Đau răng hàm nổi hạch là phản ứng thông thường của hệ miễn dịch khi mọc răng, chấn thương và viêm nhiễm. Nổi hạch thường sẽ tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, đau nhức răng là tình trạng cần phải được điều trị để tránh nặng dần theo thời gian.
Đau răng hàm nổi hạch – Do đâu?
Đau răng hàm có thể xảy ra ở hàm dưới hoặc hàm trên do nhiều nguyên nhân như thức ăn giắt vào kẽ, ảnh hưởng của các bệnh nha khoa, mọc răng khôn, nghiến răng khi ngủ,… Trên thực tế, răng hàm có nguy cơ bị đau nhức cao hơn các răng khác do cấu tạo đặc biệt có nhiều rãnh kẽ, mặt nhai rộng và nằm ở vị trí khuất, khó làm sạch.
Đau răng hàm có thể đi kèm với hiện tượng sưng má, sốt, hôi miệng và nổi hạch. Hạch (hạch bạch huyết) là hệ thống miễn dịch có mặt tại tất cả các cơ quan trong cơ thể. Bên trong hạch có chứa một số lượng vừa phải các tế bào bạch cầu – tế bào máu có tác dụng kiểm soát, tiêu diệt virus, vi khuẩn và nấm men.
Khi cơ thể bị viêm nhiễm hoặc chấn thương, tế bào bạch cầu sẽ di chuyển và tập hợp về cơ quan bị tổn thương để bảo vệ cơ thể và chống lại các yếu tố có hại (áp lực, virus, nấm, vi khuẩn). Chính vì vậy, hạch ở cổ dưới góc hàm có thể bị sưng trong thời gian đau nhức răng.
Hạch thường có hình tròn, nổi cộm so với bề mặt da, có khả năng di động và ấn vào thường có cảm giác đau, cứng chắc. Đau răng hàm nổi hạch có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Mọc răng khôn – đặc biệt là những trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, mọc chen chúc
- Sâu răng ăn vào tủy, viêm tủy răng cấp
- Viêm nha chu cấp
- Áp xe răng
- Chấn thương
- Phản ứng sau khi nhổ răng khôn và sau khi thực hiện một số thủ thuật nha khoa như lấy tủy răng, bọc răng sứ, cạo vôi răng,…
Đau răng hàm nổi hạch thường xảy ra do các bệnh viêm nhiễm răng miệng, chấn thương và mọc răng. Các nguyên nhân thông thường như ăn uống và sinh hoạt không hợp lý rất ít khi gây đau nhức răng kèm sốt hay nổi hạch.
Bị đau răng hàm nổi hạch có nguy hiểm không?
Nổi hạch thực chất là biểu hiện cho thấy các tế bào bạch cầu đang hoạt động để bảo vệ cơ thể và chống lại những tác nhân có hại như áp lực, virus, nấm men, vi khuẩn,… Chính vì vậy, tình trạng này thường không đáng lo ngại và có thể thuyên giảm sau vài ngày nếu chăm sóc đúng cách.
Đau răng hàm kèm nổi hạch thường đi kèm với tình trạng sưng, phù nề mô nướu, chảy máu chân răng, sốt và hôi miệng. Các triệu chứng này gây ra nhiều phiền toái trong quá trình ăn uống, sinh hoạt và tác động không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, đau nhức răng hàm nổi hạch còn có thể làm giảm hiệu quả lao động và học tập.
Nổi hạch không phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng đau nhức răng là tình trạng cần phải được xử lý sớm. Nhức răng cảnh báo răng và tổ chức nha chu bị tổn thương do nhiều nguyên nhân (mọc răng, chấn thương, ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa,…).
Trong trường hợp chấn thương nhẹ và răng khôn mọc thẳng, tình trạng đau nhức răng và nổi hạch có thể thuyên giảm sau một vài ngày mà không cần điều trị. Ngược lại nếu xảy ra do ảnh hưởng của các vấn đề nha khoa khác, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không xử lý kịp thời.
Các phương pháp điều trị đau răng hàm nổi hạch
Đau răng hàm nổi hạch là dấu hiệu của các bệnh viêm nhiễm răng miệng, chấn thương, do mọc răng, phản ứng sau khi nhổ răng và thực hiện các thủ thuật nha khoa. Để có biện pháp điều trị hợp lý, bạn nên xác định nguyên nhân chính xác mà mình gặp phải.
Các biện pháp chăm sóc, điều trị đau răng hàm nổi hạch an toàn, hiệu quả:
1. Các biện pháp cải thiện tại nhà
Các biện pháp cải thiện tại nhà có thể giảm phần nào cơn đau cùng với một số triệu chứng đi kèm như sốt, nổi hạch góc hàm, nướu sưng viêm, phù nề, hôi miệng,… Nếu xảy ra do các nguyên nhân thông thường, tình trạng đau răng hàm nổi hạch có thể được kiểm soát thông qua các mẹo đơn giản này.
Các biện pháp giảm đau răng hàm nổi hạch ngay tại nhà:
- Ngậm nước muối pha loãng: Nước muối pha loãng có tác dụng sát trùng, tiêu viêm và giảm đau. Tận dụng nước muối ấm ngậm và súc miệng có thể cải thiện phần nào tình trạng nhức răng. Biện pháp này có hiệu quả với đau nhức răng do nhiều nguyên nhân khác nhau như mọc răng, áp xe răng, viêm tủy răng,… Tuy nhiên, bạn nên tránh súc miệng nếu vừa mới nhổ răng khôn (do nguy cơ chảy máu kéo dài).
- Chườm đá: Ngậm nước muối ấm chỉ có hiệu quả giảm đau và sưng ở mô nướu. Nếu cần thiết, bạn có thể chườm đá để giảm tình trạng sưng hạch và má do mọc răng khôn, viêm tủy răng,… Chườm đá từ 10 – 20 phút giúp giảm hiện tượng nổi hạch và đau nhức răng hàm nhanh chóng.
- Dùng nguyên liệu tự nhiên: Bạn có thể sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn như hành tây, tỏi, lá bạc hà, lá trầu không, dầu dừa, nha đam,… để giảm đau răng hàm nổi hạch. Ngoài ra, tinh dầu tự nhiên từ các thảo dược này còn giúp giảm tình trạng hôi miệng và mang lại hơi thở thơm mát.
Các biện pháp tại nhà có thể giảm phần nào tình trạng đau nhức răng, răng ê buốt và hôi miệng. Tuy nhiên nếu cơn đau xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa, bạn nên kết hợp thêm với một số phương pháp điều trị để kiểm soát tình trạng triệt để, hạn chế nguy cơ bệnh tái phát và tiến triển mãn tính.
2. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng là biện pháp quan trọng trong quá trình điều trị các vấn đề nha khoa. Bởi khoang miệng là nơi trú ngụ của hơn 50 tỷ vi khuẩn. Nếu không làm sạch đúng cách, hại khuẩn có thể sinh sôi, phát triển gây tổn thương răng và tổ chức nha chu.
Ngoài các biện pháp cải thiện tại nhà, bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách theo hướng dẫn sau:
- Lựa chọn bàn chải phù hợp với độ tuổi, lông chải mảnh và mềm để làm sạch mảng bám, thức ăn hiệu quả. Đồng thời làm giảm áp lực lên mô nướu và men răng. Ngoài ra, cần thay bàn chải định kỳ 3 tháng/ lần hoặc bất cứ khi nào lông bài chải bị sờn, cong.
- Chải răng sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám tích tụ. Khi chải răng, nên thao tác theo đường dọc để tăng hiệu quả làm sạch và giảm áp lực lên nướu, răng. Bên cạnh đó, nên chú ý làm sạch răng hàm – đặc biệt là răng số 7 và số 8.
- Sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm tre. Chỉ nha khoa có kích thước mảnh, dễ len lỏi vào bên trong kẽ răng nên có hiệu quả làm sạch mảng bám và thức ăn thừa tốt.
- Cuối cùng, cần súc miệng với nước muối pha loãng để làm sạch hại khuẩn trong khoang miệng. Ngoài nước muối, bạn cũng có thể dùng dung dịch súc miệng sát khuẩn chứa bạc hà, tinh dầu tràm, hoạt chất Hydrogen peroxide, Chlorhexidine, Hexetidine,…
- Nếu không thể chải răng do dùng bữa ở ngoài, bạn có thể làm sạch răng bằng cách dùng kẹo cao su không đường và sử dụng một số loại thực phẩm chứa axit nhẹ như táo, dâu tây, mía, sữa chua,… Ngoài ra, bạn nên mang theo chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Vệ sinh răng miệng đúng cách không giảm đau nhức răng trực tiếp. Tuy nhiên, biện pháp này giúp hạn chế số lượng vi khuẩn có hại, qua đó giảm hiện tượng viêm nhiễm ở nướu, răng và cải thiện tình trạng răng hàm đau nhức nổi hạch hiệu quả.
3. Điều trị y tế khi cần thiết
Đau răng hàm nổi hạch có thể xảy ra do mọc răng khôn, chấn thương, phản ứng thông thường sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa, dấu hiệu của một số bệnh nha khoa,… Nếu cơn đau không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà hoặc có dấu hiệu tái phát sau một thời gian ngắn, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
Sau khi xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị như:
- Dùng thuốc: Để giảm nhanh cơn đau, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh và một số loại thuốc dạng bôi. Thuốc thường được dùng ngắn hạn trong khoảng 3 – 7 ngày để hạn chế rủi ro và tác dụng phụ.
- Cắt lợi trùm: Nếu đau răng hàm nổi hạch do mọc răng khôn (răng khôn mọc thẳng), bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần lợi trùm lên răng. Qua đó tạo điều kiện cho răng khôn mọc thẳng và phát triển một cách bình thường. Những trường hợp răng mọc ngầm và chen chúc thường có chỉ định nhổ bỏ để tránh biến chứng về sau.
- Chích rạch áp xe: Áp xe răng không được điều trị sớm có thể gây vỡ mủ dẫn đến nhiều hệ lụy và biến chứng nghiêm trọng. Do đó trước khi can thiệp các phương pháp chuyên sâu, bác sĩ sẽ chích rạch ổ mủ và sát khuẩn tại chỗ. Sau khi tình trạng viêm nhiễm được kiểm soát, bạn cần phải can thiệp thêm một số phương pháp để khắc phục nguyên nhân gây áp xe răng.
- Điều trị nội nha: Điều trị nội nha (lấy tủy răng) được áp dụng trong trường hợp răng hàm nổi hạch do viêm tủy răng và sâu răng ăn vào tủy. Trong thủ thuật này, phần tủy răng bị viêm nhiễm sẽ được làm sạch và sát khuẩn trước khi trám bít. Răng bị lấy tủy dễ bị giòn, tổn thương và có tuổi thọ thấp nên bạn có thể cân nhắc bọc răng sứ nếu cần thiết.
- Điều trị viêm nha chu: Viêm nha chu hiếm khi gây đau răng hàm kèm theo nổi hạch. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể bùng phát cấp trong một vài ngày dẫn đến phù nề nướu, chảy máu và nổi hạch góc hàm. Sau khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương của mô nha chu để chỉ định phương pháp phù hợp như cạo vôi răng + xử lý mặt gốc răng, nạo túi nha chu, cố định răng, ghép nướu, ghép xương,…
Các phương pháp y tế có thể kiểm soát đau răng hàm nổi hạch dứt điểm. Tuy nhiên để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, bạn nên kết hợp với các biện pháp vệ sinh răng miệng hợp lý. Ngoài ra, có thể áp dụng đồng thời với các mẹo giảm đau tại nhà để hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc.
Phòng ngừa đau răng hàm nổi hạch
Đau răng hàm nổi hạch là tình trạng khá phổ biến và thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu không được khắc phục sớm, tình trạng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy sau khi điều trị, nên có những biện pháp phòng ngừa tình trạng tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa đau răng hàm nổi hạch tái phát:
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa. Nếu cần thiết, có thể dùng các loại gel bôi chứa fluor để tăng cường sức khỏe nướu và men răng.
- Không dùng thức ăn cứng, khô, dai và khó nhai nuốt. Răng hàm là răng chịu áp lực lớn trong quá trình ăn nhai. Do đó, thói quen dùng món ăn cứng, dai có thể khiến răng bị tổn thương và mòn men dần theo thời gian.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D và các loại vitamin cần thiết khác để tăng cường sức khỏe răng miệng. Đặc biệt nên ưu tiên các món ăn có kết cấu mềm lỏng và nhiều chất xơ để hạn chế áp lực lên răng hàm, đồng thời giảm hình thành mảng bám và cao răng.
- Không dùng đồ uống chứa cồn và nên thay đổi thói quen hút thuốc lá. Các thói quen này đều có thể gây khô miệng – yếu tố làm gia tăng các vấn đề nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu,…
- Nếu nhận thấy răng khôn mọc lệch ngay cả khi không gây đau, nên đến phòng khám nhổ bỏ sớm. Răng mọc lệch, mọc ngầm sẽ tạo ra khe hở để thức ăn và mảng bám tích tụ gây viêm nhiễm mô lợi và các cơ quan xung quanh.
- Nên cạo vôi răng 1 – 2 lần/ năm và khám răng miệng định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn.
- Chủ động thăm khám nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở răng miệng. Hầu hết những trường hợp điều trị sớm đều có đáp ứng tốt, ít gặp phải biến chứng và ảnh hưởng nặng nề. Ngược lại nếu chủ quan, các bệnh nha khoa có thể tiến triển nghiêm trọng gây đau nhức răng nhiều kèm theo sưng hạch, sốt,…
Đau răng hàm nổi hạch là phản ứng thường gặp có thể xảy ra do chấn thương, viêm nhiễm, sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa, mọc răng,… Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn về nguyên nhân, cách chăm sóc và điều trị hiệu quả. Ngoài ra, nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa đau răng và các bệnh lý nha khoa tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Đau Răng Ăn Thịt Trâu Được Không? Vì Sao Nên Kiêng?
Bị đau răng sau khi bọc răng sứ: Nguyên nhân và cách khắc phục
10 Món Ăn Mềm Tốt Cho Người Bị Đau Răng Hỗ Trợ Giảm Đau
Đau răng vào ban đêm: Nguyên nhân và cách giảm đau hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!