Mất răng số 6, số 7 khiến cho việc ăn nhai trở nên khó khăn và về lâu dài có thể gây tiêu xương, làm xô lệch các răng lân cận, biến dạng khuôn mặt,… Để phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng, cần can thiệp sớm các giải pháp phục hình.
Mất răng số 6 và 7 do đâu?
Răng số 6, số 7 thuộc nhóm răng hàm – nhóm răng quan trọng đối với chức năng ăn nhai. Trong nhóm răng hàm còn bao gồm răng khôn (răng số 8) nhưng răng ở vị trí này không giữ vai trò quan trọng như 2 răng còn lại. Do đó, bác sĩ thường chỉ định nhổ răng khôn khi răng bị sâu, mọc ngầm, mọc lệch, viêm lợi trùm tái phát nhiều lần,… Trong khi đó, các vấn đề ở răng số 6 và số 7 thường được ưu tiên điều trị bảo tồn.
Mất răng số 6, số 7 là tình trạng răng bị rụng hoặc bị nhổ bỏ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng thường gặp nhất là những nguyên nhân sau:
- Chấn thương nặng khiến răng bị rụng hoặc lung lay nặng không thể điều trị, sau đó rụng hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn.
- Viêm nha chu không được điều trị gây tiêu xương ổ răng, kết quả là răng lung lay và rụng vĩnh viễn.
- Các bệnh nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, áp xe răng,… không được điều trị sớm cũng là nguyên nhân gây mất răng số 6 và số 7.
- Răng bị vỡ, nứt nặng do chấn thương hoặc ăn nhai thức ăn quá cứng có thể phải nhổ bỏ nếu không thể phục hình bằng răng sứ.
Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân gây mất răng số 6 và số 7 nhưng thường gặp nhất là do ảnh hưởng của viêm nha chu và sâu răng nặng. Đây cũng là lý do nha sĩ luôn khuyến khích mỗi người nên khám nha khoa định kỳ 1 lần/ năm để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh răng miệng thường gặp.
Hậu quả khi mất răng số 6, 7 hàm trên/ hàm dưới
Răng số 6 và số 7 có kích thước lớn hơn những răng khác trên cung hàm, bề mặt răng có nhiều rãnh kẽ để thuận tiện cho việc ăn nhai. So với răng ở những vị trí khác, răng hàm nói chung và răng số 6, số 7 nói riêng giữ vai trò quan trọng hơn.
Tình trạng mất răng số 6, 7 ở hàm trên hoặc hàm dưới đều có thể gây ra những hậu quả như sau:
1. Giảm chức năng ăn nhai
Răng số 6 và số 7 giữ vai trò chính đối với chức năng ăn nhai. Vì vậy khi mất 1 trong 2 răng, việc ăn nhai sẽ trở nên khó khăn.
Nếu chỉ bị mất răng số 6, số 7 một bên, bạn có thể ăn nhai bên còn lại. Tuy nhiên, trường hợp mất 2 răng gần như không thể nghiền nát thức ăn. Lúc này, bạn không thể dùng những món ăn dai, cứng và khô mà chỉ có thể dùng các thức ăn mềm.
Giảm chức năng ăn nhai không chỉ gây phiền toái khi ăn uống mà còn gia tăng các vấn đề tiêu hóa. Thức ăn không được nghiền nát sẽ gây khó tiêu, đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng,…
2. Gây tiêu xương hàm
Xương hàm là cơ quan nâng đỡ răng và được bảo vệ bởi nướu răng. Khi mất răng số 6 và số 7, xương ổ răng sẽ bị tiêu hủy dần do không nhận được kích thích từ chân răng. Về lâu dài, các tế bào xương bị thoái hóa khiến cho thể tích và mật độ xương giảm đi đáng kể.
Tiêu xương răng là phản ứng sinh lý khi bị mất răng và thường xảy ra sau khi mất răng khoảng 3 tháng. Sau thời gian này, thể tích xương hàm sẽ suy giảm rõ rệt khiến cho vị trí răng số 6, số 7 có hiện tượng lún xuống. Tiêu xương răng thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng sẽ gây ra nhiều vấn đề về lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.
3. Làm xô lệch các răng khác
Khi tiêu xương hàm, các răng lân cận sẽ có hiện tượng xô lệch và chen chúc. Răng xô lệch ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc răng và khả năng ăn nhai. Với những trường hợp nặng, răng có thể dịch chuyển đến những vị trí xa hơn nếu hiện tượng tiêu xương răng tiếp tục tiếp diễn.
4. Gây biến dạng khuôn mặt
Mất răng lâu ngày khiến cho mật độ và thể tích xương hàm bị tiêu hủy đáng kể. Điều này làm biến dạng cấu trúc khuôn mặt dẫn đến tình trạng hóp má, móm, lệch khớp cắn,… Một số trường hợp nặng có thể bị lệch mặt nghiêm trọng.
5. Ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Mất răng số 6, số 7 còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ngoại hình, Răng số 6, số 7 không nằm ở bên ngoài như răng cửa nhưng khi cười lớn có thể lộ ra. Khi bị mất răng, bạn sẽ không thể cười nói thoải mái như bình thường. Ngoài ra, mất răng lâu năm sẽ gây tiêu xương hàm, điều này ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc khuôn mặt và ngoại hình. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý sớm khi mất răng số 6, số 7.
Các giải pháp phục hình khi mất răng số 6, số 7
Mất răng số 6, số 7 ở hàm trên hay hàm dưới đều cần phải khắc phục trong thời gian sớm nhất. Nếu phục hình sớm, bạn có thể tránh được những phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Mỗi phương pháp phục hình đều sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ để chọn được phương pháp phù hợp nhất.
1. Làm hàm giả tháo lắp
Nếu bị mất răng số 6, số 7 hoặc mất cả 2 răng, bạn có thể làm hàm giả tháo lắp. Trước đây, phương pháp này chỉ có thể phục hình cho những trường hợp mất răng toàn hàm. Tuy nhiên, hiện nay hàm giả tháo lắp có thể phục hình cho những trường hợp mất 1 răng, mất nhiều răng liền kề, mất nhiều răng xen kẽ,…
Răng giả tháo lắp là phương pháp phục hồi răng bị mất bằng nhựa, khung kim loại và răng composite. Tất cả được gắn lại tạo thành một cấu trúc chắc chắn, sau đó được gắn vào cung hàm với điểm tựa là những răng còn chắc chắn.
Ưu điểm của làm hàm giả tháo lắp là không xâm lấn, an toàn và chi phí thấp. Tuy nhiên, vì được gắn khá lỏng lẻo nên sử dụng hàm giả dễ bị bung tuột khi ăn uống. Ngoài ra, phần nhựa và khung kim loại có thể ma sát với nướu răng, niêm mạc miệng dẫn đến tình trạng xây xước và chảy máu.
Có thể thấy, hàm giả tháo lắp chỉ có thể phục hình thân răng bằng răng sứ hoặc răng composite, sau đó được cố định lên răng bằng khung nhựa hoặc khung kim loại. Vì vậy, phương pháp này còn có những hạn chế như chỉ phục hồi được 50 – 60% khả năng ăn nhai, gây ra cảm giác vướng víu và không thể ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương răng.
2. Cầu răng sứ
Cầu răng sứ là phương pháp trồng răng giả cố định được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này phục hình từ 3 – 4 mão sứ, sau đó mài 2 răng ở bên cạnh để làm trụ, các cầu răng còn lại bắc ngang qua nhằm phục hình thân răng của răng đã bị mất.
Phương pháp này chỉ được thực hiện nếu chỉ mất răng số 6 hoặc mất răng số 5, số 6. Những trường hợp mất răng số 7 không thể thực hiện do không có răng làm trụ. Ngay cả khi đã mọc răng khôn (răng số 8), bác sĩ cũng sẽ không chỉ định phương pháp này. Lý do là vì sử dụng răng số 8 làm trụ tiềm ẩn nhiều rủi ro so với lợi ích mang lại.
Cầu răng sứ sau khi chế tác sẽ được gắn cố định lên răng bằng keo dán nha khoa. Nhờ được gắn cố định nên răng giả khá chắc chắn và thoải mái khi ăn uống. Răng sứ được làm từ chất liệu sứ nên có màu sắc tương đồng với răng thật, không bị lộ khi ăn uống hay giao tiếp.
Tuy nhiên, cầu răng sứ chỉ có thể khôi phục thân răng, hoàn toàn không có chân răng ở phía dưới. Do đó, sau một thời gian sử dụng sẽ có hiện tượng tiêu xương hàm khiến cho các răng còn lại bị sụp lún, xô lệch. Dù vậy, làm cầu răng sứ có mức độ xâm lấn thấp và chi phí hợp lý nên vẫn được nhiều người lựa chọn.
3. Trồng răng Implant
Trồng răng Implant được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong trường hợp mất răng số 6, số 7. Phương pháp này không chỉ khôi phục thân răng mà còn dùng trụ Implant cắm vào xương hàm để thay thế cho chân răng. Khi ăn uống, áp lực sẽ truyền xuống xương hàm kích thích xương tái tạo, phục hồi liên tục. Do đó, có thể phòng ngừa tiêu xương răng, xô lệch các răng khác trên cung hàm và biến dạng cấu trúc khuôn mặt.
Trụ Implant được từ thép không gỉ có độ tương thích cao, sau khi cấy ghép, xương sẽ tích hợp vào trụ tạo ra cấu trúc vững chắc. Sau đó, bác sĩ sẽ phục hình răng sứ trên Implant thông qua khớp nối Abutment. Răng Implant mang lại cảm giác ăn nhai không thua kém răng thật và có tuổi thọ vĩnh viễn nếu biết cách chăm sóc.
Đối với những người bị mất răng lâu năm khiến xương hàm bị tiêu hủy nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định ghép xương trước khi cấy ghép Implant. Mặc dù có hiệu quả cao nhưng trồng răng Implant có chi phí đắt đỏ hơn so với hai phương pháp trên.
Phương pháp này xâm lấn vào nướu răng và xương hàm nên chống chỉ định tuyệt đối cho những trường hợp sau:
- Người chưa đủ 18 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Người bị dị dạng xương hàm nghiêm trọng
- Người bị rối loạn tâm thần nặng không thể kiểm soát hành vi của bản thân
- Bệnh nhân nghiện rượu nặng
- Người mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng không thể kiểm soát như thiểu năng tuyến yên, bệnh Paget, đái tháo đường, tim mạch, người cao tuổi,…
Những trường hợp này chỉ có thể can thiệp làm cầu răng sứ hoặc làm hàm giả tháo lắp. Để phòng ngừa biến chứng, bác sĩ cũng sẽ thăm khám và điều trị dứt điểm các vấn đề nha khoa trước khi cấy ghép Implant.
4. Chỉnh nha – niềng răng
Đối với những trường hợp mất răng số 6 hoặc số 7 và đã mọc răng khôn, bác sĩ có thể chỉ định niềng răng – chỉnh nha để đóng kín khoảng mất răng. Tuy nhiên, chỉnh nha chỉ được áp dụng trong trường hợp này nếu răng số 8 mọc thẳng hoặc mọc lệch 45 độ nhưng chân răng tốt, không chèn ép lên dây thần kinh, không bị sâu nặng hay bị viêm nha chu.
Trong trường hợp mất răng số 7 và cấu trúc răng tương đối đồng đều, ổn định, bác sĩ sẽ gắn mắc cài cho răng số 6 và số 8 để đóng kín khoảng trống ở vị trí răng số 7. Phương pháp này sẽ mất khoảng 7 – 8 tháng hoặc nhiều hơn tùy theo trường hợp cụ thể.
Với trường hợp mất răng số 6, bạn sẽ phải đeo mắc cài toàn hàm để dịch chuyển vị trí của cả răng số 7 và số 8. Như vậy có thể đóng kín khoảng trống, đồng thời có thể khắc phục một số khuyết điểm khác như răng hô, móm, răng thưa, răng chen chúc và lệch lạc.
Niềng răng – chỉnh nha mất nhiều thời gian hơn so với các phương pháp trồng răng. Tuy nhiên, vì sử dụng răng thật nên phương pháp này cho kết quả vĩnh viễn và phục hồi được 100% khả năng ăn nhai. Hơn nữa, niềng răng còn giúp khắc phục các khuyết điểm khác trên cung hàm, từ đó mang lại cho bạn hàm răng đồng đều và giúp điều chỉnh khớp cắn về đúng vị trí.
Mất răng số 6, số 7 gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để ngăn ngừa những ảnh hưởng lâu dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Mặc dù có nhiều phương pháp khắc phục nhưng trồng răng Implant và niềng răng (chỉnh nha) vẫn được xem là hai phương pháp tối ưu nhất.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cấu Tạo Trụ Implant Gồm Những Gì? Top 6 Loại Trụ Chất Lượng Nhất
Răng Giả Tháo Lắp Là Gì? Loại Nào Tốt Nhất Hiện Nay?
Trụ Implant Tekka có tốt không? Giá bao nhiêu?
Trồng răng giả vĩnh viễn loại nào tốt nhất hiện nay? Giá bao nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!