Sưng nướu răng và nổi hạch thường do viêm nướu răng và mọc răng khôn. Một số trường hợp khác liên quan đến viêm nha chu, viêm tủy răng và sâu răng. Tình trạng này thường kèm theo cảm giác đau nhức, nướu răng tấy đỏ, sốt. Để tránh gây khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, những biện pháp chăm sóc và điều trị cần được áp dụng sớm.
Thế nào là sưng nướu răng và nổi hạch?
Sưng nướu răng và nổi hạch là tình trạng sưng nề và tấy đỏ ở lợi/ nướu kèm theo nổi hạch ở cổ hoặc góc hàm. Tình trạng này thường liên quan đến các bệnh viêm nhiễm, cụ thể như viêm nướu răng, viêm tủy răng, viêm nha chu.
Một số trường hợp khác có nướu răng bị sưng do mọc răng khôn, sâu răng với lỗ hỏng lớn, vi khuẩn gây kích ứng và làm tổn thương mô nướu. Tùy thuộc vào nguyên nhân, những người bị sưng lợi và nổi hạch thường bị sốt, đau nhức, dễ chảy máu chân răng.
Điều trị dựa trên nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Thông thường vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp dùng thảo dược hoặc súc miệng với nước muối có thể cải thiện tình trạng.
Sưng nướu răng và nổi hạch là bệnh gì?
Sưng nướu răng và nổi hạch là dấu hiệu của nhiều bệnh răng miệng. Cụ thể:
1. Viêm nướu răng
Phần lớn các trường hợp bị sưng lợi và nổi hạch do viêm nướu răng. Bệnh lý này là tình trạng viêm, sưng, đau đớn và tấy đỏ ở lợi/ nướu. Viêm nướu răng thường gặp ở những người bị sâu răng, vệ sinh răng miệng không kỹ, chế độ ăn uống kém lành mạnh.
Mảng bám và vụn thức ăn không được làm sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Chúng tiết ra độc tố kích thích mô nướu và thúc đẩy quá trình hủy khoáng. Điều này gây ra viêm lợi (viêm nướu răng) và viêm nha chu.
Khi ổ nhiễm trùng phát triển, viêm nướu răng có thể gây sốt, sưng hạch ở cổ và góc hàm. Những hạch lympho nổi lên để phản ứng với sự tấn công của vi khuẩn và bảo vệ mô nướu. Thông thường tình trạng này được kiểm soát bằng cách vệ sinh răng miệng và dùng thuốc giảm đau hạ sốt.
2. Viêm nha chu
Viêm nướu răng không được điều trị có thể dẫn đến viêm nha chu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sưng nướu răng và nổi hạch phổ biến. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng mô nướu và tổ chức nâng đỡ răng bị nhiễm trùng. Khi bệnh tiến triển, răng lung lay và sớm gãy rụng.
Dấu hiệu nhận biết viêm nha chu:
- Lợi sưng và tấy đỏ, nhạy cảm, dễ chảy máu
- Tụt lợi lộ chân răng
- Nhiều mảng bám tập trung ở cổ răng
- Răng lung lay
- Có dịch hoặc mủ chảy ra khi ấn vào túi lợi
- Hôi miệng dai dẳng
- Răng ê buốt, khó khăn khi ăn uống
Trong giai đoạn phát triển ổ viêm và tụ mủ, viêm nha chu có thể làm tăng thân nhiệt và sưng các hạch lân cận. Đây là một bệnh răng miệng nghiêm trọng, cần được điều trị sớm để tránh biến chứng.
3. Sâu răng
Sưng nướu răng và nổi hạch thường thấy ở những người bị sâu răng có lỗ sâu lớn. Khi vụn thức ăn và mảng bám tích tụ quanh răng, vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi và gây hiện tượng hủy khoáng. Điều này khiến men răng bị phá hỏng, dẫn đến sâu răng.
Theo thời gian, lỗ sâu gia tăng kích thích làm hỏng hoặc lộ ngà răng, kích thích tủy răng. Điều này khiến lợi sưng tấy kèm theo đau nhức âm ỉ, ê buốt răng, nổi hạch ở cổ hoặc góc hàm.
4. Viêm tủy răng
Sưng nướu răng và nổi hạch có thể là dấu hiệu nhận biết viêm tủy răng. Bệnh lý này đề cập đến tình trạng viêm nhiễm tủy răng do vi khuẩn. Khi không được điều trị, sâu răng vào tủy và tạo điều kiện cho vi khuẩn làm tổn thương tủy răng. Ngoài ra chấn thương, răng nhiễm độc và viêm nha chu cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Viêm tủy răng gây ê buốt và đau răng dữ dội, cơn đau có xu hướng lan tỏa và tăng dần theo thời gian, quan sát thấy lỗ sâu răng, gõ vào thấy răng lung lay. Trong nhiều trường hợp, viêm tủy răng gây sốt và sưng hạch do ổ viêm phát triển.
Khi không được điều trị, viêm tủy răng dẫn đến chết tủy răng (viêm tủy răng hoại tử). Lúc này răng sậm màu và không còn cảm giác đau nhức.
5. Mọc răng khôn
Mọc răng khôn có thể là nguyên nhân gây sưng nướu răng và nổi hạch. Răng khôn (răng số 8) là những chiếc răng nằm ở cuối cung hàm. Răng này chỉ mọc trong giai đoạn trưởng thành (khoảng 17 đến 25 tuổi).
Khi nhìn, răng khôn trông giống với những chiếc răng hàm khác. Tuy nhiên răng này có 3 – 4 chân, mọc với nhiều kiểu và nhiều hướng khác nhau, răng có thể mọc thẳng hoặc lệch, chân răng thường cong hoặc quắp lại.
Chính vì thế mà mọc răng khôn thường gây ra những triệu chứng khó chịu. Trong đó sốt, sưng nướu răng, nổi hạch, mệt mỏi là những biểu hiện thường gặp. Tình trạng này chủ yếu do phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch. Ngoài ra nhiều người còn bị ê buốt, đau nhức kéo dài, nướu chảy máu, sưng má.
Tham khảo thêm: Tại sao mọc răng khôn lại bị sốt? Sốt mấy ngày?
Sưng nướu răng và nổi hạch có nguy hiểm không?
Sưng nướu răng và nổi hạch có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Về cơ bản, tình trạng này khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, cơ thể mệt mỏi.
Khi phát triển bởi những nguyên nhân nghiêm trọng, sưng nướu răng và nổi hạch gây ra nhiều biến chứng. Việc chăm sóc và chữa trị sớm là điều cần thiết. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp:
- Áp xe quanh chóp răng
- Viêm hạch
- Viêm xương hàm
- Viêm quanh cuống răng
- Nhiễm trùng lan rộng gây viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng máu…
- Mất răng
- Viêm tủy răng hoại tử
Điều trị sưng nướu răng và nổi hạch
Điều trị sưng nướu răng và nổi hạch dựa trên nguyên nhân. Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa, áp dụng các biện pháp chăm sóc có thể giúp giảm nhanh. Nhiều trường hợp khác cần điều trị y tế để ngăn các biến chứng phát triển.
1. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp loại bỏ mảng bám, ngăn sự phát triển của vi khuẩn. Điều này giúp giảm kích ứng ở mô nướu, xoa dịu tình trạng viêm sưng và giảm sưng hạch.
Để làm sạch khoang miệng, cần chải răng 2 – 3 lần/ ngày. Nên dùng bàn chải lông mềm, chải răng nhẹ nhàng và linh hoạt, đảm bảo các bề mặt răng đều được làm sạch. Ngoài ra nên dùng dung dịch nước súc miệng và chỉ nha khoa để tăng khả năng làm sạch và diệt khuẩn.
Chọn kem đánh răng chứa flour giúp tái khoáng răng, bảo vệ nướu và răng khỏe mạnh, phòng ngừa sâu răng dẫn đến sưng nướu răng và nổi hạch.
2. Súc miệng với nước muối ấm
Sưng nướu răng và nổi hạch có thể được khắc phục bằng cách súc miệng với nước muối ấm. Nước muối có tính kháng viêm mạnh, giúp làm dịu mô nướu bị sưng và viêm. Đồng thời làm se vết thương và thúc đẩy quá trình chữa lành.
Ngoài ra súc miệng với nước muối ấm còn giúp làm sạch khoang miệng, tiêu diệt vi khuẩn, loại trừ ổ viêm. Từ đó giúp phòng ngừa sốt, điều trị sưng nướu răng và nổi hạch hiệu quả.
Nước muối cũng giúp giảm đau và mang đến cảm giác dễ chịu. Vì thế người bị sưng nướu răng và nổi hạch nên súc miệng với nước muối mỗi ngày 2 – 3 lần. Sau vài lần sẽ thấy triệu chứng giảm đáng kể.
Hướng dẫn súc miệng với nước muối ấm:
- Hòa tan nửa thìa muối trong 300 – 400ml nước ấm
- Dùng để súc miệng 3 lần trong ngày, đảo đều nước muối trong miệng 2 phút.
3. Dùng mật ong
Dùng mật ong có thể giúp giảm sưng nướu răng và nổi hạch hiệu quả. Mật ong chứa axit amin, các vitamin (vitamin B2, B3, B6, B9, C…) và khoáng chất ( canxi,magie, phốt pho…). Nhờ đó uống mật ong mỗi ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời hạn chế nhiễm trùng, ngăn vi khuẩn phát triển, giảm sốt và sưng hạch.
Ngoài ra mật ong có tính kháng khuẩn. Dùng bôi trực tiếp có thể giúp giảm viêm, giảm sưng nướu răng, ngăn vi khuẩn phát triển và thúc đẩy chữa lành vết thương. Dùng mật ong đúng cách còn giúp giảm đau tự nhiên, thanh lọc cơ thể, ngăn viêm lợi nhiệt miệng ở trẻ.
Hướng dẫn cách dùng mật ong chữa sưng nướu răng và nổi hạch:
- Cách 1: Thoa trực tiếp mật ong lên nướu để làm dịu vết sưng, sát khuẩn và giảm đau.
- Cách 2: Pha 2 thìa mật ong nguyên chất, 1 thìa nước cốt chanh tươi trong 300ml nước ấm. Uống vào buổi sáng hoặc tối, sau khi ăn no.
4. Uống / súc miệng với trà gừng
Để tăng khả năng sát khuẩn, điều trị sưng nướu răng và nổi hạch, người bệnh có thể uống 1 tách trà gừng mỗi ngày. Chiết xuất từ gừng có tác dụng chống viêm, sát trùng, tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn trong khoang miệng. Từ đó giảm tình trạng sưng nướu và làm dịu vết sưng.
Ngoài ra loại thảo dược này còn mang đến nhiều lợi ích sau:
- Chữa cảm lạnh, sốt và sưng hạch; hỗ trợ tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể
- Giảm đau
- Điều trị nhiễm trùng
- Giảm mùi hôi ở khoang miệng
- Tốt cho hệ tiêu hóa, cân bằng lượng đường trong máu, chống ung thư và ngăn bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên gừng có tính ấm, không nên dùng cho những người âm hư nội nhiệt và nhiệt thịnh.
Hướng dẫn cách pha trà gừng chữa sưng nướu răng và nổi hạch hiệu quả:
- Cho vài lát gừng hoặc gừng xay vào tách
- Rót 300ml nước nóng, hãm trong 20 phút
- Thêm mật ong hoặc nước cốt chanh để cân bằng hương vị
- Uống trà gừng khi còn ấm, ngậm và nuốt từ từ. Hoặc dùng nước gừng để súc miệng.
5. Dùng nha đam
Để làm dịu tình trạng sưng nướu răng và nổi hạch, hãy dùng gel nha đam thoa đều lên mô nướu bị viêm. Loại thảo dược này có tính mát, chứa nhiều nước, có tác dụng cải thiện tình trạng mất nước, loại bỏ độc tố và thanh lọc cơ thể.
Ngoài ra trong gel nha đam chứa enzyme bradykinase, chromone C-glucosyl và axit salixylic. Những hợp chất này có khả năng chống viêm mạnh, làm dịu nướu răng sưng tấy. Đồng thời ngăn quá trình sản sinh axit trong cơ thể. Từ đó phòng ngừa và giảm nhanh tình trạng viêm loét, giảm đau và thúc đẩy chữa lành các mô bị thương.
Nha đam phù hợp với những người bị sưng nướu răng và nổi hạch do mọc răng khôn, các bệnh răng miệng, sốt do nhiễm trùng.
Hướng dẫn cách dùng nha đam hiệu quả:
- Rửa sạch và cắt bỏ vỏ nha đam
- Dùng thìa nạo lấy gel trong suốt
- Vệ sinh khoang miệng, thoa gel nha đam lên vết sưng, giữ trong 10 phút, súc miệng với nước ấm
- Nấu nha đam đường phèn, uống mỗi ngày 1 chai.
6. Dùng tỏi
Nếu sưng nướu răng và nổi hạch liên quan đến viêm và nhiễm trùng, người bệnh có thể dùng tỏi để cải thiện tình trạng. Loại thảo dược này chứa những hoạt chất có khả năng chống viêm, chữa nướu răng sưng đỏ và đau răng.
Ngoài ra dùng tỏi còn giúp sát khuẩn, ngăn sự phát triển của ổ viêm. Từ đó hạn chế tình trạng sốt, sưng hạch ở góc hàm và cổ.
Hướng dẫn cách sử dụng tỏi:
- Lấy một tép tỏi và đập dập
- Trộn tỏi với một ít muối, đắp lên nướu răng sưng đỏ. Mỗi ngày 2 lần.
7. Chế độ ăn uống phù hợp
Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp cũng là cách khắc phục tình trạng sưng nướu răng và nổi hạch hiệu quả.
- Ăn thực phẩm mềm, dễ nuốt để làm dịu mô nướu sưng đau.
- Tránh ăn thực phẩm cứng, thực phẩm cay nóng, chứa nhiều đường. Bởi nhóm thực phẩm này có thể tăng tổn thương mô mềm, kích thích viêm và sưng đau nướu. Đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.
- Thêm men sống hoặc sữa chua vào thực đơn ăn uống mỗi ngày. Nhóm thực phẩm này giúp bổ sung lợi khuẩn, cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột và khoang miệng. Từ đó giảm viêm, làm dịu mô nướu sưng tấy.
- Tăng cường bổ sung vitamin C từ nước ép trái cây, hoa quả. Chất này giúp giảm đau, kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch và chống nhiễm trùng. Đồng thời cải thiện sức khỏe, giảm sốt và sưng hạch.
- Bổ sung các khoáng chất như canxi, magie, phốt pho… từ sữa, rau xanh, nấm, hải sản, trứng. Những khoáng chất này giúp cải thiện sức khỏe răng miệng, ngăn sâu răng.
- Uống 2 lít nước mỗi này. Uống nhiều nước giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, làm sạch khoang miệng và ngăn vi khuẩn phát triển mạnh.
8. Điều trị y tế
Để ngăn ngừa sưng nướu răng và nổi hạch tái phát, nguyên nhân cần được chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp thường được áp dụng:
- Điều trị tủy
Những trường hợp bị viêm tủy răng không phục hồi cần được điều trị nội nha (điều trị tủy răng). Trong quá trình này, tủy răng viêm bị loại bỏ hoàn toàn, sau đó trám bít lỗ sâu. Nếu được chăm sóc tốt, răng lấy tủy có thể tồn tại đến 15 năm.
Nếu có lỗ sâu lớn nhưng chưa viêm tủy, hãy tiến hành trám răng để điều trị sâu răng, ngăn sưng nướu răng và nổi hạch tái phát. Trong kỹ thuật này, dụng cụ chuyên dụng được dùng để loại bỏ ngà răng và men răng bị sâu. Sau đó dùng vật liệu thích hợp để trám bít lỗ sâu, thay thế cho mô bị mất.
- Cạo vôi răng
Cạo vôi răng được chỉ định cho những bệnh nhân có nhiều mảng bám và vôi răng làm phát triển ổ nhiễm trùng, viêm nha chu. Phương pháp này giúp làm sạch bề mặt răng, giảm nguy cơ sâu răng, viêm tủy, viêm nha chu và nhiều tình trạng khác. Ngoài ra làm sạch vôi răng còn giúp giảm kích ứng nướu trong tương lai.
- Thuốc
Những loại thuốc thường được dùng trong điều trị sưng nướu răng và nổi hạch:
-
- Thuốc kháng sinh: Thuốc này được dùng khi ổ vi khuẩn phát triển. Thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế quá trình nhân lên của vi khuẩn hoặc tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng.
- Paracetamol hoặc NSAID: Paracetamol hoặc một loại NSAID được dùng để giảm đau ở mức độ nhẹ và vừa, hạ sốt, giảm sưng hạch. Ngoài ra NSAID còn có khả năng trị viêm hiệu quả, giúp giảm sưng nướu răng rõ rệt.
- Thuốc bôi tại chỗ: Một số thuốc bôi tại chỗ như Metronidazol, Chlorhexidine… chứa các hoạt chất giúp sát khuẩn, chống nhiễm trùng và giảm sưng nướu răng do viêm nha chu và viêm lợi.
- Thuốc trị viêm lợi: Một số thuốc trị viêm lợi như Naphacogyl, Emofluor Gel… được dùng để giảm đau và sưng đỏ nướu răng. Những loại thuốc này chứa những hoạt chất có khả năng điều trị nhiễm trùng, trị viêm. Từ đó giúp cải thiện nhanh các triệu chứng.
Tham khảo thêm: Top 12 Thuốc Điều Trị Viêm Lợi Ở Trẻ Em Nhanh Khỏi, An Toàn
- Cố định răng
Phương pháp cố định răng được áp dụng cho những người bị viêm nha chu khiến răng bị lung lay. Phương pháp này dùng nẹp kim loại để cố định răng trên cung hàm, khắc phục tình trạng lỏng lẻo và phục hồi chức năng nhai. Từ đó giảm nguy cơ mất răng.
- Phẫu thuật nha chu
Phẫu thuật nha chu được chỉ định cho những người bị sưng nướu răng và nổi hạch do viêm nha chu tiến triển, mô nướu và tổ chức năng đỡ năng tổn thương nghiêm trọng. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh được khuyên phẫu thuật vạt nướu, ghép xương/ mô, tái tạo mô, phẫu thuật Mucogingival hoặc phẫu thuật loại bỏ túi nha chu.
Phòng ngừa sưng nướu răng và nổi hạch
Những biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ sưng nướu răng và nổi hạch:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, mỗi ngày chải răng 2 – 3 lần với bàn chải mềm và kem đánh răng chứa flour.
- Dùng dung dịch súc miệng để làm sạch khoang miệng và chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
- Điều trị sâu răng, viêm tủy răng và những bệnh lý khác có thể gây sưng lợi và nổi hạch.
- Uống nhiều nước lọc để thanh nhiệt, giải độc cơ thể và làm sạch khoang miệng.
- Xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, duy trì nướu và răng chắc khỏe bằng cách tăng cường bổ sung vitamin C, canxi, magie và nhiều thành phần dinh dưỡng khác. Các loại thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng gồm: Trái cây tươi, rau xanh, các loại hải sản, nấm, chế phẩm của sữa, các loại hạt, đậu…
- Thêm sữa chua vào chế độ ăn uống mỗi ngày để bổ sung lợi khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch và tăng cường hệ vi sinh, giảm nguy cơ phát triển ổ viêm.
- Tránh ăn thực phẩm cứng, không cắn/ xé đồ vật… để hạn chế trầy xước niêm mạc và viêm nướu răng.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế dùng rượu bia.
- Khám nha khoa và cạo vôi răng định kỳ 6 tháng 1 lần để ngăn vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh nhiễm trùng.
Sưng nướu răng và nổi hạch thường do viêm lợi, sâu răng, mọc răng khôn và một số tình trạng viêm nhiễm. Những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm nhanh triệu chứng. Tuy nhiên các nguyên nhân cần được điều trị dứt điểm để ngăn tình trạng này tái diễn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Lợi Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Cách Trị An Toàn Cho Bà Bầu
Vì Sao Nướu Răng Bị Đen? Những Cách Khắc Phục Hiệu Quả
Viêm Lợi Răng Hàm Gây Sưng Đau Và Cách Xử Lý
Viêm Nướu Răng Cấp Tính Ở Trẻ Và Những Điều Cần Lưu Ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!