Răng bị nứt gây khó chịu, ê buốt khi ăn uống và có thể để lại những hậu quả về lâu dài. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề “Răng bị nứt có tự lành được không?” và các biện pháp khắc phục tình trạng này hiệu quả.
Răng bị nứt có tự lành được không?
Răng được cấu tạo phần lớn từ khoáng chất nên rất cứng chắc và có khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên nếu có va chạm mạnh, răng có thể bị nứt. Tùy vào tác động của lực, vết nứt có thể có kích thước lớn hoặc nhỏ. Ngoài ra, những trường hợp răng sâu đã trám sẽ có khả năng bị nứt cao hơn do cấu trúc kém bền vững hơn so với răng khỏe mạnh hoàn toàn.
Khi răng bị nứt, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Đối với vết nứt sâu, răng thường có hiện tượng đau và ê buốt khi ăn uống – nhất là khi dùng thức ăn nóng, lạnh và có nhiều đường. Về lâu dài, men răng sẽ ngả màu đậm hơn khiến chiếc răng bị nứt tối màu so với các răng còn lại.
Răng bị nứt có tự lành không là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Không giống với những cơ quan thông thường, men răng không có tế bào sống nên hoàn toàn không thể tự hồi phục trong trường hợp bị nứt, mẻ hoặc bị sâu. Tất cả các sang thương trên răng đều không có khả năng hồi phục và bắt buộc phải can thiệp phương pháp điều trị.
Trong trường hợp răng bị nứt, bạn nên sắp xếp đến phòng khám trong thời gian sớm nhất để được điều trị kịp thời. Bởi vết nứt trên răng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian do tác động của lực trong quá trình ăn nhai.
Răng bị nứt có ảnh hưởng gì không?
Răng bị nứt là tình trạng khá phổ biến và thường xảy ra do va chạm mạnh. Ngoài ra, một số người có men răng yếu cũng có thể bị nứt răng do nhai đá lạnh và dùng các loại thực phẩm cứng, khô. Răng bị nứt là tình trạng cần được thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng, hậu quả về lâu dài.
Tùy mức độ của vết nứt, răng có thể bị ê buốt nhẹ cho đến nghiêm trọng khi dùng thức ăn nóng, lạnh và thực phẩm chứa nhiều đường. Đối với các vết nứt đi sâu xuống chân răng, răng sẽ bị đau nhức âm ỉ ngay cả khi không ăn uống.
Men răng ở vai trò bảo vệ răng khỏi sự xâm nhập của virus, vi khuẩn và các tác nhân có hại. Khi răng bị nứt, các hại khuẩn bên trong khoang miệng dễ dàng xâm nhập vào bên trong gây tổn thương ngà răng và tủy răng. Nếu không cải thiện tình trạng răng bị nứt nhanh chóng, bạn có thể phải đối mặt với một số biến chứng như viêm tủy răng, sâu răng, viêm nha chu, áp xe răng,…
Răng bị nứt kéo dài còn khiến chân răng yếu dần đi và có thể gây mất răng vĩnh viễn. Chính vì vậy, bạn nên chủ động thăm khám và điều trị ngay khi nhận thấy vết nứt xuất hiện trên bề mặt răng.
Cách khắc phục tình trạng răng bị nứt từ nhẹ đến nặng
Răng bị nứt nhẹ hay nặng đều không có khả năng tự hồi phục. Do đó, việc thăm khám và can thiệp điều trị trong trường hợp này là vô cùng cần thiết. Trước khi chỉ định phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ khám tổng quát, sau đó yêu cầu chụp X – Quang để xác định mức độ của vết nứt.
Các phương pháp khắc phục được áp dụng trong trường hợp răng bị nứt:
1. Trám răng – Cách cải thiện răng bị nứt nhẹ
Trám răng là thủ thuật nha khoa quen thuộc thường được áp dụng trong trường hợp sâu răng, răng nứt mẻ nhẹ, răng thưa,… Phương pháp này sử dụng chất liệu lỏng để bù lấp cho phần răng bị mất do sâu răng hoặc chấn thương, sau đó sử dụng ánh sáng để làm đông vật liệu và tăng độ kết dính với răng thật.
Trong trường hợp vết nứt nhẹ chỉ ảnh hưởng đến phần thân răng bên trên, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng để cải thiện. Trước khi trám, bác sĩ có thể yêu cầu cạo vôi răng để đảm bảo vết trám bám dính tốt. Sau đó tiến hành trám răng để che phủ vết nứt, đảm bảo răng ăn nhai tốt, không bị ê buốt và bảo vệ răng trước sự xâm nhập của vi khuẩn có hại.
Trám răng là thủ thuật nha khoa đơn giản và có thể hoàn tất chỉ sau một thời gian ngắn. Tùy vào vị trí của vết nứt, bác sĩ sẽ lựa chọn vật liệu phù hợp. Hiện nay, các nha khoa thường ưu tiên dùng composite – vật liệu bằng nhựa có màu sắc giống như răng thật và cho hiệu quả thẩm mỹ cao. Đối với trám răng, bạn cần kiểm tra miếng trám định kỳ và trám răng lại để đảm bảo miếng trám không bị bong tróc gây ảnh hưởng đến quá trình ăn uống.
2. Bọc răng sứ/ Dán sứ Veneer
Ngoài trám răng, dán sứ Veneer và bọc răng sứ cũng là hai phương pháp được xem xét trong trường hợp răng bị nứt. Dán sứ Veneer là phương pháp sử dụng mặt dán được làm bằng sứ để đắp lên răng thật. Phương pháp này thường được áp dụng cho nứt răng cửa và răng tiền hàm với điều kiện vết nứt không quá lớn.
Dán sứ Veneer sử dụng miếng dán khá mỏng nên không phải mài răng nhiều. Hơn nữa, miếng dán chỉ che bên ngoài răng nên không phải mài răng nhiều và quá trình thực hiện cũng không phức tạp như bọc răng sứ.
Trong trường hợp vết nứt lớn hơn hoặc xảy ra ở răng hàm, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ. Nếu dán sứ Veneer chỉ sử dụng mặt dán bên ngoài bề mặt răng thì bọc răng sứ dùng mão răng để chụp lên răng thật. Do đó, phương pháp này bắt buộc phải mài đi lớp men răng bên ngoài để có đủ không gian cho mão răng.
Bọc răng sứ giúp bảo vệ răng thật bên trong và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Ngoài hiệu quả khắc phục tình trạng răng bị nứt, phương pháp này còn có giúp phục hồi hình dáng, màu sắc của răng, hạn chế tình trạng răng mòn men và ê buốt do thói quen nghiến răng, dùng thức ăn chứa nhiều axit và chải răng quá mạnh.
3. Trồng răng Implant
Đối với những trường hợp vết nứt ảnh hưởng đến cả thân răng và chân răng, các phương pháp trên đều không mang lại hiệu quả. Trong trường hợp này, giải pháp tối ưu là nhổ bỏ răng và trồng răng Implant thay thế. Khi răng bị nhổ bỏ, cấu trúc hàm sẽ bị thay đổi và điều này ảnh hưởng đáng kể đến quá trình ăn uống. Sau khoảng 2 – 3 tháng mất răng, vùng xương hàm bên dưới sẽ có hiện tượng tiêu xương khiến các răng lân cận bị xô lệch và về lâu dài sẽ làm thay đổi cấu trúc khuôn mặt.
Trồng răng Implant là kỹ thuật phục hình răng phức tạp và hiện đại nhất. Phương pháp này sử dụng trụ Implant cấy vào bên trong xương hàm để thay thế cho chân răng thật. Sau đó, chờ trong 2 – 3 tháng đến khi có hiện tượng tích hợp xương thì phục hình mão răng sứ lên trên.
Răng Implant có hình dáng và cấu tạo tương tự như răng thật. Phương pháp này có thể phục hồi khoảng 95% khả năng ăn nhai và tuổi thọ kéo dài từ 20 – 25 năm hoặc hơn tùy vào cơ địa của mỗi người. So với làm cầu răng sứ và sử dụng hàm giả tháo lắp, trồng răng Implant có chi phí đắt đỏ hơn nhưng bù lại có thể phục hồi chức năng sinh lý của răng và ngăn ngừa được hiện tượng tiêu xương hàm.
4. Điều trị biến chứng
Răng bị nứt không được điều trị sớm sẽ gây ra khá nhiều biến chứng như sâu răng, viêm lợi (viêm nướu răng), áp xe răng,… Đối với những trường hợp đã phát sinh biến chứng, các bác sĩ sẽ điều trị biến chứng trước khi can thiệp phương pháp khắc phục tình trạng răng bị nứt, mẻ.
Các phương pháp điều trị biến chứng do răng bị nứt gây ra:
- Viêm tủy răng: Viêm tủy răng là biến chứng phổ biến nhất do răng bị nứt, mẻ gây ra. Tùy vào giai đoạn cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định che tủy bằng hydroxit canxi hoặc lấy tủy răng, sau đó hàn trám và phục hình. Trong trường hợp viêm tủy răng đang ở giai đoạn cấp, bạn sẽ phải sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh trong 5 – 7 ngày trước khi can thiệp các phương pháp kể trên.
- Sâu răng: Đối với trường hợp gặp biến chứng sâu răng, bác sĩ sẽ loại bỏ ổ sâu, sau đó sát trùng và tiến hành hàn răng để phục hình. Tuy nhiên với những trường hợp lỗ sâu lớn và răng bị nứt, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ để bảo vệ răng tốt hơn.
- Chích rạch áp xe: Trong trường hợp bị áp xe răng, bác sĩ sẽ chích rạch ổ mủ để tránh tình trạng áp xe vỡ khiến nhiễm trùng lan rộng. Sau khi làm sạch ổ mủ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để giảm đau và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Răng bị nứt không chỉ ảnh hưởng đến quá trình ăn uống mà còn gây ra nhiều biến chứng và hậu quả về lâu dài. Chính vì vậy, bạn nên thăm khám và điều trị sớm tình trạng này để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, nên tránh nhai đá lạnh, thức ăn cứng khô,… để giảm thiểu nguy cơ bị nứt, mẻ răng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Ung thư nướu răng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Răng lung lay làm sao để chắc lại?
Chuyên Gia Giải Đáp Đau Răng Uống Panadol Được Không?
Phẫu thuật hàm hô bao lâu thì lành, hết sưng? Mẹo giúp mau khỏi
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!