Bị viêm lợi mãi không khỏi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như viêm nha chu, viêm quanh chân răng và thậm chí là mất răng vĩnh viễn. Nếu nhận thấy bệnh kéo dài, bạn nên thăm khám và can thiệp sớm các phương pháp điều trị – chăm sóc.
Viêm lợi mãi không khỏi – Nguyên nhân do đâu?
Lợi (mô nướu) là tổ chức mô mềm có màu hồng nhạt bao xung quanh răng với chức năng chính là bảo vệ chân răng và ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào nha chu. Viêm lợi là bệnh nha khoa thường gặp, xảy ra khi vi khuẩn phát triển trong mảng bám và cao răng gây viêm nhiễm mô nướu.
Viêm lợi là bệnh có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên do một số nguyên nhân, bệnh lý này có thể tiến triển dai dẳng và kéo dài, tác động không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, viêm lợi kéo dài còn dẫn đến viêm quanh chân răng, viêm nha chu và nhiều bệnh lý nha khoa nghiêm trọng khác.
Các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm lợi mãi không khỏi:
1. Không can thiệp điều trị
Viêm lợi là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ và chỉ gây ra một số triệu chứng mờ nhạt như lợi chuyển sang màu đỏ hoặc đỏ thẫm, cao răng tích tụ nhiều ở chân răng, lợi sưng viêm, phù nề, hôi miệng,… Các triệu chứng của bệnh lý này rất dễ bị bỏ qua do không gây đau nhiều.
Nếu không can thiệp điều trị, vi khuẩn bên trong cao răng sẽ tiếp tục phát triển và gây viêm nhiễm mô nướu kéo dài. Theo thời gian, lượng mảng bám và cao răng sẽ tích tụ nhiều dần khiến số lượng vi khuẩn tăng mạnh. Nếu không có biện pháp khắc phục, viêm lợi có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu dẫn đến nhiều vấn đề nha khoa nghiêm trọng hơn.
2. Không vệ sinh răng miệng đúng cách
Viêm lợi là bệnh nha khoa thường gặp xảy ra khi cao răng tích tụ nhiều, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển mạnh gây viêm nhiễm mô nướu. Vì vậy để kiểm soát bệnh lý này, bạn cần phải kết hợp điều trị y tế (sử dụng thuốc + cạo vôi răng) và vệ sinh răng miệng đúng cách.
Nếu không vệ sinh tốt, mảng bám tiếp tục hình thành và tích tụ ở chân răng tạo thành cao răng. Sau đó, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên trong cao răng sinh sôi, phát triển gây tổn thương mô nướu. Do đó, viêm lợi mãi không khỏi có thể xảy ra nếu không kết hợp điều trị y tế với vệ sinh răng miệng đúng cách.
3. Hệ miễn dịch suy giảm
Các bệnh nha khoa nói chung và viêm lợi nói riêng thường gặp ở người có hệ miễn dịch suy giảm (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, tiểu đường,…). Trong khoang miệng chứa hơn 50 tỷ vi khuẩn với số lượng hại khuẩn và lợi khuẩn ở mức cân bằng.
Nếu hệ miễn dịch suy giảm, số lượng hại khuẩn sẽ tăng lên đáng kể gây ra tình trạng viêm lợi, viêm quanh chân răng, sâu răng, viêm nha chu và nhiều bệnh lý khác. Ở những người có chức năng đề kháng kém, viêm lợi thường có xu hướng dai dẳng, mãn tính và chữa mãi không khỏi.
4. Do ảnh hưởng của một số bệnh lý
Nếu do vệ sinh răng miệng kém, viêm lợi có thể được kiểm soát sau khi thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng, lấy cao răng và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, viêm lợi chữa mãi không khỏi rất có thể do ảnh hưởng của những bệnh lý sau:
- Thiếu vitamin: Thiếu vitamin C, A, K là nguyên nhân gây viêm lợi mà ít người chú ý đến. Do đó, đa phần đều can thiệp các phương pháp điều trị thông thường mà không chú ý bổ sung vitamin mà cơ thể thiếu hụt. Cụ thể, thiếu vitamin C khiến sức đề kháng suy giảm, mô lợi lỏng lẻo, dễ bị viêm nhiễm và chảy máu. Không cung cấp đủ vitamin A khiến miệng khô, lợi dễ bị viêm và hoại tử. Trong khi đó, thiếu vitamin K khiến lợi chảy máu nhiều, dai dẳng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Thay đổi nội tiết tố: Thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai khiến mô lợi dễ bị viêm nhiễm ngay cả khi đã cạo vôi răng và vệ sinh răng miệng đúng cách. Do đó, tình trạng viêm lợi khi mang thai thường có xu hướng tiến triển dai dẳng và mãn tính.
- Bệnh tiểu đường: Tiểu đường không chỉ khiến sức đề kháng suy giảm mà còn ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Do đó, người mắc bệnh lý này thường gặp phải tình trạng viêm lợi chữa mãi không khỏi, răng suy yếu và dễ chảy máu.
- Các bệnh lý khác: Ngoài ra, tình trạng viêm lợi mãi không khỏi cũng có thể xảy ra do một số vấn đề sức khỏe khác như mãn kinh (sụt giảm hormone), bệnh bạch cầu (ung thư máu),…
Nếu xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý, viêm lợi thường có đặc tính dai dẳng và kéo dài. Đối với những bệnh lý không thể chữa trị (tiểu đường), cần phải kết hợp nghiêm ngặt các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách để duy trì bệnh ở giai đoạn ổn định.
Bị viêm lợi mãi không khỏi nên làm gì?
Viêm lợi mãi không khỏi ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng và chức năng ăn, nhai. Hơn nữa, bệnh kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa có mức độ nặng hơn như viêm quanh chân răng, viêm nha chu, áp xe răng,… Để kiểm soát bệnh lý này, bạn có thể thực hiện các biện pháp khắc phục sau:
1. Khám và điều trị y tế
Nếu nhận thấy viêm lợi chữa mãi không khỏi, việc đầu tiên nên làm là tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt. Bác sĩ sẽ khám răng miệng, chụp X-Quang, xét nghiệm máu và yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân cụ thể.
Đối với những trường hợp xảy ra do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị kết hợp để kiểm soát bệnh triệt để. Các phương pháp điều trị viêm lợi có thể được áp dụng:
- Cạo vôi răng: Vôi răng tích tụ ở chân răng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh gây viêm nhiễm mô nướu. Do đó, phương pháp chính khi điều trị viêm nướu răng là cạo vôi răng. Khi vôi răng được làm sạch, mô nướu sẽ dần hồi phục và giảm tình trạng viêm nhiễm, phù nề.
- Sử dụng thuốc: Sau khi cạo vôi răng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm một số loại thuốc để tiêu diệt vi khuẩn, tạo điều kiện cho mô nướu hồi phục và tái tạo hoàn toàn. Các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh viêm lợi bao gồm dung dịch súc miệng sát khuẩn như Kẽm gluconate, Hydrogen peroxide, Hexetidine, Chlorhexidine,…
- Điều trị các bệnh lý nguyên nhân: Nếu viêm lợi có liên quan đến thiếu hụt vitamin, tiểu đường,… bác sĩ sẽ chuyển bạn đến các chuyên khoa tương ứng để được thăm khám kỹ và can thiệp các phương pháp điều trị kịp thời. Đối với các bệnh lý không thể điều trị (tiểu đường), việc kiểm soát nồng độ đường trong máu có thể làm giảm nguy cơ tái phát viêm lợi và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
Đối với những trường hợp viêm lợi mãi không khỏi, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp điều trị và tư vấn cụ thể về cách chăm sóc (vệ sinh răng miệng, ăn uống,…) để kiểm soát bệnh hoàn toàn, giảm thiểu nguy cơ tái phát.
2. Làm sạch răng miệng đúng cách
Song song với các phương pháp y tế, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để kiểm soát triệt để viêm lợi và phòng ngừa bệnh lý này tái phát. Ngoài ra, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng còn phòng ngừa sâu răng, viêm nha chu và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
Cách vệ sinh răng miệng giúp kiểm soát bệnh viêm lợi hiệu quả:
- Sử dụng bàn chải có lông mềm, mảnh, kích thước phù hợp để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám. Cần chải răng đúng cách và thực hiện 2 – 3 lần/ ngày để ngăn ngừa hình thành cao răng và kiểm soát bệnh viêm lợi hoàn toàn.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn giắt giữa các kẽ. Đây là vị trí khuất và khó làm sạch nên dễ bị bỏ qua. Theo thời gian, mảng bám tích tụ ở kẽ răng khiến vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm mô nướu.
- Súc miệng với dung dịch sát khuẩn + fluor 2 lần/ ngày để làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa hình thành mảng bám. Bạn nên duy trì thói quen này trong 1 tháng để mô nướu phục hồi hoàn toàn và nên sử dụng định kỳ 2 – 3 tháng/ lần để phòng ngừa các bệnh nha khoa.
- Nếu chưa thể chải răng ngay sau bữa ăn, bạn nên súc miệng với nước sạch và sử dụng kẹo cao su không đường. Kẹo cao su giúp cuốn sạch thức ăn thừa và kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Nước bọt giúp trung hòa axit từ vi khuẩn, làm sạch mảng bám và bảo vệ men răng, mô nướu hiệu quả.
- Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần để phòng ngừa viêm lợi và các bệnh nha khoa khác. Dù thực hiện tốt vệ sinh răng miệng tại nhà nhưng một lượng nhỏ mảng bám vẫn có thể tích tụ ở chân răng. Do đó, bạn nên đến nha khoa 1 – 2 lần/ năm để được kiểm tra sức khỏe răng miệng và làm sạch vôi răng hoàn toàn.
3. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Viêm lợi chữa mãi không khỏi cũng có thể bắt nguồn từ những thói quen ăn uống và sinh hoạt. Để kiểm soát bệnh lý này, bạn nên thay đổi các thói quen sau:
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường (nước ngọt có gas, nước trái cây đóng hộp, socola, bánh kẹo,…) và tránh dùng các thực phẩm chứa tinh bột dẻo, khó làm sạch (bánh chưng, xôi, bánh dày). Carbohydrate trong đường và tinh bột là thành phần chính tạo nên mảng bám trên răng. Vì vậy, ăn quá nhiều các thực phẩm trên có thể khiến viêm lợi kéo dài và dễ tái phát.
- Không sử dụng rượu bia và các loại đồ uống, thực phẩm chứa nhiều axit. Các nghiên cứu cho thấy, cả axit và cồn đều làm mất cân bằng hệ vi sinh khoang miệng, tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công men răng và mô nướu.
- Nicotine trong khói thuốc làm giảm tuần hoàn máu đến mô nướu và gây khô miệng. Những tác động này khiến hại khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh gây viêm lợi, viêm nha chu và nhiều vấn đề răng miệng khác.
- Thay đổi thói quen nghiến răng khi ngủ. Thói quen này có thể khiến viêm lợi chữa mãi không khỏi, răng ê buốt do lộ ngà, chân răng lung lay, lỏng lẻo,…
- Bổ sung khoáng chất và vitamin cần thiết cho sức khỏe răng miệng thông qua một số loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, các loại củ, hải sản, đậu, sữa,…
4. Nâng cao hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch suy giảm là điều kiện thuận lợi để viêm lợi tái phát nhiều lần, tiến triển dai dẳng và mãn tính dù đã tích cực điều trị. Do đó ngoài các phương pháp y tế, bạn nên kết hợp với các biện pháp giúp nâng cao chức năng đề kháng như:
- Tích cực điều trị các bệnh lý nguyên nhân.
- Ăn uống điều độ, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu kẽm và vitamin C như hàu, tôm, ghẹ, cua, cam, quýt, bưởi, đu đủ,…
- Dành 30 phút mỗi ngày để tập các bộ môn thể thao có cường độ phù hợp với thể trạng. Luyện tập thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và chức năng đề kháng đáng kể.
- Ngủ nghỉ đúng giờ, đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày.
- Hạn chế căng thẳng quá mức, chỉ làm việc 8 giờ/ ngày và nên thực thực hiện các biện pháp thư giãn sau giờ làm việc như massage, liệu pháp mùi hương, yoga, đọc sách, nghỉ ngơi,…
- Tắm nắng từ 5 – 10 phút/ ngày trong khung giờ từ 7:00 – 9:00 giúp cải thiện hệ miễn dịch đáng kể. Do đó, người có chức năng đề kháng kém nên thực hiện biện pháp này để nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm lợi.
Bị viêm lợi mãi không khỏi bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Để kiểm soát bệnh lý này hoàn toàn, bạn nên thăm khám – điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, vệ sinh răng miệng tại nhà đúng cách và tổ chức lại lối sống. Nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều vấn đề nha khoa nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Lợi Trùm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bị viêm lợi có ăn được thịt gà không?
Viêm Lợi Trùm Có Tự Khỏi Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp
Viêm Lợi Trùm Răng Khôn Có Mủ nguy hiểm không? Có tự khỏi không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!