Nhiệt miệng ở trẻ em là bệnh lý lành tính, có thể tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nhiệt miệng thường gây đau rát và phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt. Trang bị kiến thức hữu ích sẽ giúp bố mẹ biết cách chăm sóc và điều trị hiệu quả chứng nhiệt miệng cho con trẻ.
Nhiệt miệng ở trẻ em – Dấu hiệu nhận biết
Nhiệt miệng ở trẻ em là bệnh lý rất phổ biến, có thể xảy ra ở trẻ lớn và trẻ từ 1 – 3 tuổi. Nhiệt miệng hay loét áp tơ là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính, nguyên nhân chưa rõ và thường có thể tự giới hạn sau 7 – 14 ngày mà không cần điều trị.
Thống kê cho thấy, mỗi người đều bị nhiệt miệng ít nhất 1 lần trong đời và có khoảng 40% trường hợp bị tái phát nhiệt miệng. Mặc dù là bệnh lành tính và có khả năng tự thuyên giảm nhưng nhiệt miệng thường gây đau rát, khó chịu khi ăn uống. Thậm chí, trẻ nhỏ còn có thể bị sốt, mệt mỏi và ăn uống kém trong thời gian này. Nếu nhiệt miệng tái phát thường xuyên, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhiệt miệng ở trẻ em có triệu chứng dễ nhận biết. Để kịp thời phát hiện và điều trị, bố mẹ có thể dựa vào các biểu hiện sau:
- Ban đầu, niêm mạc miệng (bao gồm cả lưỡi, nướu,…) xuất hiện các mụn nước có màu trắng đục có hình tròn/ bầu dục với đường kính dao động từ 1 – 10mm.
- Sau một thời gian ngắn, mụn nước vỡ tạo thành vết loét.
- Vết loét do nhiệt miệng gây ra tương đối nông, chính giữa lõm và bờ cao, khi chạm vào có cảm giác đau rát và khó chịu.
- Vết loét gây đau rát, sưng, khó chịu – nhất là khi nói chuyện, ăn uống và đánh răng.
- Đa phần các vết loét do nhiệt miệng gây ra đều nổi đơn độc với số lượng ít (thường là 1 vết loét hoặc nhiều hơn dao động từ 2 – 3 vết). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nổi nhiều vết loét và mọc tập trung tạo thành cụm.
- Một số trẻ có thể gặp phải tình trạng vết loét sâu gây đau nhiều đi kèm với sốt nhẹ và sưng hạch. Đối với trẻ 1 – 2 tuổi, hệ miễn dịch còn khá nhạy cảm nên trong thời gian bị nhiệt miệng, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và uể oải.
Vết loét do nhiệt miệng thường tồn tại trong vòng 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn tùy theo cơ địa của từng người. Tuy nhiên, đa phần đều thuyên giảm nhanh sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị. Những trường hợp nhiệt miệng gây đau rát nhiều và hay tái phát cần chủ động thực hiện các biện pháp điều trị, chăm sóc để giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng ở trẻ em 1, 2, 3 tuổi
Như đã đề cập, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh nhiệt miệng nói chung và nhiệt miệng ở trẻ em nói riêng. Dù vậy, các nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, nguy cơ mắc bệnh lý này có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi sau:
- Tổn thương niêm mạc miệng: Các vết xây xước ở niêm mạc miệng do đánh răng quá mạnh, va chạm khi ăn nhai, ma sát với khí cụ niềng răng,… chính là điều kiện thuận lợi để tạo thành vết loét do nhiệt miệng. Theo các chuyên gia, khi có tổn thương, hệ miễn dịch sẽ hoạt động để ngăn ngừa vết loét bị viêm nhiễm nên mới có hiện tượng viêm và nổi mụn nước.
- Do kích ứng với sản phẩm chăm sóc răng miệng: Một số thành phần trong các sản phẩm chăm sóc răng miệng như hương liệu, cồn, natri lauryl sulfat,… có thể gây kích ứng trong quá trình sử dụng. Đây cũng là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ bị nhiệt miệng (loét áp tơ). Trong trường hợp này, nhiệt miệng có xu hướng tái phát thường xuyên cho đến khi ngưng sử dụng sản phẩm chứa thành phần kích ứng.
- Dị ứng thức ăn: Dị ứng thức ăn là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh nhiệt miệng. Khi xảy ra dị ứng, hệ miễn dịch sẽ giải phóng histamin vào da và niêm mạc. Vì vậy, niêm mạc miệng có thể bị sưng, nổi mẩn và ngứa ngáy. Đây cũng là điều kiện để niêm mạc miệng nổi các nốt mụn nước, sau đó vỡ tạo thành các vết loét.
- Ảnh hưởng của các bệnh nha khoa: Nhiệt miệng cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của một số bệnh lý nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, viêm quanh chân răng,… Mặc dù chưa tìm ra cơ chế nhưng qua các khảo sát, các bác sĩ nhận thấy việc mắc các bệnh lý nha khoa làm tăng nguy cơ nhiệt miệng đáng kể.
- Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng: Đã có nhiều bằng chứng cho thấy nhiệt miệng có liên quan đến tình trạng thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất như vitamin B12, sắt, vitamin B9,… Chính vì vậy, trẻ suy dinh dưỡng và chậm lớn thường có nguy cơ bị nhiệt miệng cao hơn so với trẻ khỏe mạnh.
- Một số yếu tố khác: Ngoài những yếu tố trên, bệnh nhiệt miệng ở trẻ em còn liên quan đến một số yếu tố khác như tác dụng phụ của một số loại thuốc, mắc các bệnh rối loạn miễn dịch, thể trạng suy nhược, vừa trải qua chấn thương, căng thẳng thần kinh,…
Nếu xảy ra do các yếu tố nội sinh, bệnh nhiệt miệng có xu hướng tiến triển dai dẳng (khoảng 10 – 14 ngày) và tái phát thường xuyên. Đối với những trường hợp này, bố mẹ cần cho trẻ khám tổng quát để sàng lọc các vấn đề sức khỏe nhằm ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
Bệnh nhiệt miệng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Về cơ bản, nhiệt miệng là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính. Đa phần những trường hợp mắc bệnh đều không có triệu chứng toàn thân mà chỉ xuất hiện các triệu chứng tại chỗ như đau rát, khó chịu, sưng lợi,… Các triệu chứng thường chỉ kéo dài trong vài ngày, sau đó thuyên giảm hoàn toàn trong 7 – 14 ngày tùy theo mức độ vết loét và cơ địa của từng trẻ.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ bị vết loét sâu dẫn đến sưng hạch, sốt, mệt mỏi và chán ăn do cảm giác đau rát khi ăn uống. Những trường hợp này cần phải được chăm sóc và điều trị để cải thiện triệu chứng, đồng thời giúp vết loét nhanh chóng phục hồi và tái tạo.
Được đánh giá là bệnh lành tính nhưng nhiệt miệng tái phát thường xuyên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Tình trạng đau rát, sưng đỏ và khó chịu khiến trẻ kém tập trung khi học tập, khó ngủ, ăn uống kém, mệt mỏi, uể oải. Về lâu dài sẽ khiến trẻ sụt cân, chậm lớn và không thoải mái khi sinh hoạt, học tập. Chính vì vậy, bố mẹ cần chú ý đến biểu hiện bất thường để có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời.
Cách điều trị bệnh nhiệt miệng ở trẻ em
Nhiệt miệng là bệnh tự giới hạn sau khoảng 7 – 14 ngày. Tuy nhiên, vết loét ở niêm mạc miệng thường gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu nhiều khi ăn uống và sinh hoạt. Chính vì vậy, bố mẹ nên biết cách chăm sóc và điều trị chứng nhiệt miệng để giúp giảm các triệu chứng đau rát, sưng nóng,… Ngoài ra, nếu có biện pháp chăm sóc đúng cách, vết loét sẽ phục hồi chỉ sau vài ngày.
Các phương pháp điều trị bệnh nhiệt miệng cho trẻ em:
1. Mẹo giảm nhiệt miệng tại nhà
Vết loét do nhiệt miệng gây ra tương đối nông và thường có kích thước nhỏ. Tuy nhiên khi ăn uống hoặc trò chuyện, vết loét sẽ bị kích thích dẫn đến cảm giác đau rát. Để giúp trẻ giảm các triệu chứng khó chịu, bố mẹ nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc như:
- Chườm lạnh: Chườm lạnh là biện pháp khá đơn giản và hiệu quả trong việc giảm sưng cùng với cảm giác đau rát do nhiệt miệng gây ra. Nếu vết loét bị tấy đỏ và đau nhiều, mẹ nên dùng một viên đá nhỏ đặt trực tiếp lên vết loét. Chỉ sau vài phút, cảm giác khó chịu, đau và sưng tấy sẽ thuyên giảm đáng kể. Trong trường hợp trẻ đau nhiều, nên thực hiện vài giờ mỗi lần trong khoảng vài ngày.
- Dùng mật ong: Để vết loét nhanh lành, mẹ có thể dùng mật ong nguyên chất thoa lên vết loét trên niêm mạc miệng. Hydrogen peroxide trong nguyên liệu này có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra, các chất dưỡng ẩm tự nhiên bên trong mật ong còn giúp đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét.
- Ngậm nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng làm dịu và sát trùng tốt. Sau bữa ăn, vết loét thường bị kích thích dẫn đến cảm giác đau rát và khó chịu. Lúc này, mẹ nên cho trẻ ngậm nước muối trong vài phút để giảm triệu chứng. Sau đó, súc miệng trong 15 – 30 giây để làm sạch khoang miệng. Áp dụng cách này vài lần/ ngày sẽ giúp vết loét nhanh phục hồi hơn.
Các cách trị nhiệt miệng tại nhà kể trên tương đối an toàn và dễ thực hiện. Với trường hợp vết loét nhỏ, các mẹo chữa này có thể giảm nhanh triệu chứng và rút ngắn thời gian làm lành vết loét. Ngoài ra, nếu trẻ hay bị nhiệt miệng và viêm nướu răng, mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ thói quen súc miệng bằng nước muối pha loãng.
2. Dùng thuốc khi cần thiết
Thông thường, vết loét do nhiệt miệng có thể tự thuyên giảm mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau rát nhiều và gặp không ít phiền toái khi sinh hoạt, mẹ có thể cho trẻ dùng một số loại thuốc sau:
- Thuốc bôi gây tê: Các loại thuốc bôi gây tê thường được dùng để giảm đau do nhiệt miệng và viêm nướu răng gây ra. Thành phần chính của nhóm thuốc này là hoạt chất Lidocain hoặc Benzocaine có tác dụng phong bế thần kinh, từ đó giảm cảm giác đau rát và khó chịu tại chỗ. Thuốc thường được dùng 2 – 3 lần/ ngày trong khoảng vài ngày.
- Nitrat bạc: Ngoài thuốc bôi gây tê, mẹ cũng có thể dùng thuốc bôi chứa Nitrat bạc cho trẻ bị nhiệt miệng. Loại thuốc này có tác dụng sát trùng, giảm đau và làm dịu niêm mạc. Sử dụng thuốc bôi chứa Nitrat bạc sẽ giúp vết loét nhanh lành hơn và tạo cảm giác thoải mái khi ăn uống, giao tiếp.
- Thuốc tạo màng ngăn: Môi trường ẩm ướt trong khoang miệng chính là nguyên nhân khiến cho vết loét chậm lành và đau rát nhiều. Để giảm đau và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét, mẹ có thể cho trẻ dùng một số loại thuốc tạo màng ngăn. Loại thuốc này được dùng ở dạng bôi, chỉ sau vài phút, thuốc sẽ tạo thành lớp màng ngăn bảo vệ vết loét. Thuốc tạo màng ngăn được khuyên dùng trước khi ăn khoảng 30 – 60 phút để tránh cảm giác đau rát, khó chịu khi ăn uống. Với sự hỗ trợ của loại thuốc này, vết loét sẽ lành hẳn chỉ sau một vài ngày.
- Một số loại thuốc khác: Ngoài những loại thuốc trên, mẹ cũng có thể cho trẻ dùng một số loại thuốc khác như corticoid dạng bôi, nước súc miệng/ gel bôi chứa Chlorhexidine, Paracetamol hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), kháng sinh dạng bôi hoặc uống,… Trẻ bị nhiệt miệng do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nên dùng thêm vitamin C, kẽm, vitamin PP,… để nâng cao sức đề kháng.
3. Chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng
Ngoài các phương pháp điều trị, mẹ cũng cần có biện pháp chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng để giúp vết loét nhanh lành và giảm sưng đau, khó chịu. Nếu có biện pháp chăm sóc hợp lý, vết loét thường sẽ lành hẳn chỉ sau vài ngày và ít gặp phải tình trạng đau rát, sưng nóng.
Các biện pháp chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng:
- Hạn chế dùng thức ăn cứng, khô và nhiều dầu mỡ, gia vị,… Thay vào đó, nên cho trẻ dùng thức ăn mềm, lỏng và nguội để tránh kích thích lên vết loét.
- Bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn uống để nâng cao sức khỏe. Qua đó giúp vết loét nhanh lành và hỗ trợ phòng ngừa nhiệt miệng tái phát.
- Khi trẻ bị nhiệt miệng, mẹ nên cho trẻ uống đủ nước để làm dịu vết loét và niêm mạc miệng. Nếu trẻ khó chịu khi uống nước lọc, có thể cho trẻ bổ sung nước bằng sữa bò, các loại nước ép từ rau củ tươi và sinh tố.
- Vết loét do nhiệt miệng có thể gây đau nhiều khi đánh răng nên trẻ thường lười vệ sinh răng miệng trong thời gian này. Vì vậy, mẹ cần chú ý đến vấn đề này và hướng dẫn trẻ chải răng, súc miệng hằng ngày để giữ vệ sinh khoang miệng. Có như vậy, vết loét mới có thể nhanh phục hồi và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.
- Dặn trẻ không được chạm tay và lưỡi vào vết loét. Bởi đây là điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong vết loét gây sưng đỏ và đau rát. Ngoài ra, thói quen này cũng khiến vết loét chậm lành hơn.
- Xem xét các sản phẩm chăm sóc răng miệng mà trẻ đang sử dụng. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiệt miệng do kích ứng với các sản phẩm này, nên chuyển sang dùng kem đánh răng và nước súc miệng có công thức an toàn, lành tính dành riêng cho trẻ nhỏ.
Phòng ngừa nhiệt miệng ở trẻ em bằng cách nào?
Nhiệt miệng là dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính và có thể tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tái phát nếu không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Tình trạng tái phát thường xuyên khiến trẻ gặp nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và chậm tăng cân do chán ăn.
Sau khi điều trị nhiệt miệng ở trẻ em, mẹ nên cho trẻ thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cần cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng bao gồm đạm, khoáng chất, vitamin, axit béo,… Chế độ ăn hợp lý sẽ giúp sức đề kháng của trẻ được cải thiện, từ đó giảm nguy cơ nhiệt miệng tái phát.
- Hạn chế tối đa tổn thương ở niêm mạc miệng bằng cách hướng dẫn trẻ ăn uống từ tốn, không dùng các loại thức ăn cứng, khô, không dùng miệng nhai, cắn đồ chơi và lựa chọn cho trẻ bàn chải mềm để tránh va chạm với niêm mạc miệng trong quá trình vệ sinh răng miệng.
- Khuyến khích trẻ vui chơi thể thao để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, nên cho trẻ tắm nắng để hấp thu vitamin D. Bên cạnh tác dụng cải thiện độ chắc khỏe cho xương khớp, vitamin D còn giúp nâng cao miễn dịch và góp phần vào công cuộc phòng ngừa nhiệt miệng tái phát.
- Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách 2 lần/ ngày và súc miệng với nước muối để làm sạch thức ăn thừa, từ đó ngăn ngừa mảng bám và vi khuẩn phát triển.
- Cho trẻ khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm để điều trị kịp thời các bệnh về răng miệng thường gặp.
Nhiệt miệng ở trẻ em là bệnh lành tính và thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bố mẹ đã biết cách chăm sóc và điều trị chứng bệnh này hiệu quả. Đồng thời chủ động hơn trong việc phòng ngừa cho trẻ các bệnh lý về răng miệng nói chung và nhiệt miệng nói riêng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị Nhiệt Miệng Có Gây Sốt Không? Cách Điều Trị Hiệu Quả
Nhiệt Miệng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Nhiệt Miệng Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Để Giảm Đau Và Nhanh Khỏi Bệnh?
Nhiệt Miệng Và Sùi Mào Gà: Cách Phân Biệt Cho Mọi Người
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!