Răng hàm là nhóm răng quan trọng với vai trò chính là nghiền nát thức ăn. Trẻ nhỏ chưa thay răng sẽ có 8 răng hàm nhưng khi thay răng hoàn chỉnh, mỗi người sẽ có từ 16 – 20 răng. Để hiểu rõ hơn về răng hàm, vị trí, cấu tạo, chức năng và cách chăm sóc khoa học, bạn đọc có thể tham khảo thông tin trong bài viết sau.
Răng hàm là gì? Vị trí của răng
Răng hàm là nhóm răng có số lượng nhiều nhất trong cung hàm. Đặc điểm của răng hàm là nằm ở sâu bên trong, răng có kích thước lớn và mặt nhai rộng để có thể dễ dàng nghiền nát thức ăn. Trẻ em chỉ có 8 răng hàm mọc vào giai đoạn từ 14 – 31 tháng, trong khi đó người lớn có đến 16 – 20 răng hàm.
Nếu gọi theo thứ tự, răng hàm sẽ bao gồm răng số 4, số 5 (ở trẻ em) và răng số 4 – số 8 (ở người lớn). Trong đó, răng số 6 và số 7 là hai vị trí giữ vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, răng số 6 và răng số 7 còn được gọi chung là răng cấm để thể hiện sự quan trọng đối với chức năng sinh lý của răng.
Răng số 6, 7 và 8 chỉ mọc duy nhất một lần trong giai đoạn từ 8 – 11 tuổi. Tuy nhiên, răng ở những vị trí này sẽ giữ vai trò ăn nhai trong suốt cả cuộc đời. Vì vậy, cần phải hiểu về chức năng, vai trò và các biện pháp chăm sóc để bảo vệ răng hàm tốt nhất.
Phân loại răng hàm
Răng hàm là nhóm răng quan trọng với chức năng chính là nhai và nghiền nát thức ăn. Dựa vào vị trí và hình thái, răng hàm được chia thành 2 nhóm nhỏ là răng hàm nhỏ và răng hàm lớn.
1. Răng hàm nhỏ (răng tiền hàm)
Răng hàm nhỏ là răng nằm ở vị trí số 4 và số 5. Đây là vị trí chuyển giao giữa răng nanh và răng hàm lớn. Mỗi hàm sẽ có tổng cộng 4 răng tiền hàm và người trưởng thành sẽ có tất cả 8 răng.
Đặc điểm của răng tiền hàm là kích thước lớn hơn răng nanh nhưng nhỏ hơn răng hàm. Thân răng khá lớn và có mặt nhai với kích thước vừa phải để hỗ trợ trong quá trình nghiền nát thức ăn. Răng tiền hàm thường sẽ có 1 – 2 chân răng tùy vào vị trí và yếu tố di truyền. Trên thực tế, răng hàm nhỏ có chức năng không quá quan trọng. Vì thế, bác sĩ sẽ thường lựa chọn nhổ răng số 4 hoặc 5 trong trường hợp cung hàm hẹp để có không gian cho các răng mọc thẳng và đều.
2. Răng hàm lớn
Răng hàm lớn bao gồm răng số 6, 7 và 8. Người trưởng thành sẽ có tổng cộng 12 răng hàm lớn và mỗi hàm có số lượng 6 răng. Tuy nhiên, có một số người không mọc răng số 8 (răng khôn) hoặc mọc nhưng không đủ 4 răng. Răng số 8 mọc ở giai đoạn trưởng thành (từ 17 – 25 tuổi) nên nguy cơ mọc lệch, mọc ngầm khá cao.
Răng số 8 có hình dáng tương tự như răng số 6, số 7 với chức năng chính là nghiền nát thức ăn. Tuy nhiên, do nằm khuất ở bên trong nên chức năng của răng khôn không rõ ràng. Vì vậy, những trường hợp không mọc răng số 8 vẫn có chức năng ăn nhai bình thường.
Răng số 6 và 7 giữ vai trò quan trọng trong chức năng sinh lý của răng. Răng có kích thước lớn, chân răng dao động từ 3 – 4 chân, mặt nhai rộng và có nhiều rãnh kẽ để thuận tiện cho việc nghiền nát thức ăn.
Việc phân chia răng hàm thành nhiều nhóm phần nào giúp mỗi người ý thức được chức năng và nhiệm vụ của từng nhóm. Trong đó, răng hàm lớn giữ vai trò quan trọng hơn và răng hàm nhỏ chỉ có vai trò hỗ trợ trong việc nghiền nát thức ăn, phát âm và giữ cho khuôn mặt được cân đối.
Cấu tạo và hình dáng của răng hàm
Nhìn chung, răng hàm có cấu tạo tương tự như các răng khác. Điểm khác biệt là răng hàm có kích thước lớn hơn và hình dáng đặc biệt để thuận lợi cho việc ăn nhai.
1. Hình dáng của răng hàm
Nếu như răng cửa và răng nanh có rìa cắn mảnh để thuận tiện cho việc cắn thức ăn thì răng hàm có mặt nhai lớn để có thể nghiền nát thức ăn một cách dễ dàng. So với các nhóm răng khác, răng hàm có hình dáng đặc biệt hơn:
- Thân răng bao gồm có 5 mặt (mặt nhai, mặt trong, mặt ngoài và hai mặt bên), điểm đặc biệt là tất cả các mặt đều có kích thước lớn.
- Mặt nhai có kích thước lớn nhất và có các rãnh, kẽ để dễ dàng nghiền nát thức ăn.
- Răng hàm có số lượng chân răng nhiều hơn các răng khác, trung bình từ 3 – 4 chân hoặc nhiều hơn tùy vào cơ địa của từng người. Chân răng cắm sâu xuống phía dưới xương ổ răng để răng có thể chịu được lực nhai lớn.
2. Cấu tạo răng hàm
Tương tự như các răng khác, răng hàm có cấu tạo 3 phần bao gồm men răng, ngà răng và tủy răng.
- Men răng: Men răng là lớp ngoài cùng của răng có đặc tính cứng chắc nhờ chứa đến 99% khoáng chất. Men răng giữ vai trò bảo vệ ngà răng, tủy răng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và tránh tình trạng nhạy cảm khi dùng thức ăn, đồ uống có nhiệt độ lạnh, nóng và chứa nhiều gia vị.
- Ngà răng: Ngà răng là thành phần có trọng lượng lớn nhất và nằm bên trong men răng. Ngà răng được cấu tạo bởi các chất vô cơ (70%), nước và chất hữu cơ (30%). Ngà răng cung cấp dưỡng chất để củng cố độ chắc khỏe của men răng và nuôi dưỡng răng chắc khỏe. Bên trong lớp ngà có nhiều mạch máu và dây thần kinh giữ vai trò thụ cảm cảm giác khi ăn nhai. Vì vậy, những người bị mòn men răng thường gặp phải tình trạng ê buốt khi ăn uống.
- Tủy răng: Khác hẳn với ngà răng và men răng, tủy răng có kết cấu lỏng lẻo với thành phần chính là tế bào bạch huyết, mạch máu và dây thần kinh. Nhiệm vụ của tủy răng là ngăn ngừa viêm nhiễm, bảo vệ răng khỏi các tác nhân nhiễm trùng và nuôi dưỡng ngà răng, men răng. Tủy răng dễ bị tổn thương nên được bao phủ và bảo vệ bởi ngà răng, men răng.
Răng hàm có thay không?
Ở trẻ nhỏ, bộ răng sữa sẽ có 2 răng hàm là răng số 4 và số 5. Tương tự như các răng sữa khác, 2 răng này cũng sẽ bị thay thế bởi răng vĩnh viễn trong giai đoạn từ 10 – 12 tuổi. Sau khi các răng này bị thay thế, răng số 6 và số 7 sẽ lần lượt mọc. Đến năm 17 – 25 tuổi, răng số 8 (răng khôn) sẽ mọc ở vị trí cuối cung hàm.
Như vậy, răng hàm sữa vẫn sẽ bị thay thế. Tuy nhiên, các răng số 6, 7 và 8 chỉ mọc duy nhất một lần. Nếu răng gặp phải vấn đề, bác sĩ sẽ ưu tiên các phương pháp bảo tồn răng. Trường hợp răng bị gãy hoặc phải nhổ bỏ bắt buộc phải phục hình để đảm bảo chức năng ăn nhai.
Các chức năng của răng hàm
Răng hàm là nhóm răng giữ vai trò quan trọng trong cung hàm. Trong đó, chức năng chính của nhóm răng này là nghiền nát thức ăn. Hiểu rõ chức năng của răng hàm sẽ giúp mỗi người ý thức được việc phải giữ gìn sức khỏe răng miệng và tập thói quen khám răng miệng định kỳ 1 lần/ năm.
Các chức năng chính của răng hàm:
1. Nghiền nát thức ăn
Răng hàm có hình dáng và vị trí thuận lợi để nghiền nát thức ăn. Răng có mặt nhai lớn và nhiều rãnh kẽ nên có thể dễ dàng nghiền nát thức ăn trước khi đưa vào thực quản, dạ dày. Hơn nữa, nhóm răng này nằm ở sâu bên trong cung hàm nên sau khi được nghiền nát, thức ăn sẽ dễ dàng đi xuống các cơ quan tiêu hóa để chuẩn bị cho quá trình chuyển hóa và hấp thu.
2. Tạo sự cân đối cho khuôn mặt
Ngoài chức năng ăn nhai, răng hàm còn có vai trò tạo sự cân đối cho khuôn mặt. Nhiều người cho rằng, răng hàm nằm ở bên trong nên không giữ chức năng thẩm mỹ như răng cửa và răng nanh. Tuy nhiên, sự hiện diện của răng hàm giúp hai bên má đầy đặn hơn, tránh tình trạng má hóp và khuôn mặt không cân đối.
3. Hỗ trợ việc phát âm
Quá trình phát âm là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lưỡi, răng và vòm họng. Trong đó, răng cửa giữ vai trò quan trọng hơn răng hàm. Tuy nhiên, răng tiền hàm và răng hàm lớn sẽ giúp âm phát ra rõ ràng và tăng độ cộng hưởng khi nói, hát.
Thực tế, tất cả các răng trên cung hàm đều giữ vai trò quan trọng đối với chức năng ăn nhai, thẩm mỹ và phát âm. Trong đó, mỗi nhóm răng sẽ có một chức năng thế mạnh. Nếu như răng cửa có vai trò chính là cắn thức ăn và tạo sự duyên dáng cho nụ cười thì răng hàm giữ nhiệm vụ nghiền nát thức ăn và tạo khuôn mặt cân đối, hài hòa.
Các vấn đề thường gặp ở răng hàm
So với răng cửa và răng nanh, răng hàm có nguy cơ gặp phải các vấn đề nha khoa cao hơn. Thứ nhất là do răng ở sâu bên trong cung hàm nên việc vệ sinh, làm sạch diễn ra khá khó khăn. Thứ 2 là vì răng có mặt nhai lớn và bề mặt có nhiều rãnh kẽ nên thức ăn dễ bám dính vào.
Vì những lý do trên, răng hàm dễ gặp phải các vấn đề như sau:
1. Mòn men răng
Mòn men răng là vấn đề thường gặp ở răng hàm. Nguyên nhân là do răng hàm phải thực hiện hoạt động ăn nhai mỗi ngày. Thói quen chỉ nhai một bên hàm, dùng thức ăn quá cứng và thực phẩm chứa nhiều axit sẽ khiến cho men răng bị bào mòn (chủ yếu là mòn mặt nhai).
Men răng có vai trò bảo vệ ngà răng và tủy răng, đồng thời giảm mức độ nhạy cảm khi dùng thức ăn nóng, lạnh, có vị chua và ngọt. Hiện tượng mòn men sẽ khiến cho ngà răng quá cảm và dễ bị ê buốt khi ăn uống. Thậm chí, những trường hợp mòn men nặng còn có thể bị buốt do hít thở không khí lạnh.
2. Sâu răng
Tất cả các răng trên cung hàm đều có thể bị sâu răng nhưng nguy cơ cao hơn ở các răng hàm, đặc biệt là răng số 6, 7 và 8. Vì răng có nhiều rãnh kẽ và nằm khuất ở bên trong nên thức ăn thừa dễ bám vào, tích tụ và phát triển thành vôi răng. Vôi răng chính là môi trường để vi khuẩn Streptococcus mutans phát triển và sản sinh axit làm hòa tan các mô cứng của răng.
Sâu răng là bệnh về răng miệng thường gặp nhất. Ban đầu, bệnh lý này không gây ra bất cứ triệu chứng nào mà chỉ biểu hiện qua các đốm màu nâu nhỏ trên bề mặt răng. Về lâu dài, men răng sẽ bị phá hủy khiến cho ngà răng trở nên nhạy cảm. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể phá hủy ngà răng, sau đó xâm nhập vào bên trong và gây viêm nhiễm tủy răng.
3. Răng hàm mọc lệch
Răng hàm mọc lệch là tình trạng khá phổ biến và xảy ra chủ yếu ở răng khôn. Như đã đề cập, răng khôn mọc ở giai đoạn trưởng thành (17 – 25 tuổi) nên thường không có đủ không gian để mọc thẳng như bình thường. Hơn nữa, lúc này xương hàm trở nên cứng chắc hơn nên răng có thể bị mọc ngầm, mọc nghiêng thay vì mọc thẳng như các răng khác.
Răng khôn mọc lệch là tình trạng rất phổ biến. Trong trường hợp này, giải pháp tốt nhất là nhổ bỏ răng. Bởi răng số 8 không giữ chức năng quan trọng và việc nhổ bỏ răng cũng không gây tiêu xương hàm hay làm giảm chức năng ăn nhai. Tuy nhiên, nếu răng số 4 – 7 mọc lệch, bác sĩ sẽ chỉ định niềng răng để nắn răng về đúng vị trí.
Các biện pháp chăm sóc răng hàm
Răng hàm giữ vai trò quan trọng đối với chức năng ăn nhai. Vì vậy, các vấn đề nha khoa xảy ra ở nhóm răng này sẽ gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và cơn đau nhức răng có thể ảnh hưởng đến công việc, học tập và giấc ngủ. Để bảo vệ răng hàm, bạn nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc sau:
- Chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày bằng kem đánh răng có chứa fluor (khoáng chất giúp củng cố độ chắc khỏe của men răng và ngăn ngừa sâu răng).
- Sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để có thể làm sạch răng miệng một cách hiệu quả. Nếu cần thiết, nên xem xét sử dụng máy tăm nước để dễ dàng loại bỏ thức ăn và mảng bám bên trong kẽ răng.
- Nhai đều 2 bên để tránh tình trạng mòn men răng và đau khớp thái dương.
- Hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống gây hại cho răng như thức ăn quá cứng, thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit.
- Bổ sung đầy đủ khoáng chất cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hợp lý.
- Thay đổi các thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng như hút thuốc lá, nghiến răng, dùng tăm xỉa răng, dùng răng cắn, xé bao bì và các vật cứng.
- Cạo vôi răng thường xuyên là biện pháp bảo vệ răng miệng hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thói quen đến nha khoa định ký 1 – 2 lần/ năm để được thăm khám và kịp thời điều trị các vấn đề nha khoa tiềm ẩn.
Răng hàm là nhóm răng có vai trò quan trọng. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về chức năng, cấu tạo, vị trí và biết cách chăm sóc nhóm răng hiệu quả, khoa học.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Con Người Có Bao Nhiêu Cái Răng: Kiến thức cần biết
Cách Để Mọc Răng Khểnh Tự Nhiên Tại Nhà Cực Đơn Giản
Cấu Trúc Hàm Răng Chuẩn: Lợi Ích Và Tiêu Chí Đánh Giá
Nướu răng là gì? Các vấn đề thường gặp và cách chăm sóc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!