Các thủ thuật xâm lấn không được khuyến cáo thực hiện trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, không ít người rơi vào tình huống không biết có thai nên đã đi nhổ răng khôn. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn đọc nên tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết để biết cách xử lý.
Không biết có thai đi nhổ răng khôn có sao không?
Nhổ răng khôn là thủ thuật nha khoa khá đơn giản. Tuy nhiên, răng số 8 thuộc nhóm răng hàm nên chân răng cắm sâu vào bên trong xương hàm. Do đó, khi nhổ răng khôn, bác sĩ phải cắt nướu và sử dụng máy siêu âm để cắt đứt dây chằng nha chu mới có thể loại bỏ răng dễ dàng.
Mặc dù quy trình nhổ răng khôn không quá phức tạp nhưng do mức độ xâm lấn sâu nên thủ thuật này không được chỉ định cho phụ nữ mang thai – đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, không ít người rơi vào tình huống không biết có thai nên đã đi nhổ răng khôn. Sau đó, mới vô tình phát hiện mang thai do trễ kinh nguyệt.
Trong trường hợp này, nhổ răng khôn đã xảy ra vào 3 tháng đầu thai kỳ. Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm vì phôi thai chưa ổn định và nhiều khả năng thai nhi sẽ phải đối mặt với dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng của thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh, tia X trong kỹ thuật chụp X quang,…
Hiện tại, lượng tia X được sử dụng khi chụp X quang răng hàm mặt đã thấp hơn so với trước đây rất nhiều. Do đó, nếu chụp X quang ở những cơ sở đảm bảo và có mặc thiết bị bảo hộ, bạn không nên quá lo lắng. Với những loại thuốc sử dụng sau khi nhổ răng, thuốc giảm đau Paracetamol và kháng sinh cephalosporin được xem là an toàn trong thai kỳ. Nếu được chỉ định dùng những loại thuốc này, bạn có thể an tâm phần nào.
Tuy nhiên, trong trường hợp được chỉ định những nhóm thuốc khác, bạn nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa trong thời gian sớm nhất để được tư vấn hướng xử trí. Nếu nhận thấy bạn đã sử dụng những nhóm thuốc có khả năng gây dị tật thai nhi cao, bác sĩ có thể chỉ định dừng thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ. Ngược lại, những trường hợp có nguy cơ thấp sẽ được theo dõi và tư vấn cách xử trí, khắc phục phù hợp.
Cách xử lý nếu lỡ nhổ răng khôn khi đang mang thai
Hiện nay, các bệnh viện và phòng khám nha khoa uy tín luôn ưu tiên dùng thuốc an toàn cho cả phụ nữ mang thai sau khi nhổ răng để hạn chế những tình huống đáng tiếc. Do đó, nếu chẳng may phát hiện mang thai sau khi nhổ răng khôn, bạn cũng không nên quá lo lắng. Dưới đây là những cách bạn có thể áp dụng để giảm thiểu ảnh hưởng lên sức khỏe thai nhi và bản thân.
1. Thăm khám sớm nhất có thể
Ngay khi phát hiện đã nhổ răng khôn trong thời gian mang thai, bạn nên đến bệnh viện Sản phụ khoa sớm nhất có thể. Khi đến, nên mang theo đơn thuốc để bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ từ các loại thuốc được chỉ định. Nếu thuốc có nguy cơ gây dị tật thai nhi, bác sĩ sẽ yêu cầu ngưng uống thuốc và thay thế bằng các loại thuốc an toàn hơn (có thể là thuốc uống hoặc thuốc tiêm).
Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc – đặc biệt là kháng sinh vì có thể gây nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu. Nếu chưa kịp thời đến bệnh viện, bạn nên ra nhà thuốc để dược sĩ tư vấn loại thuốc khác an toàn hơn nếu cần thiết.
Khi mới mang thai, siêu âm chưa thể phát hiện những bất thường ở thai nhi. Do đó, bước đầu tiên bác sĩ thực hiện là thay đổi loại thuốc an toàn với phụ nữ mang thai. Sau đó, bác sĩ sẽ hẹn lịch khám vào tuần thứ 12 để sàng lọc nguy cơ dị tật bẩm sinh.
2. Theo dõi thai kỳ
Trong trường hợp không biết có thai nên đã đi nhổ răng khôn, bạn cần theo dõi thai kỳ nghiêm ngặt so với những mẹ bầu khác. Khám thai định kỳ và can thiệp một số kỹ thuật sàng lọc để phát hiện sớm những dị tật ở thai nhi. Điều này sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng đối với sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu.
3. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu rất dễ mắc các bệnh răng miệng do sự thay đổi của hormone. Nếu không chú ý, mẹ bầu có thể bị chảy máu chân răng, sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… trong thời gian này. Những bệnh lý nha khoa không chỉ gây phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Khi mắc các bệnh răng miệng, prostaglandin – chất trung gian trong phản ứng gây viêm sẽ tăng lên đáng kể. Chất này tạo ra phản ứng viêm, sưng gây đau nhằm bảo vệ răng và nướu răng bị tổn thương. Tuy nhiên, nồng độ prostaglandin tăng lên có thể gây co thắt tử cung dẫn đến sảy thai và sinh non. Do đó, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý vệ sinh răng miệng trong thời gian mang thai.
Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho phụ nữ mang thai:
- Sử dụng bàn chải có lông mềm, mảnh để dễ dàng vệ sinh răng miệng. Mẹ bầu cũng cần chú ý chải răng đúng cách theo chiều dọc để làm sạch răng miệng hiệu quả. Trong thời gian mang thai, nên chải răng 3 lần/ ngày sau khi ăn khoảng 30 phút và trước khi đi ngủ.
- Sử dụng máy tăm nước để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám ở kẽ răng. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Tuy nhiên, dùng chỉ nha khoa có thể gây chảy máu chân răng và tổn thương men răng.
- Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, mẹ bầu nên sử dụng nước súc miệng sát khuẩn để hạn chế tích tụ mảng bám và cao răng. Nếu dễ bị kích ứng với các sản phẩm nước súc miệng, mẹ bầu có thể thay thế bằng nước muối pha loãng.
- Hạn chế dùng thức ăn chứa nhiều đường và axit như nước ngọt có gas, chè, bánh ngọt,… trong thời gian mang thai. Những món ăn, thức uống này không chỉ làm gia tăng mảng bám và cao răng mà còn gây tiểu đường thai kỳ.
- Trong thời gian mang thai, nên khám răng định kỳ 3 tháng/ lần để kịp thời xử trí khi có vấn đề phát sinh.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã biết cách xử lý khi rơi vào tình huống không biết có thai nên đã đi nhổ răng khôn. Với những người đang có dự định có con, nên khám nha khoa để xử lý sớm các vấn đề răng miệng trước khi mang thai.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nhổ Răng Ăn Thịt Gà Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp
12 Tuổi Nhổ Răng Có Mọc Lại Không? Chuyên gia giải đáp
Răng Khôn Hàm Trên Mọc Lệch Ra Má nguy hiểm không? Nên làm gì?
Răng Khôn Mọc Ngầm Trong Xương có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!