu không có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng tiêu viêm, sát trùng, trừ phong thấp và tiêu đờm. Từ lâu, trầu không đã được sử dụng để trị đau nhức răng, viêm chân răng có mủ và viêm quanh chân răng.
Hiện nay, tác dụng dược lý của trầu không đã được công nhận trên cơ sở khoa học. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, dẫn xuất phenol trong lá trầu không có tác dụng chống oxy hóa, kháng nấm và kháng khuẩn. Với đặc tính này, ăn trầu có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Từ đó làm giảm nguy cơ tích tụ mảng bám, cao răng và giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Bên cạnh đó, trầu không còn chứa Eugenol có tác dụng giảm đau và gây tê. Vì vậy, ăn trầu có thể giảm nhẹ triệu chứng do các bệnh răng miệng gây ra. Những người ăn trầu lâu năm thường có răng chắc khỏe và nướu hồng hào, bám chắc vào chân răng do vi khuẩn có hại luôn được kiểm soát, không phát triển quá mức gây viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu,…
Thông thường, trầu sẽ được ăn kèm với cau và vôi. Trong đó, vôi chứa Ca 2+ và OH- giúp củng cố độ chắc khỏe của men răng. Nhờ đó, men răng được tái khoáng liên tục và ngăn chặn được tình trạng sâu răng. Ngoài ra, hạt cau (binh lang) cũng đã được nghiên cứu có tác dụng kháng khuẩn mạnh.
Kết hợp trầu không, cau và vôi sẽ giúp cải thiện sức khỏe răng miệng, tăng độ cứng chắc của men răng, giúp nướu hồng hào và ôm sát chân răng. Vì vậy, đa số những người có thói quen ăn trầu đều ít gặp phải các vấn đề răng miệng.
Một số lưu ý khi ăn trầu giúp răng chắc khỏe
Ăn trầu là thói quen giúp cải thiện độ chắc khỏe của răng và phòng ngừa các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, thói quen này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Nếu có thói quen ăn trầu, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Thói quen ăn trầu có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm men trong khoang miệng. Nhờ đó, quá trình tích tụ mảng bám và vôi răng sẽ bị hạn chế ở mức tối đa. Dù vậy, ăn trầu quá nhiều có thể gây tê rát lưỡi và làm giảm vị giác tạm thời.
- Ngoài lợi ích đối với sức khỏe răng miệng, nhai trầu còn kích thích tiêu hóa, hỗ trợ giảm sình bụng, đầy hơi và ăn uống kém.
- Phản ứng hóa học giữa trầu không, cau và vôi có thể khiến men răng bị ố vàng và nhuộm đen sau một thời gian. Đây cũng là lý do tục ăn trầu chỉ còn phổ biến ở một số địa phương và đa số người có thói quen ăn trầu là người cao tuổi.
- Khi ăn trầu, một số người thường kết hợp thêm với thuốc lào để tăng vị ngọt tự nhiên. Tuy nhiên, sử dụng thuốc lào trong một thời gian dài có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề này trước khi ăn trầu với mục đích bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Nhiều người nhầm lẫn ăn trầu có thể thay thế cho các biện pháp vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, ăn trầu chỉ làm sạch mảng bám phần nào nên bạn vẫn cần chải răng 2 – 3 lần/ ngày để ngăn chặn vôi răng tích tụ và phòng ngừa các vấn đề nha khoa hiệu quả.
- Để hạn chế tình trạng đen răng khi ăn trầu, bạn nên chú ý súc miệng với nước sạch và chải răng thường xuyên. Nếu cần thiết, có thể tẩy trắng răng tại phòng khám để lấy lại hàm răng trắng sáng và nụ cười tự tin.
- Ngay cả khi vệ sinh răng miệng đều đặn và nhai trầu thường xuyên, bạn vẫn nên khám nha khoa định kỳ ít nhất 1 lần/ năm để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.
- Trầu không, vôi, cau và thuốc lào đều chứa các thành phần gây kích ứng. Do đó, một số người có thể dị ứng với một trong những nguyên liệu kể trên. Trong trường hợp có biểu hiện dị ứng, nên ngưng dùng và đến ngay bệnh viện để được tư vấn hướng xử trí.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã được giải đáp thắc mắc “Vì sao ăn trầu lại chắc răng?” và những lưu ý khi ăn trầu. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng thói quen ăn trầu có thể gây ố vàng men răng. Nếu e ngại về vấn đề này, bạn có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng bằng cách vệ sinh đúng cách và khám nha khoa định kỳ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Lộ Ngà Răng Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Răng bị lung lay: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
Vì sao cần chụp X quang răng khôn? Khi nào nên chụp?
Phẫu thuật hàm hô có nguy hiểm không? Gây biến chứng gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!