Pha nước muối súc miệng là cách hỗ trợ ngăn ngừa sâu răng, giảm đau họng, sưng nướu,… an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, sai lầm mà nhiều người thường gặp là pha không đúng tỷ lệ khiến hiệu quả sát khuẩn giảm đi đáng kể.
Tự pha nước muối súc miệng có tốt không?
Tự pha nước muối súc miệng là cách chăm sóc răng miệng có nguồn gốc từ dân gian. Ngày nay, y học hiện đại cũng đã công nhận tác dụng sát khuẩn và giảm sưng viêm của nước muối. Chính vì vậy, bạn có thể tự pha nước muối súc miệng để hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện các bệnh về răng miệng thường gặp.
Thực tế, rất nhiều người có thói quen pha nước muối súc miệng nhưng chưa thực sự hiểu rõ về công dụng của biện pháp này. Súc miệng hằng ngày với nước muối pha loãng sẽ mang đến những lợi ích như sau:
- Ngăn vi khuẩn phát triển: Natri clorua trong nước muối có tác dụng hấp thu các phân tử nước khiến cho vi khuẩn trong khoang miệng không có môi trường để phát triển. Đây cũng là lý do nước muối thường được dùng để rửa vết thương, súc miệng và súc họng.
- Giảm hôi miệng: Vi khuẩn trong khoang miệng có thể phát triển tạo ra khí sulfur. Loại khí này có khả năng bay hơi tạo ra mùi hôi khó chịu trong hơi thở. Với tác dụng sát trùng và kháng khuẩn, súc miệng với nước muối giúp giảm tình trạng hôi miệng rõ rệt.
- Hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa các bệnh nha khoa: Các bệnh lý nha khoa thường phát triển khi vi khuẩn phát triển quá mức. Do đó, tập thói quen súc miệng với nước muối hằng ngày có thể hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị sâu răng, viêm nướu răng (viêm lợi), viêm nha chu, viêm tủy răng,…
- Phòng ngừa các bệnh hô hấp trên: Họng là “cửa ngỏ” dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập. Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh hô hấp trên, bạn có thể súc họng 1 – 2 lần/ ngày – nhất là sau mỗi lần ra ngoài. Nước muối có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn nên có thể làm giảm khả năng lây nhiễm.
Pha nước muối loãng súc miệng mỗi ngày mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng. Do đó, bạn có thể tự pha nước muối tại nhà nếu dễ bị kích ứng với các sản phẩm súc miệng.
Hướng dẫn pha nước muối súc miệng tại nhà đúng cách
Pha nước muối súc miệng có cách thực hiện khá đơn giản nhưng điều quan trọng là phải pha với nồng độ sao cho hợp lý. Nhiều người có thói quen pha nhiều muối để tăng khả năng sát khuẩn. Tuy nhiên, pha nước muối quá mặn có thể gây tổn thương men răng và kích ứng niêm mạc miệng.
Hướng dẫn pha nước muối súc miệng tại nhà đúng cách:
- Chuẩn bị 9g muối và 1 lít nước đun sôi để nguội (có thể tăng liều lượng nhưng phải đảm bảo tỷ lệ muối và nước là 9:1)
- Hòa tan muối với nước
- Bảo quản trong chai dùng dần
- Mỗi lần sử dụng khoảng 30 – 40ml súc miệng sau khi chải răng. Ngoài ra, bạn cũng có thể súc họng bằng nước muối pha loãng để giảm đau họng, tiêu đờm và cải thiện tình trạng ho do các bệnh viêm đường hô hấp.
- Sau khi súc miệng bằng nước muối, không nhất thiết phải súc miệng lại với nước sạch.
- Nên tập thói quen súc miệng, súc họng bằng nước muối 2 lần/ ngày – đặc biệt là vào thời điểm giao mùa và dịch bệnh bùng phát.
Nếu không có nhiều thời gian, bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lý để súc miệng. Nước muối sinh lý cũng có tác dụng sát khuẩn nhưng có thêm hiệu quả làm dịu. Do đó, nếu nướu răng bị sưng do mọc răng khôn, cổ họng đau rát và kích ứng, bạn nên dùng nước muối sinh lý thay vì tự pha nước muối tại nhà.
Một số lưu ý khi dùng nước muối súc miệng
Thói quen súc miệng bằng nước muối mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, đây chỉ cách để ngăn vi khuẩn phát triển và hỗ trợ phòng ngừa, điều trị một số vấn đề sức khỏe. Do đó, nên tránh tình trạng phụ thuộc quá mức và cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
- Nên pha nước muối súc miệng theo đúng nồng độ. Tránh tình trạng pha quá nhiều hoặc quá ít muối khiến nướu bị kích ứng, men răng bị tổn thương,…
- Chỉ nên súc miệng bằng nước muối tối đa 2 lần/ ngày. Nếu bị đau và viêm họng, bạn có thể súc họng nhiều lần để giảm đau, kháng viêm và tiêu đờm. Tuy nhiên, cần tránh để nước muối tiếp xúc quá lâu với răng do Natri clorua sẽ hút phân tử nước khiến cho men răng bị mòn và dễ ê buốt.
- Súc miệng với nước muối chỉ có thể hỗ trợ ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Vì vậy, bạn cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng khác như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng chỉ nha khoa (hoặc máy tăm nước),… Ngoài ra, cần đến nha khoa lấy vôi răng ít nhất 1 lần/ năm để phòng ngừa các vấn đề nha khoa.
Pha nước muối súc miệng đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng, hỗ trợ ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng, đau họng,… Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế các dung dịch súc miệng sát khuẩn. Vì vậy, bạn vẫn cần kết hợp với vệ sinh răng miệng và khám nha khoa định kỳ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Lá Gì Chữa Sâu Răng? 5 Loại lá cây trị sâu răng hiệu quả
Cách chữa sâu răng bằng lá tía tô có hiệu quả không?
Các Giai Đoạn Phát Triển Của Sâu Răng: Cách xác định và điều trị
Cách Ngâm Rượu Cau Chữa Sâu Răng, Đau Răng Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!