Răng mọc lộn xộn là tình trạng răng mọc sai vị trí, chen chúc khiến cho hàm răng mất đi sự cân đối và hài hòa. Tình trạng này thường xảy ra do di truyền, ảnh hưởng của một số thói quen xấu hoặc do mất răng sữa quá sớm.
Nhận biết răng mọc lộn xộn
Răng mọc lộn xộn là tình trạng các răng trên cung hàm mọc không đúng vị trí, có thể mọc chen chúc hoặc mọc cao hơn bình thường. Tình trạng này khiến cho hàm răng mất đi sự hài hòa và cân đối. Trường hợp răng mọc chen chúc nặng còn ảnh hưởng đến cấu trúc khuôn mặt và khẩu hình miệng khi giao tiếp.
Răng mọc lộn xộn là khuyết điểm khá phổ biến bên cạnh răng hô (vẩu), răng móm và răng thưa. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và ngoại hình. Hơn nữa, răng mọc sai vị trí, chen chúc và lộn xộn còn gây hở khớp cắn, tác động xấu đến việc nghiền nát thức ăn và thậm chí gây ra tình trạng nói ngọng, phát âm khó khăn.
Thức ăn cũng sẽ dễ bám vào những vị trí khuất, khó làm sạch dẫn đến hình thành nhiều mảng bám. Theo thời gian, mảng bám và cao răng tích tụ gây ra viêm nướu răng, sâu răng và viêm nha chu. Ngoài ra, răng mọc lộn xộn còn khiến lực trong quá trình ăn nhai không được phân bố đồng đều dẫn đến viêm khớp thái dương hàm và mòn men răng. Chính vì vậy, cải thiện tình trạng răng mọc lộn xộn trong thời gian sớm nhất là vấn đề hết sức cần thiết.
Các nguyên nhân khiến răng mọc lộn xộn, chen chúc
Răng mọc lộn xộn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, chủ yếu xảy ra do 5 nhóm nguyên nhân chính sau đây:
1. Di truyền
Tương tự như các khuyết điểm răng hàm mặt thường gặp, răng mọc lộn xộn cũng có thể xảy ra do di truyền (gen). Các đặc điểm của một cá thể đều được quy định bởi gen – vật chất lưu giữ thông tin di truyền từ cả bố và mẹ. Chính vì vậy, trẻ sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng răng mọc lộn xộn cao nếu cho bố hoặc mẹ gặp phải tình trạng này.
Trong một số trường hợp, cả bố và mẹ đều không gặp phải tình trạng răng mọc lộn xộn nhưng trẻ vẫn có thể gặp phải. Điều này xảy ra do một số gen tiềm ẩn được di truyền từ ông, bà. Ở bố mẹ, các gen này không thể hiện ra kiểu hình. Tuy nhiên, ở trẻ, các gen này có thể nổi trội hơn các gen còn lại dẫn đến việc răng mọc chen chúc, không cân đối và mất trật tự.
2. Mất răng sữa quá sớm
Mất răng sữa quá sớm cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng răng mọc lộn xộn. Mỗi răng sữa tương ứng với 1 răng vĩnh viễn. Khi răng sữa mất quá sớm, mầm răng vĩnh viễn ở bên dưới có thể bị tổn thương dưới tác động của lực ăn nhai và axit có trong đồ uống, thực phẩm. Hậu quả là răng vĩnh viễn có hiện tượng mọc chen chúc, lệch lạc và mọc sai vị trí.
3. Do các thói quen xấu
Răng có thể mọc lộn xộn nếu trẻ có các thói quen xấu trong giai đoạn thay răng. Các thói quen có thể khiến răng mọc lộn xộn và chen chúc bao gồm:
- Thường xuyên mút tay, đẩy lưỡi
- Ngậm núm vú giả liên tục trong thời gian dài
- Trẻ nghiến răng khi ngủ
- Chống cằm
- Dùng răng để cắn xé và cạy các vật cứng
- Dùng nhiều đồ uống, thực phẩm chứa axit, đường và tinh bột
4. Mắc các bệnh lý nha khoa trong thời gian thay răng
6 – 10 tuổi là giai đoạn trẻ thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Đây là giai đoạn cung hàm có đầy đủ 2 hệ răng (răng hỗn hợp) nên cần phải chú ý đến thói quen ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh răng miệng đúng cách. Trong trường hợp mắc các bệnh lý nha khoa khi đang thay răng, mầm răng vĩnh viễn có thể bị tổn thương dẫn đến tình trạng mọc chen chúc và lộn xộn.
5. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, răng mọc lộn xộn có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như:
- Xương hàm phát triển bất thường: Cấu tạo của xương hàm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mọc răng. Do đó, răng có thể mọc lộn xộn và sai vị trí do xương hàm phát triển bất thường (thường có liên quan đến thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, mắc các bệnh hệ thống, cơ xương khớp,…).
- Do khối u ở miệng hoặc hàm: Trong một số ít trường hợp, răng có thể mọc lộn xộn và chen chúc do có khối u ở xương hàm và miệng. Sự xuất hiện của khối u khiến các răng mọc chen chúc lên nhau gây ra tình trạng chen chúc và sai khớp cắn.
Ngoài những nguyên nhân trên, răng mọc lộn xộn cũng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân ít gặp hơn.
Răng mọc lộn xộn phải làm sao?
Như đã đề cập, tình trạng răng mọc lộn xộn, chen chúc không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây lệch khớp cắn và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa. Chính vì vậy, nên có biện pháp cải thiện sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Hiện tại, có 2 phương pháp chính để khắc phục tình trạng răng mọc lộn xộn là niềng răng (chỉnh nha) và bọc răng sứ. Tuy nhiên, một số trường hợp răng có nhiều khuyết điểm có thể phải kết hợp cả 2 phương pháp để đạt được kết quả tối ưu.
1. Niềng răng – chỉnh nha
Niềng răng (chỉnh nha) là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng mọc lộn xộn, khấp khểnh và chen chúc. Kỹ thuật này sử dụng khay niềng/ mắc cài để tạo ra lực siết hàm nhắm nắn chỉnh răng về đúng vị trí. Thông qua việc điều hướng răng, niềng răng có thể chỉnh khớp cắn và cải thiện sức khỏe răng miệng.
Các trường hợp răng mọc lộn xộn có mức độ nhẹ đến nặng đều có thể chỉnh nha. Ngoài tác dụng cải thiện răng chen chúc và mọc sai vị trí, phương pháp này còn giúp khắc phục tình trạng cười hở lợi và thay đổi một số đường nét trên khuôn mặt theo chiều hướng tích cực.
Niềng răng – chỉnh nha có nhiều phương pháp khác nhau. Tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính, bạn có thể lựa chọn một trong những phương pháp sau:
- Niềng răng mắc cài kim loại thường/ tự buộc
- Niềng răng mắc cài sứ thường/ tự buộc
- Niềng răng mắc cài pha lê
- Niềng răng mắc cài mặt trong
- Niềng răng không mắc cài (niềng răng trong suốt)
Niềng răng – chỉnh nha có thể khắc phục hầu hết các khuyết điểm của răng. Phương pháp này mang lại kết quả vĩnh viễn và không phải thực hiện lại như các kỹ thuật nha khoa khác. Tuy nhiên, hạn chế của niềng răng là chi phí khá cao và mất nhiều thời gian thực hiện (khoảng 1 – 3 năm).
Ngoài ra, niềng răng – chỉnh nha cũng không được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Viêm nha chu quá nặng khiến răng bị lung lay, lỏng lẻo
- Tiêu xương hàm
- Trường hợp đã cấy ghép Implant
- Có hơn 2 răng bọc sứ trên cung hàm
- Có nhiều răng chết tủy hoặc đã lấy tủy
- Người mắc các bệnh lý toàn thân như nhiễm HIV, ung thư, động kinh, tiểu đường, tim mạch, rối loạn đông máu,… cũng không có chỉ định niềng răng – chỉnh nha.
2. Bọc răng sứ
Ngoài niềng răng – chỉnh nha, răng mọc lộn xộn cũng có thể được cải thiện bằng kỹ thuật bọc răng sứ. Kỹ thuật này sử dụng mão sứ có hình dáng và kích thước tương tự như răng thật. Sau đó, dùng mão sứ chụp lên thân răng đã được mài nhỏ.
Bọc răng sứ được chỉ định trong nhiều trường hợp như răng nứt, mẻ, răng thưa, răng nhiễm màu, răng bị chết tủy, răng gãy chỉ còn chân, răng hô vẩu và mọc lộn xộn có mức độ nhẹ. Đối với trường hợp răng mọc lộn xộn, bác sĩ sẽ mài nhỏ cùi răng thật và điều chỉnh mão sứ sao cho sau khi phục hình, hàm răng sẽ trở nên đều và cân đối.
Đối với răng mọc lộn xộn, bọc răng sứ có chỉ định hạn chế hơn so với niềng răng – chỉnh nha. Phương pháp này chỉ được thực hiện nếu mức độ lộn xộn không đáng kể, toàn bộ răng trên cung hàm tương đối đồng đều.
Đặc biệt, bọc răng sứ rất phù hợp với những trường hợp răng mọc lộn xộn kèm theo hiện tượng ngả màu, mòn men răng, răng bị nứt, mẻ và chiều dài các răng không đồng đều. Hơn nữa, bọc răng sứ có thể hoàn thiện chỉ sau 3 – 4 buổi hẹn trong khi niềng răng mất từ 1 – 3 năm. Mão răng sứ được sử dụng trong kỹ thuật này được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về đặc điểm và giá thành của từng vật liệu để lựa chọn được mão răng phù hợp nhất.
3. Niềng răng + bọc răng sứ
Trong một số trường hợp, cần phải kết hợp niềng răng và bọc sứ để khắc phục tình trạng răng mọc lộn xộn một cách triệt để. Răng sau khi bọc sứ không thể chỉnh nha nên niềng răng sẽ được thực hiện trước.
Những trường hợp răng mọc lộn xộn cần niềng răng + bọc răng sứ:
- Răng mọc lộn xộn, sai vị trí, chen chúc dẫn đến lệch khớp cắn
- Đi kèm với tình trạng men răng ngả màu, nhiễm màu nặng, răng nứt mẻ, chiều dài các răng không đồng đều
Sau khi kết thúc quá trình niềng răng, bạn cần sử dụng hàm duy trì trong 6 – 12 tháng. Khi cấu trúc răng đã ổn định, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ để khắc phục các khuyết điểm còn lại.
Phòng ngừa răng mọc lộn xộn bằng cách nào?
Răng mọc lộn xộn ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, ngoại hình và chức năng ăn nhai. Ngoại trừ yếu tố di truyền, những trường hợp răng mọc chen chúc, lệch lạc do các nguyên nhân khác đều có thể phòng ngừa. Do đó, nên chủ động phòng ngừa răng mọc lộn xộn để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.
Các biện pháp có thể phòng ngừa răng mọc lộn xộn và chen chúc:
- Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ để hạn chế nguy cơ mất răng sữa sớm.
- Với trẻ có thói quen mút tay, đẩy lưỡi, nên sử dụng hàm trainer để bảo vệ răng và điều chỉnh các thói quen xấu. Nếu có thể, nên sử dụng hàm trainer trong suốt thời gian thay răng để đảm bảo răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí, không bị xô lệch và chen chúc.
- Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh nha khoa, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện/ phòng khám để được điều trị sớm. Tình trạng để kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và mầm răng vĩnh viễn ở bên dưới. Từ đó gia tăng nguy cơ răng mọc lệch lạc, chen chúc và khấp khểnh.
- Khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa, nên cho trẻ khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để được lấy vôi răng và phát hiện, điều trị sớm các vấn đề nha khoa.
- Nếu nhận thấy răng có dấu hiệu mọc lộn xộn, nên đến nha khoa để được bác sĩ khám và tư vấn các biện pháp xử lý từ sớm.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.
Răng mọc lộn xộn là tình trạng khá phổ biến. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với ngoại hình và thẩm mỹ, tình trạng này còn tác động xấu đến sức khỏe răng miệng và chức năng ăn nhai. Do đó nếu gặp phải tình trạng này, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Vì sao cần chụp X quang răng khôn? Khi nào nên chụp?
Chuyên Gia Giải Đáp Đau Răng Uống Panadol Được Không?
Răng Mọc Ngầm: Dấu hiệu và Các phương pháp xử lý tốt nhất
Sai lệch khớp cắn là gì? Phân loại và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!