Hiện tại, có khá nhiều phương pháp trồng răng số 6, 7. Để chọn được phương pháp tối ưu và có chi phí phù hợp, bạn đọc nên tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết sau đây.
Vì sao cần trồng răng số 6, số 7?
Răng số 6, số 7 được gọi chung là răng cấm. Đây là nhóm răng có vai trò ăn nhai và nghiền nát thức ăn nên răng thường có kích thước lớn, mặt nhai rộng và số lượng chân răng nhiều.
Răng số 6, số 7 nằm ở bên trong nên việc vệ sinh sẽ khó khăn hơn so với răng cửa và răng tiền hàm. Do đó, nhóm răng hàm nói chung và răng cấm nói riêng rất dễ mắc phải các vấn đề nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, viêm tủy răng, viêm nha chu,… Nếu không điều trị sớm các vấn đề nha khoa, răng có thể bị rụng, gãy và buộc phải nhổ bỏ để tránh lây lan sang các răng lân cận.
Khi mất răng số 6, số 7, cần trồng răng trong thời gian sớm nhất vì những lý do sau:
- Răng số 6, số 7 giữ chức năng ăn nhai chính. Khi mất răng, việc nghiền nát thức ăn sẽ bị suy giảm, thức ăn chưa được nhai kỹ sẽ gây rối loạn tiêu hóa.
- Khi mất một bên răng số 6, số 7, mọi người thường có xu hướng nhai ở bên còn lại. Tình trạng này kéo dài có thể gây lệch mặt, mòn men răng và gia tăng các vấn đề liên quan đến khớp thái dương hàm.
- Mất răng trong một thời gian dài sẽ gây ra hiện tượng tiêu xương hàm. Xương hàm không nhận được kích thích sẽ có hiện tượng thoái hóa sau một thời gian. Điều này gây sụp lún các răng lân cận khiến răng bị chen chúc và dịch chuyển sai vị trí.
- Mất răng số 6, số 7 lâu ngày cũng khiến cho răng ở hàm đối diện mọc trồi vì không có lực tác động. Nếu không cải thiện sớm, khớp cắn có thể bị lệch gây ảnh hưởng đến khả năng phát âm và ăn nhai.
- Ngoài những hậu quả trên, mất răng số 6, số 7 còn gây hóp má và biến đổi cấu trúc khuôn mặt.
Vì những lý do này, bạn cần trồng lại răng số 6, số 7 ngay khi vừa mất răng. Không chỉ giúp phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng, trồng răng sớm còn giúp tiết kiệm chi phí và hạn chế phải can thiệp cùng lúc nhiều phương pháp.
Các phương pháp trồng răng số 6, 7 phổ biến hiện nay
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp trồng răng số 6 và số 7. Vì đây là răng cấm nên các bác sĩ thường sẽ chỉ định làm cầu răng sứ hoặc trồng răng Implant để đảm bảo khả năng ăn nhai. Mỗi phương pháp phục hình đều sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Chính vì vậy, bạn đọc nên tìm hiểu kỹ để lựa chọn cho mình giải pháp thích hợp nhất.
1. Làm cầu răng sứ
Làm cầu răng sứ được chỉ định khi mất răng số 6, trường hợp mất răng số 7 bắt buộc phải trồng răng Implant. Cầu răng sứ là phương pháp trồng răng giả được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này sử dụng cầu sứ có 3 – 4 mão răng tùy theo số lượng răng bị mất là 1 hay 2 răng.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành mài răng số 5 và số 7 để làm trụ. Mão răng ở giữa sẽ bắc ngang qua thay thế cho răng bị mất. Cầu răng sứ sẽ được gắn cố định bằng keo dán nha khoa nên khi ăn nhai không bị lỏng lẻo và chênh, cộm.
Sau khi làm cầu răng sứ, răng số 6 sẽ được phục hình và có thể ăn nhai như bình thường. Theo đánh giá của các chuyên gia, phương pháp này có thể phục hồi khả năng ăn nhai từ 60 – 70%. Làm cầu răng sứ phải mài răng nhưng không xâm lấn vào nướu hay xương hàm nên bất cứ đối tượng nào cũng có thể thực hiện.
Trồng răng số 6 bằng cầu răng sứ có khá nhiều ưu điểm. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng tồn tại một số hạn chế. Vì vậy, bạn đọc nên tìm hiểu ưu nhược điểm của cầu răng sứ để xem xét có nên trồng răng số 6 bằng phương pháp này hay không:
Ưu điểm:
- Không xâm lấn vào xương hàm nên người cao tuổi và người có bệnh nền có thể thực hiện.
- Thời gian thực hiện nhanh chóng chỉ mất khoảng 2 – 3 buổi hẹn. Mỗi buổi hẹn cách nhau từ 3 – 5 ngày nên bạn có thể phục hình răng trong một thời gian ngắn.
- Chi phí hợp lý (khoảng 3 – 18 triệu tùy chất liệu sứ) và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
- Màu sắc tự nhiên và tương đồng với răng thật, mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, không bị “lộ” ra khi giao tiếp hay ăn uống.
Nhược điểm:
- Sau một vài năm sẽ xuất hiện tình trạng tiêu xương răng hàm do cầu răng sứ chỉ phục hình thân răng số 6, hoàn toàn không có chân răng. Sau thời gian này, cần phải phục hình lại để đảm bảo cầu răng sứ không bị bung tuột, lỏng lẻo.
- Phải tiến hành mài răng số 5 và số 7 nên không ít người e ngại khi thực hiện.
- Mặc dù chi phí không quá cao nhưng phải làm lại sau 3 – 5 năm nên giá làm trồng răng số 6 bằng phương pháp này không thực sự rẻ.
Làm cầu răng sứ là giải pháp trồng răng giả được ưa chuộng hiện nay. Nếu có bệnh lý nền và hạn chế về tài chính, bạn có thể xem xét thực hiện phương pháp này. Tuy nhiên, cần lưu ý làm cầu răng sứ chỉ áp dụng cho trường hợp mất răng số 6. Những người bị mất răng số 7 không thể thực hiện phương pháp này cho không có răng trụ.
2. Trồng răng số 6, 7 bằng cấy ghép Implant
Cấy ghép Implant có thể áp dụng cho trường hợp mất răng số 6, số 7 hoặc mất cả 2 răng. Phương pháp này cũng sử dụng mão sứ nhưng thay vì mài 2 răng bên cạnh để làm trụ, bác sĩ sẽ dùng trụ Implant cắm vào xương hàm để thay thế cho chân răng. Sau đó, dùng khớp nối (Abutment) để phục hình mão sứ với trụ Implant.
Trụ Implant được làm từ Titanium có độ tương thích cao, không gỉ và có khả năng tích hợp xương. Sau khi cấy trụ, xương sẽ phát triển xung quanh trụ giúp cho trụ Implant trở nên ổn định và chắc chắn. Do đó, trồng răng số 6, số 7 bằng cấy ghép Implant mang lại cảm giác ăn nhai không thua kém răng thật.
Ưu điểm:
- Phục hồi khả năng ăn nhai lên đến 95% và không ảnh hưởng đến 2 răng bên cạnh.
- Răng Implant có thể ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương hàm nên có tuổi thọ vĩnh viễn nếu biết cách chăm sóc.
- Có thể ngăn ngừa tình trạng tụt lợi, răng xô lệch, lệch khớp cắn, biến dạng cấu trúc khuôn mặt,…
- Răng Implant có cấu tạo, kích thước, hình dáng và màu sắc khá giống với răng thật. Chính vì vậy, phương pháp này được đánh giá mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
Nhược điểm:
- Cấy ghép Implant là phương pháp xâm lấn vào xương hàm nên không phải ai cũng có thể thực hiện. Do đó, nhiều trường hợp bắt buộc phải làm cầu răng sứ mặc dù có đủ tài chính để thực hiện phương pháp này.
- Quy trình phức tạp và mất khá nhiều thời gian. Thông thường sau khi cấy trụ Implant, bạn phải chờ từ 3 – 6 tháng để chân răng tích hợp với xương hàm trước khi phục hình mão sứ lên trên.
- Chi phí trồng răng số 6, số 7 bằng kỹ thuật cấy ghép Implant khá cao (dao động 14 – 35 triệu đồng/ răng). Tuy nhiên, vì có tuổi thọ suốt đời nên chi phí trồng răng bằng phương pháp này được đánh giá là hợp lý.
- Phải lựa chọn địa chỉ uy tín có đội ngũ bác sĩ giỏi và sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại để tránh những rủi ro như nhiễm trùng, đào thải trụ Implant,…
Trồng răng số 6, số 7 bằng cấy ghép Implant mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, những người bị mất răng lâu năm buộc phải phẫu thuật nâng xoang và ghép xương trước khi cấy ghép Implant để đảm bảo hiệu quả. Đây là lý do bạn nên trồng răng ngay sau khi mất răng để tiết kiệm chi phí.
Nếu dư dả về tài chính và không nằm trong nhóm đối tượng chống chỉ định, bạn nên trồng răng số 6, số 7 bằng kỹ thuật cấy ghép Implant. Kỹ thuật này vừa cho hiệu quả thẩm mỹ cao vừa giúp khôi phục chức năng ăn nhai như răng thật. Ngoài ra, tuổi thọ của răng Implant có thể kéo dài suốt đời nên không phải phục hình lại nhiều lần như cầu răng sứ.
Lưu ý khi trồng răng số 6, số 7
Răng số 6, số 7 là nhóm răng có vai trò rất quan trọng đối với chức năng ăn nhai. Do đó, khi trồng răng ở những vị trí này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên thăm khám ngay sau khi mất răng răng số 6 và số 7. Bởi từ tháng 3 trở đi, hiện tượng tiêu xương hàm sẽ bắt đầu diễn ra. Những trường hợp tiêu xương hàm nặng sẽ phải tốn thêm chi phí phẫu thuật nâng xoang và ghép xương.
- Trồng răng là kỹ thuật phức tạp. Để tránh biến chứng và đảm bảo hiệu quả của phương pháp, bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín nếu có ý định trồng răng nói chung và trồng răng số 6, số 7 nói riêng.
- Cầu răng sứ và răng Implant đều không thể so sánh với răng thật. Do đó, sau khi trồng răng, bạn nên kiêng cữ các loại thực phẩm cứng, khô, dai và nên nhai đều hai bên để tránh bị lệch hàm.
- Khi trồng răng số 6, số 7, nên chọn mão sứ làm từ sứ toàn sứ thay vì sứ kim loại. Răng sứ kim loại có thể gây đen nướu răng và đen răng sau một thời gian sử dụng do hiện tượng oxy hóa.
- Chú ý vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng để tránh hiện tượng đổi màu răng sứ và phòng ngừa các vấn đề nha khoa thường gặp. Ngoài ra, bạn cần tái khám ít nhất 1 lần/ năm để bác sĩ đánh giá tình trạng răng và xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Trồng răng số 6, số 7 nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Hiện tại, có khá nhiều phương pháp phục hình được áp dụng trong trường hợp mất răng cấm. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng để chọn được phương pháp tối ưu và có chi phí phù hợp với khả năng tài chính.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Phục hình răng là gì? Các phương pháp phục hình răng phổ biến hiện nay
Làm Cầu Răng Có Bị Tiêu Xương Không? Giải Đáp
Mất răng hàm có bị hóp má không? Nên làm gì để phòng?
Trồng răng giả vĩnh viễn loại nào tốt nhất hiện nay? Giá bao nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!