Đa phần mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng thảo dược, đều tận dụng một số loại thảo dược có sẵn quanh nhà như lá trầu không, tỏi, gừng tươi, hành tây,… Các thảo dược này có đặc tính tiêu viêm, sát trùng và kháng khuẩn tự nhiên nên có thể đẩy lùi triệu chứng do viêm lợi gây ra.
10 Mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng thảo dược có sẵn quanh nhà
Viêm lợi (viêm nướu) là bệnh nha khoa thường gặp. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành. Lợi là mô mềm bao xung quanh chân răng với tác dụng cố định răng trên cung hàm và ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong nha chu (tổ chức nâng đỡ răng). Tuy nhiên khi mảng bám và cao răng tích tụ nhiều, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh gây sưng viêm và tổn thương mô lợi.
Nếu không làm sạch cao răng kịp thời, tình trạng viêm lợi sẽ tiến triển mãn tính gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe. Viêm lợi thường gây đau nhức, lợi sưng đỏ, đổi màu, chảy máu, hôi miệng,… Để cải thiện các triệu chứng của bệnh lý này, dân gian thường tận dụng thảo dược sẵn có quanh nhà.
Các loại thảo dược được sử dụng để chữa viêm lợi đều có đặc tính tiêu viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Tận dụng đặc tính từ các thảo dược này có thể giảm phần nào triệu chứng do viêm lợi gây ra. Dưới đây là 10 mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng thảo dược tự nhiên có sẵn xung quanh nhà:
1. Ngậm và súc miệng với nước muối ấm
Súc miệng với nước muối ấm là cách giảm đau nhức răng và sưng đỏ mô nướu hiệu quả. Muối là loại gia vị có sẵn trong căn bếp nên có thể sử dụng mỗi khi cơn đau bùng phát. Không chỉ là loại gia vị thông thường, muối còn là vị thuốc quý theo kinh nghiệm dân gian.
Muối có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn và sát trùng tự nhiên. Ngậm và súc miệng bằng nước muối ấm đều đặn 2 – 3 lần/ ngày giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm lợi. Ngoài ra, cách này còn giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng và giữ gìn vệ sinh răng miệng hiệu quả.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị ½ thìa cà phê muối biển và 200ml nước ấm
- Cho muối vào ly, dùng thìa khuấy đều đến khi muối tan hoàn toàn
- Sau khi chải răng, dùng nước muối ngậm từ 2 – 3 phút
- Sau đó, súc miệng với nước muối và nhổ bỏ (không súc miệng lại với nước sạch)
- Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày hoặc áp dụng nhiều lần nếu nướu sưng đỏ, đau nhức nhiều
2. Dùng lá trầu không – Cách chữa viêm lợi bằng thảo dược theo kinh nghiệm dân gian
Lá trầu không là vị thuốc nam quý có vị cay, tính ấm, tác dụng sát trùng, tiêu viêm và kháng sinh mạnh. Thực tế, hiệu quả của thảo dược này đã được chứng minh qua nhiều thực nghiệm lâm sàng. Các nghiên cứu cho thấy, dịch chiết từ lá trầu không có thể ức chế hại khuẩn, virus và nấm men có hại.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong lá trầu không còn có hiệu quả chống viêm và giảm đau nhanh. Với đặc tính dược lý đa dạng, trầu không thường được tận dụng để chữa các bệnh lý thường gặp như nổi mề đay, rôm sảy, viêm da cơ địa, đau nhức xương khớp và viêm lợi. Đối với các bệnh về răng miệng, lá trầu không thường được dùng sắc đặc với nước và súc miệng hằng ngày.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm lá trầu không tươi, rửa sạch và để ráo nước
- Đun sôi lá trầu với 400ml nước trong vòng 10 phút
- Đợi nước nguội hoàn toàn, chia đều nước sắc thành 2 phần bằng nhau
- Sử dụng nước sắc ngậm và súc miệng hằng ngày để loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng, giảm đau và sưng mô nướu
- Cách này có hiệu quả với tình trạng đau nhức do sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác
3. Sử dụng mật ong chữa viêm lợi theo dân gian
Mật ong là thực phẩm giàu dinh dưỡng với hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào. Chính vì vậy, mật ong thường được dùng để bồi bổ và nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, nguyên liệu này còn được tận dụng để cải thiện một số bệnh lý thường gặp như viêm nướu răng (viêm lợi).
Trong mật ong có chứa hydrogen peroxide – hoạt chất kháng sinh có tác dụng tiêu diệt virus, nấm và vi khuẩn. Với đặc tính này, mật ong giúp ức chế hại khuẩn gây viêm nhiễm mô nướu, qua đó giảm tình trạng nướu sưng đỏ và răng đau nhức. Ngoài ra, các polyphenol tự nhiên trong nguyên liệu này còn giúp tái tạo mô nướu bị tổn thương và tăng độ bám dính của nướu với chân răng.
Hướng dẫn cách dùng mật ong chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Chải răng và súc miệng sạch để loại bỏ hết mảng bám, thức ăn thừa và vi khuẩn có hại
- Sau đó, thoa mật ong lên mô nướu và giữ nguyên trong 10 – 15 phút
- Súc miệng với với nước để làm sạch mật ong
- Thực hiện đều đặn nhiều lần trong ngày để giảm tình trạng viêm sưng ở mô nướu
3. Súc miệng với tinh dầu đinh hương trị viêm lợi theo dân gian
Từ lâu, đinh hương đã được tận dụng để chữa viêm lợi và các bệnh nha khoa thường gặp. Với vị cay tê, tác dụng tiêu viêm, giảm đau và khử mùi mạnh, thảo dược này giúp giảm nhanh tình trạng đau nhức và hôi miệng do các bệnh răng miệng gây ra.
Ngoài những ghi chép từ y học cổ truyền, tác dụng chữa bệnh của đinh hương cũng đã được nghiên cứu và chứng minh trên phương diện khoa học. Cụ thể, hoạt chất Eugenol trong thảo dược này có tác dụng gây tê tại chỗ giúp làm mát và giảm cảm giác đau nhức. Đồng thời có hiệu quả ức chế các vi khuẩn có hại trong khoang miệng và ngăn ngừa viêm lợi tiến triển nặng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Hòa ¼ thìa cà phê tinh dầu đinh hương với 220ml nước ấm
- Dùng thìa khuấy đến khi tinh dầu đinh hương được hòa tan hoàn toàn
- Sau đó, dùng nước ngậm và súc miệng trong vòng 2 – 3 phút để giảm đau và sưng viêm mô nướu
- Hoặc có thể trộn đều tinh dầu đinh hương với dầu dừa/ dầu ô liu theo tỷ lệ 1:1 và thoa trực tiếp lên mô nướu. Sau khoảng 5 – 10 phút, súc miệng bằng nước để làm sạch khoang miệng.
4. Mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng lá bàng
Bàng là cây cho bóng mát được trồng tại nhiều địa phương ở nước ta. Quả và lá của loài cây này còn được sử dụng để điều trị một số bệnh lý thường gặp như các bệnh da liễu và nha khoa. Vì vậy ngoài các biện pháp y tế, bạn cũng có thể tận dụng lá bàng có sẵn quanh nhà để cải thiện các triệu chứng do bệnh viêm lợi gây ra.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá bàng có đặc tính thanh nhiệt, tiêu viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Hơn nữa, chất tannin trong thảo dược này còn có hiệu quả săn se niêm mạc, giúp tăng độ bám dính của nướu và thân răng. Các mẹo chữa viêm lợi bằng lá bàng có độ an toàn cao, dễ thực hiện và có thể cải thiện các triệu chứng rõ rệt nếu áp dụng thường xuyên.
Cách dùng lá bàng chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Chuẩn bị 1 nắm lá bàng non và 1 ít muối biển
- Rửa sạch lá bàng, để ráo và xay nhuyễn
- Sau đó cho muối và nước lọc vào, vắt lấy nước
- Dùng nước lá bàng ngậm 2 lần/ ngày để tiêu viêm, giảm sưng mô nướu bị viêm nhiễm
- Sau khi ngậm nước lá bàng, không nên súc miệng lại bằng nước. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để giảm đau nhức răng và ngăn ngừa viêm lợi tiến triển nặng
5. Dùng lá ổi tươi – Cách chữa viêm lợi bằng thảo dược quanh nhà
Ngoài lá bàng, lá ổi cũng được tận dụng để chữa viêm lợi và các bệnh nha khoa thường gặp. Không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền, tác dụng chữa bệnh của lá ổi cũng đã được nghiên cứu trên phương diện khoa học. Nghiên cứu cho thấy, các hoạt chất tự nhiên trong lá ổi có tác dụng giảm viêm và thanh nhiệt.
Nhờ có tính chất chống viêm mạnh, lá ổi tươi có thể giảm tình trạng sưng đỏ mô nướu, đau nhức răng do viêm lợi, viêm loét niêm mạc miệng và một số bệnh lý ở họng như viêm amidan, viêm họng. Súc miệng hoặc dùng lá ổi tươi nhai nát có thể làm dịu nhanh các triệu chứng khó chịu do viêm nướu gây ra.
Cách dùng lá ổi chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Chuẩn bị 1 nắm lá ổi tươi, rửa sạch và để ráo nước
- Đun sôi lá ổi với 400ml nước trong vòng 5 – 10 phút
- Sau đó, sử dụng nước lá ổi ngậm và súc miệng 2 lần/ ngày (sáng – tối)
- Nếu không kịp đun nước, bạn có thể dùng lá ổi non nhai với 1 ít muối, sau đó đẩy phần bã về phía mô nướu bị viêm và ngậm trong 10 – 15 phút
6. Súc miệng với dầu dừa – Mẹo dân gian chữa viêm lợi dễ thực hiện
Ngoài công dụng dưỡng ẩm móng, tóc và da, dầu dừa còn có hiệu quả chữa trị các bệnh nha khoa như viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu,… nhờ hoạt tính kháng khuẩn và tiêu viêm. Dầu dừa chứa khoảng 50% axit lauric – một loại chất béo có khả năng tiêu diệt nấm men và vi khuẩn có hại.
Sử dụng dầu dừa súc miệng hằng ngày có thể ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn bên trong khoang miệng. Khi vi khuẩn bị ức chế, tình trạng viêm nhiễm và sưng đau mô nướu sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, axit béo bên trong dầu dừa còn được chứng minh có tác dụng ngăn ngừa tích tụ mảng bám.
Cách dùng dầu dừa chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Hòa 1 thìa cà phê dầu dừa với 220ml nước ấm, khuấy đều và súc miệng trong 1 – 2 phút
- Hoặc có thể súc miệng trực tiếp với 10ml dầu dừa nguyên chất để loại bỏ vi khuẩn có hại và giảm mùi hôi tích tụ trong khoang miệng
- Để tăng tốc độ tái tạo, phục hồi của mô nướu, nên thoa 1 ít dầu dừa lên nướu răng và giữ nguyên càng lâu càng tốt. Thực hiện vài lần trong một ngày giúp giảm tình trạng viêm sưng và lở loét lợi hiệu quả
7. Dùng nha đam chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian
Nha đam là thảo dược quen thuộc. Lá nha đam chứa nhiều nước và khoáng chất nên được sử dụng để chế biến thành các món ăn và thức uống giúp thanh nhiệt, giải khát,… Ngoài ra, thảo dược này cũng được tận dụng để chăm sóc da và chữa một số bệnh lý nha khoa.
Đắp gel nha đam tươi lên mô nướu có thể làm dịu tình trạng lợi sưng nóng, viêm đỏ và đau nhức. Ngoài ra, các hoạt chất thực vật trong nha đam như anthraquinones complex, khoáng chất, Aloin, Emodin,… có đặc tính kháng sinh mạnh giúp ức chế virus, nấm và vi khuẩn. Cũng chính vì vậy, thảo dược này còn được tận dụng để chữa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
Cách dùng nha đam chữa bệnh viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Rửa sạch 1 lá nha đam tươi, gọt vỏ và cạo bỏ phần mủ vàng để tránh kích thích
- Dùng thìa nạo phần gel nha đam tươi để sử dụng
- Chải răng và súc miệng để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa trước khi dùng gel nha đam
- Thoa gel nha đam lên phần nướu bị viêm nhiễm và ngậm từ 5 – 10 phút. Tinh chất từ thảo dược sẽ nhanh chóng thẩm thấu vào mô nướu giúp làm dịu tình trạng nướu sưng viêm, phù nề và đau nhức rõ rệt.
8. Súc miệng với gừng – Mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng thảo dược
Gừng là loại gia vị có sẵn trong căn bếp và được sử dụng để gia tăng hương vị cho món ăn. Thảo dược này có vị cay, tê, tính ấm, tác dụng tiêu viêm, sát trùng và cầm nôn. Ngoài tác dụng kích thích vị giác, gừng còn được sử dụng để chữa các vấn đề sức khỏe thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm, ho, đau bụng, viêm lợi và một số bệnh nha khoa khác.
Gừng tươi chứa nhiều hợp chất có đặc tính chống viêm tự nhiên như Zingerone, Gingerol, Tecpen, Oleoresin,… Các hợp chất thực vật trong thảo dược này đã được chứng minh có tác dụng kháng viêm và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, tinh dầu trong loại củ này còn giúp khử mùi hôi bên trong khoang miệng.
Cách dùng gừng chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Chuẩn bị khoảng 1 – 2 củ gừng tươi (tùy kích thước)
- Rửa sạch gừng tươi, để ráo và xắt thành từng lát mỏng (không nên cạo bỏ vỏ)
- Sau đó, đun sôi gừng với 250ml nước trong vòng 5 phút
- Để nước nguội và dùng nước gừng ngậm hoặc súc miệng từ 1 – 2 phút để giảm các triệu chứng khó chịu do viêm lợi gây ra
9. Hành tây – Thảo dược chữa viêm lợi có sẵn quanh nhà
Hành tây là loại thực phẩm lành mạnh với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và đa dạng, bao gồm vitamin C, sắt, vitamin nhóm B, magie, kẽm,… Đặc biệt, hành tây chứa đến 25 loại chất chống oxy hóa flavonoid khác nhau. Các chất chống oxy hóa trong loại thực phẩm này có hiệu quả tiêu trừ gốc tự do, bảo vệ tế bào và giảm viêm cấp, mãn tính.
Ngoài ra, hành tây còn có tác dụng kháng sinh mạnh. Chất quercetin trong thảo dược này được chứng minh có tác dụng ức chế vi khuẩn, nấm men và virus. Thực nghiệm lâm sàng cho thấy, dịch ép từ hành tây có hiệu quả với các loại virus thường gây viêm nhiễm đường hô hấp và các vi khuẩn có hại gây sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,… Do đó, bạn có thể tận dụng thảo dược này để giảm các triệu chứng do viêm lợi gây ra.
Cách dùng hành tây chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Cách 1: Dùng 1 ít hành tây tươi, giã nát và đắp trực tiếp lên mô nướu sưng đau từ 2 – 3 phút. Sau đó, bỏ hành tây và súc miệng với nước muối ấm để khử mùi. Thực hiện 2 lần/ ngày để đạt hiệu quả tốt.
- Cách 2: Rửa sạch hành tây, cắt thành từng khoanh nhỏ và đem đun sôi với 250ml nước trong 3 – 5 phút. Để nước nguội và dùng ngậm, súc miệng từ 2 – 3 phút. Nên áp dụng đều đặn 2 lần/ ngày sau khi chải răng để nhận thấy cải thiện tích cực.
10. Mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng tỏi tươi
Tương tự như gừng, tỏi không chỉ là loại gia vị đơn thuần mà còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Tỏi có vị cay nồng, mùi hăng, tính ấm, tác dụng sát trùng, giải độc và hành khí. Y học hiện đại cũng nhận thấy, dịch ngâm từ tỏi có hiệu quả với nhiều loại vi khuẩn, virus và trùng roi gây bệnh ở người.
Với đặc tính kháng sinh mạnh, tỏi giúp loại bỏ các tác nhân có hại trong khoang miệng, làm giảm tình trạng sưng viêm và đau nhức ở mô lợi. Hoạt chất sulfur trong thảo dược này cũng có hiệu quả sát trùng tại chỗ. Do đó khi đắp tỏi vào mô nướu bị viêm nhiễm, tình trạng nướu sưng viêm và đau nhức sẽ được cải thiện đáng kể.
Cách dùng tỏi chữa viêm lợi theo kinh nghiệm dân gian:
- Sử dụng 1 tép tỏi tươi, bóc vỏ
- Cắt tỏi thành từng lát mỏng
- Chải răng và súc miệng để loại bỏ vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng
- Đắp tỏi lên mô nướu để tiêu diệt vi khuẩn và giảm sưng viêm, đau nhức
- Để nguyên trong 5 – 10 phút và súc miệng lại bằng nước ấm
Tỏi có cay tê và mùi khá nồng nên có thể gây bỏng rát khi đắp tại chỗ. Để giảm tình trạng này, nên rút ngắn thời gian đắp và súc miệng với nước muối ngay sau khi đắp.
Lưu ý khi áp dụng mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng thảo dược quanh nhà
Chữa viêm lợi bằng thảo dược có thể giảm phần nào các triệu chứng khó chịu như nướu sưng đỏ, đau nhức, phù nề, chảy máu chân răng,… Tuy nhiên trước khi áp dụng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Các mẹo chữa viêm lợi bằng thảo dược đều chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy, nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Có thể áp dụng song song các mẹo chữa từ dân gian với phương pháp y tế để tăng hiệu quả điều trị.
- Hầu hết các loại thảo dược có sẵn quanh nhà đều có hiệu quả chậm. Để nhận thấy cải thiện tích cực, nên áp dụng thường xuyên và đều đặn trong thời gian dài.
- Ngưng áp dụng các mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng thảo dược nếu nhận thấy triệu chứng dị ứng như lợi sưng đỏ, chảy máu, ngứa, đau nhức, khó chịu,…
- Ngoài các phương pháp điều trị, bạn nên thực hiện tốt các bước vệ sinh răng miệng để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám trên bề mặt răng. Giữ vệ sinh răng miệng là biện pháp quan trọng và có hiệu quả nhất trong điều trị các bệnh răng miệng.
Trên đây là 10 mẹo dân gian chữa viêm lợi bằng thảo dược tự nhiên được áp dụng phổ biến. Các mẹo chữa này có độ an toàn cao, lành tính và dễ thực hiện. Tuy nhiên, đa phần mẹo chữa dân gian đều chỉ có tác dụng hỗ trợ. Chính vì vậy, việc áp dụng đồng thời với các biện pháp y tế và chăm sóc răng miệng là điều cần thiết để kiểm soát bệnh triệt để.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Lợi Trùm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bị viêm lợi nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?
Viêm Lợi Trùm Có Tự Khỏi Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp
Dùng Thuốc Kháng Sinh Chữa Viêm Lợi Và Những Lưu Ý Cần Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!